Thư 142A – CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHẢI ĐỘT PHÁ VÀO NÔNG NGHIỆP TRƯỚC TIÊN

Thứ Sáu, ngày 8 tháng 10 năm 2021

Thưa ba và cả nhà thương

Mọi người được ra đường tuần rồi hả! Đỡ tù túng, bức bối nhiều rồi 😊. Nhưng để trở lại bình thường thì sẽ lâu. Cả nhà phải luôn cẩn thận.

Suốt tuần qua con cầu nguyện cho má, ba Việt Khang và anh Đồng được khỏe mạnh, vượt qua được những di chứng của bệnh để sống an vui. Nằm trong những vùng nóng của dịch bệnh, nhà mình được như vậy là phúc nhiều lắm rồi.

Hôm 5/10 thư 138 được bưu điện trả lại vì ngày 13/8 bưu điện ở Sài Gòn không thể vào hẻm nhà chị Tư để phát thư được do cách ly. Sáng nay nó đã được gửi lại, cũng về địa chỉ chị Tư. Hy vọng lần này thì hết bị corona phá đám rồi 😊. Nó có 1 trang thôi, nhưng có thông tin cần thiết cho nhà mình.

Con đang tập luyện để vượt qua vấn đề về trí nhớ xảy ra vì tuyệt thực. Con thấy có tiến bộ nhiều nên nhà đừng lo lắng quá. Tuần này con sẽ ăn thêm trái cây để cung cấp những chất cần thiết. Con vẫn đang ăn cháo trắng, mắm kho quẹt và canh rau chay nấu bằng nước nóng nhưng vẫn giữ được trọng lượng suốt 2 tháng nay. Con không cân nhưng cảm nhận được như vậy, chắc khoảng 60kg như đã viết ở thư 141.

Đến nay đã tròn 3 tháng kể từ hôm 8/7/21. Trại nói đã gửi báo cáo cho C10 Bộ Công An về tình trạng tuyệt thực của con để Cục này thông báo cho Toà án Nhân dân tối cao biết mà trả lời Đơn của con. Nhưng vẫn chưa thấy gì từ toà án. Trong tháng này con sẽ gửi đơn đến cho Thủ tướng chính phủ.

Sat, 9/10/2021

Hôm qua con nhận được một chỉ dẫn quan trọng, đúng sát y với tình hình thực tế. Con sẽ tập trung cho việc này nhiều ngày tới. Những ngày qua xem thời sự nói về sự khó khăn của người dân vì dịch bệnh, lòng con có những cảm xúc khó tả. Có lẽ chưa diễn tả được vì cảm xúc đó không chỉ lạ mà còn chưa phát triển đầy đủ. Nhưng nó chứa đựng cảm giác buồn pha lẫn vui, có cả cảm giác của sự dồn nén và dồn dập, cả hy vọng lẫn thất vọng… Dường như đó là cảm xúc hỗn hợp của rất nhiều người khác mà con cảm nhận được. Hẳn họ đang đứng trước nhiều bâng khuâng và bất định, buông trôi và lựa chọn… Cảm xúc trên không khác gì cảm xúc sau mỗi giấc mơ đúng 5 năm trước làm con khóc rất nhiều như con đã viết ở thư 76B vào ngày 10/10/2016 mà nhà mìn đã nhận được: “Con thấy nhiều người lắm. Con không biết ai trong đó nhưng con mong điều xấu không xảy ra với họ. Có quá nhiều nước mắt ba à. Con cũng khóc. Hình như con không còn như trước đây nữa. Con vừa thấy buồn vừa thấy vui vì sự thay đổi này. Những cảm giác thật khó tả lúc này. Vừa nuối tiếc vừa hồ hởi, nhưng buồn nhiều hơn vui.”

