Thư 89A

Download và xem thư gốc tại đây 89A

Nghệ An, 4/5/2017

Chiều, buồn quá, điện cho chị Sáu, nghe tin bà ngoại Quỳnh, Yến qua đời. Ngậm ngùi quá. Thêm một người mẹ về với tổ tiên sau khi hoàn thành sứ mạng sinh dưỡng những đứa con tốt cho đời. Cầu chúc hương hồn bác thênh thang Cõi Phật, tiếp tục sưởi ấm lòng con cháu.

An, Tân thương! Chẳng có lời chia buồn nào giúp vơi được nỗi đau lúc này. Nhưng sự đồng cảm có thể chia sẻ được sự mất mát. Anh tin mình đang có sự đồng cảm ấy cùng tụi em. Cố lên nha. Không lâu đâu, mình sẽ thấy mẹ như luôn quanh mình.

Bé Quỳnh, bé Yến dễ thương của bác Tám ơi! Mất ngoại buồn lắm phải hôn? Nhất là bà ngoại của tụi con nữa. Bác Tám hiểu được nỗi buồn sâu thẳm đó. Nhưng hãy cố lên nhá! Tụi con sống tốt thì bà sẽ luôn an lòng ở Thiên đàng nhe hôn.

5/5

Đang phổ nhạc bài thơ Má Tôi viết hồi má mất. Cảm xúc ngày đó lại tràn về, có những điều giống với cảm xúc ngày hôm qua sau khi nghe tin mẹ An qua đời. Viết tới một số đoạn nhạc, không cầm được nước mắt.

8/5

Cả nhà ơi! Xong bài hát “Má Tôi 89B” rồi, kịp trước Ngày của Mẹ 14/5 năm nay. Xin dâng tặng má của con, Kính tặng tất cả những người mẹ của đại gia đình chúng ta – những bà ngoại, bà nội của các con cháu, những người mẹ Việt Nam. Có ai khóc thì đừng trách tác giả nha. Hẳn ai cũng tìm thấy cảm xúc của mình trong bài hát này.

Ba kính thương. Chết con rồi ba ơi. Tại vì mấy cái bài hát này mà cả tháng nay con chẳng động tới tiểu thuyết. Định bắt đầu viết chương 5 thì các cảm xúc âm nhạc cứ trào ra. Đến giờ vẫn chưa vơi đi chút nào mà còn tích tụ hơn nữa ^^. Với cái đà này chắc con phổ gần hết luôn các bài thơ của mình thì mới không bị “nổ tung” vì tích tụ. Mà cũng không chắc, vì nguồn của cảm xúc đâu chỉ là thơ, thực ra là từ tình yêu thương. Mà cái này thì có bao giờ cạn. Tiêu con rồi. Nhưng mà chắc nhiều người muốn con tiêu kiểu này lắm . Ngày của Cha 18/6 tới, con cũng sẽ “tiêu” vì ba một bài hát “Ba tôi-89C”. Ba chờ để “ngất ngây” nha! Chắc giờ ba đang viết hỗ trợ con “viết tiểu thuyết” phải không. Con thấy vui lắm mỗi khi hình dung cảnh ba ngồi tra cứu, suy tưởng, hồi tưởng lại kỷ niệm những chuyến đi Pháp để viết cho con. Ba cố lên nha.

À, hôm qua Pháp có tân tổng thống trẻ măng, theo đường lối tự do. Các xu thế dân túy, dân tộc đã bị chặn lại ở đây. Chiến thắng này sẽ đánh dấu cột mốc như một “cuộc phản công” đầu tiên thành công của đường lối tự do tiến bộ của thế giới, để tiến tối xác lập Dòng chảy thời đại. Chỉ trong vòng vài năm nữa thôi. Các chủ nghĩa bảo thủ, bảo hộ, phân biệt, độc tôn sẽ thất bại trên phạm vi toàn cầu. Các loại tư tưởng này cũng giống như hình ảnh của bà Le Pen vậy, nhìn hình thức rất đẹp và khá thu hút nhưng chẳng có chất gì nên những “người yêu” cực kỳ mau chán :-). Ông Trump cũng thế, rất hào nhoáng và gây choáng ngợp. Dù con tin bên trong ông ấy thực lòng muốn điều tốt đẹp nhưng tư duy chiến thuật nổi trội không giúp đạt được điều ấy. Dù vậy họ – Trump, Le Pen vẫn sẽ được ghi nhận vì đã đóng góp cho nhân loại nhờ giúp cho thế giới hiểu được những mặt trái, những vấn đề cần khắc phục của toàn cầu hóa, xanh hóa, mềm hóa. Nhờ vậy Dòng chảy thời đại sẽ xanh tốt hơn. Họ khác với các loại độc tôn, độc tài, họ đẹp thật dù là cái đẹp vượt trội về hình thức. Còn những kẻ dùng quyền lực để duy trì quyền lực, dùng bạo lực để tô vẽ, ca tụng những thứ xấu xa cả hình thức lẫn bản chất thì khỏi phải mô tả thêm phải không. Thôi rồi luôn, tồn tại sao được.

Con đọc xong cuốn “Tại sao chúng tôi muốn bạn giàu” của D. Trump rồi. Con không thích lắm vì nó thuộc dạng sách dạy kỹ năng tư duy làm giàu theo kiểu của Mỹ, nhưng chưa chắc hiệu quả cho người Mỹ. Con không thấy nó phù hợp nhiều cho VN. Tuy nhiên con tìm thấy nhiều thông tin hữu ích từ cuốn sách đó. Cảm ơn ba nhiều nhen. Con đang trông đọc mấy quyển Shakespeare ba tặng nhà mang ra hôm 1/4. Giờ vẫn chưa có . Con nghe chị Hai, chị Sáu nói huyết áp ba hơi cao, ba lưu ý nha, đừng ăn mặn.

Chị Hai ơi! Em hình dung rằng thư S2/2017 của chị sẽ viết nhiều về chương 1, về bài hát đầu tay em dâng cha mẹ; về “Cảm xúc dọc theo dòng chảy”. Cái này khỏi làm thầy bói cũng biết. Bài hát “Ngoại em” và “Má tôi” cũng sẽ lấy nhiều giấy mực của chị đó, cả nước mắt nữa . Những góp ý của chị về thủ pháp cho tiểu thuyết trong R2/2017 thật hữu ích đó. Nguy quá, mấy bài hát xâm lấn thời gian tiểu thuyết của em. Nhưng mà hóa ra lại hay vì em đã quyết định chia tiểu thuyết dự định lúc đầu thành nhiều cuốn nhỏ hơn, có thể đọc rời từng cuốn hoặc đọc liên tục từ đầu đến cuối. Như vậy trong năm nay vẫn có thể ra được cuốn đầu tiên, đồng thời vẫn sáng tác nhạc được. Cách này cũng làm cho tiểu thuyết dễ được đọc hơn vì không quá dày. Em nợ như chúa Chổm, không viết nhạc thì nợ chồng chất chết luôn. Em đã bắt đầu nuôi bài “Chị Tôi – 89C” để tặng chung cho mấy chị. Cái tựa này đã có 2 bài “ghê gớm” của Trọng Đài và Trần Tiến rồi, nên em làm bài này cũng thấy áp lực. Chắc là “gớm ghê” quá .

