Thư 130 – Sức Mạnh Mềm

Thứ Hai, Ngày 7 Tháng 9 Năm 2020

Ba và mọi người thương,

Cả nhà vẫn khỏe hả? Con vẫn khỏe nhưng trời nóng quá nên thấy khó chịu. Đợt nóng này nửa tháng rồi đó, cứ 37oC. Dự báo nói 3 ngày nữa sẽ hết nóng, không biết đúng hông. Hơn nửa tháng trước nói là đợt nóng sẽ chấm dứt vào 31/8 nhưng chẳng thấy được một ngày nào bớt nóng, kéo dài đến tận hôm nay. Mùa thu năm nay chẳng đẹp chút nào. Ngày lập thu (7/8) lại bắt đầu bằng một đợt nóng kéo dài gần cả tuần, chỉ hết nóng nhờ bão số 2 rồi sau đó nóng dần lên đến hôm nay. Thường thì giờ này trong năm có tiết trời của 4 mùa trong một ngày rất thú vị: giữa đêm lạnh như đầu đông, sáng nắng lên ấm như giữa xuân, trưa nắng oi ả một chút như đầu hè, chiều trở lại mát dịu như giữa thu. Hết một phần ba mùa thu rồi mà chẳng thấy nàng thu đâu, lão hạ vẫn cứ vương vấn nấn ná. Có lẽ vì vậy mà lòng người khó chịu và hơi buồn buồn nữa. Nhưng chẳng ai thay đổi được thời gian vì đó là quy luật. Thu về, đông qua và xuân sẽ đến thôi.

Hôm nay chắc nhà mình nhận được thư 129 rồi, nó được gửi đi vào 1/9 bằng 6 con tem. Đọc được chắc mọi người sẽ vui lắm, và sáng tỏ hơn về quy luật; về Dòng chảy. Từ hôm nhà nhận được thư 127 (vào 16/7/20), con nghe thấy được tiếng lòng lắng đọng từ nó.

Dòng chảy cứ tiến tới. Lòng người vẫn thay đổi theo quy luật bất chấp những cơn cuồng nộ phản kháng. Sau thời kỳ hỗn loạn chuyển đổi bản lề thời đại đang diễn ra lúc này, thế giới sẽ tốt đẹp hơn, văn minh hơn. Chúng ta là những thế hệ may mắn chứng kiến được cuộc chuyển mình lịch sử này của thế giới. Nó tương đương với thời kỳ chuyển đổi từ Thời đại kinh tế nông nghiệp sang Thời đại kinh tế công nghiệp gắn liền với Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật (Cách mạng công nghiệp 1.0) đầu thế kỷ 18 – hay chuyển đổi từ Thời đại thượng tôn dòng tộc (Thời đại dòng tộc) sang Thời đại thượng tôn dân tộc (Thời đại dân tộc). Tại cột mốc chuyển đổi bản lề hiện nay, lịch sử nhân loại đang sang trang từ Thời đại dân tộc sang Thời đại thượng tôn QCN (Thời đại QCN), hay chuyển từ Thời đại kinh tế công nghiệp sang Thời đại kinh tế tri thức gắn liền với Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng con hạn chế sử dụng các cái tên sau (gắn với tính chất kinh tế) vì chúng gây ngộ nhận, đưa đến tình trạng trọng cứng khinh mềm. Con đặt ra các thuật ngữ Thời đại dòng tộc, Thời đại dân tộc, Thời đại QCN vì đó là những cái tên thể hiện được trạng thái quyền lực cốt lõi trong các xã hội. Trạng thái này quyết định các trạng thái của năng lượng mềm (NLM), năng lượng cứng (NLC) của các xã hội đó, từ đó quyết định trình độ phát triển xã hội như con đã viết trong thư 129A. Các cái tên con đặt ra giúp tránh được ngộ nhận trọng cứng khinh mềm và giúp khơi dậy được nguyên nhân căn bản cho việc cải cách cần thiết nhằm tạo ra sự chuyển hóa tích cực NLM, NLC. Điều này rất quan trọng, nhất là vì Dòng chảy thời đại hiện giờ mang đặc tính mềm nổi trội hơn đặc tính cứng.

Dòng chảy thời đại mà đã chuyển đổi thế giới từ Thời đại dòng tộc sang Thời đại dân tộc đã tạo nên CMCN 1.0. Cuộc Cách mạng khoa học kỹ thuật này nổi trội và quan trọng nhất ở chỗ phát minh ra được các loại năng lượng vật lý mới từ máy móc (đầu tiên là động cơ hơi nước) để thay thế cho năng lượng từ sức người và động vật, tạo nên một Trào lưu cứng chuyển đổi NLC vẫn còn phát triển mạnh cho đến tận ngày nay. Nó dễ thấy và ấn tượng nên làm cho nhiều người, nhiều chính quyền quên đi hoặc không nhìn thấy được nguồn gốc động lực đã tạo ra nó chính là từ những cuộc vận động giải phóng con người, không chỉ là ra khỏi những công việc nặng nhọc dùng sức người, mà quan trọng hơn và trước tiên là ra khỏi sự cai trị của các dòng tộc cầm quyền chuyên chế đã tồn tại từ nhiều ngàn năm trước. Các dòng tộc này cầm giữ dân chúng trong sự kềm tỏa của tôn giáo hoặc ý thức hệ. Các quan điểm của tôn giáo và ý thức hệ này biện minh cho quyền lực “mặc nhiên” của các dòng tộc đó. Dù các quan điểm này thiếu khách quan nhưng Thời đại dòng tộc tồn tại được cả chục ngàn năm vì trình độ dân trí của nhân loại lúc đó vẫn chưa tiến được đến các quy luật khách quan, và vì các dòng tộc cầm quyền đã bảo vệ được phần nào quyền lợi của dân chúng thuộc cùng các cộng đồng chủng tộc rộng lớn mà sau này phát triển thành quốc gia/dân tộc (tiếng Anh chỉ dùng một từ cho hai thuật ngữ này là nation). Với dân trí như vậy, con người không cảm thấy có vấn đề lớn trong sự bất bình đẳng nặng nề về quyền lợi giữa các tầng lớp trong xã hội và giữa các dòng tộc theo huyết thống. Đây là lý do mà đến hiện giờ vẫn còn những chế độ độc tài đang ra sức cầm giữ dân trí thấp bằng những tư tưởng cũ mèm được biện minh bằng hình ảnh của các lãnh tụ vĩ đại. Một nguyên nhân nữa giúp cho sự tồn tại lâu dài của Thời đại dòng tộc là vì nó phù hợp với nền kinh tế nông nghiệp vốn đòi hỏi sự định cư trên những vùng đất canh tác lâu dài nên cần phải có sự tổ chức quyền lực tập trung để chiếm giữ và trấn giữ đất đai – phương tiện sản xuất quan trọng nhất của thời đại này. Từ đó mới hình thành nên các mô hình tổ chức là tù trưởng quốc (chiefdom, với dân số có thể tới cả trăm ngàn người) và nhà nước vua chúa (kingdom, với dân số hàng triệu người). Trong thời săn bắn hái lượm trước đó, con người không cần đến các mô hình này vì họ sống rày đây mai đó, đất đai không quan trọng và qui mô tổ chức cỡ bầy người hoặc nhóm (group, chỉ khoảng vài chục người) và bộ lạc (tribe, đến khoảng vài trăm người) là đủ cho họ có thể cùng nhau bảo vệ quyền lợi cho mình mà không tạo ra sự bất bình đẳng đáng kể. Tác giả Yuval Noah Harri trong cuốn “Sapiens – Lược sử loài người” gọi rất đúng nền kinh tế của thời săn bắn hái lượm là “Một hệ thống kinh tế dựa trên sự chịu ơn và trả ơn”. Trao đổi hàng hóa diễn ra giữa những người biết rõ lẫn nhau. Họ không cần đến pháp luật và chế tài của quyền lực.

Chúng ta không biết chính xác thời điểm hoặc sự kiện cột mốc nào đã chuyển đổi thế giới từ nền kinh tế săn bắt hái lượm sang nền kinh tế nông nghiệp – tức là bước vào Thời đại dòng tộc. Các nhà nghiên cứu chỉ suy luận được niên đại chuyển đổi vào khoảng 12.000 năm trước. Nhưng chúng ta biết được chính xác rằng thế giới đã chuyển từ Thời đại dòng tộc sang Thời đại dân tộc từ Cuộc cách mạng Quang Vinh (Glorious Revolution) tại Anh vào năm 1688. Quang Vinh là một cái tên xứng đáng về mọi mặt cho cuộc cách mạng này. Nó là kết quả cuối cùng của Thời kỳ hỗn loạn – giai đoạn chuyển đổi bản lề của Thời đại toàn cầu: bắt đầu Thời đại dân tộc. Sau mấy chục năm đấu tranh khốc liệt trong thời kỳ hỗn loạn, năm 1688 người dân Anh đã phế truất được Vua James II – người đại diện cuối cùng cho dòng tộc vua chúa phong kiến đã cầm quyền hàng trăm năm ở Anh và đưa Tổng đốc từ Hà Lan là William lên làm vua sau khi ông này cam kết bằng một bản Tuyên ngôn mà sau này được Quốc hội Anh tôn vinh thành “TUYÊN NGÔN VỀ QUYỀN” vào năm 1689. Tuyên ngôn này sau đó được luật hóa thành Luật về Quyền và thay đổi đầu tiên là xóa bỏ chế độ cha truyền con nối, xác định việc kế vị ngai vàng là do Quốc hội quyết định. Hơn nữa, nhà vua không có quyền lập pháp, hành pháp lẫn tư pháp và quân đội thuộc quyền kiểm soát của Quốc hội. Sẽ không có khoản thuế nào được thu nếu Quốc hội không cho phép. Còn việc bầu cử đại biểu quốc hội thì phải tự do. Các quyền khác để đảm bảo tự do và an toàn cho con người được tuyên bố từ Đại Hiến chương Magma Carta cũng được tái khẳng định lại. Vua – người đứng đầu nhà nước Anh không còn là đại diện của một dòng tộc được trao quyền “mặc nhiên” để cai trị dân chúng nữa, mà là người đại diện cho dân chúng bảo vệ Hiến pháp – tức những quy định về trao quyền và hạn chế quyền lực như trên – từ đó bảo về QUYỀN và lợi ích của dân. Vì vậy nhà vua chỉ ký ban hành những gì mà người dân đã quyết định trực tiếp hoặc gián tiếp qua Quốc hội mà thôi. Đây chính là chuyển đổi từ mô hình nhà nước quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến – nền tảng cốt lõi của hình thái dân chủ đại nghị.

8/9/2020

Cách mạng Quang Vinh đã đẫn đến cuộc Cách mạng công nghiệp, đưa thế giới sang Thời đại kinh tế công nghiệp, là nhờ mô hinh quân chủ lập hiến đã giải phóng con người ra khỏi nỗi sợ đến mức ám ảnh của những kẻ cai trị chuyên chế đối với sự sáng tạo phá hủy (Disruptive Innovation – DI). Những kẻ này vừa ghét vừa sợ DI vì cho rằng nó tạo ra sự xáo trộn hệ thống sản xuất, từ đó gây ra bất ổn xã hội – thứ mà họ nghĩ có thể gây ra sự sụp đổ quyền cai trị của họ. Cuốn sách “Tại sao các quốc gia thất bại” kể rất nhiều ví dụ về các dòng tộc cầm quyền khắp nơi đã vì sợ mà bóp chết các ý tưởng khai phá như thế nào. Ví dụ như Nữ hoàng Anh đối với máy đan len; Sa hoàng Nga đối với đường sắt; Hoàng đế Trung Hoa đối với tuyến đường biển… Thế nhưng nỗi sợ này đến ngày nay vẫn còn nguyên ở giới cầm quyền tại các chế độ độc tài như TQ. Họ đã thuận theo Trào lưu cứng mà chấp nhận mô hình kinh tế dựa trên sự áp dụng tiến bộ công nghệ và những quy tắc thị trường, và nhận được thành công kinh ngạc. Nhưng chính vì hào quang quá khứ này mà họ sợ bất kỳ sự thay đổi nào phá hủy cái cũ để sáng tạo ra cái mới – tức là sợ DI. Vì không hiểu nên họ sợ, càng sợ lại càng không hiểu rằng khi Dòng chảy tiến đến bản lề thay đổi thời đại, tạo nên thời kỳ hỗn loạn thì DI là tất yếu. Chủ động thay đổi chính mình để xuôi theo Dòng chảy và chấp nhận DI thì sẽ tiếp tục thành công và được tôn trọng. Ngược lại thì Dòng chảy vẫn tiến tới và DI đầu tiên mà nó làm là phá hủy mô hình cai trị cũ và tạo ra mô hình nhà nước mới dân chủ tôn trọng QCN như đã xảy ra tại cuộc Cách mạng Quang Vinh Anh. Đó là may mắn. Còn tệ hại là sụp đổ.

Trước khi chuyển đổi thành công sang Thời đại dân tộc, nước Anh đã rơi vào một thời kỳ hỗn loạn kéo dài gần 50 năm. Nước Anh giữa thế kỷ XVII dù vẫn dưới sự cai trị của dòng tộc thuộc triều đại Stuart nhưng có sự tự do hơn hẳn Châu Âu lục địa nhờ đã đi đầu trong cuộc cái cách tôn giáo thoát khỏi sự chi phối thần quyền của Giáo hoàng La Mã. Nhờ vậy người Anh có quyền tự do tư tưởng hơn, dẫn tới phá bỏ những giáo điều sai trái mà giáo hội áp đặt (như thuyết địa tâm). Từ đó họ tạo ra và dẫn đầu cuộc Cách mạng khoa học, phát hiện ra nhiều quy luật khách quan, mở ra Thời kỳ Khai Sáng rực rỡ trong lịch sử nhân loại. Có thể nói nước Anh là nơi tự do nhất thế giới lúc đó, vì vậy mà cũng là nơi Dòng chảy thời đại lúc đó dồn năng lượng vào để đột khởi rồi lan tỏa ra thế giới. Khi năng lượng của Dòng chảy tập trung vào thì tất yếu tạo nên thời kỳ hỗn loạn và Hiệu ứng cánh bướm sẽ phát huy tác dụng. Hiệu ứng này vào lúc đó ở Anh cũng được kích hoạt tương tự như trong Cuộc cách mạng Pháp mà con đã kể trong thư 129A. Vua Charles I đã gây ra sự bất mãn vì sự chuyên chế và độc quyền nhiều lợi ích kinh tế ở Anh. Năm 1640 ông ta buộc phải triệu tập Quốc hội để tăng thuế nhằm trang bị cho quân đội trong lúc đang xung đột với Scotland và đối mặt với sự chống đối trong nước. Quốc hội đại diện cho dân Anh đã không ủng hộ ông ta. Điều này dẫn đến nội chiến vào 1642. Charles I thất bại và bị hành quyết năm 1649. Sau đó thì Oliver Cromwell nổi lên, thiết lập nền độc tài đến 1660 thì chết. Con Charles I là Charles II tái lập lại được chế độ quân chủ, vơ vét hơn nữa. Nhưng cùng lúc đó, người dân Anh vẫn tiếp tục đấu tranh bằng nhiều cách khác nhau để gia tăng sức mạnh cho mình. 1685 Charles II chết, em trai ông ta là James II nối ngôi. James II quyết tâm làm cho vương triều của mình chuyên chế và chiếm đoạt hơn. Đây chính là nguyên cớ để Quốc hội Anh tập hợp quần chúng chống lại ông ta. Lần này Hiệu ứng cánh bướm được kích hoạt rất bất ngờ đối với ông ta. Mary – con gái ông ta – ủng hộ chồng là Tổng đốc William đem quân đổ bộ lên Anh để giúp sức cho Quốc hội phế truất chính cha mình là James II, phá bỏ chế độ quân chủ chuyên chế phong kiến và lập nên nền dân chủ dưới hình thức quân chủ lập hiến như đã kể trên. Có lẽ nhờ con gái mà James II không bị chém, chạy qua được Pháp lưu vong. William làm Vua Anh, không có quan hệ huyết thống với dòng tộc vua chúa cầm quyền trước đó, không đại diện cho tôn giáo hay ý thức hệ nào từ dòng tộc đó, chỉ đại diện cho cả dân tộc Anh không phân biệt tôn giáo; ý thức hệ hay dòng tộc; chủng tộc nào. Thời đại dân tộc của thế giới đã bắt đầu như vậy, rồi dẫn đến cuộc Cách mạng công nghiệp và Thời đại kinh tế công nghiệp mà chúng ta đã biết. Đây là Trào lưu cứng nổi trội của Dòng chảy thời đại dân tộc.