Cảm xúc mấy ngày qua làm con nhớ đến giấc mơ đó và sởn hết tóc gáy. Con đã thấy trong mơ 5 năm trước những cái chết vì Covid-19 ba à. Không thấy nói gì đến dịch bệnh trong mơ nhưng con thấy người chết được đưa ra ồ ạt từ các bệnh viện, chết nhiều đến mức không kịp thiêu, quân đội phải dành đất để chôn người… Rất nhiều trẻ em mồ côi… Rất nhiều người lũ lượt rời bỏ nơi đang sống, nhiều người thậm chí sẵn sàng bỏ xe để đi bộ được về quê… Rồi rất nhiều biến động và xáo trộn… Giấc mơ biểu hiện tình cảnh trong một thời gian rất dài nhưng cảnh quan của nó chỉ trong tối mờ. Tuy nhiên ngay trước khi con tỉnh dậy thì thấy vầng đông bắt đầu có ánh sáng. Con vẫn nhớ như in. Tỉnh dậy thấy mình đang khóc và tiếp tục khóc khá lâu sau đó. Con bị giấc mơ đó ám ảnh cả tuần lễ, rồi cố quên nó đi. Mấy năm qua con vẫn nhớ có một giấc mơ làm con khóc và trao cho con sự quyết tâm mạnh mẽ hơn những hình ảnh đau buồn của nó không hiện ra. Giờ thì chúng tua lại như một cuốn phim vậy ba à. Lại đúng vào lúc 5 năm sau. Sau đó thì con nhận được chỉ dẫn quan trọng nói trên vào tối qua (8/10/21), liên quan mật thiết với giấc mơ đó.

Mon, 11/10/2021

Mấy ngày qua xem thời sự cảnh Sài Gòn và Hà Nội sau những ngày nới lỏng cách ly thấy vắng vẻ như những ngày Tết. Mà cũng gần như vậy; người ta kéo nhau về quê rất đông. Có những người chạy xe máy từ Bình Dương về đến Lào Cai, một điều mà bình thường họ chắc là không bao giờ nghĩ đến, hoặc có cho tiền cũng không dám làm. Họ nói họ sợ quá rồi và khẳng định là về luôn. Sau nhiều năm ly hương, họ trở về với chỉ vài chục ngàn đồng còn lại.

Phải nhìn lại chính sách công nghiệp hóa rồi. Phải ưu tiên nông nghiệp để từ đó xây dựng công nghiệp hiện đại. Con đã viết sơ qua điều này ở thư 39B (trang 8).

Chính sự biến động của lực lượng lao động sau cái chết đen do dịch hạch ở Châu Âu thế kỷ 14 đã thúc đẩy châu lục này dân chủ hơn rồi từ đó thịnh vượng và văn minh hơn như con đã viết ở thư 127A, 129A và 130A. Sự biến động của lực lượng lao động bởi Covid-19 cũng sẽ tạo ra tác động tương tự, đặc biệt là tại những nước như Việt Nam. Sau cái chết đen làm thiếu hụt lao động, Tây Âu chọn cách làm cho lao động tự do hơn, giá trị hơn để thu hút nhiều người hơn tham gia vào lực lượng lao động. Vì vậy mà Tây Âu phát triển tốt hơn nhiều so với Đông Âu cùng thời điểm lịch sử sau cái chết đen đã lựa chọn gia tăng cưỡng ép để buộc con người lao động cho giới quyền thế. Điều này dẫn đến tăng cường chủ nghĩa nông nô ở Đông Âu, đi ngược lại với tự do, dân chủ.

Tue, 12/10/21

Virus của các đại dịch là chất xúc tác thúc đẩy sự chuyển đổi bản lề của Thời đại. Dân tộc nào lựa chọn thuận theo Dòng chảy thời đại sẽ vượt phá mạnh mẽ cho dù đã bị đại dịch tàn phá ghê gớm đi nữa, như trường hợp của nước Anh là nơi chết nhiều nhất bởi Cái chết đen nhưng đã vươn lên rồi dẫn đến châu Âu và sau đó là thế giới. Lịch sử cũng cho thấy lựa chọn đúng là lựa chọn của nhân dân buộc giới cầm quyền phải thuận theo, chứ không phải là lựa chọn của giới quyền thế áp đặt.

Nỗ lực phục hồi trở lại như thời trước dịch vừa là điều không thể vừa là sự chẳng đúng và tốt. Thư 129A con đã viết rằng sống chung với virus là chiến lược đúng đắn để đối phó với Covid-19, là chiến lược thích ứng, vì rằng đó là sự thích ứng với Thời đại mới. Thích ứng với Thời đại mới là mấu chốt của sự lựa chọn của dân tộc để vươn lên thịnh cường.

Thời đại mới là thời đại Quyền con người. Lựa chọn trở lại như trước đại dịch sẽ là sự bỏ lỡ ráp nối với Dòng chảy thời đại, có thể là ngược dòng. Xem Covid-19 như những vấn đề y tế, kinh tế thôi, rồi cố vượt qua những vấn đề đó là một sai lầm tai hại. Tiếp theo đại dịch sẽ là nhiều cuộc khủng hoảng khác buộc nhân loại thay đổi cho phù hợp với Dòng chảy.