“Xã hội xấu đi không phải vì cái ác hay người xấu. Mà chính vì sự im lặng của người tốt”

Thấy chị và cả nhà hào hứng về tiểu thuyết và cùng em sáng tác, em thật là vui. Mọi người cũng nhận ra đây là dịp để gắn kết, đoàn kết hơn, thật là ý nghĩa phải không? Em hy vọng mọi người cũng sẽ tìm thấy được niềm vui khi làm việc này, chứ không phải là làm vì bổn phận. Đây là giá trị lớn em muốn tạo ra, không chỉ cho gia đình mình mà cho cả cộng đồng, xã hội. Làm để sống thì không tốt bằng sống để làm. Nhưng nói gì thì nói, muốn vui thì phải vượt qua được nỗi sợ vì những kẻ xấu thì luôn tạo ra nỗi sợ cho người khác để họ sợ hãi chúng nhằm khống chế họ. Một khi vì sợ mà để kẻ xấu khống chế, nhất là về tinh thần (và có khi rất mơ hồ) thì làm gì có được niềm vui. Thực ra nỗi sợ nó đến từ bên trong mỗi người là chủ yếu. Nó là kết quả từ sự phát triển theo cấp số nhân của cảm xúc tiêu cực theo một cơ chế tự nhiên của con người mà ai cũng có. Nếu không rèn luyện thì người ta cứ mãi như vậy, cái gì cũng sợ, sợ cả điều tốt; người tốt vì những người này bị những kẻ xấu ghét. Việc rèn luyện bắt đầu bằng niềm tin, tin vào điều tốt, người tốt, tin vào ánh sáng và quy luật. Niềm tin đó sẽ tự động khắc chế cơ chế nhân sợ hãi của não và giúp ta sẵn sàng chấp nhận những thách thức từ những khó khăn mà kẻ xấu tạo ra, rồi vượt qua và đánh bại chúng. Nhưng với nhiều người, đại đa số, khó khăn là thứ người ta tưởng tượng ra do chính cái cơ chế nhân sợ hãi đó. Vì vậy nó ngăn cản người ta làm điều tốt và chấp nhận, tự trấn an mình làm “người tốt” theo nghĩa không làm gì xấu. Ích kỷ, làm ngơ với cái xấu thì cũng đâu có tốt phải không? Em viết điều này vì thấy chị đã rèn luyện được như trên và muốn chị giúp thêm cho người nhà mình làm được như chị, để có được niềm vui. Rồi sau đó còn giúp cho bên ngoài xã hội nữa. Đọc thư O2 & P2/2017 chị kể chuyện động viên, truyền niềm tin cho người trong nhà, em thấy vui và biết được ý nghĩa của việc chị làm lắm.

Lời chúc sinh nhật Trâm của chị cũng ý nghĩa lắm, của chị Sáu cũng vậy. Chúng ta sẽ cùng nhau làm được thôi. Em cũng đang giải mã “trắc trở trong lòng” chị Sáu.

9/5

Chị Năm ơi! Hôm qua chị có xem tân Tổng thống Pháp phát biểu sau thắng cử không? Ông ấy nhắc lại tinh thần của Cách mạng Pháp 1789: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Nhân vật này sẽ làm nên lịch sử đó. Nghe nói Obama đã vận động cho Macron dữ lắm phải hôn? Không làm sao được, bị “đét đít” chết luôn đó . Chẳng lâu nữa, mọi người sẽ thấy nổi lên Phong trào vận động cho Dòng chảy của thời đại do Obama dẫn dắt dưới sự ủng hộ mạnh mẽ của Macron, Merkel, v.v… Phong trào khai sáng qua đó cũng bừng lên. Nhờ sự giao tiếp huyền bí, em thấy được sự tương tác của 2 Phong trào này. Hai cái này cũng sẽ được lịch sử nhân loại ghi nhận dữ lắm đó. Như thư 3a chị viết về “Chân lý bình đẳng và tự do” cần được khai sáng bằng các lý thuyết khoa học: Cơ chế xã hội khoa học, Nhà nước pháp quyền, Công lý [Chị chụp gửi cho em các thư 31C, 32A, 35B, 38A, 39A, 40D, 41B, 42A, 43B, 44C, 45B, 46A, 47A (là các thư của những đề này) nha] vậy đó. Tự nhận là điệp viên “không không thấy” mà thấy tuốt hết.

Thư 3a chị kể Trump ký sắc lệnh hủy bỏ Chính sách năng lượng sạch của Obama trong sự vây quanh của các thợ mỏ than. Ông này nhiều lúc dùng hình thức rất buồn cười. Dùng than để ngăn cản một xu thế công nghệ mới quá mạnh của các loại năng lượng xanh. Khỏi phân tích nhiều cũng thấy trước sự thất bại. Không một ai, một thế lực nào cứu nỗi ngành than cả. Chắc ổng cũng bắt chước chị làm điệp viên, thấy hết mà giả bộ hổng thấy vì phải giữ lời hứa lúc tranh cử . Những lá chắn mà D. Trump dùng để bảo vệ các chính sách bảo hộ của mình cũng giống như sự che chắn của các thợ mỏ vậy. Lực lượng này sẽ chụp lấy ngay những cơ hội mới, bền vững từ những công nghệ mới và xu thế mới của Dòng chảy thời đại. Nếu Trump không kịp thời xoay chuyển thì ông ấy sẽ trơ trọi. Nhưng năng lực chiến thuật của ổng ghê gớm lắm, xoay trở không phải là điều khó khăn. Nên ổng sẽ nắm bắt cơ hội, xoay chuyển và thúc đẩy theo Dòng chảy. Lúc đó nhìn ổng sẽ rất vui cho mà xem 🙂 . D. Trump là một nhà kinh doanh tài ba, ổng sẽ không bỏ lỡ cơ hội khi thị trường đưa đến đâu. Một khi dân Mỹ nhìn ra vấn đề, thay đổi nhận thức thì ông ấy sẽ thay đổi theo rất nhanh. Cũng đâu thể khác được trên một nền dân chủ phải không. Vì thế mà sứ mạng của Phong trào khai sáng quan trọng lắm. Còn các vấn đề thì chúng tự giải quyết với nhau mà thôi, không phải tốn năng lượng.

