Thư 133 – Biden và Trung Quốc; Việt Nam điểm giao hòa văn hóa Đông – Tây

Nghệ An, Thứ Hai Ngày 9 Tháng 11 Năm 2020

Thưa ba và cả nhà thương

Mọi người vẫn khỏe hả? Đúng 11 ngày trước, vào 29/10 bão số 9 gây mưa kỷ lục ở đây. Chắc mọi người xem tin thấy Thanh Chương ngập ghê gớm, có người chết và mất tích nên lo lắm phải không. Ở đây không bị nước tràn vô, nghe nói Trại phải đắp gấp các bao cát mới chống được. Ngoài Trại thì ngập trắng như TV chiếu vậy nhưng trong Trại chỉ bị nước do mưa to, nhưng rút cũng nhanh, chắc nhờ đất ở đây cũng cao. Giếng nước vẫn sạch. Mấy hôm đó mất điện lưới nhưng cũng có điện máy phát vài tiếng một ngày để bơm nước và xem TV thời sự.

Đây là lần đầu tiên trong đời con chứng kiến một trận mưa ghê gớm như vậy. Mấy người sống ở đây từ nhỏ đến giờ hơn 40 tuổi thì nói chưa bao giờ vùng này mưa lũ như vậy cả. Mà trận mưa lũ này thì chẳng thấm vào đâu so với ở các tỉnh trong Trung bộ đã kéo dài trước đó 3 tuần, lượng mưa cũng hơn hẳn ở đây. Quả thật con người ở đó thiệt thòi quá. Mùa mưa lũ năm nay gọi là THỦY TAI DẬU năm Tý, dồn dập bão, áp thấp nhiệt đới đổ vào Biển Đông, mà toàn nhắm vào miền Trung. Hết tháng 9 âm lịch này (cửu nguyệt) hy vọng sẽ đỡ hơn.

Thời tiết ở đây sau trận mưa lũ 29-30/10 rồi tốt hơn rất nhiều. Ngày 5/11 đến giờ trời rất đẹp, cái đẹp của mùa thu nắng nhẹ, se lạnh dù đã lập đông 2 ngày rồi. Những cơn nóng cuồng nộ lấn sang hẳn mùa thu, những trận bão lũ dữ dội đã qua rồi, để lại tiết trời hừng sáng mát mẻ. Để xem thiên thời này có báo hiệu sự chuyển biến tốt đẹp của thời cuộc không. Con thì thấy như vậy đó, những mầm mống tích cực đã hình thành, đang nỗ lực để vén lên những bức màn u tối bao đời. Năm nay là năm Tý, là Thử thời. Thử vừa nghĩa là chuột vừa nghĩa là nắng sáng. Hơn nữa, tháng 11 âm năm nay là tháng Mậu Tý, cũng là chuột. Tết dương lịch 2021 rơi vào ngày 19 tháng 11 âm (tháng Mậu Tý năm Canh Tý). Để xem Thử thời năm Tý tháng Tý vào đầu 2021 có gì hay, đặc biệt không nha. Sẽ có đó.

Chính quyền Biden và Trung Quốc

10/11/2020

Vậy là ông Biden chắc thắng rồi. Nước Mỹ sẽ có một phụ nữ đầu tiên làm Phó Tổng thống, con thấy rất thích thú. Năm nay các nhà khoa học, văn sĩ xinh đẹp cũng đoạt nhiều giải Nobel hơn, hình như là có số lượng phụ nữ chiếm giải nhiều nhất trong một mùa Nobel từ trước đến giờ. Sức mạnh thời đại của phụ nữ đang tăng lên. Họ sẽ đẩy nhanh Dòng chảy tới Thời đại QCN với đặc trưng MỀM – tính nữ trội lên như con đã viết ở 130A và 132A. Đó là một đặc trưng quan trọng của Dòng chảy thời đại mà một dân tộc muốn ráp nối được với Dòng chảy thì phải nắm bắt được mới vươn lên.

TQ đến giờ vẫn chưa nắm bắt được như vậy. Họ vẫn còn hy vọng vào những mối quan hệ giữa cá nhân với nhau để có được lợi thế. 4 năm trước khi ông Trump đắc cử tổng thống, họ liền ảo vọng rằng nước Mỹ đã suy yếu nên đây là cơ hội để TQ vươn lên lãnh đạo thế giới, đồng thời cấp tập xây dựng quan hệ tốt với Tổng thống Trump với ý nghĩ rằng vị tổng thống 45 không có kinh nghiệm chính trị này (mà lại có máu doanh nhân cao độ) sẽ dễ dàng đi vào những mưu mô lão luyện của các chính trị gia, nhà lãnh tụ vĩ đại sừng sỏ của họ. Chẳng ngờ là đang tưởng hữu hảo thì chưa đầy 1,5 năm sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump “khai hoả” thương chiến rồi ngăn chặn chưa từng có tham vọng điên cuồng của TQ trên Biển Đông và đã sẵn sàng khai chiến một Cuộc Chiến tranh lạnh mới mà con gọi là chiến tranh MỀM. Các thư 130A và 132A con đã viết rằng dù 2021 ai làm Tổng thống Mỹ thì cũng đều “khai hỏa” cuộc chiến này. Hãy chờ xem.

Tuy vậy TQ vẫn còn đang hy vọng vào Tổng thống đắc cử Joe Biden. Bản tin Tài chính kinh doanh trưa nay (12:40 PM 10/11/20) nói rằng TQ tin tưởng dưới thời Biden TQ sẽ đàm phán lại được Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã ký vì nó rất vô lý. Ông Biden chẳng bao giờ rồ tới mức mà đánh mất đi lợi thế của nước Mỹ mà Tổng thống Trump đã dày công tạo ra cả. Ông Trump thất bại lần tranh cử này nhưng không có nghĩa là hàng loạt thành quả của ông đều bị vứt bỏ. Sẽ có nhiều chính sách liên quan trong lòng nước Mỹ sẽ bị thay đổi (mà thay đổi là cần thiết để tạo ra sự cân bằng không quá hữu cũng không quá tả, giống như cân bằng động của quả lắc). Nhưng riêng chính sách đối ngoại với TQ thì sẽ chỉ có thúc đẩy mạnh hơn nữa mà thôi, giống như thời Trump đã đẩy mạnh hơn Chiến lược xoay trục dưới thời Obama thành chiến lược Ấn Độ TBD tự do và cởi mở vậy.