Khủng hoảng năng lượng đã bắt đầu diễn ra. Nó sẽ gây nhiều tai hại nhưng cũng sẽ là động lực mạnh buộc thế giới chuyển đổi nhanh sang năng lượng sạch. Xanh là một đặc trưng quan trọng của Thời đại Quyền con người.

Rồi sẽ có khủng hoảng thực phẩm (lương thực, thức ăn – food). Rất trầm trọng đó, nhưng nó sẽ thúc đẩy sự bùng nổ của thực phẩm sạch.

Nhìn trước để chuẩn bị đáp ứng nhằm giúp thế giới vượt qua khủng hoảng thực phẩm bằng thực phẩm sạch là một cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam. Tầm nhìn này lại thuận với dòng chảy hàng triệu người trở lại quê hương từ các đô thị công nghiệp thấp sau dịch bệnh. Họ không có tiền nhưng lại có được văn hóa công nghiệp, và quan trọng hơn là họ đang có một quyết tâm gắn bó với vùng quê nông thôn của mình. Họ là nguồn lực quý giá nhất để hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Sự xuất hiện của họ là một cơ hội hàng trăm năm mới có được.

Chỉ có nông nghiệp là tăng trưởng dương trong quý 3 vừa rồi. Nông nghiệp đã luôn là bộ đỡ cho cả nền kinh tế đất nước trong mọi cuộc khủng hoảng kinh tế nhiều thập niên qua. Nhưng đây lại là nỗ lực cần cù và thiệt thòi của gần 70% dân số cả nước thuộc nông thôn 7-8 thập niên qua nông nghiệp chưa bao giờ là ưu tiên trong các chính sách kinh tế dù trong một thời gian dài nông dân chiếm hơn 90% dân số. Chiến lược công nghiệp hóa hiện đại hóa lại càng đẩy nông thôn, nông nghiệp vào tình trạng yếu thế. Thư 39B con viết vào tháng 3/2015: “Nếu nông nghiệp Việt Nam không biến đổi tốt thì cũng sẽ không thể có được ngành dịch vụ và công nghiệp phát triển tốt được. Vì tới hiện nay vẫn còn khoảng 70% dân số sống ở nông thôn và phụ thuộc vào những công việc về nông nghiệp, nếu lực lượng này không tăng được thu nhập lên đủ để đầu tư vào giáo dục cho con cái thì đất nước mình sẽ không lấy đâu ra nguồn nhân lực chất lượng cho dịch vụ và công nghiệp. Số công nhân từ nông dân trên những vùng đất được biến thành nhà máy, khu công nghiệp trong thời gian qua không có sự chuyển đổi gì về chất cả. Họ cũng tiếp tục làm những công việc giản đơn không đòi hỏi có tri thức. Vì thế mà sự dịch chuyển kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp vừa qua chưa tạo ra được sự thay đổi gì đáng kể về hiệu suất lao động, làm sự tăng trưởng quốc gia chưa bền vững. Do đó chiến lược quốc gia phải đột phá vào nông nghiệp trước tiên.” (Trang 8 thư 39B)

Sáng nay có một bài báo được điểm trên VTV1 đưa ra giải pháp cho vấn đề nhiều công nhân bỏ nhà máy để về quê. Tác giả nó kêu gọi đưa các nhà máy ấy về quê theo. Nó không khả thi về mặt tổ chức sản xuất và cũng cho thấy cách nhìn cố gắng trở lại những gì không còn phù hợp.

Đây là lúc tốt nhất để dũng cảm nhìn lại một cách thực tế, khoa học để thừa nhận những gì không phù hợp với quy luật để thay đổi. Có công nghiệp hóa như lâu nay thêm 20-30 năm nữa thì chúng ta vẫn là nước công nghiệp hàng cuối, hứng những đoạn giá trị thấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phải tập trung cho nông nghiệp, ưu tiên cho nông thôn để tạo nên một nền tảng vững chắc về nhân lực cho nền kinh tế, chứ không chỉ là bộ đỡ lúc khó khăn nhưng khi thuận lợi thì quên mất. Nông nghiệp phát triển trên nền tảng đó sẽ thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ phát triển với hàm lượng giá trị gia tăng cao dựa trên sáng tạo, chứ không phải đất đai hay lao động giá rẻ. Đấy chính là cách phát triển từ dưới lên, thực sự dựa vào dân, xây lâu đài nguy nga từ nền tảng vững chắc là con người, chứ không phải từ những kiến tạo chông chênh từ trên xuống.