Hai hôm trước TV đưa tin ông Thăng thôi BCT. Ông này lúc làm bộ trưởng GTVT rất kiên quyết đối với dự án cao tốc Cát Linh – Hà Đông và vụ mấy chục đầu kéo xe cũ của TQ. Em nhìn thấy sắc diện ổng vẫn sáng lắm. Báo Nhân dân 28/4/2017 đăng bài về Liên đoàn thẩm phán Đức trao giải cho Nguyễn Văn Đài; VTV1 thì mấy hôm lễ 30/4, 1/5 đưa phóng sự về linh mục Đặng Hữu Nam, Nguyễn Đình Thục ở Nghệ An, nhà mình có xem không? Còn vụ cậu Tấn tự sát ở Vĩnh Long, nghe mà thương quá. Dạo này em hay bị xúc động mạnh bởi những tin như vậy. Có lẽ tại em thấy trước quá nhiều. Biết là không tránh được nhưng vẫn ngậm ngùi lắm.

Thư 3b chị đặt tên cho bài số 7 là “Chuông trời” làm em giật mình đó. Bài thơ đó em làm lúc đang ở B34, khoảng tháng 11/2009. Khi mới di cư đến B34 em không nghe thấy tiếng chuông nào cả, từ tháng 5 đến tháng 10/2009. Nhưng có tiếng gà nước của người dân nào đó gần đấy nuôi, nó kêu không khác gì tiếng người ta gõ mõ để tụng kinh, rất đều và lại định kỳ vào những giờ nhất định. Vì vậy cả Long và Định lúc đó đều tưởng thật là tiếng mõ. Lúc đầu em cũng bị “lừa” nhưng sau đó nhớ lại những đêm ở miền Tây em có nghe tiếng gà nước giống hệt như vậy. Sau đó, có một người tù vào chung buồng, là dân miền Tây, xác nhận đó là tiếng gà nước – còn gọi là con cúm núm (Câu 4 của bài thơ số 7 là: “Cúm núm kêu gợi nhớ chùa xa”, chứ không phải là khúm núm… Em ghét khúm núm lắm 🙂 ). Rất hay là tiếng của con gà nước B34 đó vang lên từ một gốc bồ đề rất to mà em có thể nhìn thấy qua cửa sổ lưới. Buổi sáng lũ chim túa đi, chiều ùa về – một cảnh không dễ thấy giữa lòng thành phố. Những ngày em ở B34, mây lành rất hay xuất hiện vào bình minh và hoàng hôn. Mây lành còn gọi là mây tía vì có màu đỏ tía mà theo truyền thuyết là dùng để Phật bà cưỡi. Xuất hiện rất thường xuyên, cứ một vài hôm thì có một hôm. Em không bao giờ quên được phong cảnh tuyệt đẹp đó, sau này sẽ nhờ người nào đó vẽ lại. Lúc ấy em đã muốn làm thơ tả cảnh đó. Nhưng nuôi thơ cả tháng trời, vẫn thấy thiếu một điều gì đó, không xong được bài thơ. Điều đặc biệt đã xảy ra. Đầu tháng 9 âm hay cuối tháng 10/2009, em bỗng dưng nghe tiếng chuông, không phải chuông chùa mà là chuông nhà thờ vang lên không ngừng từ lúc bình minh đến đêm khuya, chỉ tắt vào khoảng 15 phút trước khi em ngủ. Ngày nào cũng vậy. Em ngạc nhiên vì không thể có nhà thờ nào lại rung chuông liên tục như thế. Em hỏi người tù chung buồng có nghe tiếng chuông không, anh ấy không nghe. Sau này đổi những người tù khác vào, những người này cũng không nghe gì. Nhưng em vẫn nghe rõ. Thật lạ là tiếng chuông ấy làm em thấy tràn trề lạc quan và năng lượng. Thi thoảng (rất hiếm, chỉ vài lần suốt thời gian ở B34) tiếng chuông tắt thì em bị thấy thiếu vắng ngay. Cũng may là những lần tắt chuông chỉ kéo dài khoảng 10 phút, giống như để em thấy rõ sự tồn tại đặc biệt của tiếng chuông. Nhưng cả nhà biết không, vào sáng ngày 7 tháng 7 năm 2010, ngủ dậy lúc khoảng 5 giờ em không nghe thấy tiếng chuông. Tình trạng này kéo dài đến gần 7 giờ sáng, khiến em thấy chút lo lắng. Khoảng 7 giờ sáng người ta thông báo dọn đồ chuyển trại. Ồ! Em hiểu ra vì sao chuông tắt. Em thầm nghĩ trong đầu muốn được nghe lần cuối tiếng chuông đã trở nên quá thân thương với em. Em lại được nghe khoảng 30 phút trong thời gian chuẩn bị khăn gói lên đường rời B34. Bước lên xe cũng là lúc chuông tắt, em không nghe được lại từ đó đến nay. Về Xuân Lộc, phải mất nhiều thời gian em mới quen được sự thiếu vắng tiếng chuông ấy.

Trở lại tháng 11/2009 ở B34, sau khi nhận ra tiếng chuông đặc biệt đó, em bật ra bài thơ và cảm thấy một sự đầy đủ, trọn vẹn. Gần 7,5 năm sau, chị Năm chọn đúng từ “Chuông trời” trong bài thơ để đặt tên cho nó. Mà chị là người theo Công giáo. Không thể không liên tưởng một mối liên hệ huyền bí phải không? Ở B34, em cũng đã được có tương tác với tôn giáo của gia đình chị đó. Nhiều chi tiết khác đặc biệt nữa, em sẽ kể sau. Hãy suy nghĩ về mối liên hệ này nha, không phải ngẫu nhiên đâu.

Từ bữa 2/5/2017 đến giờ xài cái đèn đọc sách của chị thật là đã đó. Nó sáng vừa đủ, làm mắt dễ chịu. Mấy hôm rồi em cũng bớt bị ruồi bay rồi . Duy có điều cái đèn này nuốt pin ghê quá, tại dùng pin nút áo. Cứ 3 ngày là hết 3 cục nên 1 tháng cần tới 30 cục đó. Chị tìm thử có đèn nào tương tự nhưng xài pin tiểu (AA) hoặc pin nhỏ hơn tiểu (AAA) không nhá. Nếu không có thì mỗi tháng gửi bưu kiện cho em 30 viên pin nút áo vậy (Thôi đừng gửi pin nút áo nữa, xem cuối thư về việc này nhen).

