Đơn yêu cầu giám đốc thẩm cho Trần Huỳnh Duy Thức

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*********

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 6 năm 2011

  Kính gửi: – Viện Trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao

                        – Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao

Đồng kính gửi: – Chủ tịch Nước kiêm Trưởng ban Cải cách Tư pháp Trung

                       – Chủ tịch Quốc hội

Về việc: Yêu cầu giám đốc thẩm cho Trần Huỳnh Duy Thức

Tôi tên Trần Văn Huỳnh, sinh ngày 29/11/1937, nguyên là giáo viên Anh văn thuôc Sở Giáo dục TP. HCM, được chuyển về Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM công tác tại Phòng Văn hóa Đối ngoại từ năm 1989 đến năm 2001 nghỉ hưu, hộ khẩu thường trú tại số 362/532C đường Trường Chinh, Phường 13, Quận Tân Bình, hiện ngụ tại số 439F8 Phan văn Trị, Phường 5, Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.

Tôi gửi đơn này yêu cầu giám đốc thẩm đối với 2 bản án: Số 19/2010/HSST tuyên ngày 20/01/2010 tại phiên tòa sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP.HCM (dưới đây gọi tắt là Bản án Sơ thẩm) và Số 254/2010/HSPT tuyên ngày 11/05/2010 tại phiên tòa phúc thẩm của Tòa án Nhân dân tối cao tại TP.HCM (dưới đây gọi là Bản án Phúc thẩm) kết án con tôi – Trần Huỳnh Duy Thức (dưới đây gọi là con tôi) – phạm tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 70 Bộ luật Hình sự.

Lý do cần giám đốc thẩm 2 bản án này bao gồm:

  1. Áp dụng không đúng Điều 79 Bộ luật Hình sự.
  2. Không tuân thủ các qui định của pháp luật về tố tụng hình sự để chứng minh tội phạm.
  3. Chứng cứ xác định có tội không đảm bảo tính pháp lý, khách quan xác thực.
  4. Không đảm bảo các qui định về tố tụng hình sự tại tòa.

Theo qui định tại Điều 273 và Điều 278 Bộ luật Tố tụng hình sự thì ngay cả khi bản án đã có hiệu lực thì vẫn phải tiến hành giám đốc thẩm bản án nếu xét thấy có một trong những lý do nêu trên.

Tôi xin làm rõ các lý do này như sau:

1.      Về việc áp dụng không đúng Điều 79 Bộ luật Hình sự

Điều luật để kết tội con tôi là Điều 79 Bộ luật Hình sự (viết tắt BLHS): Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Như vậy đối tượng có thể bị xâm hại (khách thể) mà điều luật này hướng đến bảo vệ là chính quyền nhân dân các cấp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo tổ chức của bộ máy nhà nước thì chính quyền nước ta bao gồm các chính quyền nhân dân xã/phường, chính quyền nhân dân quận/huyện, chính quyền nhân dân tỉnh/thành và chính quyền nhân dân trung ương. Cụm từ “chính quyền nhân dân” được dùng trong Điều 79 hoàn toàn không viết hoa, vì nó là danh từ chung để chỉ một nhóm đối tượng chưa được xác định cụ thể, và phải được xác định một cách rõ ràng, đích danh trong từng vụ án. Tương tự như tội giết người trong Điều 93 BLHS: từ người không viết hoa để chỉ đối tượng mà pháp luật bảo vệ là con người, và nếu có hành vi phạm tội thì đối tượng bị hại phải được mô tả một cách cụ thể, đích danh bằng danh từ riêng nên phải viết hoa. Đối với Điều 79 BLHS cũng vậy: hành vi phạm điều luật này phải được xác định cụ thể, rõ ràng đối tượng bị xâm hại là chính quyền nhân dân nào, ở đâu, ví dụ như chính quyền nhân dân xã Phước Thạnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhưng cả hai Bản án Sơ thẩm và Bản án Phúc thẩm đều không chỉ ra được chính quyền nhân dân nào mà con tôi hành vi hướng đến lật đổ. Điều này cũng tương tự như một bản án kết tội ai đó phạm tội giết người nhưng không hề đưa ra tên và mô tả người bị hại, nhưng lý lịch các bị cáo thì không sót chi tiết nào.

Cũng xin lưu ý là có những điều của BLHS xác định rõ đối tượng bị xâm hại bằng danh từ riêng một cách cụ thể. Ví dụ như tội phản bội Tổ quốc (Điều 78 BLHS), từ “Tổ quốc” được viết hoa tức là đất nước Việt Nam.

Việc không xác định được cụ thể đối tượng bị hại như trên còn dẫn đến những mâu thuẫn và lổ hỏng pháp lý nghiêm trọng của 2 bản án mà tôi xin lần luợt trình bày dưới đây.

2.      Không tuân thủ các qui định của pháp luật về tố tụng hình sự để chứng minh tội phạm:

Theo qui định của BLHS, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là tội đặc biệt nghiêm trọng và phải thuộc trường hợp phạm tội cố ý một cách trực tiếp, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xẩy ra. Tội danh này không thể cấu thành trong trường hợp vô ý phạm tội hoặc cố ý phạm tội một cách gián tiếp, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Và theo qui định tại Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự (dưới đây gọi tắt lá BLTTHS) thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án phải chứng minh được diễn biến của hành vi phạm tội và trường hợp phạm tội là cố ý hay vô ý. Quốc hội nước ta xây dựng 2 bộ luật trên, qui định chặt chẽ và yêu cầu nghiêm ngặt đối với việc áp dụng điều luật của BLHS và chứng minh tội phạm của BLTTHS là để tránh những oan sai cho dân. Tuy nhiên cả 2 Bản án Sơ thẩm và Phúc thẩm, cả cáo trạng và kết luận điều tra đều không hề chứng minh được những vấn đề quan trọng này theo đúng pháp luật, dẫn đến việc qui kết tùy tiện, chủ quan, thiếu logic và không đảm bảo tính biện chứng khoa học. Cụ thể như sau:

2.1.      Không chứng minh được diễn biến của hành vi phạm tội: Điều này đòi hỏi chứng minh được người phạm tội đã chuẩn bị như thế nào, công cụ gây án là gì, gây án bằng cách nào và cách đó làm sao tạo ra được hậu quả. Chẳng hạn như tội giết người thì phải chứng minh được rằng hung thủ muốn giết ai, lên kế hoạch như thế nào, sẽ dùng công cụ gì (ví dụ như dao hay súng) và sẽ đâm, chém, đập đầu hay bắn… (nói chung phải là những hành động có khả năng lấy đi sinh mạng của người bị hại) như thế nào. Vậy mà với vụ án của con tôi, một vụ án được xác định là đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, nhưng lại không hề chứng minh các diễn biến của hành vi phạm tội như thế nào để có thể lật đổ được một chính quyền nhân dân nào đó. Và trên thực tế thì không có bất kỳ một chính quyền nhân dân nào đã bị lật đổ do các hành vi của con tôi gây ra. Nên việc phải chứng minh được diễn biến và hành vi phạm tội như thế nào mà có thể dẫn đến hậu quả là một chính quyền nhân dân nào đó sẽ bị lật đổ là hết sức quan trọng và mang tính bắt buộc như luật pháp đã qui định.

