HÀNH TRÌNH VÀO BẢN CHẤT CỦA DÂN CHỦ VÀ THỊNH VƯỢNG

Nên hiểu tính độc lập của một nhà nước hoặc dân tộc như thế nào? Nhận thức cho rằng nền độc lập có nghĩa là nhà nước của nó cầm quyền bởi một nhóm người cùng sắc tộc với đại đa số dân chúng còn tương đối phổ biến. Sự chấp nhận sai lầm rộng rãi như vậy giúp các chế độ chuyên chế lợi dụng để duy trì sự thống trị. Do vậy một sự hiểu biết đúng về một nền độc lập là rất thiết yếu để tránh cho một dân tộc khỏi bị lệ thuộc. Nó cũng sẽ đòi hỏi chúng ta suy nghĩ đúng về các khái niệm sức mạnh của cá nhân và tính cá nhân. Đề tài này sẽ dẫn đến nhiều nghiên cứu về dân chủ và thịnh vượng cùng với các qui luật của chúng.

THỰC DÂN HAY CHUYÊN CHẾ

Có rất nhiều chế độ chuyên chế đã cầm quyền một cách độc đoán đất nước mình nhiều thập kỷ nay. Hầu hết đều từ những người đã giữ vai trò quan trọng trong việc giải phóng dân tộc khỏi sự cai trị thực dân. Thành tựu trên danh nghĩa của họ là đã mang lại nền độc lập cho dân tộc mình. Nhưng nhìn vào cuộc sống thực tế của những người đang sống ở những nước này. Thật khó mà không nói rằng họ lệ thuộc nặng nề dù màu da và chủng tộc của họ giống với những kẻ cầm quyền chuyên chế.

Thực ra những người này chỉ đơn giản là thay đổi sự thống trị của thực dân bằng của họ. Thường thấy ở những nơi này hàng đống sự xâm phạm quyền con người, tự do và lợi ích riêng tư trên danh nghĩa của an ninh và lợi ích quốc gia. Những công trạng ”giải phóng dân tộc” bị khai thác để bảo tồn sự chính danh của các chế độ áp bức này. Ở vài nơi nỗi thống khổ của dân chúng còn tệ hơn những gì họ đã phải trải qua dưới thời thực dân. Bình mới rượu cũ mà thôi.

ĐỘC LẬP CÁ NHÂN VÀ ĐỘC LẬP DÂN TỘC

Sẽ không có sự độc lập nếu không có tự do. Và sẽ không có độc lập dân tộc nếu không có độc lập cá nhân. Điều này là chân lý. Vào giữa thế kỷ 19, Fukuzawa Yukichi – người được đánh giá là xuất chúng trong số những người sáng lập nên nước Nhật hiện đại – đã có một danh ngôn: ”Độc lập dân tộc nhờ độc lập cá nhân”. Ông chứng minh rằng nhờ có độc lập cá nhân mà một người không phải lệ thuộc vào sức mạnh của người khác. Nên chính nhờ sức mạnh cá nhân đó mới giúp một dân tộc cạnh tranh được với những dân tộc khác. Và chính tư tưởng đó đã biến nước Nhật thành một cường quốc trong vòng 30 năm từ sự lạc hậu nghèo nàn.

CÓ TỰ DO MỚI ĐỘC LẬP

Một cá nhân chỉ có thể độc lập nếu có đầy đủ tự do. Và chỉ khi nào quyền con người của một người được tôn trọng và bảo vệ đầy đủ bằng pháp quyền thì người đó mới có tự do hoàn toàn. Do vậy bản chất của nhà nước pháp quyền là một sự ủy trị hợp pháp để bảo vệ các quyền này và tự do cho từng cá nhân, từng người một. Trách nhiệm này phải được gìn giữ thiêng liêng  như mục tiêu tối thượng của nhà nước đó. Không tuân theo quy tắc này sẽ gây ra sự xâm phạm tự do cá nhân nhân danh an ninh quốc gia, ổn định xã hội và trật tự cộng đồng như các chính quyền độc tài thường dùng để biện hộ một cách mơ hồ vì sự phát triển.

Những sự mơ hồ này trong thực tế dễ dàng trở thành những cái cớ để xâm hại an toàn của con người, tước đoạt nhân quyền và xúc phạm nhân phẩm một cách không nao núng để giành được đặc quyền cho những nhóm lợi ích hẹp hòi. Cách này sẽ chắc chắn làm cho người dân lệ thuộc vào những người cai trị bằng cách áp nỗi sợ hãi lên người bị trị. Không có tự do sẽ dẫn đến lệ thuộc bất chấp màu da và chủng tộc của những người cầm quyền. Sự phụ thuộc của cá nhân sẽ gây nên một quốc gia lệ thuộc mà không thể tránh được, ngay cả quốc gia đó không thuộc quyền tài phán của quốc gia khác.

SỰ UỶ TRỊ HỢP PHÁP

Canada và Úc theo chế độ quân chủ lập hiến, tôn Nữ hoàng Anh làm người đứng đầu nhà nước của họ. Nhưng ai có thể nói rằng họ là những dân tộc lệ thuộc? Khi nào người dân họ còn thích chế độ này thì nó còn tồn tại. Ngược lại, họ có thể bỏ phiếu để thay đổi thành chế độ cộng hòa, chẳng hạn, mà không có vấn đề gì. Họ hoàn toàn tự do lựa chọn chế độ chính trị nên dân tộc họ thực sự độc lập.

Nếu Barack Obama thắng cử tổng thống Mỹ, liệu người da trắng có tự xem họ là một chủng tộc lệ thuộc? Và người da đen sẽ tìm thấy sự độc lập của họ nhờ chiến thắng đó? Ai trả lời có sẽ thật là ngớ ngẩn. Sự uỷ trị chỉ hợp pháp khi nó được bầu chọn bằng một cuộc bầu cử tự do mà người dân, chính là những người ủy nhiệm, không bị sợ hãi và thiếu thốn để thực hiện quyền bỏ phiếu của mình. Đối với luật pháp cũng vậy. Jean Jacques Rousseau (+) đã viết trong tuyệt tác ”Khế ước xã hội” của ông rằng: ”Bất cứ luật nào mà người dân không phê chuẩn trực tiếp thì vô hiệu và vô dụng – trên thực tế nó không đúng là luật”.

Tính hợp pháp của một sự ủy trị không liên quan đến chủng tộc, màu da, giới tính, v.v… hoặc công trạng đã qua hay tuyên bố ”vì dân” của một đảng cầm quyền bằng tiếm quyền, v.v… Làm cho người dân hoặc khiếp sợ hoặc lệ thuộc kinh tế vào những người có quyền lực là cách mà một chế độ cường quyền nắm quyền để ép người dân phục tùng ý chí của nó. Do đó, nó không bao giờ là một sự ủy trị hợp pháp ngay cả nó chấp nhận quyền bầu cử của người dân trên danh nghĩa.