Dù đứng ở góc độ nào, phe nào của người Mỹ thì cũng đều nhìn nhận rằng Tổng thống Trump đã rất khó khăn và rất giỏi mới ra được những đòn khởi động đảo ngược tình thế giữa Mỹ với TQ. Xu hướng bài Trung sẽ chỉ có tiến mạnh hơn, hiệu quả và thực chất hơn chứ chẳng có cơ hội nào mà đảo ngược cả. Vì vậy mà thư 127A con đã viết: “Vì vậy mà hy vọng tổng thống Mỹ năm sau không phải D. Trump thì thật là ngây thơ. Dù ai đắc cử, Mỹ cũng sẽ tiếp tục đường lối như vậy với TQ” (trang 17) khi đang viết về tin tức TQ có thể can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ để tránh ông Trump tiếp tục một nhiệm kỳ.

VTV đã đưa tin rằng khi tranh cử ông Biden vẫn cam kết cứng rắn hơn với TQ và sẽ xây dựng một liên minh quốc tế để kiềm chế TQ mạnh mẽ hơn nữa. Trang 7 thư 129A con nhận định rằng “Ông Biden mà thắng cử thì có khi còn tấn công TQ mạnh mẽ hơn, thâm thúy hơn”. Thời Trump đã nhen nhóm một liên minh quân sự cho châu Á theo kiểu NATO rồi. Rất có thể thời Biden sẽ thiết lập những nền móng đầu tiên cho PATO. Những thư đầu tiên con viết về sự cần thiết hình thành PATO là vào 2014 ở Xuyên Mộc, và con nhận định rằng nó sẽ hình thành được từ 10 đến 15 năm nữa. Có lẽ nhận định này sẽ thành hiện thực đó ba à.

Thế giới này muốn không chiến tranh đổ máu lần nữa thì dứt khoát phải có PATO. Chỉ PATO mới kiềm chế được ngông cuồng của TQ về quân sự một cách vững chắc và lâu dài. Nếu không có NATO thì châu Âu đã nổ ra một đại chiến sau thế chiến II nữa rồi. Thế chiến I kết thúc chỉ 20 năm sau thì nổ ra thế chiến II. NATO đã kiềm chế hiệu quả sự ngông cuồng của LX sau khi nước này chiến thắng thế chiến II và tăng trưởng ghê gớm 20 năm sau đó. Mỹ và phương Tây hẳn là đã quá nhiều kinh nghiệm từ thời đó nên họ không ngây thơ để mà không hình thành PATO để kiềm chế TQ đâu. Đọc báo Thanh Niên ngày 8 tháng 10-2020 viết về cuộc gặp 4 ngoại trưởng của Tứ giác An ninh kim cương (Mỹ – Ấn – Úc – Nhật) đã nhen nhóm về một liên minh quân sự tương tự NATO ở châu Á (*). Tổng thống Biden sẽ đẩy nhanh hơn việc này thôi. PATO sẽ có NATO hỗ trợ vào, cả EU nữa.

Đọc báo Thanh Niên ngày 8 tháng 10-2020 viết về cuộc gặp 4 ngoại trưởng của Tứ giác An ninh kim cương (Mỹ – Ấn – Úc – Nhật) đã nhen nhóm về một liên minh quân sự tương tự NATO ở châu Á.

(*) Hôm 16/11/20 con nhận được và đọc ngay tờ báo Thanh Niên 14/10/20, trang 24 đăng tin “Bộ tứ kim cương đẩy mạnh phối hợp”. Thứ trưởng ngoại giao Mỹ tuyên bố: “Bộ tứ kim cương chào đón các nước có cùng quan điểm ủng hộ khu vực AĐộ – TBD tự do và rộng mở. Washington hiện đang đẩy mạnh phối hợp giữa các nước trong bộ tứ gồm AĐộ, Mỹ, NB và Úc nhằm đối phó việc TQ gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Bất cứ nước nào mong muốn AĐộ –TBD tự do và rộng mở và sẵn sàng có các bước đảm bảo điều đó đều được chào mừng cùng chúng tôi”

Có lẽ TQ thấy EU bày tỏ quan hệ thương mại EU-Mỹ sẽ bớt vấn đề dưới thời Biden nên họ cũng hy vọng vậy. Một lần nữa họ không hiểu bản chất của vấn đề như con viết ở thư 115A về Chiến tranh thương mại, con đã viết rằng: “Các tranh chấp giữa Mỹ với EU và các đồng minh khác, theo con, sẽ được dàn xếp sớm. Giữa họ không có những xung đột không thể thỏa hiệp, và sự tranh chấp của họ thực sự chỉ là sự cạnh tranh thuần túy thương mại. Còn tranh chấp giữa Mỹ và TQ thì thương mại chỉ là cái cớ và là công cụ để Mỹ cho thế giới thấy khả năng lãnh đạo thế giới của TQ thực tế đến đâu, để Mỹ khẳng định lại vị thế siêu cường của mình” (trang 2). Tân nói hầu hết các trang tin lớn của thế giới đều đăng lại thư 115A đó vì nó đề cập đúng lúc và đúng bản chất của Cuộc chiến thương mại mới khởi đầu vào tháng 6-2018 mà nhiều người còn chưa hiểu. TQ đang ngày càng rời xa Dòng chảy trong khi tham vọng ngược dòng của họ ngày càng lộ rõ rất nhiều vấn đề.

Đảng Dân chủ có nhẹ tay với Trung Quốc?