Thay vì chứng minh thì các bản án chỉ liệt kê một cách rời rạc các phương thức hoạt động của con tôi được cho là để lật đổ chính quyền nhân dân (??), bao gồm:

–         Lập Website “Chanlachong” để tuyên truyền hoạt động của tổ chức “Nhóm nghiên cứu Chấn”, làm ra tài liệu để tuyên truyền tập hợp lực lượng tham gia tổ chức “Nhóm nghiên cứu Chấn” có tên gọi là “Tuyên ngôn lạc hồng” trong đó nêu rõ mục đích hành động: “… Tôi xin tuyên thệ trước trời đất, trước bản Tuyên ngôn này, tôi sẽ lãnh đạo dân tộc Lạc Hồng giành lấy quyền lực chính trị cho toàn dân chúng trong năm Canh Dần 2010…”.

–         Tiếp cận, mở rộng mối quan hệ với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và những người có vai trò hoạch định đường lối chính sách kinh tế, chính trị, xã hội nhằm tác động, chuyển hóa tư tưởng, gây nghi ngờ, gây mất đoàn kết nội bộ, tạo điều kiện để từng bước thay đổi thể chế chính trị hiện nay.

–         Tuyên truyền, lôi kéo tầng lớp trí thức (tập trung vào nhà báo, luật sư) tranh thủ sự ủng hộ và phát triển lực lượng của “Nhóm nghiên cứu Chấn”;

–         Kêu gọi Chính phủ các nước và tổ chức phi Chính phủ có tư tưởng thù địch chống Việt Nam ủng hộ hoạt động của “Nhóm nghiên cứu Chấn”;

–         Làm ra tài liệu có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Chính phủ, nói xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước truyền tải lên mạng Internet, gửi cho các tổ chức, cá nhân phản động lưu vong người Việt và các thế lực thù địch bên ngoài sử dụng chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quả thật, không chỉ riêng tôi khi đọc những điều này không thể hiểu được, tin được những cách thức như thế làm sao để có thể lật đổ được một chính quyền nhân dân dù là cấp xã. Đặc biệt là việc tác động chuyển hóa tư tưởng, gây nghi ngờ,… đối với các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước thì không chỉ mơ hồ mà còn hoang tưởng. Trong thực tế tôi nghĩ không người dân nào có thể tin rằng những người lãnh đạo đất nước với bản lĩnh và ý chí kiên cường, tư tưởng vững vàng được trui rèn trong cách mạng lại có thể bị chuyển hóa tư tưởng, gây mất đoàn kết nội bộ để thay đổi thể chế chính trị hiện nay được. Điều này sẽ càng trở nên phi lý hơn nữa khi cả Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản án Sơ thẩm, Bản án Phúc thẩm đều qui kết con tôi gây án bằng cách: “Để thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo đã sử dụng công nghệ thông tin, ứng dụng Internet, liên lạc, trao đổi mật khẩu làm ra và tàng trữ các tài liệu có nội dung chống Nhà nước, phát tán cho nhiều người đọc nhằm xuyên tạc, kích động gây nghi ngờ, làm mất lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”.

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, tôi và nhiều người khác không thể tin được, thấy được những việc thực hiện hành vi như trên làm sao có thể dẫn đến làm lật đổ một chính quyền nhân dân nào đó. Bất kỳ ai tin điều này là có thể thì theo tôi đều bị tâm thần hoang tưởng. Mà nếu vậy thì không thể có năng lực để chịu trách nhiệm hình sự được.

Nghĩ đến đây, tôi không thể không liên tưởng đến ví dụ một người bị kết tội mưu sát hụt vì tại cơ quan điều tra anh ta khai nhận rằng đã lên kế hoạch giết một ai đó (chưa rõ danh tánh) bằng một khẩu súng bắn đạn nhựa của trẻ em có thể mua đầy ngoài chợ.

Tính phi lý tương tự như trên càng rõ hơn khi quyển sách Con đường Việt Nam mà con tôi đang viết trước lúc bị bắt là một kế hoạch tổng thể nhằm lật đổ chính quyền nhân dân mà không hề chỉ ra nội dung của nó là gì, và làm sao nó sẽ lật đổ được một chính quyền nhân dân nào đó. Trong khi đó, lời khai của con tôi tại cơ quan điều tra cũng như tại tòa và cũng phù hợp với những lời khai khác là quyển sách này dùng để trình lên cho Chủ tịch Nước nhằm kiến nghị các biện pháp khắc phục khó khăn cho Đất nước vào cuối năm 2010 – thời điểm mà con tôi dự báo kinh tế đất nước sẽ rơi vào khó khăn, khủng hoảng trầm trọng và sẽ tác động xấu đến xã hội và cả chính trị của đất nước. Nếu đó là một kế hoạch nhằm lật đổ một chính quyền nhân dân nào đó của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì tại sao nó lại được trình lên cho Chủ tịch Nước và những vị lãnh đạo nào khác như Tổng Bí Thư, Thủ tướng…, chẳng lẽ các vị lãnh đạo Đất nước lại là đồng phạm? Làm sao ai có thể tin được điều này vì nó quá phi thực tế, quá vô lý. Và vì sao mà một kế hoạch nhằm lật đổ chính quyền nhân dân lại nghiên cứu về văn hóa, dân tộc Việt Nam, và có 5 chủ đề tập trung là kinh tế, giáo dục, cải cách pháp luật, Biển Đông và Tây Nguyên như được thừa nhận trong các bản án? Những chủ đề này là những vấn đề nổi lên gần đây đòi hỏi sự quan tâm của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước để phát triển đất nước bền vững. Như vậy, Con đường Việt Nam rõ ràng là một kiến nghị nhằm phát triển đất nước, làm sao có thể qui kết nó là một kế hoạch nhằm lật đổ chính quyền nhân dân mà không hề chứng minh và đưa ra bất kỳ bằng chứng nào một cách hợp pháp. Đọc đơn kháng cáo của con tôi, tôi thấy rõ con tôi đã dành trọn tâm huyết của mình để viết Con đường Việt Nam vì sự phát triển tốt đẹp cho đất nước bằng cách kiến nghị cho Đảng và Nhà nước một cách hợp pháp và chính đáng. Thật đáng tiếc là những ý kiến này của con tôi đã không hề được xem xét tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Qua những lần trao đổi với con tôi tại trại giam, tôi biết được rằng con tôi đã không được tạo điều kiện để trình bày đúng suy nghĩ của mình về quyền sách Con đường Việt Nam tại cơ quan điều tra. Còn tại phiên tòa sơ thẩm thì không được trình bày về nó dù có yêu cầu Hội đồng xét xử (viết tắt là HĐXX). Tại phiên tòa Phúc thẩm thì nội dung về Con đường Việt Nam mà con tôi trình bày trong đơn kháng cáo không hề được xem xét trong quá trình xét hỏi cũng như tranh luận tại tòa.