NHÂN QUYỀN, DÂN CHỦ VÀ THỊNH VƯỢNG

Đó là lý do mà Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền (UDOHR) tuyên bố và tin rằng con người chỉ thực sự tự do khi không phải sợ hãi và không bị thiếu thốn. Nhằm mục đích này, bản Tuyên ngôn đã được cụ thể hóa thành Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCE) nhằm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản này trên toàn thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các nước thuộc thế giới thứ nhất tôn trọng trước tiên và bảo vệ trên hết các quyền đó trong hiến pháp của họ một cách đầy đủ, và làm cho chúng có hiệu lực trong thực tế. Chính cách thức này đã đưa các quốc gia này trở thành những đất nước dân chủ và thịnh vượng nhất thế giới.

Các quyền này là thiêng liêng và do Tạo hóa ban cho, không phải do bất kỳ ai khác là con người hoặc bất cứ cái gì thuộc về con người. Do vậy ủng hộ các quyền này tức là tuân theo các qui luật tất yếu khách quan, chính là các luật của Tạo hóa. Con người có thể phát hiện và hiểu được các luật này nhưng không thể sáng tạo ra chúng theo ý muốn của mình. Nếu luật của con người mà không thuận theo các luật tương ứng của Tạo hóa thì sẽ không có tác dụng, và cuối cùng có thể sụp đổ.

TÍNH TOÀN VẸN CỦA CÁC QUYỀN CON NGƯỜI

Một máy bay sẽ không thể cất cánh nếu nó được thiết kế bởi những qui tắc không nghiêm ngặt tuân thủ luật vạn vật hấp dẫn, định luật Bernoulli và v.v… Ngay sau khi giành được chủ quyền từ Vương quốc Anh, người Ấn độ đã ủng hộ quyền chính trị cho nhân dân bằng một chế độ đa đảng. Nhưng quyền kinh tế của họ lại bị hạn chế một cách khắc nghiệt nên họ chỉ có được một sự tự do khuyết tật, vì vậy không tạo ra được một nền dân chủ thực chất. Do đó, họ chìm đắm trong cơ hàn cho đến khi họ hủy bỏ cơ quan cấp phép khổng lồ vào năm 1991, khởi đầu cho sự dân chủ trong hoạt động kinh tế. Hàng chục triệu người Ấn đã thoát khỏi sự bần cùng hóa từ đó, kéo theo các thành tựu khác về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, công nghệ, quốc phòng, v.v… Điều này giải thích vì sao Châu Phi vẫn còn đầy rẫy các dân tộc khốn khổ bất chấp sự tồn tại tràn lan lâu nay của rất nhiều đảng chính trị.

Trung Quốc và Việt Nam tạo ra một phiên bản khác về sự vi phạm tính toàn vẹn của các quyền con người. Hai nước này đã thừa nhận quyền kinh tế cho người dân nhưng vẫn tước đoạt không khoan nhượng quyền chính trị của họ, gây nên một kiểu tự do què quặt khác. Mặc dù mô hình này có thể tạo nên sự tiến bộ kinh tế  và các thành tích ấn tượng về xóa đói giảm nghèo, nhưng nó cũng đồng thời nuôi dưỡng bất bình và suy thoái xã hội rồi nhốt chúng lại. Khi sự trầm trọng này trở nên mục ruỗng thì nó sẽ dẫn tới việc bộ máy chính trị tự dân chủ hóa hoặc sẽ kết thúc trong sụp đổ toàn diện về kinh tế, xã hội, chính trị và một chế độ bị lật nhào. Đây là tiến trình tất yếu vì nó phá vỡ sự toàn vẹn của các quyền con người vốn thuộc về luật của Tạo hóa. Dưới tác động của toàn cầu hóa và xã hội Internet, tiến trình này sẽ diễn biến rất nhanh, nhanh hơn đã từng chứng kiến trong thời gian chiến tranh lạnh dẫn đến sự tan rã của hệ thống Đông Âu và Liên Xô.

CÁC QUI LUẬT PHÁT TRIỂN

Sự phân tích bản chất của các trường hợp trên cho thấy: xã hội loài người sẽ phồn vinh khi con người có quyền tự do mưu cầu thịnh vượng cho riêng mình, và nhờ vậy cũng sẽ cho những người mà anh ta cần nhờ đến để đạt được mục đích của mình. Đây chính là qui luật căn bản của kinh tế thị trường do Tạo hóa làm ra thông qua tính ứng xử phổ quát của con người. Và một nền kinh tế thị trường chỉ vận hành tốt và ổn định trong một xã hội có đủ tự do. Xã hội đó chính là cơ chế tự động để đạt được trạng thái cân bằng của tất cả các phương diện kinh tế một cách hiệu quả. Adam Smith gọi cơ chế này là ”Bàn tay vô hình” – cũng là một luật của Tạo hóa mà ông đã phát hiện và hiểu rõ để giúp phát triển việc nghiên cứu kinh tế.

Việc nghiên cứu chia kinh tế thành hai nhánh: kinh tế học thực chứng và kinh tế học chuẩn tắc. Kinh tế học thực chứng nghiên cứu các qui luật tất yếu của các yếu tố kinh tế và tác động tương hỗ giữa chúng, tức là các thực tế khách quan của kinh tế. Còn kinh tế học chuẩn tắc nghiên cứu các kêt quả của hành động và quyết định kinh tế của con người theo quan hệ nhân quả từ các qui luật tất yếu trên. Chấp nhận kinh tế thị trường chỉ mới là sự áp dụng các qui luật này, nhưng chưa đủ. Nó còn đòi hỏi không thể thiếu một cơ chế để đảm bảo các quyết định kinh tế của chính phủ là vì đại chúng, vì đa số. Không có cơ chế này thì, do mục đích mưu cầu thịnh vượng, con người sẽ hướng động lực của mình nhằm thỏa mãn những người ra quyết định đang nắm quyền thay vì dân thường. Mối nguy đạo đức này có thể bị chỉ trích gay gắt nhưng nó không phải là chuyện bất thường, và bất chấp những đả kích nó vẫn tồn tại tràn lan như dịch bệnh và xói mòn bất kỳ xã hội nào không có một nền dân chủ đủ thực chất. Một hệ thống như vậy được gọi là chủ nghĩa tư bản thân hữu mà kết quả tốt nhất của nó tạo ra chỉ là một đất nước thu nhập trung bình và dậm chân ở cái bẫy đó.