Trâm ơi! Con dùng Google form để tổ chức thông tin trong gia đình tới đâu rồi? Một hệ thống thông tin tốt sẽ giúp gắn kết gia đình tốt hơn, con hiểu mà phải không? Con gái lớn phải thay ba làm những việc đáng ra ba phải làm. Ba thấy vui nhưng cũng thương con lắm. Con cố lên nha, ba tin con tìm thấy niềm vui từ những việc như vậy. Làm gì, trong công ty, gia đình lẫn xã hội, ta phải tìm cách có được niềm vui từ đó. Người xưa hay đề cao giá trị làm việc vì bổn phận, vì vậy mà ngày xưa tiến bộ rất chậm, phải hôn? Làm vì niềm vui thì không những người ta hoàn thành được bổn phận mà còn hạnh phúc và đạt được hiệu suất, chất lượng cao cho công việc. Cảm nhận về việc mình làm hay về tất cả những gì xảy đến với mình chính là cảm xúc. Rèn luyện để cảm xúc mình thường hay tích cực vui vẻ là điều có thể làm được và làm được một cách khoa học. Ngoài thư 83C, con nên tìm đọc cuốn “Search inside yourself” của Chade – Meng Tan – một kỹ sư của Google để rèn luyện khả năng làm cảm xúc tích cực. Quá trình rèn luyện đó sẽ giúp mình có khả năng phân biệt được cảm xúc đúng/sai; thật/giả, chứ không có một tiêu chuẩn nào để mình dựa theo đó mà phán xét đâu. Một người mà đạt được sự cân bằng giữa cảm tính và lý tính (trái tim và khối óc) là tối ưu. Ba đã nhiều lần viết về sự cân bằng này. Con hay hành động theo cảm xúc – không có gì xấu cả. Con có nền tảng kiến thức tốt – điều này giúp con cân bằng với cảm tính. Ba sẽ có một chuyên đề viết về cách cân bằng cảm tính và lý tính. Nhưng ngay bây giờ hãy nhớ kỹ nguyên tắc này: chỉ quyết định theo cảm tính sau khi ta đã suy xét thật kỹ vấn đề bằng lý trí một cách khoa học. Làm được như vậy thì không những ta tránh được sự tiêu cực của cảm xúc cũng như nông nỗi của cảm tính mà còn giúp ta có được những quyết định kỳ diệu bằng cảm tính mà lý tính của lý trí không bao giờ ra được hoặc dám ra những quyết định như thế. Sự kỳ diệu đến từ bên trong chúng ta, từ những năng lực đặc biệt ta rèn luyện được chứ không phải từ một tiêu chuẩn, khuôn sáo nào của người khác đưa ra đâu. Đây là một phần lý do vì sao ba đề cao tính suy nghĩ độc lập. Cảm tính là sự suy xét (tính toán) theo cảm xúc. Cảm tính khác cảm xúc thuần túy ở chỗ nó đã được suy xét. Khả năng suy xét cảm xúc chính là điều ta cần rèn luyện để có được cảm giác tích cực – sự lạc quan, vui vẻ và có được khả năng ra quyết định hiệu quả từ nó. Nghe thì cứ tưởng là khó lắm, nhưng thật ra chẳng có gì ghê gớm lắm đâu. Cứ luyện tập đều đặn thì mình sẽ thấy năng lực đặc biệt tăng lên hàng tháng. Chỉ một vài năm mình sẽ thấy mình “nhẹ nhàng” vô cùng, “bay” lúc nào cũng được nên vượt qua chướng ngại dễ dàng, không dễ bị những thứ như sợ hãi, định kiến trì kéo, làm mình lúc nào cũng “thấp tè” 🙂 . Luyện tập mấy tháng đầu sẽ thành thói quen, rồi thói quen đó giúp mình ứng xử với những gì đến với mình. Dần dần nó thành tính cách không thể tách rời của mình. Thiền theo ba là như vậy đó, khoa học chứ chẳng cao siêu mông lung đâu. Làm gì cũng phải xác định mục đích rõ ràng. Bỏ ra mấy giờ một ngày để thiền mà không xác định mục đích thực tế thì chỉ dẫn đến mông lung vì những điều “cao siêu” đâu đó nghe ai đó nói. Ba nghe nói doanh nhân bây giờ đang có phong trào thiền. Hy vọng là họ xác định rõ được mục đích thiết thực. Tiếng Anh có chữ SMART (thông minh, sắc xảo) thường được dùng đề mô tả một mục đích (objective): Specific – phải cụ thể; Measurable – phải đo lường được; Achievable – phải hoàn thành được; Realistic – phải thực tế; Time – bound – phải có thời hạn xác định. Có thể con biết cái này rồi. Hãy sử dụng nó để xác định các mục đích của mình cho từng giai đoạn để tiến dần đến mục tiêu cuối cùng (ultimate goal) của cuộc đời mình. Chẳng hạn như năm nay xác định giảm bao nhiêu kg, tăng bao nhiêu % thu nhập, đạt được những năng lực hoặc quan hệ gì. Năm sau tiếp tục giảm bao nhiêu kg, thu nhập mức nào, đạt được vị trí gì trong công ty hoặc vị thế như thế nào trong cộng đồng. Những cái này gọi là đích nhắm chiến lược (strategic objective) mà ba hay viết cho con. Phải định ra và hoàn thành được chúng, ít nhất cho từng năm một. Không được để não mình mông lung với những thứ bất định (uncertainty). Não người có một khả năng tự nhiên là tự làm việc để tìm ra lời giải cho những mục đích xác định rõ ràng mà ta ra lệnh cho nó. Đây không chỉ là trải nghiệm của ba mà nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh như vậy. Kết quả nghiên cứu còn chỉ ra rằng khi não mông lung thì không những nó không biết làm gì mà còn tự động đi tìm sự mặc định của những mục đích nằm trong vô thức (tức là bản năng) để hành động theo đó. Điều này giải thích vì sao có rất nhiều người thích những điều tốt đẹp cao siêu nhưng lại rất hay làm chuyện xấu. Cao siêu mà thiếu khoa học nên mông lung, nên khiến cho não đi tìm giải đáp từ bản năng. Hành động theo bản năng thì thường là xấu. Mà bản năng bầy đàn, bè phái nữa thì thôi rồi J.

Ba đọc sắp xong cuốn “Không đến một” rồi. Xong ba sẽ trao đổi ha.