Khi nói đến một kế hoạch hành động thì nhất thiết nó phải trình bày được một cách đầy đủ và xuyên suốt tất cả những hành động từ khởi đầu đến kết thúc, cho thấy được làm sao mà những hành động này dẫn đến kết quả cuối cùng mà kế hoạch này đặt mục đích. Và điều quan trọng không kém là kế hoạch đó phải chỉ ra được từng hành động do ai phụ trách thực hiện và sự chỉ huy phối hợp các hành động đó như thế nào để đảm bảo tạo ra được kết quả cuối cùng đó. Vậy mà một “kế hoạch tổng thể về hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” như các bản án qui kết cho quyển sách Con đường Việt Nam lại không được các bản án này chỉ ra được bất kỳ các hành động khả dĩ nào, do ai thực hiện và chỉ huy để dẫn đến kết quả là lật đổ được một chính quyền nhân dân nào đó. Hành động duy nhất mà các bản án này nêu ra là: viết về 5 chủ đề nêu trên, mà các chủ đề này hoàn toàn không liên quan gì đến việc lật đổ chính quyền nhân dân gì cả, không nhắm đến bất kỳ một chính quyền nhân dân nào cả. Có thể dễ dàng thấy được tính không thuyết phục của sự qui kết này vì nó quá không thực tế về mặt logic lẫn biện chứng.

Thế nhưng sự qui kết như vậy đã được các bản án dùng làm cơ sở để kết án như sau: “Xét thấy: Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia. Hoạt động phạm tội của các bị cáo có tổ chức chặt chẽ, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, có sự móc nối cấu kết với các tổ chức phản động người Việt Nam lưu vong và các thế lực thù địch để tập hợp lực lượng hình thành tổ chức chính trị phản động, có sự lôi kéo tập hợp lực lượng để hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân bằng phương thức “Bất bạo động”, thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, chống phá Cách mạng Việt Nam”. Đọc tất cả các bản án và tài liệu liên quan đến vụ án, tôi thực sự không thấy được bất kỳ sự tổ chức chặt chẽ, phân công nhiệm vụ cụ thể, cấu kết, móc nối nào như kết luận được trích ở trên.

Tóm lại, diễn biến của hành vi phạm tội mà các cơ quan tiến hành tố tụng qui kết con tôi hoàn toàn không đúng pháp luật, phi thực tế, mang tính chủ quan và áp đặt.

2.2.      Sử dụng các khái niệm không được luật hóa, không được định nghĩa một cách rõ ràng để qui kết tội phạm: Đọc đoạn kết được trích dẫn ở trên, tôi lại càng không hiểu phương thức “Bất bạo động”, âm mưu “Diễn biến hòa bình” được nêu ở đây là gì và làm sao chúng có thể lật đổ được chính quyền nhân dân nào đó. Những từ này được viết hoa và đặt trong dấu ngoặc kép nên chúng phải là những khái niệm riêng đặc thù của tài liệu mà chúng được sử dụng; và phài được các tài liệu này liệu này định nghĩa một cách rõ ràng. Thế vậy mà tôi không tìm thấy bất kỳ sự định nghĩa, giải thích nào dành cho chúng trong các Bản án Sơ thẩm, Bản án Phúc thẩm hoặc bất kỳ tài liệu nào liên quan đến vụ án do các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra. Nhưng chúng lại được dùng để kết tôi con tôi phạm tôi đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia. Tôi cho rằng đây là vấn đề pháp lý rất nghiêm trọng cần phải được xem xét một cách có trách nhiệm.

Những khái niệm bất bạo động, diễn biến hòa bình là những khái niêm rất mới không có tính đại trà, phổ cập và không được nhìn nhận giống nhau tại những nơi khác nhau, bởi những người khác nhau. Chúng thậm chí được hiểu ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau đối với những nơi hoặc những người khác nhau. Chúng không giống như những khái niệm như bạo động hay chiến tranh là những cái được hiểu giống nhau ở khắp mọi nơi, bởi hầu hết mọi người. Nên những khái niệm này đã đã được chuẩn hóa và luật hóa bởi hầu hết các nước để qui định các tội như các tội gây bạo loạn, tội phạm chiến tranh,… Còn bất bạo động, diễn biến hòa bình thì hoàn toàn chưa được luật hóa tại bất kỳ văn bản luật nào của Việt Nam (và theo chỗ tôi được biết thì cũng không có ở bất kỳ nước nào khác). Việc dùng những khái niệm chưa được luật hóa để kết tội một ai đó phạm tội hình sự là một việc làm không những không đảm bảo tính chất pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà còn có thể tạo ra những nhận thức sai lầm trong dân chúng vì cho rằng pháp luật nhà nước chống lại các hành động không bạo động và hòa bình.

Tóm lại, việc sử dụng những khái niệm không được luật hóa và cũng không được định nghĩa rõ ràng để kết tội con tôi là việc làm không đúng pháp luật, không thỏa đáng và mang tính chủ quan, áp đặt của các cơ quan tiến hành tố tụng.

2.3.      Không chứng minh cố ý phạm tội: Các tội được BLHS qui định luôn xác định mặt chủ quan của chủ thể phạm tội – tức là ý thức chủ quan của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội. Có những tôi danh chỉ cấu thành tội phạm trong những trường hợp phạm tội cố ý như các tôi xâm phạm an ninh quốc gia hay tội giết người. Cho nên để tránh oan sai, BLTTHS đã yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được ý thức chủ quan của người phạm tội khi thực hiện các hành vi bị kết tội bằng những bằng chứng đúng pháp luật. Đây là yêu cầu rất nghiêm ngặt của pháp luật về tố tụng hình sự mà các đại biểu của nhân dân xây dựng để bảo vệ người dân và sự nghiêm minh của luật pháp. Thế nhưng trong các bản án kết tội con tôi và cả các tài liệu trong quá trình điều tra và truy tố không hề có sự chứng minh rằng các bị cáo đã cố ý phạm tội lật đổ chính quyền nhân dân như thế nào. Việc chứng minh như vậy đòi hỏi phải xem xét sâu vào bản chất của sự việc một cách khách quan biện chứng, khoa học và phù hợp với logic thực tế. Nhưng các bản án này chỉ khai thác hiện tượng của câu chữ rồi áp đặt quan điểm chủ quan của những người tiến hành tố tụng lên các câu chữ đó mà không đưa ra được những chứng cứ xác đáng và hợp pháp nào, và cũng không tôn trọng tính logic thực tế và biện chứng khoa học một cách khách quan của diễn biến sự việc. Tôi xin đưa ra phân tích một ví dụ dưới đây về tội giết người để thấy rõ tầm quan trọng của việc cần thiết phải xem xét vào bản chất của sự việc để chứng minh một cách khách quan về ý thức chủ quan của hành vi phạm tội.