12/11/2020

Tình hình Biển Đông sắp có những chuyển biến căn bản. Tối 10/11 VTV1 đưa tin ông Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN trước thềm các Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, con nghe được những lời lẽ mạnh mẽ hơn, có lẽ mạnh nhất trong 5 năm qua, chỉ trích về những hành động sai trái trên Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ mới công du VN hôm 30/10, hẳn là để vận động và chuẩn bị cho những hoạt động quan trọng của Cấp cao ASEAN 37 này mà hôm nay bắt đầu. Thư 127A, 129A, 130A con đều viết rằng năng lượng của Dòng chảy thời đại sẽ đổ vào Đông Nam Á mạnh ghê gớm từ cuối năm nay, mà một nhánh quan trọng của năng lượng đó là từ vấn đề Biển Đông.

Có ý kiến lo ngại rằng đảng Dân chủ nắm ghế Tổng thống ở Mỹ thì sẽ nhẹ tay với TQ tại biển Đông vì họ so sánh mức độ can dự của Mỹ thời Obama và thời Trump. Con thì cho rằng dưới thời Biden tới đây Mỹ sẽ còn làm dữ dội hơn thời Trump. Cứng rắn hay mềm dẻo thuộc về chiến thuật tùy thuộc hoàn cảnh. Nó không nằm ở sự khác nhau về chính sách giữa 2 đảng DC và CH ở Mỹ. Cái nào có hiệu quả hơn vào từng thời kỳ phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của Mỹ thì họ sẽ sử dụng cái đó. Thời Obama bắt đầu bằng một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng có nguồn gốc từ những sai lầm của thời Bush con trước đó, làm nước Mỹ suy yếu nặng nề về tiềm lực kinh tế. Điều này chắc chắn ảnh hưởng lớn đến năng lực quân sự. Trong thời kỳ đó TQ lại khai thác được nhiều nhất các lỗ hổng của WTO để tạo ra lợi thế trội hẳn lên, đồng thời gặp may nhờ kinh tế Mỹ suy thoái nên họ tăng trưởng chóng mặt 9-10% GDP hằng năm trong nhiều năm liền.

Thời Obama bắt đầu bằng một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng có nguồn gốc từ những sai lầm của thời Bush con trước đó, làm nước Mỹ suy yếu nặng nề về tiềm lực kinh tế. Điều này chắc chắn ảnh hưởng lớn đến năng lực quân sự.

Nếu không khôn khéo dùng chiến thuật mềm dẻo của Obama thì Mỹ sẽ bị cuốn vào cuộc chơi mà TQ đã giăng bẫy, Mỹ sẽ càng suy yếu đến mức có thể nguy hiểm. Và đó là thời cơ cho TQ ra đòn quyết định trên Biển Đông. Nhưng ngược lại, thời Obama đã rất khéo léo để cho cả thế giới thấy sự hung hăng nguy hiểm của TQ, từ đó tạo chính nghĩa để tập hợp lực lượng quốc tế ngăn chặn TQ. TQ giăng bẫy nhưng lại chính là người mắc bẫy. Họ càng diểu võ giương oai thì càng lún sâu vào bẫy. Đỉnh cao trên Biển Đông là bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa lại chính là cái để Toà quốc tế nện cho một gậy, làm mất hết “lẽ phải” dối trá bấy lâu. Cuối thời Obama kinh tế Mỹ đã phục hồi tốt, rồi chuyển qua thời Trump làm nó bùng nổ lên. Tiềm lực quân sự Mỹ nhờ vậy mà tăng cường nên đến lúc Mỹ đã có thể cứng rắn như ta thấy mấy năm qua. Tổng thống Biden sẽ tiếp tục cứng rắn hơn, đồng thời hình thành nên những liên minh quốc tế thắt đứt cái lưỡi bò.

16/11/20

Thời sự VTV tối qua (15/11/20) đưa tin ông Phúc họp báo về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN 37. Lần đầu tiên con thấy VTV trích chiếu một phóng viên nước ngoài phỏng vấn Thủ tướng VN về nhân quyền. Phóng viên ấy nói truyền thông Mỹ đưa tin ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, Tổng thống đắc cử thuộc đảng Dân chủ này rất quan tâm đến vấn đề nhân quyền và sẽ thúc đẩy mạnh nhân quyền, và hỏi ngài Thủ tướng VN rằng trong các thảo luận của ASEAN vừa rồi có đề cập gì đến vấn đề này không. Con ngạc nhiên khi thấy ông Phúc không né tránh mà trả lời rằng ASEAN trong các hội nghị vừa rồi không thảo luận về chủ đề nhân quyền, nhưng khẳng định dù ông Biden hay ông Trump làm Tổng thống thì VN vẫn xem Mỹ là người bạn tin cậy, và tiếp tục thúc đẩy phát triển quan hệ trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền (không nghe nhắc thể chế chính trị như mọi khi). Trong bản tin này, câu hỏi duy nhất mà VTV tường thuật từ cuộc họp báo nói trên chính là của phóng viên nước ngoài đặt câu hỏi đó. Chủ đề QCN hẳn sẽ được quan tâm nhiều hơn và không thể né tránh nữa.

Con đã viết ở 130A, 131A là dù ai làm tổng thống Mỹ thì 2021 vẫn sẽ “khai hỏa” cuộc Chiến tranh MỀM – Cuộc chiến vì QCN và bằng QCN – là một kiểu chiến tranh lạnh mới. Đó là chiến lược Mỹ không thể không làm để khẳng định lối sống, những giá trị Mỹ dựa trên QCN và đánh bại những nỗ lực gây phương hại cho những giá trị đó. Nhưng về chiến thuật thì chắc chắn sẽ khác nhau nhiều giữa Trump và Biden. Tổng thống Biden sẽ đặt thẳng QCN lên các bàn thương lượng.