Song cũng chính vì vậy mà nhiều người quên mất Trào lưu mềm quan trọng của nó. Cách mạng Quang Vinh không chỉ tạo ra Cách mạng công nghiệp, mà trước tiên là tạo nên một mô hình nhà nước dân chủ thực chất để đảm bào QUYỀN tự do cho người dân – Đây là cái gốc, nguồn gốc động lực của cách mạng công nghiệp và nền kinh tế công nghiệp; là cái Trào lưu mềm đã tạo nên Trào lưu cứng. Sự bùng nổ phát triển ở Anh sau Cách mạng Quang Vinh đã làm cho Châu Âu lục địa phải nhanh chóng thay đổi. Tuy nhiên các nước này không đạt được thành tựu đáng kể vì chỉ sao chép, thúc đẩy Trào lưu cứng: áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Nước Nga từ ngày đó đến ngày nay vẫn cứ nguyên thái độ như vậy. Thời các Sa hoàng, sau một thời gian cự tuyệt với công nghệ họ nhận ra là không thể nào không có nó. Họ bắt đầu áp dụng công nghệ song song với sự bóp chẹt hơn tự do của dân chúng vì họ sợ người dân mà tự do hơn với sức mạnh của công nghệ thì sẽ đe dọa sự cai trị của dòng tộc họ. Vì vậy mà nước Nga trước Cách mạng tháng Mười 1917 lạc hậu hơn hẳn so với Tây Âu, dẫn đến sự sụp đổ chế độ phong kiến của dòng tộc Sa hoàng, hình thành nên nước Nga cộng sản mà sau này trở thành Liên Xô. Nhưng đây cũng chỉ là sự thay đổi bình, chứ rượu thì vẫn thế. LX áp dụng khoa học kỹ thuật với một mức độ khủng khiếp. Nó giúp cho họ tăng trưởng với tốc độ cả thế giới kinh ngạc. Nhưng song song với đó là sự bóp chết QCN ở mức độ kinh khủng nhất trong thời hiện đại. Rồi cuối cùng thì họ sụp đổ, lại kết thúc một dòng tộc. Không phải theo huyết thống của các Sa hoàng, mà là dòng tộc theo truyền thống của những người thề sống chết trong cùng một ý thức hệ. Đó là cái giá của sự sai lầm trọng cứng khinh mềm. Nước Nga bây giờ cũng chẳng khác là mấy. Liệu dòng tộc của Putin sẽ còn đến bao giờ?

Tây Âu sau Cách mạng Quang Vinh cũng tương tự Nga, vẫn chỉ nắm bắt Trào lưu cứng để gia tăng sức mạnh kinh tế cho các dòng tộc cầm quyền, từ đó có nhiều quyền lực hơn để đàn áp dân chúng (đây là điều mà chúng ta đang thấy ở TQ, diễn ra trong mấy chục năm qua). Nhưng nó đã thay đổi từ khi Dòng chảy thời đại khi ấy chảy vào nước Pháp, tạo nên cuộc Cách mạng Pháp 1789 như con đã kể ở thư 129A. Những nơi nào mà Napoleon xâm lược được để áp đặt Bộ luật mang tên mình (Napoleon Code) thì sau đó đã phát triển tốt đẹp hơn, tiến đến dân chủ, thịnh vượng và văn minh, chẳng hạn như Hà Lan, Ý, Thụy Sĩ. Mục tiêu cốt lõi của Bộ luật Napoleon là xây dựng nền tảng bình đẳng trước pháp luật – là nền tảng của thượng tôn pháp luật. Chính vì vậy mà nó không chỉ xóa bỏ chế độ và các dòng tộc phong kiến mà còn thiết lập nên sự cạnh tranh, chống độc quyền, đảm bảo quyền và cơ hội công bằng cho mọi người. Đây chính là Trào lưu mềm mà Cách mạng Pháp đã tạo ra. Nhờ Trào lưu mềm này mà Pháp và các nước đã áp dụng Napoleon Code đã phát triển tốt hơn nhiều phần còn lại ở Châu Âu lục địa. Trào lưu mềm đã dẫn dắt sự phát triển cân bằng của Trào lưu cứng mà không kèm theo hậu quả là bóp nghẹt tự do, QCN. Vì thế mà Tây Âu đã sớm dân chủ thịnh vượng và ngày một văn mình đến hiện giờ.

Sớm hơn một chút nhưng cùng thời với Cách mạng Pháp là cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc của Mỹ. Đây cũng là một thời kỳ hỗn loạn vì Dòng chảy thời đại khi đó đã chảy từ Anh sang Bắc Mỹ nhờ những người dân thuộc địa của Anh ở đó đã nuôi dưỡng ý chí tự do cho mình từ nhiều năm trước. Lịch sử Mỹ đã xác nhận rằng chỉ đến khi hầu hết người Mỹ hiểu và thực sự khát khao tự do và độc lập thì Tuyên ngôn Độc lập Mỹ mới ra đời vào năm 1776. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng Tự do Độc lập phải thực chất và tùy thuộc chủ yếu vào dân trí. Thời kỳ hỗn loạn đã bắt đầu vài năm trước khi người Mỹ tuyên bố độc lập, từ sự đấu tranh gay gắt của họ với chính quyền thực dân Anh về các vấn đề kinh tế, xã hội. Nó đã dẫn đến chiến tranh và người Mỹ tập hợp lại ra Tuyên ngôn Độc lập đồng thời với chiến đấu để giành được tự do độc lập thực tế. Và họ đã chiến thắng. Nhưng thắng lợi vang dội ấy không kết thúc được sự hỗn loạn vì mục tiêu quan trọng nhất của việc chiến đấu giành độc lập từ Anh là đảm bảo tự do và QCN bình đẳng cho người dân Mỹ thì vẫn chưa hoàn thành. Quốc gia/dân tộc Mỹ đã hình thành nhưng xã hội Mỹ vẫn rối loạn đủ kiểu. Khởi nghĩa vũ trang đã nổ ra sau khi quân Anh bại trận và rút lui về nước. Năng lượng cứng vẫn chi phối xã hội. Nước Mỹ non trẻ đứng trước nguy cơ sụp đổ. Nhưng một Trào lưu mềm đã hình thành kịp thời giúp nước Mỹ vượt qua nguy cơ đó rồi nhanh chóng phát triển rực rỡ đến ngày nay. Nước Mỹ, từ một thuộc địa nhỏ tiếp nhận một nhánh chảy của Thời đại dân tộc từ Anh, đã trở thành Dòng chảy chính của Thời đại này sau Thế chiến II đến giờ. Và lúc này họ đang tiếp tục dẫn dắt Dòng chảy thời đại chuyển sang Thời đại QCN và thúc đẩy nó ra khắp thế giới. Trào lưu mềm nói trên chính là phong trào lập hiến Mỹ bắt đầu vào Hội nghị lập hiến tháng 5 – 1787. Có thể nói Hội nghị này là một trong những cuộc suy tưởng vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại. Nó đã thiết kế nên một bản Hiến pháp lừng danh nhất, vẫn được sử dụng từ đó đến nay. Hơn nữa, những cuộc vận động để thông qua hoặc để phản bác Hiến pháp là một phong trào khai dân trí rất hiệu quả, giúp cho người Mỹ hiểu về chính trị, về nhà nước, về QUYỀN của mình và những hạn chế, về kiểm soát quyền lực nhà nước và sự chuyên chế của đám đông đa số, v.v… Người Mỹ dù ủng hộ hay phản đối Hiến pháp đều hiểu được những vấn đề trên. Nhờ vậy mà sau khi được thông qua vào 1788 và áp dụng vào 1789, gần như ngay lập tức – chỉ một, hai năm sau – thì thời kỳ hỗn loạn đó chấm dứt và sự phát triển bắt đầu. Vì không có được những Trào lưu mềm như thế nên các dân tộc ở Nam Mỹ cũng giành độc lập và bắt chước gần y nguyên Hiến pháp Mỹ đã thất bại.

Đầu năm 1808 Cách mạng Pháp lan truyền đến Tây Ban Nha. Tháng 2 năm đó Napoleon đánh bại quân đội của Vua Ferdinand và buộc ông ta thoái vị. Sự sụp đổ của hoàng tộc Ferdinand tạo thời cơ cho các thuộc địa của TBN ở Châu Mỹ La Tinh nổi lên giành độc lập. Phong trào giành độc lập này rất sôi động và kéo dài, trải ra nhiều dân tộc như Bolivia, Mexico, Peru, v.v…, và lan sang các thuộc địa của Bồ Đào Nha như Brazil. Nhưng không có cuộc độc lập nào giành được từ thực sự ý chí tự do của người dân ở đó, mà chỉ bởi những kẻ độc tài nhanh nhạy thời cuộc lôi kéo được quần chúng nổi dậy vào thời điểm thích hợp. Cũng có những tuyên bố độc lập thất bại như ở Bolivia vào 1809 nhưng hầu hết là thành công về mặt giành chính quyền về cho những kẻ độc tài ấy. Họ tuyên bố là dân tộc đã độc lập và thoát khỏi sự cai trị hà khắc của thực dân TBN, BĐN. Nhưng gần như ngay sau đó, dù sau một thời gian mị dân rất ngắn, họ cai trị không khác gì các chính quyền thực dân, thậm chí còn tệ hại hơn nhiều. Vì phải lừa mị dân chúng bằng cái mác độc lập, họ phải có hiến pháp. Ở khu vực đó, thời đó Hiến pháp Mỹ điển hình và dễ chấp nhận hơn Hiến pháp Anh (vốn không có văn bản) nên họ bê gần như nguyên xi Hiến pháp Mỹ. Vì vậy mà cũng phải chấp nhận đa đảng. Nhưng hiến pháp đó chỉ là hình thức, là đồ trang sức che mắt thiên hạ. Hầu như chẳng có “chính quyền độc lập” nào của những kẻ độc tài “giành độc lập” thực sự thi hành hiến pháp. Bàn tay sắt với những trò chính trị được thi hành là chủ yếu. Các đối thủ chính trị, các đảng đối lập bị giết, thủ tiêu, giam giữ nhiều vô số kể. Có khi chỉ trong một năm con số này có thể lên tới vài trăm ngàn hoặc cả triệu. Tình trạng dã man đó không chỉ xảy ra trong thế kỷ XIX mà vẫn phổ biến đến giữa cuối thế kỷ XX. Thực chất của những phong trào giành độc lập ở khu vực này không hề là sự kết thúc Thời đại dòng tộc chuyển sang Thời đại dân tộc. Đó chỉ là sự chuyển giao cai trị từ những dòng tộc thực dân phong kiến sang cho các dòng tộc độc tài nội địa. Một kẻ độc tài láu cá hơn sẽ lật đổ/đảo chính để thay thế kẻ độc tài cũ. Dân tộc chỉ là cái vỏ và bầu sữa cho họ vắt. Vài chục năm qua đã có vài nước Nam Mỹ nhìn ra và thúc đẩy Trào lưu mềm bắt đầu phát triển tốt hơn như Mexico, Chile. Còn những nước như Venezuela thì vẫn chìm đắm đáng thương.

10/9/2020

Không phải ngẫu nhiên mà Dòng chảy thời đại lại có các Khởi nguồn thành công từ Anh, Pháp, Mỹ như kể trên. Đó là những nơi tự do nhất trong khu vực như trường hợp Anh giữa thế kỷ XVII và Mỹ giữa thế kỷ XVIII, hoặc là nơi chưa tự do nhưng có khát vọng tự do mãnh liệt và ngọn lửa khai sáng thuận quy luật như Pháp giữa thế kỷ XVIII (và cả Mỹ giữa thế kỷ XVIII trong trường hợp nói trên). Nước Pháp thời kỳ đó nằm dưới sự cai trị độc đoán ghê gớm của dòng tộc Louis, nhưng người Pháp vẫn có được những ngọn lửa khai sáng miệt mài, thắp sáng ý chí tự do và giữ cho nó vẫn cháy suốt đêm trường tăm tối. Từ thế kỷ XVII người Pháp đã ra đời được những kiệt tác như “Bàn về pháp luật” của Montesquieu. Họ còn du nhập được những tia sáng từ bên ngoài, như tác phẩm bất hủ “Khế ước xã hội” của J.J Rousseau thể kỷ XVIII. Đây là cuốn sách quan trọng, truyền cảm hứng mãnh liệt cho cuộc Cách mạng Pháp 1789. Các nhà Cách mạng Pháp có nhiều người cùng là nhà khai sáng nổi bật như Voltaire. Họ là những người đã tạo ra Trào lưu mềm.