10/5

Bé Quân ơi! “Con sư tử trẻ của VN” chuẩn bị làm lễ phong chức vua Sư tử cho ba chưa? Mẹ thì khỏi làm nhe hôn. Mẹ là sư tử chúa lâu gồi . Cũng may ông ngoại quê quán An Phú Đông chứ không phải Hà Đông. Ba vừa đọc lại thư 3 của con, vẫn thấy vui rộn ràng về hành trình trở thành quán quân sư tử trẻ của con. Ban giám khảo đã đúng khi họ nói lý do trao giải cho con là họ thấy được năng lượng toát ra từ người con. Đây là giá trị quan trọng nhất mà con đã xây dựng được trong cả một quá trình rèn luyện nhiều năm, chứ không phải chỉ trong cuộc thi. Giá trị đó giúp con vượt qua những khiếm khuyết như hơi run khi trình bày trước ban giám khảo. Những cái này là bình thường đối với những người mới lần đầu nói trước nhiều người. Ban giám khảo này thật hay, họ biết họ không phải đang chọn MC, mà là chọn một người có khả năng truyền năng lượng / cảm hứng sáng tạo cho người khác. Con nói đúng đó, kiến thức thì nhiều người đều có thể có như mình từ trường học. Sự khác biệt chính là biến kiến thức đó thành giá trị thực tế lớn đến đâu. Mà muốn làm được như vậy thì phải biết rõ mình muốn làm gì và quyết tâm biến ước mơ của mình thành hiện thực. “và con biết điều mình muốn là gì. Chỉ một điều như vậy thôi, và con bám vào đó, và kể cho ban giám khảo ước mơ của mình”. Đây chính là khác biệt. Con chiến thắng chính nhờ giá trị khác biệt đó – một giá trị có thật trong con người con nên con chinh phục được những người từng trải như ban giám khảo. Họ thấy được điều con nói phù hợp với cái mà con có trong người mình và toát được ra ngoài thành một sức mạnh – một nguồn năng lượng. Khà khà khà. Ba thấy được chất của vua sư tử trong con sư tử trẻ này 🙂 . Con sẽ sớm hoàn thành được ước mơ của mình. Con đã biết xác định những mục đích / đích nhắm rõ ràng cho từng giai đoạn: trở thành quán quân “Sư tử trẻ VN” để có thể trở thành đạo diễn sáng tạo (creative director) rồi tiếp tục vươn cao lên nữa như con viết trong thư 3 – giống như ba viết ở trên vậy. Con hiểu rõ điều mình muốn, không mông lung chút nào. Con sư tử này bay cao là chuyện không ngạc nhiên.

Con cố gắng rèn luyện nâng cao chỉ số cảm xúc (EQ) nha hôn. Như con viết trong thư 3 đó, người ta nói đúng: EQ quan trọng hơn IQ. IQ khó cải thiện nhưng EQ thì dễ hơn và có thể tăng cao được. EQ giúp ta kết nối với con người tốt hơn. Điều mà con ngạc nhiên “con với ba giống như có gì đó kết nối hay sao đó” chính là sự giao tiếp bằng cảm xúc mà ba đã viết trong thư 83C. EQ của ta cao, ta sẽ có khả năng thấu cảm được với người khác, nhờ vậy ta có thể truyền được cảm hứng cho họ cũng như có được niềm tin của họ. Khi đó ta trở thành “thủ lĩnh sư tử” thì cũng tự nhiên thôi 🙂 . Ba mới nhận bộ cọ thư pháp con và ông ngoại mua hồi tuần trước thôi. Nhưng mà cũng chưa có thời gian để đụng tới. Ba bị cái vụ sáng tác nhạc lấy gần hết thời gian dành cho nghệ thuật. Nhưng trước sau gì thì ba cũng phải quẹt được mấy chữ thư pháp cho vui 🙂 .

Chị Sáu ơi! Em vừa đọc lại thư số 3 của chị. Thích đọc thư chị vì em nhận được năng lượng và cảm hứng nhiều từ đó. Em hình dung được cảnh chị kể nhà nhà háo hức đọc thư em, trao đổi qua lại để phối hợp chuẩn bị những gì em cần, nhất là cho việc sáng tác tiểu thuyết và xuất bản thơ. Điều này làm em có động lực nhiều hơn, quyết tâm cao hơn để cho ra đời “những đứa con” có chất lượng của đại gia đình mình. Chúng phải xứng đáng với gia tộc mình, với dân tộc mình. Mọi người thấy được quyết tâm đó của em qua bài hát đầu tay dâng cha mẹ rồi phải không? Điện thoại vừa rồi nghe chị kể Tuấn Khanh muốn đặt tên cho nó và hiểu được điều em muốn nói lớn hơn rất nhiều, em thật là vui lắm đó à nha (cái vụ giả giọng phim Hong Kong lồng tiếng Việt này phải để thằng Út Khang. Nó làm thì cười bò lăn luôn). Một phần do tính cách của em, nhưng phần lớn là do em muốn những gì làm cho những người minh thương yêu phải hết lòng vào đó, không được hời hợt qua loa. Em cũng muốn mọi người thấy rằng vì yêu thương mà ta có thể làm tốt được những điều mà mình vốn không có khả năng, và làm được như vậy vì mình biết tạo ra niềm vui từ bồn phận chứ không chỉ là làm vì bổn phận. Chỉ làm vì bổn phận thì không chỉ mình thấy nặng nề mà người được làm cho cũng thấy vậy. Vì những việc em nhờ mà cả nhà thấy vui và gắn kết thì em vui gấp bội. Em mà không biết tạo niềm vui thì đâu có vượt qua 8 năm rồi dễ dàng như vậy, đến mức em cũng chẳng nhớ đến thời gian đó nữa. Dù con đường em đi là một sứ mạng lớn nhưng em chẳng nghĩ nó là một thứ bổn phận gì nặng nề cả. Cứ vượt qua khó khăn chướng ngại của nó để có niềm vui và cứ vậy mà đi tiếp thôi. Ngồi mà đếm bước đi rồi nghĩ cố mà làm vì bổn phận thì năng lượng đâu mà hoàn thành, chỉ nhìn thấy trước mắt thăm thẳm. À, ngày 24/5 tới em cũng sẽ nhịn ăn cùng mọi người, còn ngày Canh Tuất 23/5 (cũng SN chị Năm) thì em sẽ ăn mừng SN. Thương mọi người quá. Nhưng mà lâu lâu nhịn ăn một lần là tốt cho sức khỏe đó. Tuyệt thực mà tốt và vui như vậy thì nên quá đi chứ. Em thì vui lắm vì được mọi người đồng hành. Hôm đó sẽ tha hồ nhớ thương về mọi người.

Lúc nãy nghe tân tổng thống Hàn Quốc – một luật sư nhân quyền phát biểu: “Tôi sẽ là tổng thống phụng sự mọi người, kể cả những người không ủng hộ tôi” hay quá ha, rất ư là quyền con người. Hàn Quốc sẽ tiến xa đây.