Tạp chí Tuổi trẻ cuối tuần 30/8/20 có một bài hay là “Trở lại với giá trị Mỹ”, phân tích tài liệu của đảng Dân chủ Mỹ dùng cho đảng này trong nhiệm kỳ tổng thống mới của Mỹ. Tài liệu ra đời trong thời gian ông Biden đang trong giai đoạn cuối vận động tranh cử quyết liệt liệt. Bài báo phân tích để chỉ ra rằng sự cạnh tranh, thậm chí đối đầu với TQ trước hết sẽ từ nền tảng giá trị Mỹ (tức là những giá trị dựa trên QCN nói trên). Tài liệu đó còn khẳng định cách thức hành động để đạt được mục tiêu này là: “Sự phân nhóm rất rõ thành một tập thể hay nhóm nước cùng nhắm đến thịnh vượng chung và an ninh chung, dựa trên những giá trị chung (chính trị, văn hóa, đạo đức, …) đối lập với những ai không cùng chia những cái “chung” đó, mà ở đây có thể chỉ rõ là TQ”. Hoa Kỳ và nhóm thân hữu này sẽ cùng định hình “Thế kỷ Thái Bình Dương”. Từ đây ba và mọi người có thể tin chắc rằng không chỉ liên minh quân sự PATO mà cả liên minh QCN để bảo vệ và thúc đẩy giá trị chung sẽ là điều chính quyền Biden tập trung. Không thể không chọn phe được.

Chữ Quốc ngữ, sản phẩm của sự giao hòa Đông – Tây

Giờ con viết tiếp đoạn cuối ở trang 13 của thư 132A về đặc tính của người Việt qua tiếng Việt, chữ Việt phù hợp làm Điểm cân bằng, cho Dòng chảy thời đại QCN đang hình thành.

Tạp chí Tia Sáng ngày 5/6/20 đăng bài “Một vài tìm tòi về ngôn ngữ” của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Hoành, có đoạn: “Chữ Quốc ngữ làm cho tiếng Việt trở thành ngôn ngữ độc lập với chữ Hán. Thời xưa VN, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên đều dùng chữ Hán; khi thấy mặt hạn chế của nó, cả ba đều cố “thoát Hán” về ngôn ngữ. Bán đảo Triều tiên thế kỷ XV làm chữ biểu âm Hangul, nhưng Hàn Quốc hiện vẫn dùng chữ Hán để chú giải các từ ngữ cần chính xác (như về pháp lý). Người Nhật thế kỷ IX làm chữ biểu âm Kana, nhưng hiện vẫn dùng gồm 2000 chữ Hán. Riêng VN nhờ dùng chữ Quốc Ngữ mà từ năm 1919 chính thức bỏ chữ Hán. Quá trình “thoát Hán – Thoát Khổng” này nhanh gọn, không gây ra sự đứt gãy văn hóa, là một thắng lợi văn hóa – tư tưởng cực kỳ quan trọng.”

Con rất đồng ý với nhận định trên và nhận định thêm rằng sở dĩ tiếng Việt có thể hòa quyện dễ dàng và mượt mà vào hình thức của kiểu chữ biểu âm La Tinh là do tính chất tương hợp tự nhiên của tiếng Việt với hình thức này. Tính chất đó đã hình thành từ nguồn gốc sâu xa của dòng giống Lạc Hồng ra đời từ sự dung chứa (dung hợp và bao dung) sự khác biệt của trăm trứng trong một cái bọc của MẸ. Đây không chỉ đơn giản là một huyền thoại. Nó gửi gấm tính cách và sứ mạng của dân tộc chúng ta – những đứa con Hồng cháu Lạc. Tính cách phổ biến của một dân tộc được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử, tạo nên văn hóa ứng xử không dễ thay đổi. Những thư con viết hồi 2014 ở Xuyên Mộc (thư 24-30) đã nói rằng việc kiến tạo chiến lược là cần phải tìm kiếm trong tính cách dân tộc những đặc tính phổ biến mà tương hợp với Dòng chảy thời đại để đặt dân tộc vào lợi thế trên Dòng chảy đó mà vượt lên nhanh chóng. Lúc này chính là thời cơ ngàn năm có một để nắm bắt và lướt nhanh đến thịnh vượng, thành một cường quốc hòa bình dựa trên QCN.

Tính chất đó đã hình thành từ nguồn gốc sâu xa của dòng giống Lạc Hồng ra đời từ sự dung chứa (dung hợp và bao dung) sự khác biệt của trăm trứng trong một cái bọc của MẸ. Đây không chỉ đơn giản là một huyền thoại. Nó gửi gấm tính cách và sứ mạng của dân tộc chúng ta – những đứa con Hồng cháu Lạc.

Cũng trong bài viết trên của Nguyễn Hải Hoành, tác giả đã kể rằng các nhà truyền giáo Dòng Tên như Francisco de Pina, Antonio Barbose, Gaspar de Amaral, António de Fontes, Alexandre de Rhodes v.v…. đã trong một thời gian ngắn mà làm việc phân tán lại tạo ra được chữ Quốc ngữ. Từ 1617 đến 1649, chỉ hơn 30 năm mà sáng tạo được chữ viết gần như hoàn chỉnh của một dân tộc là một sự thần kỳ gần như không tưởng, nhất là đối với thứ tiếng nhiều âm điệu với nhiều thanh điệu phong phú của tiếng Việt. Dù có xuất chúng đến đâu mà tiếng Việt thiếu sự tương hợp tự nhiên với chữ La Tinh của phương Tây thì các giáo sĩ ấy cũng không thể làm ra được chữ Quốc ngữ, chứ đừng nói là làm ra trong một thời gian ngắn kỷ lục như vậy. Sự làm việc phân tán của họ khi sáng tạo chữ Quốc ngữ cũng là một minh chứng cho sự tồn tại tự nhiên của sự tương hợp giữa tiếng Việt và chữ La Tinh. Không có phối hợp nhiều nhưng họ có những điểm chung khi sáng tạo là sự sẵn có từ lâu của tính tương hợp giữa tiếng và chữ.

Việt Nam có thể làm gì tốt hơn người Nhật và Hàn?