Cuộc Duy tân Minh Trị vĩ đại ở Nhật từ năm 1868 cũng thành công rực rỡ là nhờ vào Trào lưu mềm khai sáng dân trí đã bắt đầu từ trước đó nhiều năm. Người ta đã sai lầm khi đã gắn công trạng của kỳ tích này cho Hoàng đế Minh Trị (Meiji), có lẽ là để phục vụ cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nhưng thực ra ông ta chẳng có mấy đóng góp quan trọng cho việc khởi đầu cuộc canh tân vĩ đại này của người Nhật. 1868 ông ta mới 14 tuổi, vừa thừa kế ngai vàng từ cha. Ngai vàng này trước đó vài tháng đã được người dân Nhật giúp lấy lại quyền lực từ dòng tộc Mạc phủ đã tiếm quyền của Hoàng đế mấy trăm năm rồi. Tương tự như thời Vua Lê Chúa Trịnh vậy, Vua Nhật chỉ ngồi làm vị, mọi quyền lực nhà nước bị kiểm soát độc đoán bởi Shogun – người đứng đầu Mạc phủ cha truyền con nối. Dòng họ Tokugawa lập nên chế độ Mạc phủ từ 1600 và sau đó bế quan tỏa cảng nước Nhật. Điều khá lý thú là trong một đất nước tự cô lập nghiêm ngặt như vậy mà lại có được một hòn đảo bé xíu tên Ryukyu vẫn duy trì thông thương được với bên ngoài. Dù lưu lượng giao thương rất ít nhưng lại là cửa ngõ quan trọng giúp du nhập tri thức cho người Nhật trong hàng trăm năm trời. Những ánh lửa nhỏ từ bên ngoài đó đã tích tụ miệt mài trong đêm trường u minh hàng thế kỷ, để đến một ngày thắp sáng bằng cuộc chuyển mình vĩ đại của dân tộc. Cái ngày đó đến vào tháng 7-1853 khi Đô Đốc M.C.Perry đưa 4 tàu chiến Mỹ tiến vào vịnh Tokyo để vừa thuyết phục vừa ép buộc Nhật mở của hội nhập. Đây chính là thời điểm Dòng Chảy thời đó tiến vào nước Nhật. Nước Mỹ sau Hiến Pháp 1788 đã phát triển rất nhanh chóng, trở thành một cường quốc vào giữa thế kỷ XIX. Họ bắt đầu can dự, thúc đẩy Dòng chảy thời đại dân tộc đến Châu Á, Nhật là nơi đầu tiên họ lựa chọn. Người Nhật khi lần đầu tiên nhìn thấy tàu chiến hiện đại của Mỹ, họ nhận ra ngay rằng mình đã ngu dốt nên lạc hậu đến thế nào, lâu nay mình chỉ tự sướng vì tự bịt mắt, tự tôn trong độc tôn ra sao. Thời kỳ hỗn loạn ở Nhật bắt đầu bằng sự sôi động của các trí thức chân chính sôi sục lên tinh thần học hỏi và truyền đạt tri thức khai sáng cho dân chúng và giới cầm quyền. Nổi bật nhất trong các trí thức này là nhà khai sáng Fukuzawa Oibuchi với tư tưởng cốt lõi: “Độc lập dân tộc chỉ có khi cá nhân có độc lập. Cá nhân có tự do và tri thức thì mới thực sự độc lập”. Họ đã tạo nên một Trào lưu mềm khai sáng mà gần như hầu hết trí thức khai sáng thời Phục Hưng mấy trăm năm ở Châu Âu đã hướng dẫn cho người Nhật chỉ trong vài chục năm. Kết quả là chỉ 15 năm sau, vào tháng 1-1868 Shogun cuối cùng của Mạc Phủ là Yoshinobu Tokugawa tuyên bố thoái vị và kết thúc chế độ Mạc Phủ. Vua Kômei (cha Minh Trị) tiếp nhận lại quyền lực nhà nước nhưng với điều kiện là phải lập Quốc Hội và chính phủ điều hành đất nước dựa trên ý kiến chung; xoá bỏ luật pháp cũ và xây dựng các luật mới; sử dụng nhân tài không chỉ từ quý tộc mà cả từ dân thường; và phải ban bố những chính sách quan trọng khác. Một tháng sau, Kômei mất, Minh Trị nối ngôi và ban bố những chính sách đó như sau vào năm 1869: xây dựng một bộ máy nhà nước hiện đại thay cho bộ máy nhà nước phong kiến cũ; mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; ai cũng được tự do tham gia cá hoạt động kinh tế… Đến 1890 Nhật mới ra Hiến Pháp chính thức, nhưng thực chất họ đã thiết lập chế độ quân chủ lập hiến tương tự như ở Anh để đảm bảo dân chủ cho người Nhật ngay từ năm 1868, khi Minh Trị lên ngôi và tuyên bố thay đổi.

11/9/2020 

Nhưng đó không phải là những ý tưởng canh tân do chính ông ta chủ định xây dựng ra. Nó đến từ một nhà trí thức vừa là một nhà chính trị tên là Okubo Toshimichi – quan cận thần của Lãnh chúa vùng Satsuma. Ông đã thuyết phục được vị lãnh chúa của mình liên minh với các lãnh chúa khác ép Shogun Yhoshinobu thoái vị và trả lại quyền lực cho Nhật Hoàng Kômei.

Liên minh này mau chóng thành công. Cuộc chuyển giao quyền lực như kể trên xảy ra mà không đổ máu. Tuy nhiên, ngay sau đó các lực lượng ủng hộ Mạc Phủ và Yhoshinobu đem quân đánh quân đội của chính phủ mới nhưng bị thua ngay vào hôm sau. Họ rút lui ra xa và còn phản kháng vài tháng nữa, nhưng cuối cùng cũng vào tàn cuộc. Cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại” kể rằng chính Shogun đã thoái vị là Yoshinobu Tokigawa nắm quân để đánh lại với liên minh Satsuma – Choshu và thất bại vào mùa hè 1868. Tuy vậy chi tiết này có thể không chính xác vì trong cuốn “Phúc Ông Tự Truyện” (Hồi ký của Fukuzawa Oibuchi) kể rằng khi lực lượng ủng hộ mình kéo quân về Kyoto đánh với chính phủ, Yoshinobu đã trốn về Edo – nơi đang được kiểm soát bởi liên minh Satsuma – Choshu. Vì đã biết “buông đao thành Phật” nên lịch sủ Nhật đã vinh danh Yoshinobu Tokugawa. Hoàng Đế Minh Trị sau đó cũng phong Công Tước cho ông ấy.

Điều lý thú là lãnh địa Satsuma – nơi sinh ra và lớn lên của Okubo Toshimichi, người đã khởi xướng ý tưởng ép Yoshinobu thoái vì và trả lại quyền lực cho Nhật Hoàng – chính là vùng đất có hòn đảo bé xíu Ryukyu nói trên. Nếu biết rằng trong hơn ?50 năm tiếm quyền, Mạc Phủ đã dạy cho người Nhật mang ơn dòng tộc này đến mức nào thì mới thấy được sự táo bạo và khả năng nhìn thấu lòng người cũng như tầm nhìn về dòng chảy của Okubo Toshimichi hay đến thế nào. Sau khi tàu chiến Mỹ tiến vào Nhật năm 1853, thời kỳ hỗn loạn chuyển đổi thời đại ở Nhật hỗn loạn ghê gớm. Không chỉ có Trào lưu Mềm thuận Dòng chảy của các nhà trí thức khai sáng đâu, nước Nhật bị rối loạn bởi các trào lưu cứng bạo lực, ngu trung, hủ Nho, bài ngoại… Nếu không có các trào lưu mềm khai dân trí sôi động, ôn hoà nhưng không khoan nhượng thì có lẽ Nhật Bản đã bị xâu xé như Trung Quốc cùng thời hoặc chìm vào chiến tranh, vừa đánh mất cơ hội vừa huỷ diệt tiềm lực dân tộc. Okubo Toshimichi không những nhìn được thời cuộc từ lòng người và Dòng chảy, ông còn thấy được thời điểm thích hợp mà Trào Lưu Mềm tạo ra để kết thúc dòng tộc.

Tokugawa của Mạc Phủ, chuyển Nhật Bản thành nước Nhật của dân tộc Nhật. Bắt kịp chuyến tàu vận hội của Dòng Chảy Thời Đại dân tộc lúc đó trên thế giới.

Vào các cột mốc chuyển đổi bản lề thời đại đó, ở Châu Á chỉ có Nhật là ráp được với Dòng Chảy, còn lại là gần như hổng biết gì, cứ tự cao tự đại rồi chờ Dòng Chảy tiến tới san phẳng, biến hầu hết thành thuộc địa. VN ta đã nằm trong số đó. Nước Mỹ thời đó cũng muốn VN mở cửa và bang giao với Mỹ nhưng Vua Quan nhà Nguyễn nghĩ rằng tổng thống Mỹ là do dân bầu ra nên không thể cao quý bằng vua mình là Thiên Tử do Trời định.

Một trào lưu mềm khác mà chúng ta nên nhắc đến, đó là cuộc cải cách giáo dục đại học Phổ (sau này là Đức) đầu thế kỷ XIX. Ngày 14-10-1806 quân đội Phổ đại bại trước Napoleon chỉ sau một ngày chống đỡ, mất rất nhiều đất đai về Pháp. Triều đình Phổ nhục nhã bỏ kinh đô chạy về phía Đông. Nhưng nước Phổ không cay cú phục thù bằng việc chiêu binh mãi mã mà tập trung vào chiến lược phục hồi bằng việc trồng người. Cải cách giáo dục tập trung vào xây dựng một mô hình đại học mới. Sứ mạng này được giao cho Wilhelm Von Humboldt. Bậc trí thức đại tài này ngay lập tức xác định nhiệm vụ quan trọng nhất của các trường đại học là khai sáng. Muốn vậy nó phải được tự do học thuật. 1810 Đại học Berlin ra đời (bây giờ là Đại học Humboldt) và đã trở thành mô hình đại học mẫu mực có ảnh hưởng ra khắp Âu Mỹ (*Mọi người tìm đọc thêm về Đại học này tại cuốn “Đại học” của Nguyễn Xuân Xanh- cuốn này hay*). Mục tiêu tự do học thuật không chỉ tạo nên tự do trong nghiên cứu khoa học mà còn lan rộng ra các sinh hoạt khác trong cuộc sống, chuyển biến sâu sắc xã hội đang trong lạc hậu với Dòng Chảy Thời Đại của Phổ thời đó. Từ đó họ phát triển nhanh chóng và bắt kịp với trình độ công nghiệp của thế giới chỉ vài chục năm sau đó. Tuy nhiên nước Đức từ thời ấy đã không chuyển đổi được sang một mô hình nhà nước dân chủ vững chắc. Sau khi Napoleon thất bại trong trận chiến cuối cùng của đời mình ở Waterloo vào 1815, các thể lực bảo thủ ở Phổ đã quay trở lại và ngăn cản việc hình thành nhà nước quân chủ lập hiến. Vì vậy mà sức mạnh công nghiệp cùng với tinh thần dân tộc cực đoan cùng nhau phát triển đã luôn dẫn đến sự thắng thế của các lực lượng hiếu chiến. Khi đó trào lưu cứng nổi lên lấn át Trào Lưu Mềm, đẩy nước Đức vào những cuộc chiến đẫm máu và thất bại ê chề như Thế Chiến I và Thế Chiến II. Hitler đã nổi lên nắm quyền từ một cuộc phổ thông đầu phiếu trong bối cảnh như vậy (cứng lấn át mềm và sôi sục dân tộc cực đoan).

Nước Nhật sau thành công của cuộc Duy Tân Minh Trị cũng đã phải trả giá đau đớn trong thế chiến II, cũng cùng một lý do tương tự: chủ nghĩa dân tộc cực đoan nổi lên bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận rồi sau đó tước đoạt hầu hết QCN với danh nghĩa vì dân tộc, từ đó kéo lùi Trào lưu mềm và đẩy trào lưu cứng lên.

Ở đâu cũng vậy, trái quy luật là thất bại thôi.

Một sai lầm khác trong thời đại dân tộc là phong trào giải phóng dân tộc sau Thế Chiến II. Hầu hết các dân tộc này, từ Á sang Phi, không nhìn ra được Dòng Chảy Thời Đại khi đó đang tiến nhanh tới xóa bỏ thuộc địa nên đã dồn hết năng lượng vốn đang còn rất yếu ớt của cả dân tộc vào những cuộc chiến giành độc lập, vì vậy mà bỏ qua thời cơ ráp nối với Dòng Chảy. Rất nhiều nơi người ta còn sẵn sàng bóp nghẹt tự do của người dân vừa được độc lập để đảm bảo cho chiến thắng. Không những không thúc đẩy trào lưu mềm mà còn tận diệt nó. Nhìn vào những đất nước như Zimbabwe đi thì sẽ thấy sai lầm khinh mềm này tai hại như thế nào. Họ nói vì tự do mà họ chiến đấu, giành độc lập để giải phóng người dân khỏi lệ thuộc nhưng lại tròng những cái gông cùm mới lên dân. Đa số đó là những kẻ tham lam như Mobutu, Mugabe, nhưng cũng không ít người thực lòng muốn làm điều tốt cho dân tộc mà lại thiếu hiểu biết. Dân trí thấp thì những người như vậy sẽ nổi lên là không tránh khỏi.

14/09/2020

Cũng có những trường hợp vì để giành độc lập mà dẫn dân tộc vào hoạt động khủng bố như Palestine. Lãnh tụ vĩ đại của đất nước này sau Thế Chiến II là một trùm khủng bố – Yasser Arafat (con quên từ viết đúng tên ông ta rồi). Sau khi ông ta chết, Palestine đã cố gắng thoát khỏi hình ảnh khủng bố nhưng tới giờ vẫn bị dính kéo vào nó. Phái Hamas – một lực lượng khủng bố chủ trương bạo lực – vẫn tham gia vào chính quyền Palestine theo ý nguyện của dân chúng mà chẳng thể nào thay đổi được, làm cản trở các đàm phán hoà bình. Palestine còn cho thấy một bài học rất đắt giá nữa: xác định giành độc lập dân tộc là mục tiêu tối thượng, nghĩ đạt được nó là sẽ có tất cả, từ dân chủ đến thịnh vượng – đó là một sai lầm chết người suốt từ sau Thế Chiến II đến giờ, người dân Palestine hầu như chẳng làm gì khác ngoài tìm kiếm sự công nhận là một quốc gia độc lập. Họ cuồng vì mục đích này nên chẳng còn tâm trí gì để làm việc khác. Họ thực hiện nó bằng mọi giá, từ khủng bố đến đấu tranh vũ trang, đến nuôi dưỡng hận thù không đội trời chung với dân tộc Do Thái. Họ quên mất mục tiêu tự do để tạo ra Trào Lưu Mềm dẫn đến Trào Lưu Cứng, đưa dân tộc tiến lên bằng tiềm lực kinh tế, quốc phòng. Hơn nửa thế kỷ nay họ chìm trong bạo lực, hận thù, nghèo đói, lạc hậu trong khi kẻ thù số một của mình – Quốc gia Israel không ngừng phát triển về mọi mặt. Tới giờ, họ chẳng đạt được mục tiêu gì kể cả được công nhận quốc gia độc lập; dân trí thì vẫn chìm đắm trong mê muội. Xét về mặt chủng tộc và địa lý, họ chẳng khác gì người Do Thái cả. Thất bại của họ là vì họ không học những bài học lịch sử trước đó, như Canada hay Úc đã không xác định mục tiêu Độc Lập dân tộc mà chọn mục tiêu tối thượng là tự do thực chất cho người dân, cho đất nước trước thực dân Anh. Giờ họ vẫn nằm trong Liên Hiệp Anh nhưng là những quốc gia tự do, dân chủ, thịnh vượng và văn minh bậc nhất thế giới. Palestine cũng không nhìn vào Đài Loan cùng thời với mình mà học. Sau 1976, Đài Loan bị Mỹ ủng hộ Trung Quốc loại ra khỏi Liên hiệp Quốc, và TQ thay thế ngồi vào cái ghế quyền lực là Uỷ Viên Thường Trực Hội Đồng Bảo An LHQ. Đến giờ Đài Loan vẫn không được công nhận là quốc gia độc lập. LHQ cũng không công nhận. Rất ít nước có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan vì sức ép của TQ. Nhưng người Đài Loan đã không chăm chăm cay cú vào đó, họ tập trung dân chủ hoá, tức đẩy mạnh trào lưu mềm từ 1976 trở đi (sau khi Tưởng Giới Thạch mất), từ đó Trào Lưu cứng của họ phát triển như vũ bão, đưa Đài Loan thành đất nước thịnh vượng, dẫn đầu nhiều công nghệ tiên tiến (như về bán dẫn mà TQ mơ mãi vẫn chưa được). Họ cũng văn minh hơn hẳn TQ. Đài Loan có độc lập hay không là do người Đài Loan quyết định, không tuỳ thuộc vào TQ dù TQ sẽ không tiếc sức để phá. Trong trào lưu mềm của Đài Loan, thay đổi giáo dục để nâng cao dân trí là ưu tiên hàng đầu.