Bé Nu ơi! Con dừng ở đây một chút, đừng đọc tiếp mà hãy cố đoán xem cậu sắp đưa đến cho con cái gì? 1, 2, 3, …, 30. Cậu tặng con một bài hát phổ từ bài “Ngày hỉ quài”. Đúng như cậu đã “dọa” con là sẽ hứng bất tử. Nhưng mà cảm hứng này từ chính con tạo ra cho cậu đó. Đây là phần thưởng để cậu cảm ơn những nỗ lực của con dành để giúp cậu. Những nỗ lực đó không chỉ cho cậu biết nhiều điều bổ ích mà còn truyền được cảm hứng cho cậu nữa. Truyền được cảm hứng cho cậu hơi “bị” khó đó à nghe; Con làm cho cậu thấy và “sờ” được những gì cậu hướng dẫn, những gì cậu viết đã tạo nên những giá trị đích thực, những con người tốt có đủ năng lực. Những gì cậu viết hồi 2011 ở Xuân Lộc, lúc con còn rất teen mà bây giờ con vẫn nhớ và áp dụng, vẫn nhắc lại trong thư Nu(1) vừa rồi thì làm cậu xúc động đậy lắm . Đọc phần giới thiệu cuốn “Cảm ơn vì chậm trễ” của con cậu choáng quá. Con lấy đâu ra kiến thức rộng để có thể hiểu được những gì được Friedman viết? Hiểu đến mức có thể không chỉ dịch mà còn diễn giải được ở tuổi con là điều gây cho cậu quá ngạc nhiên đó. Nhưng cậu hiểu ra ngay đó không phải ngẫu nhiên. Đấy là kết quả có được từ sự kết giữa nỗ lực của con và sự giáo dục của gia đình. Bố mẹ con đã thành công trong việc dạy cho con tự tin, vượt qua được sợ hãi nên con có thể vượt qua được rất nhiều khó khăn bên ngoài bằng cách vượt qua chính giới hạn bên trong của mình. Một bản dịch bị từ chối có thể khiến người ta sợ và kết thúc luôn nỗ lực. Nhưng với con, nó là cơ hội để con mở ra một lối đi mới. Tìm được lối mới, vượt qua những lối mòn chính là cách để ta vượt qua giới hạn của mình rồi vượt lên những chướng ngại bên ngoài. Cậu rất tự hào về con, cháu gái của cậu à. Hãy chia sẻ bài học này ngay với mọi người nha. Cậu còn phải cảm ơn con đã giúp cậu nhớ lại tiếng Anh. Con đã làm việc này một cách rất khéo léo đó. “May/might as well do sth” là một thành ngữ phổ biến, trước đây cậu xài hoài, vậy mà bỗng dưng quên bén luôn. Kiểu này mai mốt về phải đi học bổ túc . À, bài hát phổ “Ngày hỉ quài” cậu không viết lời 2 mà để dành cho con viết. Mà viết bằng tiếng Anh nha. Cậu đặt tên nó là Khúc Hải Quỳ-89C – một khúc ca rất ngắn và dễ nhớ. Con mè nheo cậu Út Khang phối cho con một bản thật nhộn vào nghe hôn. Hoặc con ra các studio thu âm bằng chính giọng hát của con rồi phát cho cậu nghe, để xem con có làm ca sĩ được không .

Đọc “Cảm ơn vì chậm trễ”, ta càng thấy sự cần thiết của Trào lưu mềm phải không? Người ta quá quan tâm đến phát triển công nghệ – Trào lưu cứng trong khi nhận thức của con người lại không phát triển tương ứng nên đã tạo ra khủng hoảng. Vì vậy mà cậu luôn nhấn mạnh là Trào lưu mềm – Sự dịch chuyển của nhận thức nhân loại phải được thúc đẩy trước, ưu tiên thì mới tạo nên sự phát triển bền vững, tương hợp với công nghệ và môi trường. Cậu rất vui vì Chân lý phát triển đã được thể hiện dưới cách thức của Friedman. Ông ấy có dùng đến khái niệm “trạng thái ổn định động” – đây chính là “trạng thái cân bằng động” mà cậu thường dùng. Chỉ là cách dùng từ khác nhau, về bản chất không có gì khác nhau cả. “Cân bằng động” là trạng thái đạt được nhờ quy luật tự nhiên. Thế giới này muốn ổn định và phát triển thì phải dựa vào quy luật, không thể làm khác được. Khác đi thì chỉ có thể đạt “ổn định tĩnh” – hay “cân bằng tĩnh” – một trạng thái bất động không phát triển, trạng thái chết; tệ hơn là rơi tan xác như máy bay nếu cưỡng ép nó bay mà không tuân thủ quy luật, nhẹ thì ngã đổ như xe đạp theo cách Friedman ẩn dụ. Thư 3a (cùng đợt với Nu(1)) mẹ con viết: “Tóm lại, làm sao con người phải học cách để đạt được trạng thái Cân bằng động, phải di chuyển, phải có tính đàn hồi, nhìn ra sai lầm và sửa chữa nhanh, phải hiểu rõ và biết cách tuân theo quy luật phát triển”. Mẹ con thành chuyên gia hồi nào không hay luôn đó. Giờ ai mà biết được đó từng là cô giáo gõ đầu trẻ :-). Nhưng thực ra cái gì thuận theo quy luật thì phát triển nhanh tốt thôi. Cùng theo quy luật thì sẽ cộng hưởng được năng lượng. “Cảm ơn vì chậm trễ” của Friedman là một minh chứng rõ ràng cho điều này. Chẳng cần quen biết nhau, chẳng cần trực tiếp trao đổi. Chỉ cần có chung một khát vọng và đi tìm lời giải từ quy luật của Tạo hóa thì người ta sẽ cộng hưởng năng lượng cùng nhau để hoàn thành khát vọng đó thôi. Trong quá trình đó, chúng ta sẽ nhận được sự trợ giúp thông qua tương tác huyền bí của Tạo hóa, giúp chúng ta kết nối với nhau mà có khi không biết. Không phải ngẫu nhiên mà Friedman ra đời cuốn đó đâu. Mấy năm trước, khi bàn về chiến lược khai sáng, cậu đã kêu anh Hai con và Alex tìm cách kết nối với Friedman rồi. Con “bắt” anh khai ra thư nào cậu viết như vậy đi. Trước lúc đó cậu đã phát đi phát nguyện muốn người này tiếp sức để khai sáng Chân lý phát triển, ngay sau khi cậu hoàn thành các lý thuyết khoa học về CCXHKH, Nhà nước pháp quyền, Công lý, Năng lượng xã hội với biến đổi khí hậu. Friedman viết “Cảm ơn vì chậm trễ” vào 2016. Con lần tìm lại các mốc thời gian cậu viết các lý thuyết trên thông qua những bức thư cho con cháu thì sẽ nhận ra sự tương tác huyền bí kỳ diệu đến thế nào. Năng lượng của Friedman mà cộng hưởng việc khai sáng này thì xem như sắp xong rồi. Khi nào cậu viết lại và xuất bản những lý thuyết này dưới dạng một công trình khoa học đầy đủ thì lúc đó là: BÙM. 🙂 