BẢN CHẤT VÀ HÌNH THÁI CỦA DÂN CHỦ

Bản chất của dân chủ đơn giản chỉ là sự tuân theo các quyền con người và tuân thủ tính toàn vẹn của các quyền đó. Đó cũng chính là sự tuân thủ các qui luật tất yếu vì tính chất của quyền con người là do Tạo hóa tạo ra. Sự tôn trọng như vậy được thực hiện càng đầy đủ thì nền dân chủ đạt được càng thực chất. Bản chất này của dân chủ là không thay đổi theo bất kỳ yếu tố nào thuộc về con người như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, sự giàu có, xuất thân, trình độ phát triển hoặc những trạng thái khác. Những yếu tố này chỉ ảnh hưởng đến hình thái của một xã hội dân chủ vốn chỉ là kết quả sinh ra từ sự vận động của các yếu tố đó dựa trên các luật của Tạo hóa, bao gồm cả quyền con người. Hình thái có thể thay đổi nhưng bản chất thì không. Hình thái phải là kết quả từ dưới lên và không nên là sự áp đặt từ trên xuống. Sự áp đặt như vậy đã chứa đựng bản chất chống dân chủ rồi.

Quan điểm về hình thái xã hội của con người chỉ có thể thành hiện thực một khi nó được thiết kế theo luật của Tạo hóa và nó phải thuyết phục được người dân tán thành một cách tự nguyện. Phác thảo một hình thái chủ quan, rồi ép uổng thô bạo người bị trị buộc họ miễn cưỡng chấp nhận nó như một lẽ phải chung duy nhất thì sẽ sinh ra một xã hội bất ổn triền miên. Lý do là khoảng cách giữa những chuẩn mực xã hội trên danh nghĩa và những cái tồn tại trên thực tế không ngừng gia tăng, gây ra sự sụp đổ niềm tin vì thất hứa. Đó là lúc cái hình thái phác thảo đó sẽ lụn bại mặc dù nó chưa bao giờ tồn tại trên thực tế giống như được phác thảo. Đây là những gì đã từng thấy từ Quốc xã ở Đức và Liên xô ở Nga.

ĐỘNG LỰC HAY SỢ HÃI

Khi một chính phủ phải thuyết phục người dân thì nó cũng phải tạo động lực cho họ. Người dân, đến lượt họ, sẽ tích tụ những xung lực phi thường để đẩy mạnh những gì chính phủ mong muốn hướng đến một vận mệnh tốt hơn cho dân tộc. Dù bất kỳ biểu hiện nào, một hình thái xã hội có thể thực sự tồn tại được trong cuộc sống sẽ luôn là hệ quả từ những hành động của dân thường tạo ra trên các luật của Tạo hóa. Hình thái đó có thể khớp với cái mà những người cầm quyền mong muốn chỉ khi nào họ làm cho ý chí của mình phù hợp với nguyện vọng của thường dân, và làm cho những luật mình mong muốn tuân thủ luật của Tạo hóa. Hiểu thấu lòng dân và hiểu rõ các qui luật tất yếu khách quan luôn là yêu cầu bức thiết của một xã hội dân chủ.

Thao túng quyền lực nhà nước để bắt dân thường phục tùng chủ tâm của một nhóm nhỏ sẽ tạo ra nỗi sợ hãi và làm cạn kiệt nguồn vốn con người như động lực, sáng tạo, niềm tin – là những giá trị thiết yếu nhất cho sự phát triển bền vững của một xã hội. Người dân phần nào có thể từ bỏ tự do của mình để đổi lấy việc sinh sống đến khi nào chính phủ có thể đảm bảo một sự phát triển kinh tế ổn định và phân phối thành quả của nó tương đối công bằng. Nhưng nhiệm vụ này là bất khả thi đối với các xã hội kém dân chủ. Khi nhiệm vụ này thất bại là lúc phải trả phí cho Tạo hóa vì đã vi phạm luật Tạo hóa. Phí đó là một chế độ bị lật đổ nhục nhã, và nhiều lúc là một cuộc cách mạng bạo lực đẫm máu. Một xã hội dân chủ không như vậy, ở đó người dân có thể thay đổi chính phủ một cách hòa bình.

TỪ SỢ HÃI ĐẾN LỆ THUỘC

Theo xu hướng tự nhiên, một chính phủ chống dân chủ luôn luôn phân phát nỗi sợ hãi để che ủ sự phàn nàn của những người dân cảm thấy phát ốm đối với sự quản lý của nó, và đàn áp những người bất đồng chính kiến nào phê phán sai lỗi của nó. Tuy nhiên nó cũng tự che ủ và bịt mắt chính mình trước những phản ánh của xã hội.  Một chính phủ như vậy không thể xây dựng được một xã hội có thành tựu bền vững, mà là một xã hội cuối cùng sẽ suy tàn. Lý do là những người lệ thuộc thì không thể có năng lực để lãnh đạo nhân dân họ đi đến một nền độc lập dân tộc, mà chỉ đến một quốc gia phụ thuộc. Những kẻ độc tài và các chính phủ chống dân chủ thực sự là những người lệ thuộc mặc dù họ thường thể hiện uy quyền.

Một người độc lập thì không bao giờ lệ thuộc một cách thiếu suy nghĩ vào sự phê bình từ người khác, trong khi một người phụ thuộc thì sợ sự phê phán đó đến ám ảnh, tự kỷ rằng nó sẽ gây ảnh hưởng xấu đến mình. Anh ta không bao giờ đủ tự tin để hiểu rằng người ta nghĩ thế nào về mình chỉ hoàn toàn là hệ quả của chính cách hành xử của anh ta, chứ không phải của những người gay gắt chỉ trích mình. Đây đúng là đầu óc của những kẻ lệ thuộc mà khi nó thuộc về những người đang nắm quyền lực thì sẽ luôn dẫn đến sự đàn áp những người bất đồng chính kiến, sự đè nặng lên người dân bằng nỗi sơ hãi để che đậy sự yếu đuối của mình. Những kẻ cường hào che giấu tính hèn nhát của mình bằng sự tàn bạo. Bạo chúa Saddam Hussein đã lộ rõ sự đê hèn khi bị bắt lúc trốn chạy.

HÀNH TRÌNH VÀO BẢN CHẤT CỦA DÂN CHỦ VÀ THỊNH VƯỢNG

Chế độ của Saddam đã bị lật đổ mấy năm nhưng nền độc lập cho quốc gia Iraq vẫn chưa có. Đấy không phải vì sự chiếm đóng của Mỹ. Điều đó chỉ có được khi người Iraq có ý thức tự tin để xây dựng sự độc lập cá nhân cho mình để làm cho dân tộc họ độc lập. Đây là cái BẮT BUỘC cho tất cả dân tộc trên thế giới để thực sự được tự do và độc lập nhằm có được dân chủ và thịnh vượng. Dưới 1/7 dân số thế giới được sống trong những đất nước như vậy trong khi hơn một nửa vẫn đang vật lộn với nghèo đói. Phong trào giải phóng dân tộc sau Thế chiến thứ II đã lớn mạnh và hoàn thành hơn nửa thế kỷ rồi nhưng vẫn chưa mang đến tự do và độc lập được cho nhiều nước để trở nên dân chủ và thịnh vượng. Mà hầu hết đã kéo theo các chế độ toàn trị; chính phủ mị dân; sự tước đoạt hoặc thu hẹp các quyền và tự do của con người; những người dân sợ hãi và lệ thuộc; sự nghèo túng và thậm chí là chết đói.