Một bài học khác rất cần học lúc này là từ Singapore (SGP). Sau Thế Chiến II, SGP bất ngờ “bị” Anh trao trả độc lập. Họ lúng túng tìm mọi cách để không độc lập, họ xin tham gia vào liên bang Malaysia. Nhưng trong Liên bang này, họ gặp phải vấn đề xung đột sắc tộc với các bang khác của Malaysia, đến mức bị buộc phải ra khỏi Liên bang vào năm 1965. Họ trở thành độc lập một cách ngoài ý muốn như vậy đó. Trước đó họ không muốn độc lập vì thấy đất đai mình quá nhỏ bé, chẳng có tài nguyên gì. Nhưng khi không còn cách nào khác, họ hiểu ra rằng chỉ còn dựa được vào chính con người của họ mà thôi. Và rồi họ nhanh chóng thành công như thế nào thì ai cũng biết rồi. Nguyên nhân thì cũng không gì khác ngoài quy luật cả: họ bắt đầu bằng xây dựng Trào Lưu Mềm thượng tôn pháp luật. Pháp luật ở Singapore không những tốt mà còn phải đảm bảo danh nghĩa phải đúng thực tế, không có chuyện viết một đàng làm một nẻo; đạo đức giả miệng lãnh đạo nói hay nhưng đỗ thừa cho cấp dưới yếu kém làm không đúng. Với nền tảng thượng tôn pháp luật như vậy, sự bình đẳng của con người trước pháp luật được bảo đảm hiệu quả, QCN cũng vì vậy mà được bảo vệ tốt đẹp. SGP chưa đạt tới thượng tôn QCN nhưng QCN ở đất nước này được đảm bảo trên thực tế hơn hẳn nhiều nước, cả phát triển lẫn đang phát triển. Với một Trào Lưu Mềm như vậy, người dân SGP luôn bầu chọn được đảng cầm quyền và người lãnh đạo có tầm nhìn, Lý Quang Diệu đã nhìn ra Dòng Chảy Thời Đại khi đó để đẩy dân tộc mình vươn lên thần kỳ. Từ dòng chảy ấy, ông thấy được Dòng thương mại sẽ thay đổi như thế nào trong thời kỳ chiến tranh lạnh và SGP cần đón dòng thương mại đó ra sao. Cảng biển sân bay phải thế nào; thể chế luật pháp ra sao và trên hết là con người SGP cần phải có gì, làm gì để hút dòng thương mại đó chảy qua mình. Dù nhiều phản đối nhưng Lý Quang Diệu vẫn thông qua được việc sử dụng tiếng Anh làm Quốc Ngữ trong một đất nước có đến 90% là người gốc Hoa. Chính nguồn nhân lực nói tiếng Anh được đào tạo tốt, hiểu luật pháp quốc tế và những nhu cầu thương mại quốc tế đã thu hút tất cả các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới phải có mặt ở SGP để đặt tổng hành dinh điều hành kinh doanh ở Châu Á TBD. Nguồn nhân lực đó được đào tạo để làm chủ chính mình và làm thuê chứ không phải làm chủ chung chung của các “ông chủ cha chung không ai khóc” vốn rất phổ biến thời đó xung quanh SGP. Nhờ nguồn nhân lực đó cùng với hạ tầng cơ sở và sự minh bạch của luật pháp mà Dòng thương mại mới của thế giới lúc đó đã đẩy SGP dẫn đầu trên Dòng chảy thời đại. Những điều thần kỳ bắt đầu từ những nguyên nhân đơn giản vì thuận quy luật như vậy thôi, chứ chẳng phải từ những lý luận thể hiện “cao siêu” phức tạp, nhưng chỉ vì mục đích gọt giày cho vừa chân – một kiểu siêu đạo đức giả để làm người ta tin những thứ lỗi thời mục nát của mình là tốt đẹp. Những nỗ lực tốn quá nhiều công của như vậy chẳng ích gì, còn gây hại.

VN ta đang đứng trước một thời cơ mấy trăm năm có một để vươn lên thần kỳ tương tự như SGP, thậm chí còn hơn vì chúng ta đang đứng trước sự chuyển đổi thời đại cốt lõi mà chuyển đổi tương tự đã diễn ra cách đây hơn 300 năm rồi – cuộc dịch chuyển từ thời đại dòng tộc sang thời đại dân tộc bắt đầu tại Anh cuối thế kỷ XVII như con đã kể ở trên. Nó đã dẫn đến cuộc biến chuyển long trời lở đất của thế giới bằng những trào lưu dân chủ hoá và cách mạng công nghiệp. Dòng chảy thời đại đang dịch chuyển thế giới từ thời đại dân tộc sang thời đại QCN. Nó đã bắt đầu cỡ 10 năm trước từ Mỹ và đang trong thời kỳ hỗn loạn. Từ đó đến nay thế giới đã khác rất nhiều rồi, nhưng chỉ khoảng 10 năm nữa thôi chúng ta sẽ thấy thế giới của mình thay đổi còn dữ dội hơn nữa, nói theo kiểu tếu lâm của VN mình là “tới mức má mày không nhận ra mày luôn”. Không chỉ mô hình kinh tế thế giới sẽ thay đổi gốc rễ mà các quan niệm xã hội cũng sẽ đào thải rất nhiều các đạo lý lỗi thời, giáo điều lạc hậu một cách nhanh chóng. Từ khi hình thành thời đại dòng tộc đến khi ra đời Thời đại dân tộc mất đến 120 thế kỷ. Nhưng chỉ mất 3 thế kỷ để chuyển đổi tiếp sang thời đại QCN. Sự vận động của thế giới ngày càng nhanh hơn thì đã quá rõ. Thời kỳ hỗn loạn ở Anh cuối thế kỷ XVII kéo dài gần 50 năm, nhưng các thời kỳ hỗn loạn ở Pháp chỉ khoảng 30 năm, ở Mỹ khoảng 20 năm, ở Nhật khoảng 15 năm để chuyển đổi sang Thời đại dân tộc ở các nước đó. Thời kỳ hỗn loạn để lần đầu tiên chuyển đổi cốt lõi của Thời đại ở Mỹ hiện nay sẽ không cần đến 50 năm như điều tương tự ở Anh hơn 300 năm trước, chỉ cần khoảng 20 năm thôi. Hơn nữa, sẽ khác Anh trước đây xác lập được thời đại dân tộc trong nước xong rồi mới thúc đẩy ra ngoài, Mỹ lần này sẽ vừa xác lập trong nước vừa đẩy mạnh Dòng chảy thời đại QCN ra thế giới. Lý do là thế giới đã toàn cầu hoá mà 300 năm trước chưa có. 10 năm tới sự biến chuyển của thế giới sẽ rất sôi động. Nếu năm, ba năm vừa rồi là sự rung lắc thì tới đây sẽ là rơi rụng và bứt phá ở Châu Á TBD – là khu vực mà Dòng chảy thời đại QCN từ Mỹ đang nhắm thẳng vào

Việc kích hoạt dòng chảy vào Châu Á TBD đã bắt đầu từ thời Tổng thống Obama dưới chiến lược xoay trục. Dù rất khác biệt và bài bác nhiều chính sách của ông Obama nhưng Tổng Thống Trump lại thúc đẩy mạnh hơn nữa chiến lược xoay trục này, mở rộng ra thêm Ấn Độ Dương và gọi là Chiến Lược “Ấn Độ TBD tự do và cởi mở” (Free Open Indo Pacific, dịch open là rộng mở thì không thể hiện đúng chiến lược này). Tuy nhiên, chính quyền Trump không dùng hiệp định đối tác xuyên TBD – TPP mà dùng cách tấn công trực diện. TPP sẽ trở lại sau khi Mỹ xóa xong các rào cản chủ chốt đối với QCN để khu vực này thực sư tự do và cởi mở – một nền tảng không thể thiếu để có thương lại cân bằng và công bằng. Lúc đó TPP mới phát huy tác dụng. Có những ý kiến phê phán cho rằng chính quyền Trump đang đi ngược với lịch sử: tái lập chiến tranh lạnh, nhưng các ý kiến này sai. Nước Mỹ đang tiến thuận chiều lịch sử, theo Dòng chảy thời đại. Không biết đến bao giờ, có lẽ sẽ rất rất rất lâu, thế giới này mới thôi chiến tranh – tức là sự tranh giành lợi thế với nhau bằng sức mạnh. Nhân loại đã trải qua hàng chục ngàn năm với bao nhiêu cuộc chiến tranh truyền thống, tức là sự đánh giết nhau bằng vũ khí được tổ chức bởi các nhà nước. Từ “chiến tranh” lâu nay vẫn được hiểu mặc nhiên và phổ biến là kiểu chiến tranh truyền thống này. Tuy nhiên, sau thảm khốc của thế chiến II, loài người đã đã phát triển văn minh hơn – dòng chảy thời đại tiến tới loại trừ chiến tranh truyền thống đẫm máu. Dù chạy đua vũ trang và vũ khí hạt nhân tăng trưởng mạnh sau Thế chiến II, nhưng đó chính là cách để thế giới không nổ ra những cuộc đại chiến nữa từ đó đến nay, đúng như nhận định trong cuốn “Sapiens – Lược sử loài người”. Thay vào đó là Chiến Tranh Lạnh được khởi xướng từ Mỹ vào giữa thập niên 1960. Đây là một cuộc đấu phân định thắng bại bằng sức mạnh cứng (Hard Power) nhưng không dùng đến vũ khí để giết người. Chính nó đã đẩy tới đỉnh điểm của chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô vào đầu thập niên 1980 mà chúng ta vẫn thường nhớ tới bởi “sáng kiến phòng thủ chiến lược” (SDI – strategic defense initiative) dưới thời Tổng Thống Reagan, còn được biết đến dưới cái tên “Chiến Tranh các vì sao”. Nó đã buộc Liên Xô chạy đua theo đến đuối sức và cạn kiệt rồi sụp đổ 10 năm sau đó vào 1991.

Tuy nhiên sự thật là Sức mạnh mềm (soft power) mới thực là đã đánh bại Liên Xô chứ không phải gốc rễ từ sức mạnh cứng. Vì cái cứng cứ nổi trội nên khiến nhiều người cứ lầm tưởng, nghĩ Liên Xô thua bởi vũ khí. Thực tế là với sức mạnh quân sự nắm trong tay trước khi sụp đổ, Liên Xô đủ sức gây đẫm máu cho các cuộc biến chuyển ở Đông Âu và trong chính bản thân mình. Dù không thể thay đổi được kết cuộc tan rã những vũ khí LX có thể kéo dài và làm tang thương cho những cuộc thay đổi thêm vài năm nữa. Điều này có được là nhờ hai nguyên nhân. Thứ nhất là dòng chảy thời đại lúc đó đã tiến đến việc loại trừ chiến tranh truyền thống như đã nói trên. Dòng chảy là tiến theo quy luật của vũ trụ, mà quy luật thì vượt trên ý chí của con người. Cho nên việc cố gắng giải thích tại sao LX đã không sử dụng vũ lực từ quan điểm về ý chí của con người thì không bao giờ tìm được sự thoả đáng. Thứ hai là bởi loài người khi đó, nhất là các dân tộc tiến bộ và yêu hoà bình như Mỹ và phương Tây đã hiểu được quy luật của hoà bình và xu hướng của Dòng chảy thời đại loại trừ chiến tranh truyền thống, nên dùng quy luật để xoá bỏ mầm mống chiến tranh đẫm máu và loại trừ rào cản chủ chốt đối với sự phát triển dân chủ và thịnh vượng cho thế giới. Vậy quy luật đó là gì, và vì sao Mỹ cũng đổ bao nhiêu tiền cho chạy đua vũ trang mà không sụp đổ, lại còn phát triển?

Chúng ta đều biết LX luôn giương cao ngọn cờ chống chủ nghĩa tư bản. Nhưng thực ra, làm vậy là họ tự sụp vào cái bẫy tự nhiên do quy luật tạo ra dành cho những ai đi ngược lại nó. Bây giờ thì hầu hết đều rõ là chủ nghĩa tư bản chẳng qua là quan điểm tôn trọng quy luật kinh tế thị trường. Nhưng dưới thời LX, họ làm cho người dân XHCN hiểu rằng đó là một ý thức hệ xấu xa, đối chọi thù địch với nền tảng tư tưởng của họ, đang giẫy chết mà lại ráng truyền bá. Năm 1956, Tổng Bí Thư của ĐCSLX lúc đó là Khrushchev tuyên bố trước toàn thế giới rằng: “chúng tôi sẽ chôn vùi Phương Tây”. Lúc đó họ tự tin như vậy vì họ đang có tăng trưởng chóng mặt… Nhưng họ không hiểu được nguồn gốc động lực (năng lượng mềm) của các năng lượng cứng đang tăng trưởng đó. Họ chỉ gặp may vì bắt chước các Trào Lưu Cứng đã thành công rất nhiều trước đó trên thế giới. Trong một đất nước – một hệ thống năng lượng – bị đè nén khát khao khoa học kỹ thuật và vươn lên hàng trăm năm rồi, thì sự giải phóng năng lượng từ sự tự do (dù còn nhiều hạn chế nhưng vượt xa trước đó trong thời Sa Hoàng nhiều lần) áp dụng công nghệ phát triển là cực kỳ lớn. Nó lớn giống như năng lượng hạt nhân là sự giải phóng năng lượng của các hạt bị cầm tù trong nguyên tử. Nhưng muốn sự phát triển đó bền vững và cân bằng thì phải cần một nền kinh tế thị trường. Khổ nỗi, điều này thì “ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu”. Mỹ và Phương Tây càng thúc đẩy LX áp dụng Kinh tế thị trường thì họ càng cự tuyệt, cho đây là âm mưu thâm độc để xoá bỏ đi chế độ của họ nên càng phản kháng, đáp trả dữ dội. Chết nỗi, đây là cái bẫy của quy luật mà vì không hiểu quy luật nên họ không biết. Mỹ “khai hỏa” chiến tranh lạnh thì đã có được nền kinh tế thị trường vững chắc, vì vậy càng đầu tư vào chạy đua vũ trụ (1960s) và chạy đua vũ trang (1980s) thì nó càng giúp họ phát triển mạnh mẽ. Nguồn vốn từ đầu tư này như những sự kích mồi cho cả một nền kinh tế, khoa học kỹ thuật, quốc phòng phát triển mạnh mẽ và cân bằng tự động nhờ quy luật kinh tế thị trường.  Sự phát triển lan toả tốt đẹp đến các vùng của nước Mỹ và ra bên ngoài Mỹ nhờ kinh tế thị trường và mô hình toàn cầu hoá đã bắt đầu hình thành. Nước Mỹ vì vậy không những không bị suy kiệt vì đầu tư quá nhiều mà còn vươn lên xác lập vị trí số một và dẫn dắt thế giới. Trong khi đó, LX vì sống chết phải tự tuyệt với kinh tế thị trường (những người nhắc đến việc áp dụng nó bị xem là xét lại, hữu khuynh, đối diện với nguy cơ rất nguy hại) nên không có được cơ chế cân bằng tự động. Các quyết định dồn sức đầu tư tập trung vì vậy mà càng làm cho nền kinh tế mất cân bằng, nghiêng lệch, cục bộ và xơ cứng, không kích hoạt lan toả phát triển được mà còn làm cả đất nước bị đứt gãy không chỉ về kinh tế mà cả xã hội. Kết quả cuối cùng đương nhiên là sụp đổ. Càng to đổ càng ghê. Giống như năng lượng hạt nhân vậy, nếu để nó được giải phóng và đứa nó vào sử dụng một cách cân bằng bởi nhiều quy luật khác thì nó sẽ là nguồn năng lượng phục vụ phát triển. Còn để nó nổ tung ra phá huỷ vì không đưa các quy luật khác vào thì sẽ là năng lượng huỷ diệt mà trạng thái cuối cùng của nó là trạng thái chết – sụp đổ.