17/11

Tiếng nói và chữ viết là những hình thức được thể hiện từ bản chất bên trong, tức là tính cách của một dân tộc. Sự hòa quyện và tạo nên kết quả tuyệt đẹp là chữ Quốc ngữ cho thấy một đặc tính lợi thế của dân tộc Việt trong việc giao thoa với các giá trị phương Tây để tạo nên những giá trị mới hòa quyện Đông – Tây rất tốt đẹp. Các giá trị này rất mới và rất khác với “sự gặp gỡ” Đông – Tây ở Nhật thế kỷ XIX và Hàn Quốc thế kỷ XX. Từ Cuộc Duy tân Minh Trị 1868, nước Nhật đón nhận ào ạt các giá trị phương Tây để canh tân chính trị, kinh tế nhưng lại xây những rào chắn bảo thủ rất chắc và dày đặc về văn hóa. Các giá trị Đông – Tây cùng sống chung chứ rất ít giao thoa ở Nhật cho đến tận ngày nay. Đặc tính bảo thủ văn hóa là một tính cách nổi bật phổ biến của dân tộc Nhật. Tới Hàn Quốc sau Thế chiến II, họ cũng canh tân thành công đất nước theo kiểu “gặp gỡ Đông – Tây”, cũng rất bảo thủ về văn hóa nhưng có phần cởi mở hơn Nhật, nhờ vậy mà ta thấy văn hóa Hàn trên toàn cầu có phần sôi động hơn của Nhật. Hàn Quốc có nhiều sự kết hợp về văn hóa với phương Tây hơn Nhật nhưng cũng chưa thể gọi là giao thoa hòa quyện.

Cả dân Nhật và dân Hàn đều có đặc tính CỨNG rất trội mà ta có thể thấy qua sự vượt trội của tính Nam phu quyền vẫn còn rất nặng cho đến tận ngày nay. Nó còn thể hiện qua tiếng nói của họ, tiếng Nhật và tiếng Hàn rất nghèo âm tiết, còn nghèo hơn cả tiếng Hán. Tiếng Hàn (tức tiếng Triều Tiên) mà nói qua giọng cứng rắn của dân Bắc Hàn thì ta nghe như là bắn nhau vậy (cứ bật KCNA lên nghe những phát thanh viên xinh đẹp của CHDCND Triều Tiên nói thì biết ngay, dù không hiểu gì). Sự cứng nhắc đó là đặc tính từ bên trong, là tính cách của dân tộc Triều Tiên đã hình thành qua hàng ngàn năm rồi, họ có thay đổi trong thời hiện đại, nhất là ở Hàn Quốc sau Thế chiến II nhưng không nhiều. Xem cái cách mà người Hàn câu nệ trong việc giải quyết tranh chấp với người Nhật trong vấn đề lao động tình dục từ Thế chiến II thì thấy họ cứng nhắc đến thế nào. 75 năm rồi mà nó vẫn còn là vấn đề gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ về kinh tế, ngoại giao 2 nước, tạo ra nhiều bất lợi.

75 năm rồi mà nó vẫn còn là vấn đề gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ về kinh tế, ngoại giao 2 nước, tạo ra nhiều bất lợi.

Từ đó chúng ta nhìn lại VN mình thì sẽ thấy dân Việt uyển chuyển mềm mại và dung hợp hơn rất nhiều. Hận thù rồi đánh nhau loạn xị với người Pháp xong thì chỉ mươi năm sau bắt đầu quan hệ trở lại rồi nhanh chóng hữu hảo. Đã mấy chục năm rồi chúng ta chẳng thấy vấn đề gì giữa 2 nước trên góc độ nhà nước lẫn nhân dân. Với người Mỹ còn đặc biệt nữa, cứ như sự kỳ diệu vậy. Sau Chiến tranh VN kết thúc, vấn đề từ góc độ nhân dân chỉ tồn tại rất ngắn vài năm rồi mau chóng và tự nhiên bị xóa nhòa. Nhìn người miền Bắc hồ hởi đón chào tự nguyện các Tổng thống Mỹ thăm VN thì thấy. Góc độ nhà nước thì nhiều khúc mắc hơn nhưng cũng nhanh chóng được bình thường hóa (so với rất nhiều các quan hệ giữa Mỹ và các dân tộc cứng nhắc như Bắc Triều Tiên, Iran… đến giờ vẫn đầy xung đột sau gần 70 năm và hơn 40 năm nổ ra vấn đề). Đến giờ quan hệ cấp nhà nước Việt – Mỹ được khẳng định là đối tác tin cậy, thường xuyên gọi nhau là bạn bè. Ở góc độ nhân dân thì khỏi nói luôn, cứ như đôi trai gái quá yêu nhau vì hợp nhau tự bên trong nên muốn lấy nhau lắm rồi vậy.

Từ đó chúng ta nhìn lại VN mình thì sẽ thấy dân Việt uyển chuyển mềm mại và dung hợp hơn rất nhiều.

Kết quả đó không thể giải thích bằng nguyên nhân chính yếu nào khác hơn là từ sự tương hợp hòa quyện tự nhiên bởi tính cách dân tộc được. Về phía dân tộc Việt, đó là tính cách mềm mại uyển chuyển, sẵn sàng dung hợp những khác biệt để giao thoa giá trị của mình vào đó nên mau quên hận thù, và say mê tự do nên tiếng nói rất phong phú; nhiều âm tiết; nhiều thanh điệu nên nhiều cao độ; không bị câu thúc trong sự đơn điệu của nghèo âm tiết và cao độ.

Con có một kinh nghiệm rất thú vị trong việc sáng tác thơ nhạc. Tiếng Việt của mình cho phép con gieo giai điệu nhạc vào câu thơ. Căn bản của thơ là nhịp điệu rồi, thơ bằng tiếng nào cũng vậy. Tiếng Việt có sự phong phú đặc biệt về thanh điệu và cao độ cùng với âm tiết quá đa dạng, nên con có thể đưa cao độ và âm sắc vào các câu nhịp điệu của thơ. Đọc những câu thơ có nhịp điệu đó bằng tiếng Việt đã được ẩn cao độ và âm sắc vào thì đã cảm thấy như một giai điệu nhạc rồi. Muốn phổ nhạc cho những câu thơ đó thì rất dễ dàng vì chúng đã chứa sẵn giai điệu tự nhiên sẵn có của âm nhạc rồi. Vì vậy con yêu thích thể thơ tự do. Nhưng ngay cả làm thơ theo những thể thức ràng buộc số âm tiết và gieo vần như lục bát hay đồng dao (4 hoặc 5 âm tiết) thì làm bằng tiếng Việt vẫn hay hơn những tiếng nghèo âm tiết.