Lục tìm lịch sử thế giới về dân chủ và thịnh vượng trải dài từ thời La Mã cổ đại đến đến nay, và đào sâu vào bản chất của các phạm trù này để nắm được những bản chất cốt lõi của chúng nhằm hiểu rõ các qui luật tự nhiên liên quan. Và áp dụng các qui luật này nhằm tìm ra những con đường dẫn đến tự do, độc lập, dân chủ và thịnh vượng cho các quốc gia một cách bền vững và nhanh nhất chính là tham vọng của quyển sách này – Hành trình vào bản chất của Dân chủ và Thịnh vượng.

Quyển sách sẽ tìm hiểu căn nguyên của các phạm trù trên trong mối liên hệ với bản chất của một nhà nước pháp quyền và các hình thái khác nhau của nó, cũng như vai trò của một xã hội dân sự bên trong nó để đảm bảo người dân sống theo luật nhằm làm nó phát huy tác dụng. Và làm sao để khuyến khích tự do cá nhân trong lúc cân bằng nó với các giá trị phổ quát chung thay vì đánh bại chủ nghĩa cá nhân.

Quyển sách tin rằng những con đường như trên sẽ giúp duy trì hòa bình và ngăn ngừa chiến tranh cho thế giới.

———–

(+) Một triết gia, nhà văn, nhà soạn kịch người Giơ-ne-vơ thuộc trường phái lãng mạn hồi thế kỷ 18. Triết lý chính trị của ông đã ảnh hưởng đến cuộc cách mạng Pháp.

*
*        *

 

DIỄN BIẾN HÒA BÌNH HAY CÁCH MẠNG CẠM BẪY[i]

 HÀNH TRÌNH VÀO BẢN CHẤT CỦA DÂN CHỦ VÀ THỊNH VƯỢNG (tiếp theo)

Liệu một hình thái xã hội nào đó có gắn chặt với một thuộc tính bất biến của nó, chẳng hạn như ”bản chất của chủ nghĩa tư bản là xấu xa và người bóc lột người”, hoặc ”bản chất của chủ nghĩa xã hội / chủ nghĩa cộng sản là tốt đẹp và luôn vì nhân dân”?

THUỘC TÍNH, BẢN CHẤT VÀ QUY LUẬT

Chỉ có những yếu tố nào được định tính bởi Tạo hóa mới có tính bất biến – chính là bản chất của chúng. Con người không thể kiểm soát hoặc thay đổi các bản chất này, chẳng hạn như các nguyên tố hóa học, trọng lực và quyền con người. Tất cả thuộc tính của những gì con người có thể kiểm soát được thì luôn có thể thay đổi, tùy thuộc vào thời đại, sức mạnh con người và quan trọng nhất là vào luật lệ liên quan của Tạo hóa. Ví dụ, con người có thể sản xuất nhiều loại thép khác nhau: rỉ hoặc không rỉ; những chiếc máy bay khác nhau: cánh quạt hoặc phản lực; và những xã hội trái ngược nhau: cường quyền -> tham nhũng -> nghèo khổ -> lạc hậu   hay  dân chủ -> công bằng -> thịnh vượng -> văn minh. Con người sáng tỏ và tuân thủ càng nhiều quy luật tự nhiên và kiến thức của các quy luật này thì thép, máy bay và xã hội được làm ra càng tốt, và càng có nhiều người chấp nhận các sản phẩm của mình một cách thuyết phục. Nói một cách chính xác, Sức mạnh của nhân loại tùy thuộc và tỷ lệ thuận với sự hiểu biết của con người về các quy luật của Tạo hóa. Đây là sức mạnh chính đáng và bền vững.

Sự phát hiện của Newton về quy luật Vạn vật hấp dẫn đã không chỉ khai tử chân lý áp đặt sai lầm của Giáo hội La Mã: ”mặt trời xoay quanh trái đất” và kéo theo tòa án dị giáo phục tùng của nó, mà còn khởi tạo nên một sự khai sáng vĩ đại về thế giới vật lý cho nhân loại, rồi dẫn đến cuộc Cách mạng Khoa học Kỹ thuật. Và sự thịnh vượng của thế giới đã phồn vinh vô số kể từ sau sự ra đời của ”Sự thịnh vượng của các quốc gia” – một tuyệt tác của Adam Smith đã giúp cho con người hiểu rõ các quy luật tự nhiên về kinh tế. Ông gọi chúng là ”hệ thống tự do tự nhiên” mà sau đó được áp dụng rộng rãi bởi nhiều nước tư bản chủ nghĩa một cách rất thành công dưới thuật ngữ ngày nay: ”các nguyên lý kinh tế thị trường tự do”. Do vậy, một số người tôn Adam Smith là người sáng lập của chủ nghĩa tư bản. Nhưng đây là một ý kiến sai. Ông đã không khởi xướng một học thuyết cho cho một chủ nghĩa trong quyển ”Sự thịnh vượng của các quốc gia” của mình, và thuật ngữ chủ nghĩa tư bản chỉ xuất hiện gần một thế kỷ sau tác phẩm của ông. Thay vào đó, ông đã tìm ra những động lực kinh tế nằm ở đâu; chỉ ra cách các động lực này vận hành và làm sao để điều khiển chúng; chính phủ nên làm sao và không nên can thiệp như thế nào để đảm bảo chúng vận hành đúng đắn và tự nhiên (tức là theo đúng bản chất của chúng). Tất cả những điều này bàn đến các quy luật về bản chất của kinh tế, hoặc những nguyên lý của các bản chất kinh tế.

THUỘC TÍNH BIẾN ĐỔI VÀ LÝ TƯỞNG CỦA CHỦ NGHĨA

Trên thực tế, chủ nghĩa tư bản không hề được hình thành bởi một bản tuyên bố của một học thuyết được định dạng hoặc đóng khuôn sẵn, đặt ra các quy tắc áp đặt cứng nhắc đối với những người theo nó. Mà nó được thành hình tự nhiên, tức là những ai ủng hộ nó đã tôn trọng các bản chất của kinh tế và những sự tiến hóa diễn ra theo các quy luật của các bản chất này theo chiều hướng của các hoạt động phổ biến. Làm như vậy từng bước, nó đã dần hình thành nên nhiều hình thái xã hội (không chỉ một cái duy nhất) có tên chung là tư bản chủ nghĩa (gợi liên quan đến người sở hữu vốn) và có chung các luật lệ cốt yếu nhằm ủng hộ sở hữu tư nhân để khuyến khích động lực cá nhân cho sản xuất hàng hóa hay dịch vụ vì lợi nhuận, duy trì thị trường tự do cạnh tranh để bàn tay vô hình điều tiết các hoạt động kinh tế, và điều tiết những gì bàn tay vô hình không phát huy tác dụng. Dù đã lan rộng khắp thế giới, xây nên nhiều quốc gia dân chủ và thịnh vượng với sự đa dạng theo thời đại, văn hóa, chính trị, địa lý, tuy vậy những người theo nó đã tạo ra nhiều phiên bản bị lỗi như: những công xưởng bóc lột khắc nghiệt ở Châu Âu và chế độ nô lệ đáng xấu hổ ở Mỹ vào nửa đầu thế kỷ 19, hoặc rất nhiều chính phủ tư bản thân hữu tham nhũng như hiện nay.