Do đó, chính sức mạnh mềm từ việc áp dụng quy luật kinh tế thị trường mới là nguồn gốc cốt lỗi của chiến thắng của Mỹ trong chiến tranh lạnh trước LX. Nhưng vì tính chất cứng nổi trội ra ngoài của Dòng Chảy Thời đại dân tộc nên nhiều người quên hoặc không hiểu ràng theo quy luật phát triển thì năng lượng mềm quyết định năng lượng cứng.

15/9/2020

Tuy nhiên, tính chất cứng nổi mềm chìm sẽ thay đổi trong thời đại QCN. Cuộc chuyển đồi thời đại hiện nay cũng sẽ thay đổi tính chất này: những đặc tính mềm sẽ nổi trội hơn đặc tính cứng. Trào lưu mềm sẽ nổi bật. Mọi người sẽ thấy rõ và thấy trước sức mạnh quyết định của cái năng lượng mềm từ áp dụng quy luật tự nhiên trong phát triển xã hội, từ thuận theo Dòng chảy, từ việc tôn trọng tiến tới thượng tôn QCN. Đồng thời, sức mạnh của phụ nữ cũng sẽ trội lên mạnh mẽ tiến tới cân bằng với nam giới. Gần 2 năm trước Như Mây gửi cho con một bài viết của Thu Hương nói về tính nữ sẽ nổi bật trong sự biến chuyển của thế giới tới đây. Tác giả phân tích theo góc độ tâm linh để cho thấy đó là một cuộc thay đổi rất ghê gớm, và dân tộc VN mang tính nữ nên có lợi thế trong cuộc bể dâu này của Trời Đất (**Như Mây giúp chú tìm lại bài viết này gửi cho mọi người tham khảo nha! Cảm ơn con. Nu nhắc chị Mây giùm cậu. Cảm ơn con**). Có lẽ Thu Hương được mặc khải để chuyển thông điệp này cho đất nước. Con đã viết để mọi người thấy tính khoa học của nó.

Chúng ta đã thấy sự nổi trội đến mức gây ngộ nhận của đặc tính cứng trong suốt Thời đại dân tộc. Rõ ràng sự vượt trội của nam giới là một đặc trưng ai cũng thấy nhưng sự bất bình đẳng với phu quyền vẫn còn rất lớn, ngay cả ở phương Tây. Sự bùng nổ phát triển tới đây của Thời đại QCN đến mức mà “má mày còn không nhận ra mày luôn” sẽ đến từ hai nguồn năng lượng chính:

  • Nguồn năng lượng bùng nổ thứ nhất: khởi nguồn từ sự khai sáng cho nhân loại hiểu được để áp dụng quy luật tự nhiên trong phát triển xã hội, từ đó năng lượng mềm sẽ được ưu tiên sử dụng nên tiết kiệm được rất nhiều năng lượng cứng. Hiệu suất sử dụng năng lượng của thế giới sẽ tăng lên chóng mặt, không phải tính bằng phần trăm mà là hơn bao nhiêu lần. Hiệu suất này tăng tất yếu dẫn đến năng suất lao động cũng tăng vọt ghê gớm. Năng lượng phát triển vì vậy mà cũng bùng nổ. Chúng ta sẽ thấy nó còn hơn sự bùng nổ của năng lượng hóa thạch thay thế cho sức người trong cuộc  cách mạng công nghiệp ngay từ đầu Thời đại dân tộc tại Anh. Nhưng vì đặc tính cứng nổi trội nên đã cũng dẫn tới nhiều sự sai lầm, khiến thế giới triệt tiêu năng lượng của nhau, làm giảm hiệu suất năng lượng của thế giới.  Gia tăng NLM để tối ưu hóa NLC cũng là một cách quan trọng giúp xanh hóa việc sử dụng năng lượng giúp bảo vệ trái đất. Con có viết sơ qua về điều này trong thư 32A.
  • Nguồn năng lượng bùng nổ thứ haiS: năng lượng của phụ nữ được giải phóng. Muốn gia tăng sử dụng NLM thì phải hiểu và áp dụng quy luật – chính là phải tiến tới thượng tôn QCN. QCN càng được thượng tôn thì sự bất bình đẳng giữa con người sẽ giảm. Khi Thời đại dân tộc qua đi thì sự giảm bất bình đẳng này không chỉ giữa những con người của các dân tộc khác nhau mà còn giữa những con người trong cùng một dân tộc. Nhưng quan trọng nhất giữa giới tính của con người trên thế giới, sự bất bình đẳng về QUYỀN sẽ nhanh chóng bị xóa nhòa trong thời đại QCN. Khi đó mọi người sẽ thấy “các hạt nữ tính” được giải phóng khỏi  sự “cầm tù” trong “nguyên tử phu quyền” lâu nay sẽ kéo theo năng lượng được giải phóng để bùng nổ phát triển ghê gớm đến thế nào. Con dùng hình tượng năng lượng hạt nhân/ nguyên tử để mô tả cho nguồn năng lượng bùng nổ phát triển này cũng không có gì quá lắm đâu. Cuộc chuyển đổi sang thời đại dân tộc đã tạo nên năng lượng bùng nổ phát triển từ cuộc Cách mạng công nghiệp. Nguồn năng lượng bùng nổ này thực ra xuất phát từ giải phóng con người khỏi sự bất bình đẳng với các dòng tộc đặc quyền như con đã phân tích ở trên, không chỉ là khỏi những công việc nặng nhọc kém hiệu suất bằng cơ bắp mà còn là khỏi sự cầm tù trong các quan niệm và luật pháp cổ hữu khiến con người chấp nhận sự bất bình đẳng thua kém “mặc nhiên” với các dòng tộc ấy. Nhưng con người vào thời ấy lại có nghĩa là “man” trong tiếng Anh. Dù nó có nghĩa là con người (cả nam lẫn nữ) nhưng chủ yếu là để chỉ đàn ông. Thực tế mấy trăm năm qua cũng là như vậy: nam giới được giải phóng trước tiên và chủ yếu, cả ở Anh, Mỹ, Pháp, Nhật… Cả những nước văn minh đi đầu hiện nay, phụ nữ cũng chỉ mới được quyền bỏ phiếu từ sau Thế chiến II. Phong trào nữ quyền thế giới cũng mới mạnh lên dần cỡ 50 năm. Nhưng xét về thực tế khoa học, phụ nữ chẳng có gì thua kém nam giới cả. Cơ bắp họ không bằng chẳng qua vì quan điểm của xã hội phu quyền hàng chục ngàn năm nay. Làm cho sự tiến hóa của giống cái không ưu tiên cho cơ bắp. Nhưng cơ bắp, sức mạnh của nó thì chẳng có gì quan trọng trong Thời đại QCN cả. Cho nên khi phụ nữ được giải phóng thực chất, đầy đủ và rộng khắp trong thời đại mới này thì chắc chắn họ sẽ tạo nên một nguồn năng lượng bùng nổ khổng lồ, làm thế giới thay đổi tới mức những người mẹ như họ cũng không nhận ra con mình luôn.

Ở các quốc gia phát triển, sự giải phóng nam giới đã gần tới điểm giới hạn. Dù vẫn còn có thể đạt thêm tiến bộ nhưng khá là chậm và hiệu quả thấp (so với đầu tư). Chúng ta thấy được tình trạng này rõ ràng nhất ở nước Nhật. Khoảng 20 năm qua họ không có sự tăng trưởng mạnh vì đang rơi vào điểm giới hạn của nam giới. Đàn ông Nhật cứ miệt mài lao động vào cả những thời gian đáng lẽ phải dành cho thời gian gia đình để giúp giải phóng vợ mình. Họ làm vậy để chứng minh mình xứng đáng là chủ gia đình. Nhưng lại “cầm tù” vợ mình mà hầu hết đều không nghĩ được như vậy, cứ thể hiện trách nhiệm một cách kém hiệu quả như thế. Nhưng vì đã gần tới hạn nên dù họ có cần cù đến kiệt sức thì nước Nhật không nhờ vậy mà tăng trường nhanh. Họ cứ loay hoay như vậy suốt mấy chục năm nay mà chưa thoát ra được thói quen “gia trưởng” còn sót lại của tư tưởng phụ quyền. Vấn đề của nước Nhật bây giờ là làm sao thoát nhanh khỏi thói quen này để giải phóng phụ nữ. Lúc đó họ sẽ phát triển nhanh trở lại. Chắc chắn như vậy. Bài toán này cũng chỉ được giải bằng khai dân trí thôi.

“Tính nữ” mà Thu Hương viết chính là đặc tính MỀM nổi trội, bao gồm cả NLM và sức mạnh của phụ nữ nhưng con sẽ dùng “đặc tính MỀM” để khỏi gây nhầm lẫn, tương tự như sai lầm trọng CỨNG khinh MỀM như đã nói vậy. Không khéo kéo nhau đi chuyển giới hết.

Một vài năm qua, chúng ta đã có thể thấy được sự thay đổi sang đặc tính mềm nổi trội của Dòng chảy thời đại như con đã viết ở trên, Tổng thống Trump đã không sử dụng TPP như một công cụ chiến lược để thúc đầy Dòng chảy vào Ấn Độ TBD, mà ông dùng tấn công trực diện vào các rào cản đối với QCN để đạt được “Tự do và Cởi mở”. Lúc đầu khi thấy TPP bị Mỹ rút khỏi con cũng khá thất vọng và mong Chính quyền Trump sẽ sớm quay lại nó. Nhưng sau khi phân tích kĩ về tiến trình của Dòng chảy trong thời kỳ hỗn loạn – giai đoạn chuyển đổi bản lề thời đại, con thấy Tổng thống Trump đã đúng. Phương pháp cốt lõi của TPP là dùng kinh tế để xoay chuyển chính trị ở khu vực Châu Á TBD. Phương pháp này có từ thời Chiến tranh lạnh và là một cách hay. Nhưng nó thuộc về Thời đại dân tộc với đặc tính cứng trội hơn mềm. Kinh tế thuộc chủ yếu về đặc tính cứng, chính trị thuộc chủ yếu về đặc tính mềm. Dùng cứng chuyển hóa mềm giúp đạt được kết quả trong thời đại dân tộc, như chính cuộc chiến tranh lạnh : Mỹ dùng kinh tế thị trường để tấn công Liên Xô và chuyển hóa TQ. Nhưng chắc nhiều người đã thấy hơn 10 năm qua, dùng kinh tế không còn chuyển hóa TQ dân chủ hơn, biết tôn trọng QCN hơn được nữa. Đó cũng là lúc bắt đầu Thời đại QCN nên cứng nổi trội không còn phát huy tác dụng được nữa. D.Trump thành tổng thống được là nhờ dòng chảy thời đại QCN như con đã phân tích ở thư 129A, cho nên con đã hiểu được vì sao ông gác TPP lại. Thay vào đó là Chiến tranh thương mại để dẫn đến những cuộc chiến phân định thắng bại vì dân chủ nhân quyền bằng QCN. Những cuộc chiến này đã bắt đầu nổ ra rồi nhưng chỉ mới ở mức độ khởi động thôi. Chiến tranh thương mại, chạy đua vũ trang là để hỗ trợ cho những cuộc chiến vì dân chủ nhân quyền thôi. Đó không phải là sự trở lại Chiến tranh lạnh như một số người nghĩ đâu, mà sẽ là một CUỘC CHIẾN LỚN KHÔNG XÀI TỚI VŨ KHÍ VÀ ĐƯỢC TUYÊN BỐ RÕ LÀ NHẰM MỤC ĐÍCH ĐẢM BẢO QCN ĐỂ THIẾT LẬP CÁC THIẾT CHẾ DÂN CHỦ VỮNG CHẮC TRONG KHU VỰC, TỪ ĐÓ ĐẠT ĐƯỢC MỘT ẤN ĐỘ TBD TỰ DO & CỞI MỞ. Viết nó dài quá nên con đặt cho nó cái tên là CHIẾN TRANH MỀM. Dù năm sau ai làm Tổng thống Mỹ thì Chiến tranh mềm cũng bước vào thời kì quyết đấu. Nó sẽ kéo dài 2 đến 3 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ nữa.

Mục tiêu mềm được giương lên rõ, các giải pháp mềm sẽ đi tiên phong, các giải pháp cứng sẽ theo hậu thuẫn trong cuộc Chiến tranh mềm này. Thư 129A con đã viết rằng sau một vài tấn công gián tiếp nữa, Mỹ sẽ tấn công trực tiếp vào thể chế chính trị TQ. Đây chính là khởi đầu chính thức của Chiến tranh mềm đó. TQ sẽ thất bại thôi vì họ đã tự bước vào cái bẫy của quy luật tự nhiên mà LX đã từng sập trong Chiến tranh lạnh vậy. Cái bẫy vẫn luôn ở đó, sờ sờ ra  nhưng tự che mắt bịt tay thì chẳng thể thấy được. Ngay cả bây giờ mà họ có đọc được những dòng này thì vẫn cứ sập. Càng thúc đẩy LX tôn trọng kinh tế thị trường thì họ càng cự tuyệt, càng tin rằng đó là âm mưu thâm độc để xóa bỏ chế độ của họ. Giờ thì càng thúc đẩy TQ tôn trọng QCN thì họ càng xâm phạm nghiêm trọng, càng rêu rao rằng đó là âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch phối hợp trong ngoài để chống phá họ. Nhưng họ không hiểu rằng một nền tảng chính trị tôn trọng đầy đủ QCN chính là giải pháp không thể thiếu cho tất cả vấn đề lớn về kinh tế lẫn xã hội của TQ hiện nay. Không nhanh chóng xây dựng được nền tảng này thì TQ sẽ sụp đổ vì sụp bẫy như LX vậy.

16/9/2020

TQ tăng trưởng nhanh chóng mặt từ cuối thập niên 1970 là nhờ đã mở tự do cho kinh tế hướng đến một nền kinh tế thị trường. Tương tự như LX đã mở tự do cho áp dụng khoa học kỹ thuật khiến công nghiệp phát triển bùng nổ, sự hướng đến tự do theo kinh tế thị trường ở TQ đã dẫn đến một sự giải phóng năng lượng khổng lồ của cả một tỷ người đã bị cầm tù trong sự đè nén khát vọng vương lên làm giàu hàng trăm năm trời. Đây là một thành quả tất yếu của sự thuận theo quy luật thị trường, không có gì khó hiểu cả chỉ cần một Trào lưu mềm nhỏ bằng thay đổi quan điểm chính trị thuận theo quy luật, xuôi theo Dòng chảy thời đại lúc đó (Mỹ và Phương Tây thúc đẩy kinh tế thị trường) thì một Trào lưu cứng khổng lồ phát triển kinh tế đã bùng nổ. Rồi sau đó tiếp tục xuôi dòng – tuôn theo dòng thương mại mới của mô hình kinh tế toàn cầu hóa mà Mỹ và Phương Tây kiến tạo nên sau Chiến tranh lạnh vào đầu những năm 1990 nên TQ vươn lên thành cường quốc. Đáng lẽ họ cần tiếp tục thuận dòng mà tôn trọng hơn nữa quy luật phát triển để nhanh chóng trở thành cường quốc văn minh số một, thì họ lại chọn con đường khác biệt thể hiện “bản sắc của riêng mình” mà họ gọi là “CNXH đặc sắc TQ”. Thực ra đây chỉ là một mỹ từ để bao bọc cho thói chuyên chế độc tôn cả ngàn năm nay vẫn chưa bỏ được của những dòng tộc cầm quyền TQ mà thôi. Đất nước TQ vẫn chưa thực sự chuyển sang Thời đại dân tộc không chỉ còn mang nhiều đặc tính của Thời đại dòng tộc mà còn vương vấn nặng nhiều đặc tính của thời săn bắt hái lượm. Như con đã kể ở trên, quyển “Sapieus – Lược sử loài ngoài” đã mô tả rất đúng đặc tính kinh tế của thời này là dựa trên sự chịu ơn và trả ơn. Môi trường kinh tế TQ sặc mùi ơn nghĩa này. Nó không chỉ thể hiện phổ biến trong các mạch ngầm phi pháp như đưa và nhận hối lộ mà còn được tuyên truyền rộng rãi và chính thức trước bàn dân thiên hạ về công ơn của ĐCSTQ và các “lãnh tụ vĩ đại”. Mười mấy năm trước một thằng bạn người Nhật của con làm ăn ở TQ đã nhận định rằng mức độ “mang ơn” của người dân TQ đối với đảng còn lớn hơn nhiều sự “chịu ơn” của người Nhật trong hơn 250 năm dưới thời Mạc Phủ. Bất chấp Trào lưu cứng về kinh tế và công nghệ khổng lồ nổi lên ở TQ bao năm qua, nó không giúp thay đổi được thực chất NLM về dân trí và chính trị lạc hậu của TQ. Một cách trực quan thì cũng có thể thấy nền chính trị và dân trí đó không đủ sức lãnh đạo và mang vác tiếp tục cả một nền kinh tế quá lớn đang đầy vấn đề.