Giả sử có một ông Chí Phèo vốn đã có vài xích mích nhỏ với một bà Thị Nở vốn bị bệnh tim. Có một lần ông Phèo vô tình hướng một khẩu súng về phía bà Nở làm bà này hoảng sợ té ngã rồi qua đời ngay lúc đó vì vỡ tim. Người nhà bà Nở có thể cho rằng vì xích mích mà ông Phèo dùng súng định giết chết bà, hoặc dọa nạt bà nên đã dẫn đến tử vong cho bà và muốn kết tội ông Phèo giết người. Nhưng nếu chứng minh được rằng khẩu súng ông Phèo cầm lúc đó không có đạn và ông ấy chỉ đưa súng lên để ngắm nhằm kiểm tra ống nhắm của súng, ông Phèo chỉ vô tình hướng súng về phía bà Nở mà không để ý bà đang phía trước tầm ngắm của mình, thì không thể kết tội ông được vì đây là trường hợp vô ý – ông Phèo hoàn toàn không muốn hại bà Nở và cũng không nhận thức được hậu quả của hành động ngắm súng của mình lại dẫn đến tử vong cho bà. Điều 10 BLHS qui định trường hợp này như sau: “Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó”.

Trường hợp thứ 2, ông Phèo bực mình bà Nở và có ý đưa súng lên (không có đạn) và chỉ muốn dọa cho bà sợ, dẫn đến cái chết cho bà, thì cũng không thể kết tội ông Phèo được vì đây là trường hợp vô ý. Ông Phèo có thể nhận thức được hậu quả của hành động dọa nạt của mình có thể gây tổn hại dẫn đến cái chết cho bà Nở, nhưng ông cho rằng hậu quả đó không xảy ra (vì không biết bà bị bệnh tim) hoặc có thể xảy ra nhưng có thể khắc phục được (ông nghĩ rằng cùng lắm là bà bị xỉu, đưa vào bệnh viện cấp cứu thì khỏi). Điều 10 BLHS qui định trường hợp này như sau: “Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả  nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được”.

Trường hợp thứ 3, tương tự như trường hợp thứ 2, ông Phèo cũng dùng súng dọa nạt bà Nở làm bà Nở ngất xỉu tại chỗ nhưng lúc đó chỉ có ông và bà Nở. Ông nhận thức được rằng nếu không đưa bà đi cấp cứu ngay thì bà có thể bị nguy hại đến tính mạng. Dù lúc đó ông không mong muốn hậu quả này xảy ra, tức là không có mục đích giết chết bà, nhưng ông lại bỏ đi, để mặc bà cho bà bị cơn đau tim hoành hành và tử vong sau đó. Nếu chứng minh được như vậy, thì ông Phèo có thể bị kết tội giết người trong trường hợp phạm tội cố ý gián tiếp: ông nhận thức rõ hậu quả của hành động của mình có thể dẫn đến cái chết cho bà, dù ông không mong muốn bà chết (không có mục địch giết bà, chỉ là dọa nạt), nhưng ông lại có ý thức bỏ mặc bà trong tình trạng đau tim không được cấp cứu để dẫn đến cái chết của bà. Điều 9 BLHS qui định trường hợp này như sau: “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.

Rõ ràng là 3 trường hợp nêu trên đều có cùng một hiện tượng là ông Phèo đưa súng lên và khẩu súng hướng về phía bà Nở làm bà chết. Nhưng chỉ có một trường hợp có tội phạm. Sự khác nhau chính là bàn chất của sự việc chứ không phải hiện tượng của chúng. Bản chất này được quyết định bởi ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi. Đó là lý do vì sao luật pháp bắt buộc phải chứng chứng minh mặt chủ quan của hành vi phạm tội là cố ý hay vô ý.

Thế nhưng trong tất cả các tài liệu từ kết luận điều tra, cáo trạng, Bản án Sơ thẩm, Bản án Phúc thầm và cả trong quá trình xét xử vụ án của con tôi đều hoàn toàn không chứng minh đến vấn đề quan trọng này như BLHS qui định: không hề thấy bất kỳ sự chứng minh nào cho thấy các bị cáo đã cố ý nhằm lật đổ một chính quyền nhân dân nào đó khi thực hiện các hành vi bị qui kết là tội phạm. Thay vào đó, những mong muốn chính đáng của con tôi (muốn góp phần thay đổi các thể chế kinh tế, xã hội, chính trị cho đất nước được tốt đẹp hơn) đã bị áp đặt lên những quan điểm chủ quan của những người tiến hành tố tụng, rồi rút ngắn chúng thành những cụm từ như: “nhằm thay đổi từng bước thể chế chính trị hiện nay”. Sau đó, những cụm từ này bị tự động và tùy tiện biến thành mục đích “nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” mà không hề có bất kỳ sự lý giải nào cả. Rõ ràng là mục đích của các hành vi đã bị áp đặt quan điểm chủ quan của những người tiến hành tố tụng, chứ không phải được chứng minh một cách khách quan để cho thấy ý thức chủ quan của người bị kết tội. Tôi hoàn toàn không thấy một sự chứng minh nào, thậm chí là chỉ đưa ra, rằng các bị cáo trong vụ án này nhận thức rõ hậu quả của những hành vi của mình sẽ dẫn đến một sự lật đổ một chính quyền nhân dân nào đó và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra – tức là cố ý phạm tội theo Điều 79 BLHS.

Tóm lại, các cơ quan tiến hành tố tụng đã không hề chứng minh con tôi cố ý phạm tội theo đúng yêu cầu của pháp luật, mà chỉ áp đặt quan điểm chủ quan của những người tiến hành tố tụng thành ý thức chủ quan của bị cáo.

2.4.      Tùy tiện thay đổi đối tượng khách thể của Điều 79 BLHS

Xem xét vấn đề dưới góc độ khoa học, tôi thấy rằng những lập luận mà các bản án đưa ra hoàn toàn không đảm bảo tính biện chứng. Mà những vấn đề biện chứng là cơ sở khoa học căn bản cho việc xây dựng luật pháp của Việt Nam. Vì không đảm bảo tính biện chứng khoa học nên các bản án, cáo trạng và cả kết luận điều tra đã tạo ra những mâu thuẫn, rất vô lý và phi thực tế như sau:

Quan hệ biện chứng của loại tội phạm mang tính cố ý trực tiếp là:

Khi cố ý phạm tội một cách trực tiếp thì mục đích phạm tội sẽ được hình thành đầu tiên. Mục đích này tiếp tục hình thành nên dự tính hành vi (tức là kế hoạch hành động). Những hành vi này nếu được thực hiện thì phải có khả năng trên thực tế gây ra được hậu quả. Và điều quan trọng là hậu quả này phải phù hợp với mục đích phạm tội ban đầu. Ví dụ ông A có mục đích giết bà B, ông A lên kế hoạch và thực hiện mục đích này nhưng vô tình người bị giết là ông C thì ông A không thể bị kết tội cố ý giết ông C vì không đủ yếu tố cố ý trong cấu thành tội phạm. Nếu có đủ chứng cứ thì ông A chỉ có thể bị kết tội cố ý giết bà B chưa thành và tội ngộ sát đối với ông C mà thôi. Đây là tính chất biện chứng rất quan trọng đối với tội phạm cố ý trực tiếp, chính vì vậy mà BLHS luôn luôn đòi hỏi phải xác định một cách cụ thể rõ ràng và đích danh đối tượng bị hại. Trong những điều qui định tội phạm  có tính chất cố ý một cách trực tiếp có Điều 79 – tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Thế nhưng, như tôi đã trình bày, các bản án hoàn toàn không xác định được chính quyền nhân dân nào mà các bị cáo có mục đích nhằm lật đổ. Thay vào đó là những cụm từ: “để từng bước thay đổi chế độ chính trị hiện nay”; “đòi đa nguyên đa đảng”; “có tư tưởng phải thay đổi cơ chế kinh tế và thể chế chính trị hiện nay ở Việt Nam”; “sẽ tham gia lãnh đạo chính phủ mới”. Những đối tượng được nêu ra ở đây không những không phù hợp với Điều 79 BLHS mà còn không có tính xác định, cụ thể, rõ ràng và đích danh.