Làm thơ vần bằng tiếng nghèo âm tiết thì dễ hơn (vì nhiều chữ dễ trùng vào một âm) nhưng nghe đơn điệu (ngay thơ tiếng Việt mà gieo vần bằng đúng cái chữ/âm được lặp lại thì nghe đã không hay rồi. Ví dụ như: Uyên ương ngây ngất cảnh thần/ Phút giây lắng đọng hồng trần uyên tư, nghe hay hơn là: Uyên ương ngây ngất cảnh trần/ Phút giây lắng đọng hồng trần uyên tư). Điều này cho thấy tiếng nói giàu âm tiết sẽ có nhiều lựa chọn và làm ra kết quả hay hơn là tiếng nói nghèo âm tiết. Tương ứng, với tính cách dân tộc mềm mỏng uyển chuyển thì sẽ có nhiều cơ hội làm tốt đẹp hơn là tính cách dân tộc cứng nhắc. Trong những môi trường tự do thì lợi thế này càng vượt trội.

Tiếng Việt và cuộc ly Hán ngoạn mục

18/11

Tiếng Việt có lẽ là ngôn ngữ phương Đông phong phú nhất về tiết điệu. Rồi tiếng mẹ đẻ của chúng ta đã được chắp cánh bằng một phương tiện của phương Tây – chữ viết La Tinh vốn đã tương hợp tự nhiên từ bao đời nên đã bay cao đẹp đẽ như vậy.

Các nhà Nho yêu nước từ xưa của VN phải là những người rất giỏi giang nên mới sáng tạo được ra chữ Nôm – là kiểu chữ biểu âm. Chữ biểu âm là loại chữ viết tiện dụng hơn chữ biểu ý (hoặc chữ tượng hình như chữ Hán) và là sáng tạo được phát triển mạnh bởi phương Tây dưới dạng các ký tự cơ bản (chữ cái). Nhưng sau khi thoát khỏi ách thống trị bằng cai trị trực tiếp của TQ vào thế kỷ X, VN ta không có sự giao lưu văn hóa với phương Tây nên các nhà Nho ta chưa tiếp thu được ký tự La Tinh. Họ đã dùng chính hình thức của chữ Hán (biểu ý) để ghi được tiếng Việt theo âm – đó chính là loại chữ biểu âm mà được gọi bằng chữ Nôm ra đời từ thế kỷ XII. Đây là một sáng tạo rất đáng kể trong bối cảnh văn hóa Hán vẫn chi phối các sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa Việt thông qua ảnh hưởng từ sự đô hộ hơn ngàn năm trước. Tuy vẫn còn lệ thuộc vào chữ Hán mới dùng được chữ Nôm nhưng đây là chữ biểu âm được sáng tạo cho tiếng Việt và người Việt nên chữ Nôm đã mở ra một giai đoạn phát triển rực rỡ văn hóa Việt. Chúng ta dễ dàng thấy nền Văn học Việt dựa trên chữ Nôm tỏa sáng và vượt trội hơn dựa trên chữ Hán, nổi bật nhất là TRUYỆN KIỀU.

Sự tỏa sáng này là một minh chứng cho giá trị tốt đẹp được tạo ra từ sự giao thoa Đông – Tây: tiếng nói phương Đông của người Việt được thể hiện dưới cách thức chữ biểu âm theo xu hướng của phương Tây. Cái hồn Việt đã tìm được loáng thoáng một tâm hồn tương hợp gần nửa thiên niên kỷ trước khi kết duyên thành chữ Quốc ngữ. Chữ Nôm bị nhiều hạn chế vì dựa trên hình thức cứng nhắc của chữ Hán, nhưng nếu không có chữ Nôm thì các giáo sĩ phương Tây không thể tạo ra chữ Quốc ngữ. Chính xác là họ đã dựa trên cách ghi âm ở chữ Nôm rồi thay đổi bằng phương tiện ký tự La Tinh thay vì chữ Hán (biểu ý) để tạo nên chữ Quốc ngữ. Các giáo sĩ phương Tây đã tiếp nối, kế thừa thành tựu của các Nho sĩ phương Đông ở nước Việt để tạo nên một thành tựu tuyệt đẹp – một sự giao thoa chẳng khác mấy một cuộc hôn nhân mà nàng đã khát khao tìm kiếm nửa ngàn năm, còn chàng thì gặp tiếng sét ái tình vì tìm thấy người hòa quyện và nâng được giá trị của mình lên. Họ yêu, kết hôn và sinh con chỉ trong một thời gian cực ngắn. Đứa con là chữ Quốc ngữ tuyệt đẹp. Chàng đưa nàng thoát khỏi cuộc hôn nhân gượng ép cả ngàn năm. Nàng đưa chàng đến một khám phá mới làm thăng hoa văn hóa nhân loại. Hành trình khám phá ấy đang bước vào một chặng mới theo Dòng chảy của Thời đại.

Chúng ta dễ dàng thấy nền Văn học Việt dựa trên chữ Nôm tỏa sáng và vượt trội hơn dựa trên chữ Hán, nổi bật nhất là TRUYỆN KIỀU. Sự tỏa sáng này là một minh chứng cho giá trị tốt đẹp được tạo ra từ sự giao thoa Đông – Tây: tiếng nói phương Đông của người Việt được thể hiện dưới cách thức chữ biểu âm theo xu hướng của phương Tây.

Kết quả của chặng đường mới này là một sự giao thoa hòa quyện Đông – Tây chưa từng có trên thế giới, tạo nên những giá trị tốt đẹp không chỉ cho VN mà cho thế giới luôn, không chỉ về văn hóa mà cả kinh tế, chính trị. Sự giao thoa đó chính là ĐIỂM CÂN BẰNG. Nhờ giao thoa như vậy mà hình thành nên ĐIỂM CÂN BẰNG. ĐIỂM CÂN BẰNG hình thành thì thúc đẩy giá trị giao thoa ra mạnh mẽ, giúp làm cân bằng nhiều khác biệt gây xung đột trong khu vực và thế giới. Vào Thời đại mới, Thời đại QCN với đặc trưng là đặc tính MỀM vượt lên cân bằng với đặc tính CỨNG thì đặc tính mềm mại uyển chuyển của dân tộc Việt sẽ là một lợi thế lớn. VN sẽ hưởng lợi rất lớn nhờ đặc tính đó nếu biết chuyển mình thành một ĐIỂM CÂN BẰNG như con đã viết nhiều lần.