Do vậy, rõ ràng là không có thuộc tính bất biến được gắn liền với một hình thái xã hội nhất định và được quyết định bởi học thuyết của nó hoặc chỉ đơn giản bằng cái tên của nó. Thuộc tính của nó sẽ không bao giờ là một tính chất hay đặc trưng được định trước hoặc bẩm sinh, mà là một thuộc tính biến đổi theo mức độ tuân thủ của người dân đối với các luật lệ của Tạo hóa và các hoạt động của họ, đặc biệt là của những người nắm quyền lực. Lịch sử đã cho thấy nhiều ý thức hệ vốn được ra đời bởi thiện chí và lòng tốt của những người khởi xướng, nhưng đã kết thúc bằng những sự tồn tại ngày càng tệ hại, gây tai họa tràn lan cho cả triệu dân. Đó là do lỗi bẩm sinh lúc thiết kế ra chúng không phù hợp với các nguyên lý tự nhiên hoặc do sự chủ quan áp đặt của những người thực hiện chúng vi phạm tính khách quan của các nguyên lý này. Đó chính là trường hợp của chủ nghĩa Mác và sự thực hiện nó của Lê Nin. Do vậy, không thể nói rằng bản chất của chủ nghĩa cộng sản hoặc chủ nghĩa xã hội là tốt hay xấu. Các thuộc tính của những biểu hiện khác nhau của nó có lúc xấu và tốt nhưng người ta có thể nói rằng lý tưởng, và chỉ là lý tưởng của nó mãi tốt đẹp và vì nhân dân. Tuy nhiên, lý tưởng không phải lúc nào cũng khớp với thực tiễn, chỉ những lý tưởng nào tìm ra con đường đúng thì mới khớp được.

MÔ HÌNH DÂN CHỦ XÃ HỘI

Những hình thái xã hội chủ nghĩa tốt nhất mà con người từng được chứng kiến chính là các nền dân chủ xã hội đã được phát triển thành công ở các nước Bắc Âu. Mô hình này được sáng lập bởi những người ngưỡng mộ lý tưởng vì giai cấp công nhân của Mác và những khái niệm phân phối công bằng cho đại chúng của ông, nhưng xét lại và phê bình một cách khoa học phương thức sản xuất và cách thức giải quyết mâu thuẫn giai cấp của ông. Họ thừa nhận sự phân hóa giai cấp kinh tế giữa giới tư sản và vô sản, nhưng cho rằng vấn đề này sẽ được loại trừ nhờ vào những cải cách pháp luật và các chương trình tái phân phối. Họ tin rằng chuyên chính vô sản sẽ làm trầm trọng hơn các quan hệ xã hội, rằng những cải cách dân chủ dần dần sẽ tăng cường quyền và lợi ích cho giai cấp công nhân. Họ tranh luận với Lê Nin về ”đấu tranh giai cấp” của Mác, ở đó họ bác bỏ sự sai trái của phương pháp của Lê Nin sử dụng bạo lực để đánh đổ các tầng lớp trên với hy vọng vực dậy giai cấp vô sản. Họ thấy trước rằng cách đó sẽ dẫn đến những sự hủy diệt đẫm máu và sự tàn phá xã hội để đổi lấy một tình trạng đấu đá bị kềm nén. Họ lập luận rằng đấu tranh giai cấp chỉ có thể tạo ra động lực cho phát triển như Mác mong muốn chỉ ở nơi nào các tầng lớp dưới có được những cơ hội tử tế trong cuộc sống để không ngừng tự cải thiện chính mình cho cuộc sống tốt hơn hoặc để vươn lên tầng lớp cao hơn nhờ vào một quá trình dân chủ. Đây chính là những động lực chính đáng và lâu dài, không phải là những động lực từ hận thù nhất thời. Họ từ chối kiểu xã hội chủ nghĩa bằng cách mạng bạo lực và ủng hộ kiểu cải cách mà từ đó phát triển nên một khái niệm mới: Chủ nghĩa xã hội dân chủ xã hội. Chủ nghĩa này bảo vệ các quy luật kinh tế thị trường để xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội, bảo hộ việc tái phân phối thành quả tăng trưởng, đảm bảo cơ hội công bằng và luật chơi sòng phẳng, cho phép doanh nghiệp tư nhân và hỗ trợ quyền sở hữu, v.v…

Mô hình này có nguồn gốc vào những năm đầu của thế kỷ 20 từ phái Men-sê-vich mà sau đó đã bị Lê Nin phản đối và đặt ngoài vòng pháp luật sau cách mạng tháng 10 năm 1917. Chính quyền Xô Viết gán cho nó là ”chủ nghĩa xét lại” và ”phản động”. Từ này từ đó trở thành thuật ngữ tội phạm phổ biến nhất được dùng để trừng phạt bất kỳ ai làm, hoặc chỉ nói, khác với những tín điều của phái Bôn-sê-vích của Lê Nin, bóp nghẹt tất cả mọi phản động theo nghĩa đúng đắn bình thường của từ này[ii]. Ở những đất nước tán thành giáo lý của Lê Nin, từ phản động làm cho người dân khiếp sợ và ăn sâu vào lòng họ, tận diệt tất cả mọi chỉ trích đối với chính quyền cùng với những ý tưởng sáng tạo mới không thể thiếu để phát triển đất nước. Người dân ở những nước văn minh gần như không bao giờ hiểu được vì sao phản động lại có thể là một vấn đề, chứ đừng nói là phạm tội.