Wed, 13/10/21

Không khó để nhìn thấy rất nhiều lợi ích to lớn từ mô hình phát triển từ dưới lên. Dễ thấy nhất là vấn nạn kẹt xe, ô nhiễm sẽ được giải quyết cho các đô thị lâu nay cứ mãi không tìm ra giải pháp; vấn đề chênh lệch trình độ phát triển vùng miền; vấn đề gia tăng khoảng cách bất bình đẳng. Những lợi ích sâu xa khác thì còn lớn hơn nhiều.

Cung cấp tốt thực phẩm sạch cho gần 100 triệu dân trong nước đã là một thị trường quá lớn rồi. Từ đó tạo nên một thương hiệu xanh về thực phẩm nổi tiếng cho Việt Nam trên toàn cầu. Khi có thương hiệu đó thì sẽ hút nhu cầu thực phẩm sạch khổng lồ trên thế giới. Khi đó chẳng phải e ngại các biện pháp phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật. Chẳng cần phải quan tâm về sự õng ẹo của các thị trường dễ giãi khổng lồ như Trung Quốc. Thư 129A (trang 26) con đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng thực phẩm trong thời kỳ hỗn độn cao trào đối với Trung Quốc. Khủng hoảng năng lượng hiện nay chắc đã dạy cho họ bài học về “sự õng ẹo”. Lâu nay họ cứ bắt nạt Úc, không những không thành công mà bây giờ còn phải “ve vãn” Úc để mua nhiều than đá mà có điện xài.

Chế biến thực phẩm sạch sẽ thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ phát triển, không chỉ về công nghiệp chế biến và dịch vụ liên quan thực phẩm. Những gia đình nông dân xanh sẽ tạo ra những nguồn nhân lực xanh được thụ hưởng giáo dục tốt, có ý thức về Dòng chảy xanh – Thời đại QCN. Chính họ mới có thể xây dựng nên những nền công nghiệp, dịch vụ vừa hiện đại, vừa xanh sạch cho đất nước, đáp ứng nhu cầu lành mạnh cho thế giới. Có được nguồn nhân lực như vậy thì tự nhiên các nguồn nhân lực khổng lồ về vốn, công nghệ sạch, hiện đại sẽ bị hút vào Việt Nam.

Cách thu hút đầu tư lâu nay đã không làm được như vậy. Kết quả là tạo nên cả chục triệu gia đình công nhân sống chen chúc quanh các khu công nghiệp thiếu hạ tầng, trường học, dịch vụ y tế lẫn giải trí… Thu nhập của họ chỉ đủ sống và nuôi con ở mức thấp, chẳng thể đầu tư gì cho tương lai. Đã trải qua hơn một thế hệ công nhân như vậy mà thế hệ kế tiếp là con cái họ vẫn tiếp tục đi theo lối mòn của cha mẹ. Có công nghiệp hóa bao nhiêu năm đi nữa thì cũng chẳng bao giờ hiện đại được: Covid-19 đã giúp cho thấy vấn đề này một cách rộng rãi, không thể phủ nhận.

Tối qua (12/10/21) ông Phạm Minh Chính-Thủ tướng nói trên VTV1 rằng ông ấy thấu hiểu nỗi khó của doanh nghiệp, nỗi khổ của công nhân 6, 7 người phải ở chung trong một phòng trọ nhỏ. Hy vọng ông ấy đã nhìn ra được vấn đề.

Cần nhìn thực tế rằng đất nước chỉ có thể phát triển tốt trên một nền tảng vững chắc của nguồn nhân lực tốt, đại đa số người lao động phải có được giáo dục, kỹ năng tốt. Chứ không thể dựa trên những thiểu số hiếm hoi của các tấm gương nghèo vượt khó được ca lên thành giá trị của dân tộc mà nhờ đó phát triển. Cái kiểu lấy những hiện tượng hiếm rồi tuyên truyền lên thành những giá trị, thành tích phổ quát thì thật là tai hại.

Ngày 23/9/21 Thủ tướng chính phủ đã chính thức chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn linh hoạt với dịch Covid-19, bỏ chiến lược zero Covid. Sau đó Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai bắt đầu dỡ bỏ cách ly, phong toả. Dòng người đổ về quê tăng lên nhanh chóng. Chính quyền các tỉnh thành bất ngờ và ngăn cản. Nhưng Thủ tướng đã lên tiếng, một mặt kêu gọi họ ở lại, mặt khác yêu cầu các chính quyền địa phương phải đảm bảo, tổ chức tốt cho những ai vẫn muốn hồi hương. Đây là sự tôn trọng Quyền Con Người. Vì vậy con tin ông Chính sẽ nhìn ra được một mô hình phát triển từ dưới lên tốt đẹp. Con cũng nhìn thấy cách điều hành phân quyền của ông ấy, khác hẳn trước đây. Nó hiệu quả và văn minh hơn.