11/5

Cũng không phải ngẫu nhiên mà một đứa trẻ còn mài đít ở trường như con mà lại có đủ năng lượng và kiến thức để dịch giải được cuốn “Cảm ơn vì chậm trễ” một cách khá hoàn hảo như vậy. Lúc bắt đầu làm, con kể với cậu là con chẳng thấy mệt mỏi chút nào mà thấy rất hào hứng. Đây là việc không đơn giản, mất nhiều thời gian công sức. Mà đâu có ai trả công cho con cắt nào đâu phải không? Năng lực vượt trội này là năng lượng con có được từ sự tiếp sức huyền bí bằng sự cộng hưởng năng lượng để con tham gia vào công cuộc khai sáng mà con đã khát khao được đóng góp. Chính sự khát khao chân thành đó mà con được chọn, được khai sáng và truyền năng lượng đặc biệt để con vượt trội. Con và sự việc này là một minh chứng thuyết phục cho sự tương tác huyền bí và Cộng hưởng năng lượng vì sứ mệnh chung. Chắc chắn đang có nhiều người như con nữa đó. Họ sẽ tự nhiên hội lại một ngày không xa để cùng nhau hoàn thành sứ mạng, cả những người như Friedman, và Obama nữa. BÙM 🙂 .

Hãy chia sẻ câu chuyện trên của con để truyền cảm hứng và niềm tin cho mọi người nhá!

Chiều hôm qua (10/5) đã nhận được tất cả sách báo nhà mang ra hôm 1/4/2017 rồi. Vậy là 40 ngày đó. Nhưng có sách báo và những dòng đề tặng là vui lắm rồi.

Ba ơi! Con thích cuốn “Những tác phẩm để đời của Shakespeare”, có cả tranh màu minh họa. Lời đề tặng của ba trên cuốn này gợi lại một thời kỳ giáo dục tốt. Còn cuốn “Chiến tranh tiền tệ” thì con đã đọc ở ngoài rồi, giờ đọc lại vẫn cần. Những dòng ba ghi trên quyển này thân thuơng quá. Con cảm ơn ba nhiều.

Cuốn tự điển tiếng Việt của chị Tư đã thiệt đó, cả những dòng chữ của chị nữa. Chị Hai dặn dò trong cuốn “Lý thuyết âm nhạc – phần nâng cao” kỹ quá hen, chị quả là quan tâm ba quá mức. Yên tâm là bài hát nhân Ngày của cha sắp tới sẽ đúng như ý chị. Cuốn này cùng với cuốn “phương pháp dạy học ký xướng âm” của Trâm, đọc xong chắc soạn nhạc giao hưởng luôn quá J. Cuốn “Sách ngược đời xuôi” (The storied life of A. J. Fikry) của Trâm tặng là cái mà ba đang cần cho sáng tác tiểu thuyết. Tân lần này tặng sách “đổi mới” quá, không có sách về thiền và tôn giáo, mà về “Nhật Bản duy tân 30 năm” và “Phải trái đúng sai” (tựa gốc là: CÔNG LÝ – Việc đúng cần làm là gì?) là những đề tài luôn hấp dẫn anh. Chắc là có “phối hợp” với anh Long nên ảnh tặng luôn 2 cuốn thiền “30 ngày thiền quán” và “4 giảng luận về thiền” với lời đề tặng dễ thương. Chắc ảnh giờ thiền dữ. Quyển “Steve Jobs” của anh Long tặng là đúng lúc lắm đó, đang cần. Hiểu bạn ghê 🙂 . Đúng là Tân nghĩ anh quá trẻ rồi (như đã viết trong thư 88A) nên gửi “Thái cực quyền cho trẻ em” 🙂 . “Dịch cân kinh” và “Công phu thái cực quyền” anh chưa xem qua, nhưng chắc không dành cho trẻ em. Quyển “Thánh kinh” cũng đang cần cho sáng tác. Nói anh Long cảm ơn mục sư Thân Văn Trường nha. Đọc xong bộ 9 cuốn “Bác sĩ tốt nhất là chính mình” của chị Sáu thì chắc thành “bác sĩ của mọi người” luôn quá 🙂 . Sách này rất thiết thực đó chị Sáu ơi. Còn các Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 10 – 13/2017 và TBKTSG số 5/2017 thì đúng là “no dồn đói góp”, cả tháng nay không có để đọc, giờ thì “dồn dập”, nhiều thông tin hay hữu ích lắm. Nu nghĩ sao mà gửi cậu 2 cuốn “Chuyện tào lao của vàng vàng” vậy? Mà là nghĩ rất đúng đó. Cậu đang cần những “hơi thở” rất teen, rất “tào lao” và vui nhộn như vậy để sáng tác – đúng như con viết trong lời đề tặng 🙂 . Còn Trang thì khai mau! Ai tiết lộ cho con cậu đang cần những tư liệu về Sài Gòn mà gửi “Sài Gòn năm xưa”. Lúc chọn tặng cậu con chưa đọc chương 1 tiểu thuyết, chưa biết tên nhân vật chính giống con, và cậu đề cập đến SG trong đó. Thẩm vấn điều tra này xong chắc phải kết tội một thủ phạm nào đó ở “Thế giới siêu thực” đã tiếp tay cho con rồi. Cả “Elon Musk”, “Tư duy nhanh và chậm”, “Hành trình về phương Đông” đều là những nội dung cậu cần. Cảm ơn cả nhà nghen. Thương lắm.

Chị Năm cảm ơn Mây và Bùi Thơ giùm em. Em rất thích những lời đề tặng của Thơ và Mây trên các cuốn sách đợt này. Cả hai cháu đều đề cập đến niềm tin. Thơ: “Niềm tin là đủ cho tất cả”; Mây: “… có chông gai nhưng niềm tin vào Chân lý luôn bừng sáng nơi ngục tù tăm tối” (cả cháu dâu tương lai nữa chứ, Trang viết trên cuốn Elon Musk: “Niềm tin là sức mạnh có thể biến điều không thể thành có thể”. Đúng thiệt là mấy đứa con gái 9x này . Mấy thằng No, Tí, … “cẩn thận” đó nghe chưa.). Những cuốn “Thiện ác, smartphone”, “Con đường Hồi giáo” Mây gửi là những nội dung mà em đang nghĩ tới. Cuốn “Hiểu về trái tim” có chữ ký thầy Minh Niệm, chị nói Mây em gửi lời cảm ơn thầy nhá. Kỳ này “ngập” trong sách luôn. Không biết cái dự án Neuralink của Elon Musk mới khởi động có giúp chữ trong sách tự động chạy vô đầu mình không ha 🙂 .