Dân chủ xã hội đã sinh sôi ở Bắc Âu từ sau kết thúc Thế chiến II, các đảng theo xu hướng này đã nắm quyền thông qua các cuộc bầu cử dân chủ. Dù không lóe sáng như ở Liên Xô nhưng mô hình này phát triển yên bình, ổn định và bền vững thành những xã hội tốt nhất và ngày càng tốt hơn trên cả thế giới. Đó là Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan – cũng là những quốc gia dân chủ, thịnh vượng và văn minh nhất. Các hình thái xã hội thành hình trên thực tế của những nước này có nhiều điểm giống nhau nhưng không phải là đồng nhất, và không hoàn toàn giống với cái mà Eduard Bernstein[1] và các lý thuyết gia về tư tưởng dân chủ xã hội mong muốn. Tuy nhiên, những hình thái này có chung nguyên lý cốt lõi: bảo vệ trước tiên và tối thượng quyền con người, ủng hộ có quan sát kinh tế thị trường, kiên quyết duy trì một nền dân chủ thực chất để đảm bảo rằng các quyết định chính trị là thực sự vì đại chúng, chống lại những cuộc cách mạng bạo lực hoặc sự áp đặt từ trên xuống. Những nguyên tắc này xây dựng nên một nền tảng để tôn trọng các quy luật của các bản chất của con người – đối tượng chính của xã hội. Cho nên nó đã tạo ra những thành tựu đáng ngưỡng mộ và bền vững – chính là kết quả của sự tiến hóa yên bình của các hoạt động của nhân dân dựa trên nền tảng này (tức là dưới sự vận động của các quy luật nói trên), tiến dần đến những điều cao đẹp mà lý tưởng của tư tưởng này mong muốn. Mô hình này do vậy còn có một tên chính thức khác: chủ nghĩa xã hội tiến hóa, tương phản với chủ nghĩa xã hội cách mạng vốn đã từng lóe sáng ở Liên Xô rồi kết thúc trong tàn lụi. Nguyên nhân sâu xa của thất bại này vì Liên Xô đã chống lại các quy luật tự nhiên của Tạo hóa, tự đại thay thế các quy luật này bằng những luật lệ chủ quan của mình.

DIỄN BIẾN HÒA BÌNH . . .

Trung quốc và Việt Nam đang tái diễn lại sai lầm này vì họ không thể tiêu hóa nổi kết quả đương nhiên của sự tiến hóa do vận động của nền kinh tế thị trường vốn bắt buộc đòi hỏi một thể chế chính trị ngày càng dân chủ để có được một môi trường xã hội hỗ trợ cho một nền tảng như đề cập ở trên. Một chính thể như vậy sẽ cân bằng mối quan tâm của xã hội giữa những nhóm lợi ích khác nhau vốn luôn tồn tại cho dù luật pháp có thừa nhận hay không. Việc chạy ảnh hưởng của các nhóm này sẽ được diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật để ngăn ngừa việc đưa và nhận hối lộ làm băng hoại các quan hệ xã hội. Chính thể này cũng sẽ không tước đoạt tự do của báo chí mà ngược lại, giao phó đầy đủ trách nhiệm cho nó phản ánh nhiều khía cạnh của cuộc sống một cách đa chiều, ngăn ngừa và đem ra ánh sáng những phi vụ lén lút. Nó cũng sẽ trao quyền cho công dân buộc những người đang nắm quyền phải giải trình.

Mặc dù hai nước này đã chấp nhận kinh tế thị trường và nhận hưởng công trạng của nó, nhưng họ dường như không thấy được quy luật này diễn biến không thể đảo ngược như thế nào và nó sẽ đẩy tất cả các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị đến đâu. Nên họ kịch liệt chống lại sự tiến hóa tất yếu này, tội phạm hóa nó bằng thuật ngữ ”diễn biến hòa bình”. Lịch sử đang lặp lại. Thuật ngữ này bây giờ đóng vai trò như từ ”phản động” trong thời đại của Liên Xô, đàn áp tất cả mọi sáng kiến nhằm tiến hóa đất nước đến sự giàu đẹp một cách hòa bình và trừng phạt ngay cả những người đầy thiện chí để đổi lấy  nhiều tràn lan các quan chức tham nhũng và tha hóa, sự suy thoái đạo đức xã hội, những người dân khiếp sợ và mất tự tin. Người dân văn minh thật khó mà hiểu được vì sao các hành động hòa bình lại không được khuyến khích, chứ đừng nói là có thể bị buộc tội. Lịch sử đang lặp lại không chỉ giai đoạn tương tự này.

Nhìn trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh. Vào đầu thập kỷ 1970, khi thế giới thứ nhất, hoặc thế giới của các nước dân chủ và thịnh vượng, đang cố gắng thắt chặt quan hệ hơn với Trung Quốc nhằm kéo nước này khỏi nền kinh tế kế hoạch tập trung, thì Liên Xô đã xuất hiện các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhưng khéo léo che đậy về kinh tế và xã hội. Kinh tế thị trường đã chiếm ưu thế và gặt hái thành quả ở thế giới thứ nhất, nên nó được thúc đẩy cho những nước đang phát triển. Chưa đầy 20 năm sau, Trung Quốc đã phấn khởi hưởng thụ thành tựu của nó – đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo túng. Việt Nam theo sau và nhờ vậy đã tránh được một sự sụp đổ dường như không dừng được. Trong khi đó, Liên Xô không chịu thay đổi, cự tuyệt kinh tế thị trường vì bị cho là một mưu đồ ngấm ngầm của các đối thủ và thế lực thù địch nhằm lật đổ nó bằng diễn biến hòa bình, tấn công từ bên trong. Thế giới thứ nhất càng thúc đẩy thì Liên Xô càng không chịu thay đổi. Trong cùng thời gian đó, nó bị kéo vào một cuộc đua vũ trang bởi chương trình Chiến tranh các vì sao của Mỹ. Nhờ có kinh tế thị trường nên ngân sách quốc phòng đầu tư cho chương trình này đã kích thích nền kinh tế Mỹ phát triển. Trong lúc đó, vì không có kinh tế thị trường nên nguồn lực của Liên Xô bị cạn kiệt nghiêm trọng và ngày càng nặng bởi sự gia tăng liên tục của phí tổn quốc phòng. Khi nó nhận ra vấn đề và căn nguyên thì đã quá muộn. Goóc-ba-chốp đã cố gắng cải tổ kinh tế trong tuyệt vọng. Việc này đã dẫn đến một cuộc đảo chính lật đổ ông ta và không lâu sau đó là sự tan rã toàn diện của người khổng lồ Liên Xô và kẻ bắt nạt kinh hoàng của nó – Cơ quan an ninh KGB.

…HAY LÀ CUỘC CÁCH MẠNG CẠM BẪY

Những biểu hiện khác nhau nhưng cùng quy luật của bản chất. Thế giới thứ nhất hiện nay thúc đẩy nhân quyền và dân chủ thay vì kinh tế thị trường như trước đây. Toàn cầu hóa bây giờ thay thế cho chạy đua vũ trang. Toàn cầu hóa đòi hỏi buộc phải có một nền tảng tự do và dân chủ để, tương tự như kinh tế thị trường, tự động điều chỉnh tất cả các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị trong một môi trường được toàn cầu hóa. Không có một nền tảng như vậy, một đất nước sẽ không thể tự điều tiết bằng con người tất cả mọi vấn đề trên để làm cho chúng vận hành tốt, nên cuối cùng sẽ làm khô cạn mọi nguồn vốn quốc gia, cả vốn tiền và vốn người. Đây là phí phải trả rất nghiêm khắc cho sự vi phạm các luật lệ của Tạo hóa – một sự tương tự với chạy đua vũ trang mà không có kinh tế thị trường nói trên – đó là điều không thể tránh khỏi. Đơn giản vì đó là kết quả của sự tiến hóa (hay diễn biến) theo quy luật.