Cần lưu ý, điều này rất quan trọng rằng đối tượng khách thể mà Điều 79 BLHS qui định là chính quyền nhân dân – tức là một tổ chức. Mà đã là tổ chức thì nó phải gắn với con người cụ thể, nó cũng có tên gọi cụ thể. Và nó hoàn toàn khác với các đối tượng không chứa đựng con người như là thể chế chính trị, cơ chế kinh tế. Do vậy trong mọi trường hợp không thể đánh đồng nó, gán ghép nó bằng những loại đối tượng không chứa đựng con người này được. Trong các đối tượng mà các bản án nêu ra như trên, chỉ có 1 đối tượng là tổ chức nên được viết hoa là “Chính phủ mới” mà nó được cho rằng con tôi sẽ tham gia lãnh đạo, chứ không phải là lật đổ. Thế nhưng tôi hoàn toàn không thấy nó được xác định như thế nào trong các tài liệu vụ án do các cơ quan tiến hành tố tụng lập, cũng như trong lời khai của con tôi – nó rõ ràng là một danh từ riêng bỗng dưng xuất hiện theo quan điểm chủ quan của những người tiến hành tố tụng.

Vì không xác định được rõ ràng, cụ thể đối tượng bị hại nên đã dẫn đến mâu thuẫn và bế tắc trong việc đảm bảo tính biện chứng lịch sử. Do không chứng minh được các bị cáo có mục đích lật đổ một chính quyền nhân dân cụ thể nào đó nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã tùy tiện thay đổi khách thể của Điều 79 BLHS thành những đối tượng như thể chế chính trị, cơ chế kinh tế – những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nếu chấp nhận quan điểm chủ quan, tùy tiện nói trên thì như vậy mọi hành động dẫn đến sự thay đổi các thể chế, cơ chế kinh tế, chính trị do Hiến pháp qui định đều là xâm hại đến đối tượng khách thể mà Điều 79 BLHS bảo vệ? Từ Hiến pháp 1946 đầu tiên đến Hiến pháp 1992 hiện nay, Hiến pháp nước ta đã qua nhiều lần thay đổi từng bước theo nhu cầu của nhân dân. Trong tất cả những lần thay đổi đó đều có những thay đổi quan trọng về thể chế kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và cả những thiết chế nhà nước. Sao những lần thay đổi đó không phải là phạm tội? Hiến pháp chỉ có thể thay đổi khi được đồng ý của đa số người dân hoặc đại biểu dân cử. Nhưng cần thấy rằng đó là kết quả cuối cùng của một quá trình dài từ việc phát sinh ý tưởng thay đổi của một số người nào đó, đến việc đưa những ý tưởng đó thành những ý kiến kiến nghị thay đổi; rồi sự nghiên cứu các kiến nghị của các cơ quan chức năng; và cuối cùng là những kiến nghị đó được đề xuất lên Quốc hội phê chuẩn hay trưng cầu dân ý. Nếu được đa số thông qua thì sẽ có sự thay đổi Hiến pháp. Những việc làm trong một quá trình như vậy đều được Hiến pháp qui định và cho phép thực hiện để có sự thay đổi Hiến pháp khi cần thiết (Chương XII Hiến pháp hiện hành). Và do vậy Hiến pháp cũng bảo vệ các quyền cho công dân thực hiện những việc làm đó. Cho nên sẽ không bao giờ có gì sai trái (chứ đừng nói là phạm tội) khi thực hiện những việc nhằm thay đổi Hiến pháp như trên cả. Thậm chí, nếu ý kiến, kiến nghị, đề xuất đưa ra cuối cùng không được đa số thông qua thì cũng chẳng có gì phải chịu tội cả. Tôi cũng không thấy bất kỳ điều nào thuộc BLHS qui định các hành vi hướng đến việc thay đổi những vấn đề do Hiến pháp qui định là tội phạm cả.

Tóm lại, việc áp đặt một cách chủ quan các việc làm của con tôi mong muốn thay đổi các thể chế, cơ chế kinh tế, chính trị của Hiến pháp là những hành vi vi phạm Điều 79 BLHS không những không đúng pháp luật mà còn không đảm bảo những quyền cơ bản của công dân mà Hiến pháp bảo vệ.

2.5.      Không đảm bảo tính khoa học trong việc chứng minh tội phạm:

Việc thay đổi tùy tiện đối tượng khách thể của Điều 79 BLHS còn tạo ra sự bế tắc khi xem xét vấn đề dưới góc độ khoa học luật về tội phạm. Như tôi trình bày ở trên, quan hệ biện chứng của diễn biến tội phạm phải là: từ mục đích phạm tội hình thành nên hành vi phạm tội; hành vi này được thực hiện sẽ gây ra hậu quả phạm tội. Phải có hậu quả hoặc hậu quả có thể xảy ra nếu hành vi được thực hiện đầy đủ (trong trường hợp phạm tội chưa đạt) thì mới hình thành nên tội phạm. Đây là điều bắt buộc trong quan hệ biện chứng một cách khoa học. Trong vụ án này, các việc làm của những bị cáo nhằm thay đổi các vấn đề do Hiến pháp qui định đã bị qui kết thành những hành vi phạm tội bằng cách thay đổi mục đích phạm tội theo đúng Điều 79 BLHS qui định: từ “nhằm lật đổ một chính quyền nhân dân nào đó” thành “nhằm thay đổi thể chế chính trị, cơ chế kinh tế” – tức là thay đổi các vấn đề do Hiến pháp qui định. Chính điều này đã dẫn đến sự mâu thuẫn và bế tắc như mô tả trong sơ đồ dưới đây:

Rõ ràng là hành vi bị qui kết không dẫn đến được hậu quả mà quay ngược trở lại mục đích bị qui kết là phạm tội. Và cứ như vậy bị lặp vòng mãi, không thoát khỏi được vòng lặp đó để có thể dẫn đến hậu quả phạm tội nào cả. Đây là cơ sở khoa học trong luật học về tội phạm không thể không xét đến khi chứng minh tội phạm và xem xét các mối quan hệ của sự việc liên quan một cách biện chứng, khách quan. Những điều này đã không hề được quan tâm một cách có trách nhiệm trong vụ án này.

Tóm lại, việc chứng minh tội phạm đối với con tôi hoàn toàn không đảm bảo tính khoa học một cách khách quan và biện chứng.