Nhìn theo quy luật chúng ta sẽ càng thấy rõ sự trục trặc trên. Như con đã phân tích kĩ trong đề tài Cơ Chế Xã hội khoa học: quy luật kinh tế thị trường chẳng qua chỉ là một phần của Quy luật phát triển xã hội,  là Bàn tay vô hình trong hoạt động kinh tế. Nhưng kinh tế chỉ là một phần trong nhiều hoạt động của con người trong xã hội, các vấn đề kinh tế không thể chỉ giải quyết bằng chính nó. Một xã hội văn minh tốt đẹp là nhờ cân bằng được mọi hoạt động của con người mà ngoài kinh tế ra thì cần phải có những đòi hỏi không thể thiếu về chính trị, văn hóa và trên hết là sự bình đẳng về quyền giữa con người với nhau. Chỉ khi sự bình đẳng này được bảo đảm chắc chắn thì sự vận động tự do của con người mới tạo ra được sự cân bằng hài hòa giữa tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa,… không có cơ chế cân bằng tự động bởi quy luật phát triển xã hội như vậy thì mọi bàn tay hữu hình đều sẽ thất bại, dẫn đến sụp đổ cơ chế đó chỉ hoạt động khi QCN được tôn trọng đầy đủ, không chỉ về kinh tế mà thôi. Không có sụp đổ trong giai đoạn đầu mở cửa bằng sự tôn trong QCN chỉ trong kinh tế vì tâm trạng của người TQ khi đó không chú tâm đến bất bình đẳng. Họ vừa thoát khỏi “nhà tù” nên mục đích cao nhất của họ là kiếm tiền. Hơn nữa, giai đoạn đó là đang hướng đến tôn trọng quy luật từ một xuất phát điểm rất thấp, nên việc tôn trọng chỉ QCN về kinh tế cũng chỉ là thượng quy luật trong tiến trình đó. Tuy nhiên sự bình bất đối với tình trạng bất bình đẳng đang ngày càng tăng song hành với sự giàu lên của người TQ. Sự bất bình này xảy ra ở bất kỳ xã hội nào đang giàu lên, kể cả Mỹ; Nhật; Châu Âu vì đó là thói thường của con người. Cho nên chính quyền TQ mà khẳng định sự bất bình đó là không đáng kể, xã hội – chính trị vẫn ổn định, lòng dân vẫn yên thì chỉ là ảo tưởng hoặc tự dối chính mình. Vấn đề quan trọng là đất nước cần có một cơ chế thế nào để sự bất bình bởi bất bình đẳng có thể giải tỏa được một cách êm thấm, chứ không phải là vờ như nó không có nên phải tiếp tục đè nén nó. LX sụp đổ vì sự đè nén như vậy đến một ngày bị nổ tung. Đè nén hơn 1,4 tỷ dân TQ trong tình hình họ đang giàu lên như hiện nay là một chính sách thiếu hiểu biết. Họ thể hiện phản kháng ra ngoài thì còn biết đường mà lần (như biểu tình ở các nước dân chủ vậy). Âm thầm phản kháng tạo ra một môi trường thuận lợi cho Hiệu ứng cánh bướm vận hành một cách tiêu cực khi thời kỳ hỗn loạn lên đỉnh điểm. Bàn tay sắt của Chính quyền TQ sẽ chẳng biết đâu mà lần khi đó cánh bướm vẫy nhẹ ở Washington sẽ làm bão bùng ở Bắc Kinh. Bề mặt “yên ả” của LX trước khi sụp đổ thế nào nhỉ ?

Cơ chế để sự bất bình bởi bất bình đẳng có thể được giải tỏa một cách êm thắm nói trên chính là cơ chế xã hội khoa học có được nhờ nên tảng chính trị tôn trọng và tiến tới thượng tôn QCN. Nó không chỉ cho phép nguyên lý cân bằng tự động mà còn giúp nhanh chóng DI – sáng tạo phá hủy để hủy bỏ những gì gây bất bình, mà còn tạo nên những cái thay thế giảm bất bình và giúp phát triển, chẳng hạn như bầu nên một chính quyền mới; ra đời một mô hình kinh doanh mới đẩy lùi các mô hình cũ đang chi phối tới mức gây bất lợi cho khách hàng; những tư tưởng mới cởi mở đẩy lùi được các đạo lý lỗi thời đè nén con người. Các dân tộc đã dân chủ, thịnh vượng, văn minh, luôn gặp phải nhiều vấn đề về bất bình, nhưng họ luôn vượt qua được. Không chỉ một cách êm thấm mà còn tốt đẹp dần lên. Đó là cách để xã hội ngày càng văn minh. 

Nhưng TQ không những cự tuyệt tôn trong QCN mà còn chà đạp QCN nghiêm trọng. Các vấn đề lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa… Trong xã hội TQ đã trầm trọng lắm rồi nhưng họ vẫn cương quyết bưng bít. Sau khi LX sụp đổ thì người ta mới thấy được các bằng chứng phô bày ra nhũng chỉ đạo bưng bít, dối trá dữ liệu đã bắt đầu khoảng 15 năm trước đó. Nhưng Chiến tranh lạnh đâu cần những bằng chứng đó, nó đâu phải một phiên tòa, mà là một cuộc chiến. Đánh nhau thì chỉ cần dựa vào thực tế, biết được địch thủ có điểm yếu gì, rơi vào những cái bẫy nào và áp dụng quy luật ra làm sao để đánh gục đối thủ. Chiến lược nhất vẫn là dựa vào các cái bẫy tự nhiên mà đối thủ không thấy hoặc nghe mà không tin để tự bước vào và tự kết thúc chính mình trong chiến tranh truyền thống thì các bẫy đó là địa thế tự nhiên hoặc bất lợi thế về thiên thời. Trong Chiến tranh lạnh và Chiến tranh mềm thì đó là QCN – đại lượng quan trong nhất mà quy luật phát triển xã hội dựa vào đó để vận hành thuận với QCN thì quy luật giúp nghịch chống QCN thì quy luật triệt. Chính NLM từ sức mạnh của Quy luật tự nhiên đã đánh sập tổ chức LX khổng lồ một cách không đổ máu như vậy. Mỹ chỉ là hiểu để sử dụng và thuận theo quy luật thôi. Nếu mà dùng NLC của vũ khí và kinh tế để đánh sập LX thì Mỹ và thế giới cũng nát bét sau khi LX lụn bại.

Nhìn vào cách TQ xử lý dữ liệu liên quan dịch Covid-19 thì cũng biết khả năng bưng bít của họ tài tình thế nào để trấn an và khẳng định một môi trường chính trị xã hội ổn định trong thời kì hỗn loạn này thì các số liệu kinh tế cũng phải cùng chung số phận thôi. Khi TQ đã chọn con đường quay lưng lại với quy luật, QCN thì họ không có cách nào khác cả những vấn đề nghiêm trọng cứ ngày càng tích tụ trầm trọng hơn thôi. Con đường đơn giản nhưng hiệu quả là quay lại nhìn theo quy luật để đối mặt thành thật với các vấn đề vốn đã xảy ra bởi trái quy luật và QCN rồi tôn trọng các yếu tố này để giải quyết vấn đề. Nhưng thói chuyên chế độc tôn khó bỏ cả ngàn năm qua đã ngăn cản lựa chọn đơn giản nhưng hiệu quả này. Những kể chuyên chế độc tôn luôn xây dựng cho mình hình ảnh một “lãnh tụ vĩ đại không bao giờ sai lầm”. Vì vậy mà đã lỡ theo hay nói cái gì rồi thì sẽ sống chết với nó, chứ không bao giờ có chuyện như ông Trump sẵn sàng đeo khẩu trang sau khi đã bài bác vật dụng hiệu quả này đâu. Trong khi đó đám nịnh thần sẽ ngay lập tức ca tụng lời của lãnh tụ vĩ đại trở thành một thứ thiêng liêng mà ai dám nói trái thì tiêu đời. Song song với đó là sự trục lợi của đám này nhờ những thứ thiêng liêng đó. Vì vậy mà không khó để hiểu vì sao LX lại cự tuyệt một giải pháp rõ ràng là tuyệt vời. Cũng vì vậy mà con đã viết ở trên là dù TQ có đọc được những dòng này thì họ vẫn cứ sập bẫy tự nhiên.

Hôm qua đọc được tờ báo Thanh Niên ngày 12/8/2020 con mới biết nhà tỷ phú tiến bộ và dũng cảm của Hong Kong là Jimmy Lai bị bắt theo cái gọi là luật an ninh quốc gia dành cho Hong Kong. Một quan chức Anh được trích lời nói rằng đây là bằng chứng cho thấy TQ sẽ không bao giờ lắng nghe cộng đồng quốc tế để thay đổi hành xử của mình. Con nghĩ sẽ còn nhiều vụ bắt bớ, trấn áp khác nữa, không chỉ ở Hong Kong và TQ lục địa hay Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng mà sẽ có cả những trường hợp là người nước ngoài bị cho là “vi phạm” cái thứ luật đó. Đây là phản ứng tất yếu trước nỗi sợ của những kẻ chuyên chế độc tôn. Bản chất họ là những người sợ hãi luôn che giấu yếu hèn bằng quyền lực. Nó càng dẫn họ vào cái bẫy. Thư 129A con đã viết rằng Mỹ và các nước thượng tôn QCN sẽ đáp trả TQ ghê gớm về sự kiện Hong Kong này. Hôm nay con nói thêm là sự kiện này sẽ dẫn đến tuyên bố rõ ràng, khởi đầu chính thức cho Chiến tranh mềm. Chờ rồi xem. Cuộc chiến này không xài đến súng đạn nhưng không vì vậy mà nó không khốc liệt đâu, có khi còn hơn Chiến tranh lạnh. EU cũng đã tham gia vào trừng phạt Hong Kong rồi.

Tối qua (15/9/2020) thời sự VTV đưa tin Thủ tướng VN điện đàm với Thủ tướng Đức. Phía Đức khẳng định tới đây sẽ can dự tích cực hơn vào khu vực này và ủng hộ một Ấn Độ TBD tự do và cởi mở (VTV dịch là rộng mở). Thư 127A con đã viết rằng trật tự thế giới mới tới đây sẽ dựa trên sự can dự. Thủ tướng Angela Merkel giờ cũng không cần vòng vo, nói thẳng là can dự vào khu vực Ấn Độ TBD. Đức đang bất đồng với Mỹ trên nhiều quan điểm, nhưng với “Ấn Độ TBD Tự do và Cởi mở” thì đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ. Vì vậy mà mọi người sẽ thấy cuộc Chiến tranh mềm tới đây sẽ ghê gớm như thế nào. Không chỉ Đức sẽ cùng Pháp dẫn dắt EU tham gia tích cực vào cuộc chiến, mà cả Anh cũng sẽ “đánh” TQ tơi tả cho mà coi. Không chỉ Anh đã có đủ nguyên cớ từ sự nuốt lời của TQ đối với “một quốc gia hai chế độ”, mà cả Mỹ cũng sẽ tuyên bố rõ ràng về sự thất hứa của TQ khi bang giao với Mỹ để tạo chính nghĩa cho Chiến tranh mềm.

Chúng ta đều biết Mỹ bang giao với TQ bắt đầu vào giữa thời kỳ Chiến tranh lạnh, giữa thập niên 1970, khởi đầu bằng những cuộc ngoại giao bóng bàn. Cuộc chiến này được thiết kế với mục tiêu tấn công hạ bệ LX và chuyển hóa TQ sang kinh tế thị trường. Mỹ đã phải chấp nhận rút sự ủng hộ dành cho đồng minh Đài Loan để TQ thay thế ở LHQ. Mỹ cũng đã cam kết hỗ trợ để TQ chuyển đổi nhanh nền kinh tế bằng cách mở cửa thị trường Mỹ và cho TQ tiếp cận công nghệ Mỹ để phát triển kinh tế. Ngược lại TQ phải cam kết sẽ dùng sự phát triển từ đó để đóng góp cho thịnh vượng và dân chủ không chỉ cho mình và cho thế giới. Nhưng thực tế đến nay thì cho thấy TQ chỉ làm giàu cho mình, gia tăng sức mạnh cho chính quyền để bóp nghẹt hơn QCN của dân mình và xuất khẩu ra ngoài những hành xử phản dân chủ nguy hại cho thế giới. Lâu nay đứng trước sự chỉ trích của Mỹ và phương Tây đối với sự thất hứa trên, TQ luôn phản ứng và biện minh rằng họ vẫn rất dân chủ và tôn trọng nhân quyền theo mô hình, văn hóa và bản sắc cũng như lịch sử cũng họ, Phương Tây không được can thiệp và áp đặt nhưng có lẽ họ quên đó là lịch sử của sự đạo đức giả siêu hạng có từ thời Tần Thủy Hoàng – người đầu tiên lập lên nhà nước tập quyền quân chủ chuyên chế và hoàng đế vĩ đại của TQ từ hơn 2200 năm trước.