Kết cục cũng sẽ là một sự sụp đổ hay tan rã chế độ nếu chế độ đó không sớm thừa nhận sai lầm, tiếp tục cự tuyệt tôn trọng và bảo vệ quyền con người một cách chân thành để có được một nền dân chủ thực chất. Điều này có vẻ như là kết quả của một ”cuộc cách mạng cạm bẫy” hơn là ”diễn biến hòa bình”. Nếu cái bẫy đó là có thật thì có lẽ nó đã được gài bởi chính tự thân Liên Xô hoặc bất kỳ nước nào áp dụng kinh tế thị trường đồng thời với từ chối quyền con người, tức vi phạm quy luật của bản chất khách quan. Có rất nhiều nước như vậy, trải từ Á sang Phi, Mỹ La Tinh và cả châu Âu, do đảng cộng sản cầm quyền hoặc không, bao gồm nhiều hình thái nhà nước khác nhau có hoặc không có học thuyết chủ nghĩa; xã hội chủ nghĩa hoặc không, quân chủ hay cộng hòa. Trong số này nổi bật là: Trung Quốc, Li Bi, Việt Nam, Venezuela, Ả Rập Xê Út, Iran và cả Nga.

Tạo hóa sẽ thu nghiêm khắc phí vi phạm luật lệ của Tạo hóa mà không cần biết đến địa lý, ý thức hệ hoặc bất kỳ hình thái nào do con người tạo ra. Cái luật này được áp dụng bình đẳng cho mọi nơi, mọi người mà không có ngoại lệ, và không có sức mạnh nào của con người có thể chống lại chúng. Con người chỉ có thể phát hiện chúng, làm sáng tỏ chúng, áp dụng chúng đầy đủ để tạo ra sức mạnh cho mình, và PHẢI thuận theo sự tiến hóa (tức diễn biến) của chúng. Thảm họa có thể giáng xuống không chỉ những người có trách nhiệm phải trả cho nó mà còn cho cả những người vô tội. Hậu quả của giáo điều.

LỰC VÀ ĐỘNG LỰC TỰ NHIÊN

Dân châu Âu đã thoát được thảm họa giáo điều của tòa án dị giáo nhờ sự khai sáng của Newton. Hàng tỷ người trên thế giới thoát khỏi thảm họa đói khổ nhờ Bàn tay vô hình của Adam Smith. Đây là những phát hiện vĩ đại nhất của nhân loại. Sự vĩ đại là ở chỗ tìm ra được các lực tự nhiên trong thế giới vật lý và động lực tự nhiên trong thế giới kinh tế. Chính các bản chất này – lực và động lực đã giúp con người tạo nên sức mạnh phi thường, làm nhân loại tiến nhảy vọt từ đó.

Hẳn phải có những lực và động lực và các quy luật của chúng trong thế giới của các vấn đề toàn diện về kinh tế, xã hội, chính trị mà con người nên hiểu rõ để tránh được thảm họa phi dân chủ từ sự giáo điều tương tự, và để các nước đang phát triển tăng trưởng nhanh chóng tham gia thế giới dân chủ, thịnh vượng, và đương nhiên là văn minh nhờ đó.

Tìm kiếm các bản chất và quy luật đó là nỗ lực của quyển sách này và sẽ được làm sáng tỏ ở những phần kế tiếp.

Nguyên bản tiếng Anh (có một số lỗi nhưng giữ đúng nguyên bản)


[1] (1850-1932). Một chính trị gia người Đức, người sáng lập nên chủ nghĩa xã hội tiến hóa và chủ nghĩa xét lại.


[i] Tựa của trích đoạn này do người dịch đặt, được trích từ quyển sách Hành trình vào Bản chất của Dân chủ và Thịnh vượng của Trần Huỳnh Duy Thức.

[ii] Tức là phản ứng bình thường của con người (người dịch chú thích)

This entry was posted in ChangeWeNeed Blog and tagged . Bookmark the permalink.

32 Responses to HÀNH TRÌNH VÀO BẢN CHẤT CỦA DÂN CHỦ VÀ THỊNH VƯỢNG

  1. Pingback: Trần Văn Huỳnh – Thư gửi Giới chức Cấp cao Hoa kỳ nhằm Trả Tự do cho Tù nhân chính trị ở Việt Nam | Vụ Án Cù Huy Hà Vũ | CHHV.TK

  2. Pingback: THƯ GỬI GIỚI CHỨC MỸ NHẰM TÌM TỰ DO CHO TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ VIỆT NAM | ● Anh Sáu Sài Gòn's blog

  3. Pingback: THƯ GỬI GIỚI CHỨC MỸ NHẰM TÌM TỰ DO CHO TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ VIỆT NAM « Chau Xuan Nguyen & all posts

  4. Pingback: Thư gửi giới chức Mỹ nhằm tìm tự do cho thù chính trị ở Việt nam « TIN TỨC HÀNG NGÀY – Online

  5. Pingback: THÂN PHỤ CỦA ANH TRẦN HUỲNH DUY THỨC gửi thư đến NGOẠI TRƯỞNG HOA KỲ HILLARY CLINTON « Ngoclinhvugia's Blog

  6. Pingback: THƯ GỬI GIỚI CHỨC MỸ NHẰM TÌM TỰ DO CHO TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ VIỆT NAM (Trần Văn Huỳnh ) « Ngoclinhvugia's Blog

  7. Pingback: Thư gửi giới chức Mỹ nhằm tìm tự do cho Tù nhân Chính trị Việt Nam | phamdinhtan

  8. Pingback: Trần Văn Huỳnh – Thư gửi giới chức Mỹ nhằm tìm tự do cho tù nhân chính t rị Việt Nam « Dân Luận

  9. Pingback: Thư gửi giới chức Mỹ nhằm tìm tự do cho Tù nhân Chính trị Việt Nam | ● Anh Sáu Sài Gòn's blog

  10. Pingback: Thư gửi giới chức Mỹ nhằm tìm tự do cho Tù nhân Chính trị Việt Nam « Chuyển Hóa

  11. Pingback: Letter to the US Senior Officials for Releasing Political Prisoners in Vietnam – THƯ GỬI GIỚI CHỨC MỸ NHẰM TÌM TỰ DO CHO TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ VIỆT NAM | dânlầmthan