No ơi! Thư NO-1 con có đề cập đến dự án nói trên. Con theo dõi tin tức của nó và của những dự án về trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung và cập nhật cho cậu nha. Thư sau cậu sẽ có một chuyên đề trả lời những câu hỏi con nêu trong NO-1. Siêng viết cho cậu hơn nhen .

Mẹ Thoa tới giờ còn ngây ngất xỉu vì “Con sư tử trẻ” Bảo Quân không? Còn Trâm thì mai mốt là mãnh hổ đó. Vì vậy mẹ đừng lo gì, chỉ lo làm Chúa tể Sơn lâm thôi, à không chúa tể của chúa tể sơn lâm . Từ bữa đến giờ chắc mẹ gặp An thường hả? Ba vẫn nhớ hình ảnh của bác gái. Giờ chắc bác đang ở Niết bàn mỉm cười nhìn xuống rồi.

Mẹ gửi ngay bằng bưu kiện cho ba cục căng dây đàn (thư 31/3/17 mẹ nói chị Năm giữ) và 2 thảm yoga 2m x 0,8m. Hai cái thảm ở đây đang bắt đầu rách và giảm đàn hồi rồi. Mấy đồ trại gửi lại về nhà qua bưu điện thì giữ đấy, không cần gửi lại nữa, đã thống nhất với ở đây rồi. Các tập luật thì nói anh Năm cố tìm sách in. Ở đây người ta bảo thông cảm vì không có thời gian để dò chi tiết, có Sách xuất bản thì dễ hơn. Nhận thư này thì cũng gửi ngay luôn trong bưu kiện cho ba 2 cục pin vuông (khối chữ nhật) loại 4,5V. Ba đã chế lại được cái đèn đọc sách (chị Năm gửi) sử dụng pin tiểu rồi, không còn mau hết pin nữa nhưng khá lỉnh kỉnh vì nối tiếp 3 cục. Chỉ cần 1 cục pin vuông 4,5V thay thế 3 cục này, sẽ gọn gàng và tiện dụng như xài pin nút áo vậy. Lâu lâu được xài lại nghề kỹ sư thô sơ cũng thấy vui. Lựa loại pin vuông nào càng nhỏ gọn càng tốt nha, giống như loại xài trong micro không dây cũng được. Có cái đèn này mấy hôm nay khỏe mắt ghê. Tình trạng ruồi bay gần như hết hẳn rồi. Một phần cũng nhờ ba nhỏ Refreshtear thường hơn. À, mẹ gửi luôn trong bưu kiện 10 cục pin AAA (loại nhỏ hơn pin tiểu, pin tiểu là AA) để sử dụng cho máy đó huyết áp.

12/5

Năm nay có lẽ cũng không nóng bằng năm ngoái. Những ngày này năm rồi lên tới 39 – 40oC. Mấy hôm nay chỉ hơi oi một chút thôi. Nhưng tình hình ở ngoài chắc nóng lắm hả 🙂 .

Sáng nay xem tin thấy Elon Musk bắt đầu bán ngói tôn có chức năng biến ánh sáng mặt trời thành điện luôn. Tay này kinh thật, quá đáng nể, quá thích anh ta 🙂 . Những con người như anh ta có khả năng thay đổi hàng tỷ người. Sản phẩm năng lượng sách này cũng sẽ làm được như vậy. Bây giờ mà hy vọng vào “công nghệ than đá” của Trump thì thật là đáng thương. Dù có là tổng thống Mỹ cũng chẳng thắng nổi sức mạnh của Tạo hóa thông qua những công nghệ sử dụng quy luật tự nhiên của bả (hay ổng, chắc là bả quá. Thời đại mới là mẫu hệ mà 🙂 , tiêu rồi

Tân theo dõi các công nghệ, sản phẩm năng lượng sạch tương tự như trên và cập nhật cho anh nha. Thấy sách nào về chúng thì gửi ngay cho anh. Không cần gửi sách cờ tướng nữa đâu, đủ rồi 🙂 . Cuốn “Quất trung bí” (đợt trước) và “Chiêu pháp và sát pháp” (mới nhận hôm kia) khá hay đó. À, mày cũng đặt luôn dài hạn tạp chí Tia sáng (của bộ KHCN) và gửi bưu kiện đều đặn cho anh nha.

Khang ơi! Mày sẽ phải vất vả phối mấy bài của anh nhiều đó. Cố lên nhe. Sứ mạng chúng ta là vậy đó. Dành thời gian học nhạc lý nha, không khó đâu. Đừng chờ anh về dạy, “cái thằng thầy” này khó chịu lắm 🙂 . Nhớ gửi ngay ký âm mấy sáng tác của mày để anh học hỏi. Kiên nhẫn nha, kết quả sẽ đến rất bất ngờ. Mày vẫn nhớ giấc mơ đặc biệt mà anh đã kể cho mày chứ? Anh đang đọc lại Kinh Thánh. Sẽ có chuyện đó.

Còn nhiều việc muốn viết cho cả nhà nhưng không còn thời gian nữa. Bị giới hạn bởi luật chỉ gửi thư 2 lần một tháng nên cũng khá bất tiện. Vừa rồi gửi thư cho Tổng bí thư cũng bị tính là một lần :-). Định viết tiếp cho mấy ông nữa nhưng sợ bị giảm bớt số lần gửi thư cho gia đình. Hì hì, kiểu này phải coi mấy ổng là người thân cho dễ viết :-).

14/5

Hôm nay Ngày của Mẹ. Sáng vừa nhận được bưu kiện gửi 5/5. Nhận đủ hết, chỉ có 8 thư chờ kiểm duyệt [Chị Năm ơi! Tuổi trẻ cười thiếu 4 số từ 566 – 569, lần đầu em nhận số 565, lần này là 570. Chị Sáu ơi! Sao lần này không có Thời báo Vi tính SG? Số mới nhất gửi trong bưu kiện 1/4 là 5/2017 (ta 25/3/2017)]. Cảm ơn Long hộp sữa nha, lời đề tặng sách “ngầu quá” :-).

Nhà mình vui nha. Thương cả nhà lắm.

 

This entry was posted in Thư Trại 6. Bookmark the permalink.

1 Response to Thư 89A

  1. Brian Nguyen says:

    Hello A. Thuc
    God bless you all things you need. Keep praying and hoping for the future.

Leave a reply to Brian Nguyen Cancel reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.