Thư 136A (trang 6, 7) con đã viết về quẻ THĂNG – sự lên cao từ cuộc chuyển mình vĩ đại của các hạt mầm ngậm sáng, tách đôi vươn lên khỏi lòng đất tối. Quẻ THĂNG gắn với một nhân vật lớn Mậu Tuất (không phải tuổi của chị Hai nhà mình đâu nha 😊). Nhiều chỗ trong kinh dịch mô tả tên của nhân vật này, có chỗ là sáng, có chỗ là ngay thẳng. Điện thoại cho chị Năm ngày 3/2/2021 con cũng đã nói rõ về nhân vật này rồi. Nhà mình nghe lại, con đỡ mỏi tay viết lại. Nghe rồi sẽ thấy nguồn sáng phương Chấn đã được dùng thay cho phương Đoài.

Trang 6 thư 136A con đã viết: “Truyền lửa giữa đêm tối cho những hạt mầm ngậm sáng tách đôi rồi trồi lên đón lấy vào đúng thời cơ của chuyến tàu vận hội là điều mà con đã nỗ lực không tiếc sức suốt 20 năm qua. Giờ con đang thấy được thành quả ấy mỗi ngày một rõ hơn. Cuộc cách mạng ánh sáng này sẽ sớm bừng lên và dẫn đến một cuộc chuyển mình vĩ đại của dân tộc.” Con viết đoạn này vào 7/4/2021 (nhà nhận được 24/4/21), khi ấy mọi người vẫn còn thấy tối lắm phải không. Nhưng giờ thì chắc đã thấy được sáng hơn rồi. Tách đôi cũng bắt đầu rõ rồi. Quẻ Đoài chính là sự tách đôi Đoài. Hơn nữa, chữ “đoài” và chữ “đối” trong tiếng Hán là đồng âm.

Thu, 14/10/21

Xem tin tức VTV mấy ngày qua con cảm thấy dường như đang có một sự tranh luận giữa việc xem dòng người hồi hương từ các khu công nghiệp là cơ hội để phát triển nông nghiệp hay là nguy cơ đối với công nghiệp và tăng trưởng. Nếu tranh luận và quyết định một cách dân chủ thì con tin là cơ hội cho nông nghiệp sẽ thắng thế. Ưu tiên để tăng trưởng lại công nghiệp lúc này nếu đạt được thì sẽ lại là thành tích ngắn hạn đánh mất cơ hội tốt đẹp dài hạn. Đông đảo gia đình nông dân xanh, khá giả, con cái họ học hành tử tế mới tạo ra đủ nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại, bền vững cho đất nước.

Đông đảo gia đình công nhân sống chen chúc quanh các khu công nghiệp như lâu nay không làm được như vậy. Cố gắng đưa họ từ quê trở lại đồng nghĩa với tiếp tục một nền công nghiệp giá trị thấp.

Lựa chọn ưu tiên công nghiệp tiếp tục như lâu nay thì kịch bản vượt khủng hoảng của Việt Nam là hình chữ L. Chủ quan, ỷ quyền từ trên xuống sẽ dẫn đến kịch bản này. Lựa chọn ưu tiên cho nông nghiệp thì Việt Nam sẽ đột phá theo kịch bản chữ U. Đây thực sự là thời cơ lịch sử cho Việt Nam, và nó đòi hỏi chiến lược từ trên xuống của Chính phủ cộng hưởng với các phong trào mạnh mẽ của nhân dân từ dưới lên. Kết thúc giấc mơ 5 năm trước là con hoà theo dòng người trong ánh sáng đang bừng lên nhanh. Nông nghiệp bừng xanh, nông dân giàu lên.

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

1 Response to Thư 142A – CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHẢI ĐỘT PHÁ VÀO NÔNG NGHIỆP TRƯỚC TIÊN

  1. Anonymous says:

    Bài viết quá hay. Xin chia sẻ một vài hình ảnh về khái niệm nông nghiệp tuần hoàn ở Đồng Tháp.
    Xây dựng hệ sinh thái ốc và măng tây.
    https://www.relive.cc/view/v1vj9RMnWJq

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.