  12. Pingback: Cha của Trần Huỳnh Duy Thức gửi thư cho bà H. Clinton | phamdinhtan

  13. Pingback: THƯ GỬI GIỚI CHỨC CẤP CAO HOA KỲ NHẰM TRẢ TỰ DO CHO TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ VIỆT NAM « Tiếng Nói Dân Chủ

  14. Pingback: Trần Văn Huỳnh – THƯ GỬI GIỚI CHỨC MỸ NHẰM TÌM TỰ DO CHO TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ VIỆT NAM | ixij

  15. Pingback: Thư gửi Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch yêu cầu cải thiện nhân quyền tại Việt Nam « Trần Huỳnh Duy Thức

  16. Pingback: Trần Văn Huỳnh – Thư gửi Chủ tịch Quốc Hội Đan Mạch yêu cầu cải thiện nhân quyền tại Việt Nam « Dân Luận

  17. Pingback: Thư gửi Chủ tịch Quốc Hội Đan Mạch yêu cầu cải thiện nhân quyền tại Việt Nam « TIN TỨC HÀNG NGÀY – Online

  18. Pingback: Thu gui Chu tich Quoc hoi Dan Mach yeu cau cai thien nhan quyen tai Viet Nam « Chau Xuan Nguyen & all posts

  19. Pingback: THƯ GỬI CHỦ TỊCH QUỐC HỘI ĐAN MẠCH YÊU CẦU CẢI THIỆN NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM (Trần Văn Huỳnh) « Ngoclinhvugia's Blog

  20. Pingback: Thư của ông Trần Văn Huỳnh gửi Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch yêu cầu cải thiện nhân quyền tại Việt Nam « Tin Tức « Nữ Vương Công Lý

  21. Pingback: Thư gửi Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch yêu cầu cải thiện nhân quyền tại Việt Nam | Chào mừng bạn ghé qua Trang nhà và Diễn đàn HenNhauSaigon2015.com, xin mời vào …

  22. Pingback: Bauxite Việt Nam » Blog Archive » Thư gửi Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch yêu cầu cải thiện nhân quyền tại Việt Nam

  23. Pingback: KHỞI NGUỒN PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM. « PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM

  24. Pingback: KHỞI NGUỒN – Phong trào Con đường Việt Nam | Bao Song Bien

  25. Pingback: KHỞI NGUỒN | bahaidao2

  26. Pingback: Quá trình hình thành Phong trào Con đường Việt Nam « Chau Xuan Nguyen & all posts

  27. mythanh says:

    Tôi thường lo lắng khi nghĩ đến anh THDT với bản án16 năm tù, nhưng sau khi đọc những bài viết của anh, tôi đã hết lo (chỉ cầu chúc sức khỏe cho anh) vì tôi nhận ra được với tinh thần và trí tuệ của một người viết được những nguyên lý sáng suốt như vầy, người đó sẽ luôn minh mẫn, nghị lực cho đến ngày tàn của những kẻ đi ngược lại Con Đường VN.
    May God Bless You and our Vietnam.

  28. Pingback: -Quá trình hình thành Phong trào Con đường Việt Nam « ttxcc2

  29. hoang nguyen says:

    bài này hay nhưng vẫn còn nhiều đoạn viết có tính lòng vòng, khó hiểu.
    Nói tóm lại là Đảng CS VN và nhân dân Việt nam cần làm những việc gì?
    Tôi xin góp ý một số điểm sau:
    + Nếu một dân tộc không có ý thức về “chủ nghĩa dân tộc” thì sẽ o có được “độc lập, tự chủ dân tộc”. Nhưng củng phải nói nếu “chủ nghĩa dân tộc” quá đề cao thì sẽ rất dễ xãy ra việc phân hoá dân tộc, dân tộc lớn sẽ ức hiếp dân tộc yếu thế hơn, hay nói cách khác Quốc gia lớn sẽ ức hiếp quốc gia bé điều này hoàn toàn có thể xãy ra. chính vì mong muốn được mở rộng lãnh thổ, mở rộng sự thống trị nhằm có lợi ích về kinh tế hoặc một ý tưởng chính trị nào đó mà Quốc gia, dân tộc lớn nghĩ đến.
    + Trên thế giới hiện nay đang tồn tại hai quan điểm chính trị chính trái ngược nhau đó là Chủ nghĩa xã hội hay Cộng sản chủ nghĩa và Chủ nghĩa tư bản hay Tư bản chủ nghĩa. Hai quan điểm chính trị này đều mong muốn có sự ảnh hưởng tuyệt đối đối với cộng đồng xã hội loài người. Điều này củng đã và đang diễn ra dẫn đến những cuộc đấu tranh, tranh chấp, ngẫm ngầm chạy đua vũ khí, cùng với những toan tính triệt hạ đối phương làm cho không ít người vô tội phải đổ máu, chết thảm. Bên cạnh đó còn có những phân biệt đối xử giữa các tôn giáo, sắc tộc ….. cũng đã làm không ít người chết không cần thiết.

  30. hoang nguyen says:

    + ở một khía cạnh nhỏ chúng ta nhìn thấy và biết rõ hơn ai hết đó là cạnh tranh và sinh tồn trong cuộc sống hàng ngày, có thể vì nhu cầu ăn, uống, mặt, đi lại …. của mỗi cá nhân con người cũng đã dẫn đến những cuộc đụng độ, xô xác, chèn ép, lấn chiếm …. thậm chí dẫn đến đổ máu, chết chóc. Tất cả những đìu đó là gì? tất cả phải chăn bắc nguồn từ sự đố kị, ganh đua. Bên cạnh đó còn có những người muốn làm ít thích hưỡng thụ nhiều… Tất cả những điều này đều là nguy cơ dẫn đến đấu tranh.
    @. Vậy mỗi người dân cần làm gi? và cấp quản lý, lãnh đạo cần làm gì?

    Nói tóm lại: dân tộc nào, người dân nào củng muốn có một cuộc sống thanh bình, văn minh hiện đại, điều này cần phải có những người đại diện đứng ra lãnh đạo, những người này phải có những phẩm chất đạo đức, lý trí… và hiện nay người dân Việt Nam đang và tiếp tục hướng tới những điều tốt đẹp mình muốn dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

    Với tư cách một người dân như bao người dân trên thế gới tôi đề nghị các Đảng phái, các tổ chức chính trị đại diện hiện có trên thế giới hãy nghiêm túc nhìn nhận lại đúng, sai và thái độ lãnh đạo của mình. Đừng nên vì quyền lực, lợi ích cá nhân hay dân tộc mà làm hại tới những người khác hay dân tộc khác.

  31. Pingback: Thư gửi Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch yêu cầu cải thiện nhân quyền tại Việt Nam | Trần Huỳnh Duy Thức

  32. Pingback: Thư gửi Giới chức Cấp cao Hoa kỳ nhằm Trả Tự do cho Tù nhân chính trị ở Việt Nam | Trần Huỳnh Duy Thức

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.