Hiểu biết thì VN sẽ còn thành công hơn cuộc chuyển mình Duy Tân Minh Trị của Nhật 150 năm trước. Nền văn hóa VN sẽ thăng hoa chủ yếu nhờ giao thoa chứ không phải nhờ bảo thủ. Thẳng thắng mà nói chúng ta không có nhiều để mà bảo thủ. Hơn nữa, Thời đại thế giới đã khác trước quá nhiều. Trong các Thời đại trước, đặc tính CỨNG nổi trội nên đã dẫn đến rất nhiều khu biệt trên thế giới được tạo ra bởi quan điểm bảo thủ cứng nhắc. Chính điều này đã dẫn đến rất nhiều xung đột và nguy cơ chiến tranh cho nhân loại. Dòng chảy thời đại QCN đang tiến tới một thế giới loại bỏ chiến tranh xung đột đẫm máu, hòa bình và hòa hợp hơn. Đây là một hành trình dài nhưng muốn đạt được thì phải bắt đầu ngay. Sự bắt đầu đó chính là từ ĐIỂM CÂN BẰNG: bắt đầu bằng sự giao thoa để “mềm hoá” các khu biệt. Nhờ tương hợp với đặc tính MỀM đang trội lên của của Dòng chảy thời đại nên ĐIỂM CÂN BẰNG sẽ đẩy nhanh và mạnh sự “mềm hóa” này ra thế giới. Nhân loại sẽ thấy sự thay đổi kỳ diệu. Dân Việt sẽ thấy mình chuyển mình thần kỳ. Các giá trị truyền thống của mình thăng hoa vào Thời đại mới chưa từng có.

Chữ Quốc ngữ là một cuộc ly Hán tuyệt đẹp, là một sự chuẩn bị cho một cuộc giao thoa quy mô và toàn diện – một cuộc ly Hán để đưa dân tộc đến đỉnh cao vinh quang. Như con viết ở 127A, ly Hán không phải là một sự bài xích mà là sự thoát khỏi những thói xấu bị ảnh hưởng hàng ngàn năm, nhất là với những gì không còn phù hợp với Thời đại QCN. Những truyền thống tốt đẹp và phù hợp vẫn sẽ tiếp tục ở lại để giao thoa và tạo nên giá trị mới. Cũng giống như các từ Hán Việt (còn gọi là chữ Nho) vẫn tồn tại trong chữ Quốc ngữ và là một kho tàng văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tổ tiên đã thông minh mà Việt hóa tiếng Hán trong bối cảnh bị áp lực đồng hóa với nỗ lực xóa sạch tiếng Việt. Từ Hán Việt là một sự giao thoa thông minh trong hoàn cảnh đó. Nó có nhiều nét hay đẹp, không việc gì phải bài xích nó cả. Đó cũng là sự cởi mở của dân tộc Việt.

Tránh lập lại sai lầm

Điều cần chú ý để tránh hiện nay là các quan điểm bảo thủ ở VN lại thường gắn với các thói xấu hoặc các giá trị không còn phù hợp vốn đã hình thành từ ảnh hưởng của văn hóa Hán hàng ngàn năm. Đây cũng là một nguy cơ rất lớn đối với sự phát triển bền vững của dân tộc. Số Xuân Tết Mậu Tuất 2018 của tạp chí Kinh tế Sài Gòn có một bài hay của nhà văn Nguyên Ngọc: “Ngày xuân thử nghĩ lại về làng” (Trang 15). Bài viết có đoạn: “Chẳng phải Lê Thánh Tông là đỉnh cao rực rỡ nhất, mà cũng là đỉnh cao cuối cùng của chế độ quân chủ ở VN đó sao? Liền sau đó là vực thẳm đột ngột đến kỳ lạ, là sụp đổ và loạn lạc…” Chắc ba còn nhớ thời Lê Thánh Tông mang dấu ấn thúc đẩy Nho giáo mạnh mẽ nhất, áp đảo các tôn giáo khác ở Đại Việt thế kỷ XV, XVI. Về chính trị, đó là thời bắt chước mô hình nhà nước trung ương tập quyền chuyên chế theo kiểu Tống Nho một cách triệt để cho VN, tạo nên một thể chế chính trị tập trung tuyệt đối, xóa bỏ thiết chế chính trị làng tự trị bên dưới của đất nước. Thiết chế làng của VN được đánh giá là một tổ chức dân cư đã giúp kháng cự hiệu quả sự đồng hóa văn hóa của sự Hán trị mấy ngàn năm.

Ở Mỹ, chính các cộng đồng dân cư tự trị (mà quyển Nền dân trị Mỹ dịch là công xã) hình thành nên từ thời còn là thuộc địa của Anh chính là nền tảng quan trọng bậc nhất tạo nên nền dân chủ cho người Mỹ. VN đã có những thiết chế nền tảng tuyệt vời cho một nền dân chủ như làng nhưng đã bị giới cầm quyền vua chúa chuyên chế phá vỡ một cách có hệ thống. Những gì mà ta nghe lâu nay về văn hóa làng xã là đã bị bóp méo nặng nề qua những nỗ lực phá vỡ như thế, chẳng hạn như câu: “Phép vua thua lệ làng”, khi con được dạy ở trường phổ thông mang một ý nghĩa tiêu cực. Thực ra thiết chế làng có rất nhiều cái hay và rất ít cái dở. Nó đảm bảo cho những hoạt động dân chủ và tự do bên dưới một nhà nước mạnh. Vì thiếu hiểu biết và có lẽ cũng vì thành tích mà nhiều triều đại mang tính quân chủ chuyên chế không ngại bóp chết sức mạnh tự trị và sức mạnh văn hóa nền tảng của xã hội để cưỡng ép nguồn lực, động lực toàn xã hội nhằm phục vụ cho việc hoàn thành mục tiêu thành tích của mình.