Chắc nhiều người biết câu chuyện “Lừa hóa” của Triệu Cao (tựa lừa hóa là do con đặt). Triệu Cao là quan thái giám  cận kề Hồ Hợi, người nối ngôi Tần Thủy Hoàng. Thừa hưởng được quyền lực tuyệt đối ghê tởm của cha mình nên Hồ Hợi ngay lập tức xài cái quyền ấy để ăn chơi sa đọa, không biết gì đến nước đến dân. Vì vậy mà hắn bị chỉ trích bởi triều thần. Triệu Cao vì muốn thao túng triều chính thông qua một hoàng đế tập quyền chỉ biết đến rượu và gái nên đã bày ra một âm mưu, vừa “giúp” Hồ Hợi tha hồ ăn chơi vừa giúp chính hắn loại bỏ mọi tiếng nói đối lập chỉ trích mình. Hắn tỉ tê với Hồ Hợi rằng có muốn một cuộc vui mà lại còn khiến triều thần im miệng. Tất nhiên là Hồ Hợi muốn nên Triệu Cao nói “muốn vậy chỉ cần bệ hạ nghe theo thần sắp đặt”. Vào một buổi thiết triều, triều thần thấy một con lừa được đặt giữa triều. Mọi người ngạc nhiên không hiểu vì sao con lừa lại ở đây thì Triệu Cao xuất hiện bảo là “sao các vị nói nó là con lừa. Rõ ràng nó là con nai”. Mọi người phản ứng dữ dội, nói Triệu Cao dám khi quân phạm thượng trước mặt hoàng đế. Triệu Cao hướng lên bẩm tấu với Hồ Hợi “muôn tâu bệ hạ, bệ hạ thấy nó là con gì?”. Hồ Hợi đáp là con nai. Mọi người lại nhao lên bảo không phải thế thì Triệu Cao lại lên tiếng “đến cọng cây ngọn cỏ dưới gầm trời này đều là của bệ hạ. Bệ hạ muốn nó là con gì thì nó là con đấy. Ai nói trái mới chính là khi quân phạm thượng”. Đồng thời hắn trình và được chuẩn tấu rằng bây giờ mọi người phải xếp hàng và đi ngang con vật đó và nói cho biết nó là con gì, ai nói trái hoàng đế sẽ bị chém ngay. Mấy chục ông quan nhất phẩm đều cúi đầu lí nhí “con nai”, chỉ trừ một người lớn tiếng khẳng định con lừa và mắng chửi Triệu Cao. Ngài ấy lập tức bị chém thật. Con hơi tiếc một chút: biết mình thế nào cũng chết, ngài ấy lúc đó đáng lẽ phải hét vào mặt Triệu Cao rằng: “Ta thấy đến hai con lừa”. Từ đó chẳng ai dám nói lừa không phải là nai nữa. Triệu Cao đã nai hóa được con lừa. Còn Hồ Hợi thì lừa hóa được cả một dân tộc suốt mấy nghìn năm dưới cái quyền lực tuyệt đối của lãnh tụ vĩ đại tạo nên.

Bản chất hành xử đạo đức giả thượng thừa như vậy của sự chuyên chế đến giờ vẫn không có gì thay đổi cả. Chúng ta thấy nó không chỉ qua việc biện minh dân chủ nhân quyền theo bản sắc riêng phù hợp với lịch sử mà còn qua tham vọng độc chiếm Biển Đông. TQ “nai” đến mức ra sức thay đổi ý nghĩa rõ ràng của luật pháp quốc tế về biển, nhất là UNCLOS 1982 mà TQ là thành viên, để nói với thế giới rằng nó phù hợp với tuyên bố chủ quyền sai trái của TQ. Không ai hiểu con lừa “quyền lịch sử” là gì và căn cứ theo luật nào nhưng TQ vẫn bảo nó là con nai “trong sáng rõ ràng” và “không thể bàn cãi” để chứng minh chủ quyền vớ vẩn sai trái của “con bò có lưỡi 9 đoạn”. Không những vậy, TQ còn dùng sức mạnh kinh tế, quân sự để đe doạ các nước có tranh chấp lẫn không tranh chấp chủ quyền đó để ép buộc họ chấp nhận, ủng hộ con lừa ấy là nai. Quả thật là một sự xem thường thiên hạ thế giới. Không khó để thấy một trật tự khu vực hoặc thế giới mà TQ thống trị, lãnh đạo sẽ xấu xa đến thế nào. Nhưng viễn tưởng này đã trở nên viễn vông rồi. Mỹ và nhiều nước đã can dự mạnh mẽ vào Biển Đông, bác bỏ thẳng thừng đường lưỡi bò của TQ. Vấn đề Biển Đông sẽ là một nguyên cớ thứ hai để Mỹ và đồng minh tuyên bố cuộc Chiến tranh mềm. Nguyên cớ này sẽ giúp huy động không chỉ chính nghĩa mà còn động lực thu hút đồng minh và năng lượng cực lớn cho Chiến tranh mềm.

17/09/2020

Năng lượng của Dòng chảy thời đại sẽ tấn công vào TQ từ nhiều mặt và nhiều nước như thế đấy. Thời kì hỗn độn ở TQ sẽ nhanh chóng lên đỉnh điểm một vài năm nữa. Trong khi Mỹ và các đồng minh trong cuộc chiến này đã có nền tảng thượng tôn QCN thì TQ không những không có mà còn đang ra sức tự đạp đổ chút ít viên gạch hoặc nền móng nhỏ đã được xây như Hong Kong của mình. Hiệu ứng cánh bướm khi đỉnh điểm hỗn độn sẽ đánh sập TQ còn tệ hại hơn trường hợp của LX vì đã luôn tự đạp đổ những cơ hội để xây dựng nền tảng kinh tế thị trường. Trong khi Mỹ và đồng minh sẽ phát triển tốt đẹp thông qua cuộc Chiến tranh mềm này nhờ QCN thì TQ sẽ đứt gãy toàn diện bởi chống QCN. Xã hội đứt gãy, chính trị; kinh tế; văn hoá… sẽ rời rạc ra và rệu rã; đứt gãy ngay trong chính nội bộ cầm quyền của họ vì không có nền tảng QCN vững chắc để cân bằng vận động của xã hội một cách tự động; để gắn kết tự nhiên theo quy luật khi những sự khác biệt cùng hướng vận động đến Lẽ phải thoả ước (chính là xây dựng luật để thoả hiệp lợi ích/giá trị, xem cơ chế xã hội khoa học). Tương tự như sự bất lực của nền kinh tế theo mệnh lệnh của LX vậy, lúc đầu còn chưa rời rạc vì qui mô còn nhỏ, khi nó lớn lên rồi thì bàn tay sắt không đủ sức cân bằng nên nó đứt gãy rồi sụp đổ thôi.

Lâu nay QCN thường bị ngộ nhận chỉ là một giá trị nhân văn mà người ta nên hướng tới mà không thấy được QCN là một đại lượng chủ yếu của Quy luật phát triển xã hội. Cuốn “Sapiens – Lược sử loài người” mắc phải sai lầm này. Không lâu nữa chúng ta sẽ thấy sự ra đời của các lý thuyết kinh tế được xây dựng trên đại lượng QCN là chính yếu, thể hiện thể hiện rõ đặc tính mềm nổi trội và hướng đến sự cân bằng toàn diện về kinh tế – chính trị – văn hoá… Các lý thuyết kinh tế lâu nay được xây dựng dựa trên các đại lượng tiền, hàng, cung – cầu và chỉ hướng đến sự cân bằng trong hoạt động kinh tế thôi. Chúng đã dẫn đến một thực trạng kinh tế bị chỉ trích là khuyến khích tiêu thụ vô tội vạ vào cuối Thời đại của chúng như chúng ta nghe thấy nhiều thời gian qua. Chúng thuộc về thời đại mà cứng nổi trội nên chúng phải vậy thôi. Các lý thuyết đó đã đóng góp rất lớn cho trí tuệ và sự phát triển của nhân loại, nhưng sứ mệnh của chúng đang sang trang rồi.

Hãy nhìn vào cuộc chiến công nghệ mà Mỹ đang tấn công TQ thì sẽ thấy được sức mạnh của QCN. Các doanh nghiệp công nghệ TQ vì không có được nền tảng tôn trọng QCN của quốc gia để được đảm bảo và bảo vệ nên bị Mỹ tấn công vào cái gót Achilles này đến liểng xiểng. Hơn nữa, họ còn bị chính cái thể chế chính trị chà đạp QCN của quốc gia mình khiến cho mình bị hoài nghi là có thể tiếp tay cho nó xâm phạm QCN, không chỉ đối với người dân của mình mà cả đối với người dân của thế giới. Huawei, TikTok, Wechat… có cố biện minh bao nhiêu thì cũng vô ích, bởi chính cái thể chế chính trị đó. Nó tạo ra một thứ quyền lực tuyệt đối mà chẳng mấy ai tin rằng kẻ nắm quyền lực đó không ép buộc được các doanh nghiệp trong nước mình làm điều sai trái. Những kẻ đó đã từng thô thiển thể hiện cho cả thế giới thấy mình có thể ép buộc các doanh nghiệp nước ngoài khổng lồ đang làm ăn ở TQ nữa là. Thế giới tiến bộ sẽ chỉ tin các doanh nghiệp TQ khi nào cái thể chế chính trị chà đạp QCN để nâng niu quyền lực tuyệt đối không còn tồn tại nữa mà thôi. Cuộc chiến công nghệ là để hỗ trợ cho cuộc Chiến tranh mềm – cuộc chiến vì QCN và bằng QCN. Một số bài báo cho rằng Mỹ chiến công nghệ để giành lợi thế công nghệ trước TQ nên QCN chỉ là chiêu bài. TQ mà tự trấn an mình bởi những bài báo như vậy thì càng đáng ngại cho họ. Nếu mục đích chính là công nghệ thì Mỹ chỉ cần ngăn TQ tiếp cận đến các công nghệ nguồn mà Mỹ kiểm soát vào lúc này thì ngay lập tức các doanh nghiệp khổng lồ TQ, từ Huawei đến Alibaba sẽ suy sụp.  Mỹ đã “nhá hàng” cách này đối với ZTE để cho thấy hậu quả thế nào rồi, sau đó Mỹ đã rút lại để ZTE sống. Mỹ đã và sẽ không làm như vậy – cấm tiệt công nghệ nguồn đối với Huawei và những doanh nghiệp TQ khác vào lúc này đâu, vì công nghệ không phải là mục đích chính. Các doanh nghiệp đó cần sống để cho thấy chúng chết vì QCN như thế nào. Bất chấp thị trường nội địa TQ to lớn đến đâu, rồi mọi người sẽ thấy QCN từ cuộc Chiến tranh mềm sẽ buộc các doanh nghiệp TQ và cái thể chế chính trị TQ thay đổi. Không thay đổi thì chết, thực ra là tự sát vì tự sập bẫy. Mở rộng làm bá chủ công nghệ trên một nền tảng không có QCN đã là viễn vông rồi, chứ đừng nói là chà đạp QCN. Còn các doanh nghiệp Mỹ thì sẽ được bảo vệ và nâng đỡ bởi bền tảng thượng tôn QCN của Mỹ nên phải có trách nhiệm bảo vệ QCN, lộn xộn là bị đập ngay. QCN cũng giúp cho các doanh nghiệp Mỹ bảo vệ mình trước các hành xử quá đà như trường hợp FBI đòi Apple mở khoá iPhone của một nghi phạm. Các doanh nghiệp TQ bao năm qua tiếp tay cho chính quyền chuyên chế xâm phạm QCN của người dân TQ. Chờ xem họ sẽ trả giá như thế nào trong cuộc Chiến mềm.

Kiểu siêu đạo đức giả “nai hoá con lừa” diễn ra hàng ngày ở TQ. Rất nhiều thứ rõ ràng là chẳng ra gì, là phản dân chủ nhưng cứ làm cho người dân phải nghĩ là tốt đẹp, là dân chủ. Cả một bộ máy tuyên truyền, lý luận khổng lồ suốt ngày ra sức đẽo gọt chân của người TQ cho vừa với chiếc giày của “hoàng tử cổ xưa”, nói ráng cho vừa để hoàn thành “giấc mộng hoàng tử phi thời hiện đại”.

Đạo đức giả là chuyện đã có từ ngàn xưa và không phải chỉ ở TQ.  Rất nhiều tôn giáo mắc phải vấn đề này, chứ không phải chỉ trong chính trị. Tuy nhiên, khi xã hội vận động tự do và xuôi theo Dòng chảy thời đại thì thói xấu này sẽ giảm dần qua từng thời đại. Còn không thì nó vẫn nguyên xì như thế sau hàng mấy ngàn năm như ta thấy ở TQ. Hồi thế kỉ XV ở châu Âu phổ biến một tư tưởng chính trị của Machiavelli (người Ý), đặc biệt là cuốn “Quân vương” (The Prince) của ông ta. Ngoài một số lời khuyên hay về vua chúa nên hành xử với ngoại bang như thế nào, còn có những lời khuyên xấu xa thậm tệ về việc vua chúa nên hành xử với người dân của mình ra sao. Ông ta khuyên vua chúa phải nói thật hay về tinh thần tôn trọng yêu mến nhân dân nhưng tuyệt đối không được làm thật như vậy, mà phải làm ngược lại: chà đạp họ, chà đạp họ khiến họ phải sợ hãi nên buộc phải thần phục. Tư tưởng chính trị đạo đức giả tồi tệ này của ông ta vẫn còn ảnh hưởng đến hoạt động chính trị ở nhiều nơi trên thế giới cho đến ngày nay. Tuy nhiên nó khác với thói đạo đức giả ở TQ, con nai vẫn là nai. Cái điều tốt đẹp thì phải đúng như thế nào mới là tốt đẹp. Không hạ thấp tiêu chuẩn của cái đẹp thì người ta mới nỗ lực để mình vươn dần đến nó, ngày càng đẹp hơn. Machiavelli biết đó đúng là tốt đẹp nhưng khuyên vua chúa không làm theo vì nó không mang lại lợi ích cho dòng tộc cầm quyền. Ông ta không khuyên là hạ tiêu chuẩn cái đẹp xuống, hoặc nói làm sao để người ta thấy chà đạp dân chúng là tốt đẹp. Con lừa vẫn là con lừa, nhưng vua chúa đừng có trưng con lừa ra, mà cứ nói dối như mình có con nai – đó là lời khuyên của Machiavelli. Dù gì đi nữa thì đó vẫn là điều tồi tệ xấu xa. Nó ảnh hưởng không chỉ vào chính trị mà cả vào xã hội. Chúng ta có thể thấy thói giả tạo này qua mô tả của nhà văn Magaret Mitchell trong “Cuốn theo chiều gió”. Người Mỹ ở miền Nam sau thất bại trong cuộc nội chiến đã không còn khả năng giữ những điều tốt đẹp mà họ muốn, nhưng đa số vẫn cố gắng tỏ ra như là họ vẫn đang có được. Nhưng Dòng chảy thời đại khi ấy đã thay đổi họ rất nhiều, sự giả tạo ở người Mỹ giảm đi rất nhanh so với nhiều nước phương Tây khác. “Cuốn theo chiều gió” là một cách nói thi vị của xuôi theo Dòng chảy. Cứ xuôi dòng đi, con lừa cũng sẽ đẹp lên thực sự thôi mà.