Qua những điều tôi đã trình bày tại phần 1 và phần 2 ở trên, tôi có thể khẳng định rằng các Bản án Sơ thẩm, Phúc thẩm đã áp dụng không đúng Điều 79 BLHS và không chứng minh tội phạm theo đúng những qui định của pháp luật về tố tụng hình sự dẫn đến những điều phi lý, không có logic thực tế, phản khoa học và không đảm bảo tính biện chứng, khách quan.

3.      Chứng cứ xác định có tội không đảm bảo tính pháp lý, khách quan, xác thực

Theo qui định tại Điều 65 BLTTHS thì mỗi chứng cứ phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định các chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, những yêu cầu trên đã không được tuân thủ, thậm chí là bị vi phạm nặng nề nên đã dẫn đến việc xác lập các chứng cứ không đảm bảo tính pháp lý, khách quan và xác thực. Tôi xin trình bày lần lượt như sau:

3.1.      Vi phạm các qui định và nguyên tắc về khám xét và thu giữ tài liệu

Loại chứng cứ được sử dụng nhiều nhất trong bản án này mà cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát đưa ra là các tài liệu (gồm bài viết, thư từ, trao đổi trên mạng – tức là chat) của các bị cáo được lưu trữ trên mạng Internet, bao gồm các blog cá nhân và hộp thư điện tử. Theo qui định đối với việc khám xét và thu giữ tài liệu thì điều tra viên phải tiến hành niêm phong những tài liệu đó và chỉ mở ra khi có sự chứng kiến của người bị thu giữ tài liệu. Thế nhưng ngay lúc tiến hành bắt giữ con tôi thì điều tra viên và những người cùng thực hiện nhiệm vụ đã buộc con tôi cung cấp mật khẩu của các hộp thư điện tử và blog cá nhân mà con tôi sử dụng. Lúc đầu con tôi đã không đồng ý và yêu cầu phải thực hiện việc khám xét đúng pháp luật, đảm bảo tính khách quan của tài liệu thu giữ. Nhưng những người thực thi việc bắt giữ đã dọa nạt con tôi và gây áp lực tâm lý lên gia đình con tôi. Cuối cùng con tôi buộc phải cung cấp các mật khẩu này. Việc cung cấp tên tài khoản và mật khẩu được ghi rõ trong biên bản bắt giữ và thu giữ tài liệu.

Khi có tên tài khoản và mật khẩu thì người nắm giữ nó có thể làm bất cứ việc gì với các blog và hộp thư điện tử để sửa, xóa, hủy, thêm vào. Sau khi con tôi bị bắt giữ thì chỉ có cơ quan điều tra mới có thể truy cập vào các tài khoản này và làm gì trong đó cũng được mà không cần có bất kỳ sự chứng kiến nào của con tôi để làm cái việc tương tự như giám sát việc mở niêm phong tài liệu. Điều này thì cũng giống như việc thu giữ tài liệu mà chẳng cần niêm phong gì cả, rồi cơ quan điều tra sẽ nghiên cứu trước các tài liệu đó, có thể hủy đi các tài liệu có thể làm chứng cứ xác định vô tội của bị can, giữ lại những tài liệu mà cơ quan điều tra nghĩ là có thể làm chứng cứ xác định có tội. Nếu cần có thể sửa, xóa rất nhiều những nội dung trong các tài liệu đó. Thùng tài liệu sau khi đã được xử lý như vậy lại được đưa ra làm chứng cứ để khởi tố, truy tố và xét xử. Không những vậy, việc thu giữ các mật khẩu và tên tài khoản hộp thư điện tử và blog cá nhân còn có thể dùng để giả mạo làm ra dễ dàng những tài liệu khác. Rõ ràng việc làm này không thể đảm bảo được tính pháp lý để xác lập các chứng cứ có giá trị, hợp pháp, khách quan, xác thực theo pháp luật yêu cầu. Nhưng đó là những gì đã diễn ra thực tế trong vụ án của con tôi.

Nhưng còn đáng tiếc hơn nữa là: con tôi đã trình bày vấn đề này tại cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm nhưng đều không được HĐXX cả 2 phiên tòa xem xét. Do vậy, tôi cho rằng những chứng cứ xác lập từ các tài liệu theo cách như trên là không có giá trị pháp lý để kết tội con tôi.

3.2.      Trích dẫn một đoạn viết không phải của con tôi để làm chứng cứ kết tội con tôi:

Từ bản kết luận điều tra đến Bản án Phúc thẩm có trích dẫn một đoạn viết như dưới đây để kết tội con tôi:

“Quá trình cấu kết, tham gia hoạt động của tổ chức phản động có tên gọi “Đảng dân chủ Việt Nam”, Trần Huỳnh Duy Thức đã làm ra 11 tài liệu đăng trên blog “change we need”; 01 tài liệu đăng trên blog “Psonkhanh”; 24 trang tài liệu liên lạc giữa Thức với Nguyễn Sĩ Bình và Lê Công Định trên email chihaichibachitu@gmail.com có nội dung trao đổi về phương thức hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; thể hiện nội dung: “… Lực lượng mới bao gồm những người bên ngoài và bên trong Đảng cộng sản, cần lập sớm hai Đảng như chúng ta đã bàn để thâu tóm lực lượng,… Về cuốn sách CĐVN (con đường Việt Nam), Hoàng Sa – Trường Sa là chủ đề mà chúng ta phải bàn vì liên quan đến đối ngoại và đối nội. Còn Bauxite Tây Nguyên nữa, đó là tử huyệt của bọn chúng nó vì đó là lòng dân, chúng ta phải dứt khoát khoét sâu vào. Tình hình Bauxite có nhiều biến chuyển kinh hoàng, bọn chúng chắc chắn sẽ chết vì chuyện này, trời cho phong trào DC (dân chủ) của VN (Việt Nam) 2 sự kiện chết người…”.

Tại phiên tòa Phúc thẩm con tôi đã lưu ý với HĐXX rằng đây không phải điều con tôi viết hay nói ra trong bất kỳ tài liệu nào. Nhưng thật đáng tiếc là điều này không được quan tâm xem xét để đảm bảo tính chất khách quan, thỏa đáng và hợp pháp của chứng cứ.

Đây rõ ràng là việc rất không thỏa đáng, không đảm bảo tính khách quan đối với chứng cứ và đối với cả phiên tòa.

3.3.      Không xem xét các chứng cứ xác định vô tội do con tôi yêu cầu

Con tôi cho biết rằng trong quá trình điều tra có yêu cầu cơ quan điều tra in ra các tài liệu là chứng cứ xác định vô tội đối với con tôi trong các hộp thư điện tử bị thu giữ tài khoản và mật khẩu nhưng không được đáp ứng. Tại phiên tòa Phúc thẩm con tôi đã trình bày vấn đề này trước HĐXX, đồng thời yêu cầu được đưa ra những chứng cứ xác định vô tội mà con tôi có được. Nhưng HĐXX phúc thẩm đã hoàn toàn không để ý đến yêu cầu này, và cũng không trả lời yêu cầu chính đáng được pháp luật bảo vệ của con tôi.

Đây rõ ràng không chỉ là việc không đảm bảo các thủ tục tố tụng mà còn dẫn đến chứng cứ của vụ án bị sai lệch, không đầy đủ và thiếu khách quan.