Đây chính là nguyên nhân gốc dẫn đến sự sụp đổ, loạn lạc sau một thời gian lóe sáng như trường hợp thời Lê Thánh Tông nêu trên. Điều này không chỉ diễn ra ở thời Lê hay ở VN. TQ là nơi xảy ra thường xuyên và nặng nề. Cứ nhìn hậu quả đất nước sau thời kỳ lóe sáng của các minh quân như Càn Long của TQ hay Minh Mạng của VN thì thấy. Hay với “triều đại” Tập Cận Bình hiện giờ cũng sẽ như vậy thôi. Họ chú trọng thành tích kinh tế và những sức mạnh cứng khác như công nghệ, vũ khí… và dồn ép, cưỡng bức mọi nguồn lực, động lực trong xã hội để đạt được thành tích. Nào là 100 năm thành lập ĐCS TQ, 100 năm thành lập nước CHNDTH. Nhưng con dám nói, để rồi xem, TQ sẽ mau chóng cạn kiệt động lực xã hội và khủng hoảng nguồn lực cứng. Sụp đổ và loạn lạc phải rất vất vả mới tránh được, như quy luật bao đời. Ông Tập không giỏi hơn các hoàng đế xưa mà có giỏi thì cũng chẳng giỏi hơn được quy luật – là quy luật mà Nguyên Ngọc đã khẳng định.

Nguồn lực và động lực bền vững và lành mạnh của dân tộc phải được tìm từ chính sức mạnh, lợi thế từ văn hóa và tính cách dân tộc. Phải nuôi dưỡng chúng. Vì thành tích ngắn hạn mà chèn ép chúng hoặc khai thác cạn kiệt các nguồn lực khác thì cạnh đỉnh cao là vực thẳm. Liên Xô tăng trưởng như thần kỳ rồi sụp đổ cũng vì vậy thôi. Chờ xem Bắc Triều Tiên đi vào vết xe đổ ra sao.

19/11

VN đã gắn chặt với sự ảnh hưởng Hán trị nhiều ngàn năm, kể cả thời lệ thuộc hoặc tự chủ, nhưng sự gắn nối đó chưa bao giờ đưa dân tộc ta đến đỉnh cao vinh quang. Những sự loé sáng hiếm hoi như thời Lê Thánh Tông thì cũng chỉ là sự le lói dưới cái trướng đã che gần hết mặt trời. Thời cơ đã đến. Đã đến lúc dân tộc Việt vươn mình tự đón lấy ánh sáng rực rỡ để chuyển mình thành một dân tộc vĩ đại dưới bầu trời toàn cầu hóa và QCN.

Viết cho gia đình

19/11/20

Đúng 10 ngày nữa sinh nhật ba mà con lại làm ba đón sinh nhật trong lo âu rồi. Con xin lỗi ba thật nhiều, xin lỗi cả nhà và mọi người. Chúc ba thật khỏe và cùng con đón Thời đại mới 😀 .

Thư M4/2020 chị Hai còn kể ba nhắc cho chị Năm trả lời phỏng vấn về câu chuyện vào một chiều chạng vạng cuối năm 1975 ba đạp xe ra vườn của dì dượng Bảy ở Long Hải thấy con đang chong đèn ngồi đọc “Thép đã tôi thế đấy”. Con vẫn còn nhớ lúc đó ba đi nhẹ nhàng thế nào mà con chẳng phát hiện đến khi ba đứng gần sát. Chắc là ba nhìn thấy từ xa nên muốn làm con bất ngờ. Đã gần 45 năm mà ba vẫn nhớ ở tuổi này, con rất vui và hạnh phúc. Không ngờ một cái cảnh mộc mạc nhà quê như vậy mà làm ba ấn tượng dữ vậy. Con còn có nhiều “cảnh kinh dị” mà chắc có mình con biết tới giờ 😀 . Nhưng cũng may, lúc đó ba má mà “lỡ” thấy mấy cảnh đó thì chắc thót tim, lên tăng xông mệt luôn.

Ba ngày nữa giỗ má rồi. 9 năm rồi, con không đội được tang, không thắp được nén nhang nào cho bàn thờ má. Nhưng mà đặc biệt lắm, tháng 8 và tháng 9 vừa rồi, khi con có những chuyện buồn, con đã thấy má trong mơ. Má rất đẹp, mặc áo dài trắng đỏ có đính những hạt cườm lấp lánh như trên trời vậy, cười rất tươi. Trong mơ cảm giác rõ là má xuất hiện để giúp con vượt qua nỗi buồn. Mà sau đó con vượt qua thật. Một lần nữa thì không nhìn thấy má nhưng trong tâm thức biết rõ má đang giúp con vượt khó.

Thư M4/2020 chị Hai nhắc lại lời má để lại vài ngày trước lúc ra đi, chẳng khác gì một lời sấm. Lời đó là những điều mà con sống bên má từ nhỏ xíu đến khi đi tù chưa từng nghe má nhắc tới một lần. Nhà mình cũng chưa ai từng nghe thấy má quan tâm đến vấn đề chính trị đại sự như vậy. Chỉ có thể tin rằng đó là lời tiên tri từ Thế giới siêu thực qua má để lại cho con mà bây giờ cả nhà mình đã nhìn thấy ứng nghiệm chính xác từng chi tiết. Từ năm thứ 10 má mất và để lại lời đó, tức là từ cuối tháng 11 này trở đi chúng ta sẽ chứng kiến sự hiển lộ rõ ràng hơn nữa của điều tiên tri đó, nhất là từ tháng 11 âm tháng Tý của Thử thời mà con đã viết ở đầu thư 133 này. Má đang ở thế giới siêu thực và vẫn dõi theo giúp con và mĩm cười với thế cuộc. Con nhớ má quá, và nhớ ba nhiều lắm.

This entry was posted in Bài viết, Thư Trại 6 and tagged , , , , , . Bookmark the permalink.

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.