Dòng chảy thời đại QCN tới đây sẽ có một bước quan trọng để xoá bớt đáng kể sự đạo đức giả trên thế giới. Không chỉ những vấn đề từ TQ đã đề cập ở trên, mà cả những vấn đề trong xã hội Mỹ hiện giờ, và từ Á sang Âu nữa. Nguyên nhân của sự thay đổi này con sẽ phân tích trong thư khác, nhưng căn bản cũng từ việc QCN đang tiến tới được tôn trọng và thượng tôn mà thôi. Thư của Mai Anh viết cho con ngày 12/7/2020 kể về tình trạng rối loạn quan điểm ở Mỹ hiện nay về giới tính, tình dục, hôn nhân đa ái,… Con thấy rối loạn đó là đương nhiên trong thời kỳ hỗn loạn chuyển đổi sang Thời đại QCN. Chúng cho thấy đang có khoảng cách lớn giữa các giá trị xã hội trên danh nghĩa và trên thực tế – Đây chính là tình trạng của giả tạo. Nó cho thấy nhiều giá trị cũ không còn phù hợp, hoặc ngược lại: lối sống của con người đã lùi xa những giá trị tốt đẹp. Đây là sự khủng hoảng mà khi xã hội có vận động thì người ta mới thấy. Còn trong các xã hội xơ cứng, vận động chậm thì cứ bình bình mà trôi với những thứ cũ mèm. Trong một xã hội có nền tảng thượng tôn QCN thì nó sẽ vận động tự do, các khoảng cách giữa danh nghĩa và thực tế sẽ nhanh được thu hẹp. Có thể là danh nghĩa phải tiến lên cho phù hợp với thực tế tiến bộ, hoặc thực tế phải lùi trở lại để giữ gìn danh nghĩa tốt đẹp, hoặc cả danh nghĩa lẫn thực tế cùng nhau cái tiến cái lùi. Cả 3 quá trình thu hẹp khoảng cách này đều xảy ra trong quá trình xã hội vận động, va đập để xác lập các điểm chung với nhau. Các điểm đó chính là sự cân bằng, cũng là các điểm mà danh nghĩa và thực tế gặp nhau. Vì vậy mà hết giả tạo. Khi đó nhiều giá trị mới của xã hội được xác lập mà hầu hết đều thấy chúng tốt đẹp. Sự văn minh luôn tiến lên theo cách như vậy. Cho nên thư 129A con mới viết rằng nước Mỹ sẽ tốt chưa từng có. Chỉ có vận động tự do thì người ta mới thay đổi được các hệ giá trị ngày một tốt đẹp hơn mà thôi. Dùng một hệ thống chấm điểm đạo đức bằng quyền lực nhà nước và áp đặt người dân phải theo những gì mà mình nghĩ tốt đẹp thì chỉ dẫn đến suy đồi mà thôi.

Hiểu được xu hướng điều chỉnh đạo đức của Dòng chảy thời đại hiện nay, VN có thể nắm bắt xu hướng đó và sức mạnh của Dòng chảy để xoay chuyển đạo đức xã hội mình tốt đẹp chưa từng có. Đây cũng là cơ hội trăm năm có một.

Trong cuộc chiến tranh mềm, Mỹ và đồng minh sẽ tấn công TQ và chuyển hóa một quốc gia khác, tương tự như Chiến tranh như lạnh tấn công LX và chuyển hóa TQ vậy. Quốc gia đó sẽ hưởng lợi lớn như TQ đã được hưởng vậy. Ba nghĩ quốc gia nào sẽ nắm bắt được thời cơ này?

Còn TQ thì xong rồi. Họ đã bị rơi vào một thế trận mà họ tự chọn hướng đi vào cái bẫy. Cơ hội duy nhất của họ là quay lại và thuận theo Dòng chảy. Khi đó chẳng có sức mạnh nào đánh bại được họ được cả, mà ngược lại họ còn vượt lên ghê gớm, còn hơn nhiều lần trước (một xoay chuyển nhỏ về quan điểm chính trị để tạo ra một trào lưu mềm thuận theo Dòng chảy vào thời Chiến tranh lạnh). Với bộ máy cầm quyền hiện nay thì chẳng có chút cơ hội nào cho sự xoay chuyển để quay lại cả, trừ khi họ có một “Okubo Toshimichi” thiết kế được một kế hoạch “buông đao thành Phật”. Nhưng không phải tự nhiên mà người Nhật có được Okubo. Những con người như vậy là kết quả của một quá trình dài từ nuôi dưỡng tri thức đến khai sáng từ thuở còn tăm tối, những lời cáo buộc “âm mưu thâm độc của thế lực thù địch” chẳng giúp ích cho TQ lúc này cả. Không có chiến tranh lạnh, chiến tranh mềm thì LX, TQ vẫn bước vào những cái bẫy của quy luật tự nhiên thôi, chỉ lâu hơn một chút. Quay đầu lại thì chẳng có cái bẫy nào, sự thâm độc nào cả. Mà con đường ngược lại thì sáng rực và đầy vinh quang. Không quay lại thì thế giới tiến bộ không chấp nhận kéo dài đau thương cho quá nhiều người, kể cả người của họ chứ không chỉ là người TQ, như người Hong Kong chẳng hạn. Tiến hành Chiến tranh lạnh, Chiến tranh mềm vừa không bị thiệt hại nhiều, vừa kết thúc sớm đau thương và đạt được nhiều lợi ích lớn ngay sau đó thì việc gì mà họ không làm.

Thời đại QCN sẽ tiếp tục loại trừ hơn nữa chiến tranh truyền thống. Sẽ không có đại chiến nhưng khả năng những cuộc chiến nhỏ vẫn còn nổ ra vào đầu Thời đại này. Như con viết trong thư 127A, Mỹ và đồng minh triển khai quân lược mạnh mẽ vào Ấn Độ TBD để ngăn chặn sự liều lĩnh của TQ, nhờ vậy mà ngăn cản được đại chiến. Nếu tấn công trận đầu mà không thắng thì những kẻ độc tài hiếu chiến sẽ chắc chắn kết thúc sự nghiệp chính trị của mình ngay. Nhưng biết đâu khi rơi vào tình thế bế tắc quá người ta vẫn liều với ảo vọng thắng. Khi đó những cuộc chiến nhỏ sẽ nổ ra và mau chóng kết thúc, cả chiến trận lẫn sự nghiệp chuyên chế. Trưa nay thời sự VTV chạy tin: Mỹ đề cao mô hình liên minh an ninh Ấn Độ TBD và đang tăng quân lực cho hải quân. PATO đó!

Hôm qua (16/9) VTV đưa tin Israel kí Hiệp ước hòa bình với UAE và Bahrain. Đây là một dấu hiệu cho thấy Thời đại dân tộc đang sang trang. Tính dân tộc của khối dân tộc Ả Rập không còn đủ sức để biện minh cho những liên minh thù hằng nhau vì dân tộc. Tại lễ ký, Tổng thống Trump phát biểu rằng đây là sự bắt đầu cho thời kỳ con người ở Trung Đông có quyền được chung sống với nhau hoà bình mà không phân biệt tôn giáo, sắc tộc. Như vậy là đặc trưng QCN đang nổi lên cao hơn đặc trưng dân tộc phải không. Con tin chỉ vài năm nữa thôi khu vực này sẽ được giải phóng khỏi cái “nhà tù dân tộc” và thế giới sẽ chứng kiến sự bứt phá của họ. Ông Trump nói có đến 5 nước nữa đang sẵn sàng ký hiệp ước tương tự. Tính dân tộc yếu xuống còn thể hiện qua vụ hạ tượng nhà vua Leopold II của Bỉ. Ông ấy là một biểu tượng, một tượng đài của dân tộc Bỉ. Hơn một trăm năm nay, tính dân tộc vẫn đủ sức để biện minh cho những hành động xâm phạm QCN của ông ấy ở Châu Phi. Nhưng giờ không còn đủ sức đó nữa. Những làn sóng biểu tình từ Mỹ liên quan phản đối phân biệt chủng tộc lan sang Bỉ nhanh chóng. Sức mạnh của QCN ở đây đã buộc nhà vua đương nhiệm Bỉ phải thừa nhận tội lỗi của Leopold II và cam kết sẽ suy nghĩ kỹ để “sám hối”. Chính phủ Bỉ cũng phải làm tương tự. Con không ủng hộ việc đập phá các tượng đài nhưng con ủng hộ việc trả lại sự thật cho lịch sử để con người không phải tôn thờ các biểu tượng đạo đức giả như trường hợp Leopold II.

Sẽ rất nhanh, mọi người sẽ chứng kiến rất nhiều sự sụp đổ đặc trưng dân tộc và thay thế bằng đặc trưng QCN xảy ra bùng nổ trên thế giới. Những đặc trưng dòng tộc còn sót lại như ở TQ sẽ còn thê thảm nữa.

Con người không thể làm gì, không có sức mạnh gì để chống lại bước tiến của Dòng chảy thời đại cả. Điều tốt nhất cần làm là tập trung khai sáng cho mọi người hiểu về Thời đại và Quy luật như con viết ở thư 127A. Thời đại QCN quá mới và có quá nhiều điều từ đó mà con người vẫn chưa biết chứ đừng nói là hiểu. Thế giới càng tốt đẹp nếu càng nhiều người hiểu, hiểu càng sớm càng giảm được sự đập phá tương tự như các phong trào Ludites đập phá máy móc hồi đầu Thời đại dân tộc vậy. Cũng sẽ giảm bớt sự chống phá khiến hao tổn năng lượng của thế giới từ các chính phủ thiếu hiểu biết. Trang 21 báo Thanh Niên ngày 1-8-2020 của Vũ Ngọc Hoàng viết về sự cần thiết phải khai hóa văn minh cho dân tộc, một bài viết hay nên đọc.

Trong thời đại mới QCN, dân tộc VN có sứ mạng khai sáng không chỉ cho mình mà còn cho thế giới. Sao lại không chứ? Một dân tộc bừng sáng vào thời kỳ hỗn loạn chuyển đổi bản lề thời đại thì đương nhiên sẽ lan truyền ánh sáng đó ra các nơi trên thế giới mạnh mẽ. Hơn nữa, nhu cầu về khai sáng sẽ rất lớn trên thế giới. Các tác phẩm khai sáng nổi bật trong Thời đại dân tộc như “Khế ước xã hội” giờ không còn hợp cho Thời đại QCN nữa. Đó là lý do mà cuốn sách này được cho là đã góp phần tạo nên chủ nghĩa dân tộc. Hơn nữa, đọc những vấn đề quá khó hiểu bằng văn phong của mấy trăm năm trước thì quả là một thách thức ngán ngẩm đối với đại chúng. VN sẽ có những tác phẩm khai sáng dễ hiểu cho thời đại QCN. Con thấy là dân tộc mình đã có nhiều người đã sẵn sàng dấn thân cho đại cuộc khai sáng của dân tộc rồi. Năm ngoái đọc báo Thanh Niên con thấy tác giả Nguyễn Xuân Xanh (viết cuốn đại học con đã đề cập ở trên) kể chuyện hồi hương về quê VN từ Đức, ông chỉ mang theo sách làm nhân viên hải quan VN ngạc nhiên.

Còn rất nhiều điều về Dòng chảy thời đại QCN con cần viết nhưng mỏi tay rồi, phải hẹn ba và mọi người thư sau. Mọi người cứ vững tâm, kiên trì truyền ngọn lửa khai sáng. Một cây nến có thể thắp lên hàng ngàn hàng triệu ngọn nến khác. Chúng ta phải giỏi hơn SARS – COV – 2 chứ! Phải không!

Hôm nay trời vẫn nóng ghê gớm, 4h chiều nắng vẫn gay gắt như mùa hè. Lúc nãy có một cơn mưa bóng mây nhỏ nên chẳng ăn thua, làm bốc hơi đất lên càng khó chịu. Được 2 ngày đỡ nóng vào 9 & 10/9 rồi nóng gay gắt đến hôm nay, nóng cả đêm đến sáng. Mùa thu năm nay thật kỳ lạ, sắp thu phân rồi mà chưa thấy một chút tiết thu nào, chỉ được 2 ngày mát dịu vào đầu thu nhưng mà do bão chứ không phải tiết mùa. Dự báo ngày mai cơn bão số 5 sẽ gây mưa và làm giảm nhiệt đáng kể ở vùng này. Đành chờ bão vậy. Mùa thu mà trông chờ bão. Có lẽ ông trời cũng bị hỗn độn luôn rồi.

Mai Anh ơi! Em vui lòng xem những gì anh viết ở trang 35 của thư 130 này là  một phần trao đổi với em về thư em viết cho anh ngày 12/7/2020 nha! Thư 131 anh sẽ viết riêng một phần để trao đổi những điều khác trong thư đó của em. Em nghĩ sao về một cuốn sách nhỏ trước, về thời cuộc; thời đại để cho thấy sự cấp bách của ráp kịp với Dòng chảy thời đại và sự thiết yếu của khai sáng? Em bắt đầu quan tâm Kinh Dịch là hay  đó. Thực ra nó không phức tạp như các ông nhà Nho làm rối lên đâu. Anh thấy nhiều lý thuyết phương đông mắc phải căn bệnh này, làm cho người ta thấy cao siêu vì không thể hiểu được, rồi tự giải thích theo kiểu áp đặt của mình. Vì thế chẳng khai sáng được tí gì cả. Em đừng lưu tâm đến “tính quy luật” thái dương – thái âm, bát quái, ngũ hành gì được viết ở hầu hết các quyển giảng dạy Kinh Dịch cả. Chúng không có ý nghĩa thực sự đâu. Nên học chữ Hán để biết cách tra từ điển để tự mình hiểu được các từ dùng trong Kinh Dịch. Từ điển tiếng Hán được sắp xếp theo thứ tự a b c của Phiên âm Pinyin. Vì vậy mà chúng ta dễ dàng tìm được các từ đồng âm dị nghĩa. Tổ tiên chúng ta mã hóa thông điệp trong Kinh Dịch cho chúng ta thông qua chủ yếu bằng cách dùng từ đồng âm trong tiếng Hán đó. Đặc điểm nổi bật của Tiếng Hán là có rất nhiều đồng âm dị nghĩa. Ví dụ chữ NGUYỆT và chữ VIỆT trong tiếng Hán đọc giống nhau là Yue (duê). Em hãy bắt đầu tự giải nghĩa quẻ MÔNG bằng cách tìm từ đồng âm thích hợp, em sẽ thấy đó là quẻ nói về công cuộc khai sáng của dân tộc mình trong giai đoạn lịch sử này, chữ TÙ đồng âm với chữ CẦU được dùng trong quẻ MÔNG. Tất cả 64 quẻ đều liên quan đến thời kỳ hỗn loạn hiện nay để chuyển đổi VN sang thời đại QCN, Anh tin em sẽ tìm được hứng thú và thú vị bất ngờ từ việc này. Chúc em làm được nhá! Chúc em và chồng con luôn khỏe và hạnh phúc.

Chị Năm ơi! Điện thoại cho chị hôm 10/9 vui lắm nha. Chị nhắn Anh bé Kẹt dùm là em rất vui. Câu sấm mà chị giải hôm đó có một vài điều em nghĩ là chưa hợp lắm, nhưng không quan trọng, có dịp em sẽ trao đổi thêm. Trời đang mưa, do bão, từ đêm qua tới giờ nên hơi lạnh lạnh rồi, gần nửa năm mới cảm giác lạnh, thích ghê. Nhưng chắc cũng chỉ được hôm nay và ngày mai thôi, nóng sẽ trở lại. 20 ngày nữa em sẽ gặp lại chị rồi. Mong ghê!

Chị Hai ơi! Em nhận được thư K4/2020 của chị vào 26/8/20. Nó có rất nhiều thông tin hữu ích cho em, nhất là chuyện phượng hoàng lửa. Những chi tiết chị cung cấp giúp em giải được một sự kiện quan trọng sắp xảy ra của thời cuộc. Cảm ơn chị nhiều. Giờ chỉ còn chị viết thư đều cho em thôi. Em định sử dụng chuyện ma má kể vào mấy sáng tác, nhưng không gấp lắm. Chị cứ từ từ viết.

Chào cả nhà nha! Mọi người hãy vui khỏe!

This entry was posted in Bài viết, Thư Trại 6 and tagged , , . Bookmark the permalink.

3 Responses to Thư 130 – Sức Mạnh Mềm

  1. Anonymous says:

    Chân thành cảm ơn anh Thức

  2. Đức says:

    Sao tác giả k0 kể đến những đất nước ngập ngụa trong đói nghèo chiến tranh nhờ ánh sáng dân chủ mà Mỹ ban phát: Libya, Yemen, Syria, Afghenistan…?

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.