3.4.      Không yêu cầu người giám định và tranh luận tại tòa

Một loại chứng cứ khác mà các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng để kết tội con tôi là kết quả giám định về văn hóa đối với nội dung các tài liệu mà con tôi làm ra. Trong đơn kháng cáo con tôi cho rằng kết quả giám định này không đảm bảo pháp luật và đề nghị HĐXX phúc thẩm yêu cầu người giám định ra tranh luận tại tòa. Nhưng yêu cầu này cũng không được đáp ứng mà cũng không hề giải thích lý do.

Qua những gì tôi đã trình bày ở phần 3 này, có thể khẳng định rằng các chứng cứ đã được sử dụng trong vụ án là không đảm bảo tính pháp lý, tính khách quan, xác thực. Việc xem xét các chứng cứ tại cả 2 phiên toàn hoàn toàn không toàn diện, khách quan, công bằng và dân chủ.

4.      Không đảm bảo các qui định về tố tụng hình sự tại tòa

Cả 2 phiên tòa Sơ thẩm và Phúc thẩm đã không tuân thủ các qui định của pháp luật về tố tụng hình sự, có sự không vô tư của chủ tọa phiên tòa và một số thành viên của HĐXX nên nó đã không đảm bảo được quyền bình đẳng trước tòa án giữa các bị cáo, người bào chữa với các kiểm sát viên như yêu cầu tại Điều 19 của BLTTHS trong việc đưa ra chứng cứ tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước tòa án. Do vậy phiên tòa này đã không thể xem xét tất cả các tình tiết của vụ án để có thể xác định được sự thật của nó một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và những chứng cứ xác định vô tội như yêu cầu tại Điều 10 và Điều 66 của BLTTHS. Tại phiên tòa, con tôi cùng các bị cáo khác và cả những luật sư bào chữa đã liên tục bị ngắt lời khi phát biểu, trả lời xét hỏi và tranh luận dù rằng tất cả các ý kiến đều liên quan đến vụ án; thời gian tranh luận đã bị hạn chế; cả lời nói cuối cùng của bị cáo cũng bị cắt. Những điều này đã làm cho phiên tòa không đảm bảo được tính pháp lý cần có theo luật định.

Tại phiên tòa Sơ thẩm con tôi đã nhiều lần trình bày bị truy bức nhục hình trong quá trình điều tra nên những chứng cứ bằng lời khai tại cơ quan điều tra không đảm bào tính khách quan. Nhưng HĐXX sơ thẩm đã không hề quan tâm xem xét đến ý kiến này của con tôi.

Ngoài ra, 2 phiên tòa này đã không được tổ chức đúng như những phiên tòa công khai mà ai cũng vào tham dự được như qui định tại BLTTHS, dù rằng trong quyết định đưa ra xét xử của nó ghi rõ là xét xử công khai. Ngay cả những thành viên trong gia đình tôi là chị, em, vợ con, cháu,… của con tôi đã không được vào tham dự phiên tòa. Tại phiên tòa Sơ thẩm chỉ có tôi và vợ của con tôi được cấp giấy vào nhưng chỉ ngồi bên ngoài xem qua màn hình. Tại phiên tòa Phúc thẩm thì cũng chỉ được 2 người ngồi xem qua màn hình là vợ và em của con tôi. Tính công khai của phiên tòa là một yêu cầu rất quan trọng để đảm bảo sự dân chủ và công bằng của việc xét xử. Thế nhưng điều này, thật đáng tiếc, lại bị vi phạm bởi chính những người có thẩm quyền đối với phiên tòa. Chính vì vậy mà giá trị pháp lý của 2 bản án Sơ thẩm và Phúc thẩm thực sự không được đảm bảo.

 

Thưa Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao,

Thưa Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao,

Qua những gì đã trình bày như trên, tôi thấy hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để đưa vụ án này ra xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm để trả lại sự vô tôi cho con tôi. Một năm qua kể từ phiên tòa Phúc thẩm, gia đình tôi đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, với tinh thần trách nhiệm cao không chỉ đối với con tôi mà còn đối với pháp luật và đất nước. Gia đình tôi thấy rõ, một cách đúng pháp luật, những việc làm của con tôi không vi phạm pháp luật. Không những vậy, đó còn là những việc làm đáng trân trọng. Tôi mong ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao hãy xem xét bản chất của sự việc của vụ án này trên tinh thần của ví dụ sau đây để nhận rõ vấn đề một cách khách quan. Nếu ông Chí Phèo bắn ra một phát súng làm bà Thị Nở giật mình hoảng hốt và cho rằng ông mưu sát hụt bà. Nhưng ông chứng minh được rằng ông bắn ra một phát súng không có đầu đạn, tiếng súng tuy có làm bà Nở giật mình hoảng sợ nhưng nhờ vậy mà bà đã vào nơi ẩn nấp an toàn và nhờ đó tránh được sự mưu sát của một sát thủ khác đang nhắm vào bà. Ông Phèo chọn cách này vì ông không được phép đến gần bà để cảnh báo cho bà những nguy cơ của bà. Và đến cùng sự việc đã đến lúc nguy cấp thì ông chỉ còn cách bắn súng tạo tiếng nổ lớn để giúp bà. Với bản chất như vậy thì không thể có sự việc phạm tội hay vi phạm pháp luật nào ở đây cả, nếu như ông Phèo có giấy phép sử dụng súng. Bản chất sự việc của con tôi làm cũng giống như trường hợp của ông Phèo trên đây, và con tôi cũng có giấy phép sử dụng súng tương tự như ông Phèo – đó chính là “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin; có quyển hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật” được Hiến pháp bảo hộ tại Điều 69.

Dầu rằng pháp luật không thể xem xét theo tình cảm nhưng thiết nghĩ các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần quan tâm đến khía cạnh này để có thể xem xét sâu sắc bản chất của vấn đề – giống như bà Nở, nếu bà bình tĩnh nhìn nhận vấn đề cả về lý và tình thì bà có thể thấy rằng ông Phèo thực sự quan tâm lo lắng cho bà, chỉ có điều ông cục mịch và không biết tán dương sắc đẹp của bà như nhiều người khác mà thôi.

Nhìn nhận vấn đề theo đúng bản chất của sự việc thì càng thấy phải trân trọng hơn nữa việc làm của con tôi, nhất là trong tình hình đất nước đứng trước nguy cơ “trí thức ngoảnh mặt” như một quan chức cao cấp của Bộ Công an (ông Vũ Hải Triều, Tổng Cục Phó Tổng Cục An ninh) phát biểu bên lề Đại hội Đảng bộ công an nhân dân cuối tháng 10/2010 vừa qua mà tôi nghe được trên truyền hình. Ngay vào lúc này, sau 2 năm ở tù một cách oan trái, con tôi vẫn tin tưởng vào pháp luật, vào tương lai của đất nước, luôn lạc quan hướng về phía trước mà không hề oán trách. Và con tôi vẫn luôn tin tưởng vào những việc mình làm, tin tưởng chúng sẽ được nhìn nhận một cách đúng đắn. Con tôi chưa bao giờ mất đi lòng tin vào những điều tốt đẹp trong suốt 2 năm qua.

Vì tất cả những lẽ trên, bằng đơn này tôi chính thức yêu cầu ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao xem xét lại vụ án này theo thủ tục giám đốc thẩm. Xin trân trọng cảm ơn.

 

Kính thưa Chủ tịch Nước kiêm Trưởng ban Cải cách Tư pháp Trung ương,

Tôi xin được gửi đơn này đến ông như một đính kèm đơn kêu oan mà tôi đã gửi 2 lần đến ông xin cứu xét minh oan cho con tôi. Kính mong Chủ tịch Nước quan tâm xem xét. Xin trân trọng cảm ơn.

 

Kính thưa Chủ tịch Quốc hội,

Tôi xin được gửi đơn này đến ông với tư cách là người đứng đầu Cơ quan quyền lực cao nhất nước – nơi làm ra những bộ luật bảo vệ nhân dân, đất nước. Kính mong ông với quyền hạn và trách nhiệm của mình xem xét và làm những gì cần thiết để giúp con tôi thoát được oan sai. Xin trân trọng cảm ơn.

Thưa Quí Vị,

Dù trong tù nhưng con tôi luôn động viên tôi và gia đình, cho rằng những vấn đề mà con tôi gặp phải trong vụ án này cũng là bình thường trong quá trình phát triển của đất nước. Con tôi luôn tin tưởng rằng vấn đề sẽ được nhanh chóng làm sáng tỏ, không chỉ với con tôi mà còn đối với việc thực thi pháp luật của đất nước, cho dù biết rằng đó không phải là một quá trình dễ dàng, tương tự như quá trình để kinh tế thị trường được chấp nhận trước đây vậy. Nhưng niềm tin bền bĩ của con tôi trong suốt 2 năm qua đã truyền được niềm tin cho cả nhà, giúp tôi và gia đình tiếp tục tin tưởng vào những điều tốt đẹp. Nhờ niềm tin đó mà tôi đã viết đơn này, và cũng chính bằng niềm tin đó, để thể hiện niềm tin đó đến Quí Vị quan tâm giải quyết vấn đề này theo đúng pháp luật, đúng tinh thần pháp chế xã hội chủ nghĩa – tinh thần “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” như tuyên bố tại Điều 2 Hiến pháp.

Tôi xin được kính đơn cũng bằng tinh thần và niềm tin như vậy.

Xin trân trọng kính chào.

      Kính đơn,

Trần Văn Huỳnh

Đính kèm các bản sao:

  1. Đơn kháng cáo gửi Tòa án nhân dân tối cao (50 trang) ngày 01/02/2010
  2. Thư gửi Bí Thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Minh Triết ngày 07/01/2004
  3. Thư gửi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ngày 14/04/2007
  4. Thư gửi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 17/04/2007
  5. Bài viết: Một năm sau Đại hội X – Cảnh báo những nguy cơ quốc gia (tháng 4/2007)
  6. Bài viết: Việt Nam đồng đang ở đâu và sẽ đi về đâu (tháng 3/2008)
  7. Bài viết: Đô-la ngoại sẽ đi tới đâu (tháng 8/2008)
  8. Bài viết: Khủng hoảng – Cơ hội cuối (tháng 11/2008)

Tải file pdf.

This entry was posted in Trong nước and tagged . Bookmark the permalink.

28 Responses to Đơn yêu cầu giám đốc thẩm cho Trần Huỳnh Duy Thức

  1. Pingback: Thỉnh nguyện thư công dân gửi đến 500 đại biểu Quốc hội « tranfami

  2. Pingback: Thỉnh nguyện thư công dân của thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức « THÔNG TIN ĐA CHIỀU

  3. Pingback: Thỉnh nguyện thư công dân của thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức « DÂN LÀM BLOG

  4. Pingback: Thỉnh nguyện thư công dân của thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức | ● Anh Sáu Sài Gòn's blog

  5. Pingback: Thỉnh nguyện thư của thân phụ Trần Huỳnh Duy Thức « LÀNG BÁO

  6. Pingback: Thỉnh nguyện thư của thân phụ Trần Huỳnh Duy Thức « Dân Luận

  7. Pingback: Thỉnh nguyện thư công dân của thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức « LƯƠNG TÂM CÔNG GIÁO

  8. Pingback: BỐ CỦA TRẦN HUỲNH DUY THỨC YÊU CẦU XÉT LẠI BẢN ÁN « Tiếng Nói Dân Chủ

  9. Pingback: Thỉnh nguyện thư công dân của thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức | ixij

  10. Pingback: Thỉnh nguyện thư công dân của thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức « Huynh Đệ Hiệp Thông Chia Sẻ

  11. Pingback: THÂN PHỤ CỦA TRẦN HUỲNH DUY THỨC YÊU CẦU XÉT LẠI BẢN ÁN « Tiếng Nói Dân Chủ

  12. Pingback: Thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức – Thỉnh nguyện thư công dân gửi đến 500 đại biểu Quốc hội « Nguyễn Thị Hường (Hoàng Lan)

  13. Pingback: Thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức – Thỉnh nguyện thư công dân gửi đến 500 đại biểu Quốc hội « Hường's Blog: Thinking-Writing-Listening.

  14. Pingback: THỈNH NGUYỆN THƯ CÔNG DÂN của THÂN PHỤ ANH TRẦN HUỲNH DUY THỨC (Trần Văn Huỳnh) « Ngoclinhvugia's Blog

  15. Pingback: Phỏng vấn thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức « TIN TỨC HÀNG NGÀY – Online

  16. Pingback: ĐÀN CHIM VIỆT PHỎNG VẤN THÂN PHỤ ANH TRẦN HUỲNH DUY THỨC (Mạc Việt Hồng) « Ngoclinhvugia's Blog

  17. Pingback: Phỏng vấn thân phụ a nh Trần Huỳnh Duy Th ức « LÀNG BÁO

  18. Pingback: Phỏng vấn thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức | tinnhanhhangngay

  19. Pingback: Phỏng vấn thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức | dânlầmthan

  20. Pingback: Phỏng vấn thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức | ● Anh Sáu Sài Gòn's blog

  21. Pingback: Phỏng vấn thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức | CHIM BÁO BÃO | chimbaobao.com

  22. Pingback: Phỏng vấn thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức | ÁO TRẮNG ƠI

  23. Pingback: Phỏng vấn thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức | Tin hôm nay

  24. Pingback: Phỏng vấn thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức « Anle20's Blog

  25. Pingback: Mạc Việt Hồng – Phỏng vấn thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức | ixij

  26. Pingback: TRÒ CHUYỆN CŨNG BÁC TRẦN VĂN HUỲNH – THÂN PHỤ ANH TRẦN HUỲNH DUY THỨC (Dân Làm Báo) « Ngoclinhvugia's Blog

  27. Pingback: Lê Thăng Long – Nhân một phiên toà nói về sửa đổi Hiến Pháp | CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA - HOA KỲ

  28. Pingback: Nhân một phiên toà nói về sửa đổi Hiến Pháp | ÁO TRẮNG ƠI

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.