Đơn kêu oan cho Trần Huỳnh Duy Thức (lần 2)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*********

ĐƠN KÊU OAN
(Lần 2)

Kính  gởi : Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết

V/v: Kêu oan cho Trần Huỳnh Duy Thức về bản án sơ thẩm số: 19/2010/HSST ngày 20/01/2010 và bản án phúc thẩm số: 254/2010/HSPT ngày 11/5/2010

Kính thưa Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết

Tôi tên Trần Văn Huỳnh, sinh ngày 29/11/1937, nguyên là giáo viên Anh văn thuôc Sở Giáo dục  TP. HCM, được chuyển về Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM công tác tại Phòng Văn hóa Đối ngoại từ năm 1989 đến năm 2001 nghỉ hưu, hộ khẩu thường trú tại số 362/532C đường Trường Chinh, Phường 13, Q. Tân Bình, hiện ngụ tại số 439F8 Phan văn Trị, Phường 5, Q. Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh

Trân trọng và khẩn thiết một lần nữa kính xin Chủ tịch cứu xét trường hợp con tôi là Trần Huỳnh Duy Thức, sinh ngày 29/11/1966, nguyên là một doanh nhân ngành Công nghệ Thông tin & Viễn thông, bị kết án oan sai (16 năm tù và 5 năm quản chế) tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/01/2010 (bản án số 19/2010/HSST) và phiên tòa phúc thẩm ngày 11/5/2010 (bản án số 254/2010/HSPT) với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chánh quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật Hình sự.

Theo các bản án sơ thẩm, phúc thẩm, theo dõi diễn tiến của các phiên tòa và sau khi xem đơn kháng cáo của Thức tôi nhận thấy:

1)     Thức con tôi bị tuyên án là phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân nhưng Thức hoàn toàn không biết là chính quyền nhân dân nào, ở đâu bị con tôi nhằm đến để lật đổ. Bản án đã không chỉ ra một cách xác định là chính quyền nhân dân đó tên gì, cấp xã phường, quận huyện, tỉnh thành hay Trung ương là đối tượng bị xâm hại bởi các hành vi của con tôi. Đồng thời, những hành vi của Thức mà bản án này qui kết là dùng để lật đổ chính quyền nhân dân không có logic thực tế và biện chứng để có thể lật đổ được bất kỳ một chính quyền nhân dân nào cho dù là ở cấp thấp nhất (xã phường). Mặt khác, những hành vi này đã bị diễn giải sai lệch khỏi bản chất và sự thật nguyên gốc của chúng. Chúng đã không được xem xét vào bản chất một cách biện chứng khách quan và toàn diện. Do đó việc áp dụng điều 79 của Bộ Luật Hình sự để kết án con tôi với tội danh “hoạt động nhằm lật đỗ chính quyền nhân dân” và xử phạt mức án 16 năm tù giam và 5 năm quản chế sau khi mãn hạn tù là không đúng về điều luật, không thỏa đáng và oan sai.

2)     Phiên tòa sơ thẩm ngày 20/01/2010 và phiên toà phúc thẩm ngày 11/05/2010 đã không tuân thủ các qui định của pháp luật về tố tụng hình sự, và có sự không vô tư của chủ tọa phiên tòa và một số thành viên của Hội đồng xét xử nên nó đã không đảm bảo được quyền bình đẳng trước tòa án giữa các bị cáo, người bào chữa với các kiểm soát viên như yêu cầu tại Điều 19 của Bộ luật Tố tụng hình sự trong việc đưa ra chứng cứ tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước tòa án. Do vậy phiên tòa này đã không thể xem xét tất cả các tình tiết của vụ án để có thể xác định được sự thật của nó một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và những chứng cứ xác định vô tội như yêu cầu tại Điều 10 và Điều 66 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tại phiên tòa, con tôi cùng các bị cáo khác và cả những luật sư bào chữa đã liên tục bị ngắt lời khi phát biểu, trả lời xét hỏi và tranh luận dù rằng tất cả các ý kiến đều liên quan đến vụ án; thời gian tranh luận đã bị hạn chế; cả lời nói cuối cùng của bị cáo cũng bị cắt. Những điều này đã làm cho phiên tòa không đảm bảo được tính pháp lý cần có theo luật định.

3)     Những bằng chứng được sử dụng trong cáo trạng để qui kết các hành vi của con tôi vào tội “hoạt động nhằm lật đổ chánh quyền nhân dân” là sai, không khách quan, không thuyết phục về mặt pháp lý. Với tư cách một công dân sống có trách nhiệm với dân với nước, con tôi đã mạnh dạn nói lên một số suy nghĩ bức xúc về những nguy cơ từ bên ngoài và nội tại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển của đất nước, với mục đích góp phần cảnh báo các hiểm họa có thể xảy ra, chứ không hề nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân như bản án đã kết tội.

Sau phiên tòa sơ thẩm, trong trại giam, Thức con tôi đã viết đơn  kháng cáo dài 50 trang gởi Tòa phúc thẩm Tòa án tối cao để xin kháng cáo bản án sơ thẩm vào ngày 01/02/2010. Nhờ Luật sư liên hệ với Tòa án, tôi có được bản sao đơn kháng cáo này của con tôi. Đọc lá đơn kháng cáo của con mà lòng tôi quặn đau và xót xa vì nỗi oan sai mà con tôi phải chịu. Là cha của Thức, tôi hiểu rõ con tôi là một người có lòng yêu nước, mong muốn đóng góp sức lực của mình cho sự phát triển của đất nước.

Nhận biết được những nguy cơ về kinh tế, chính trị của đất nước sẽ xảy ra, Thức đã dành thời gian, tâm huyết và sức lực của mình để nghiên cứu về kinh tế học, chính trị học và nghiên cứu về tình hình kinh tế, chính trị xã hội, văn hóa của đất nước để có thể đưa ra những cảnh báo nguy cơ về kinh tế, chính trị mà Việt Nam có thể gặp phải, đồng thời, tìm ra được những qui luật tự nhiên, khách quan, tất yếu trong môi trường toàn cầu hoá nhằm có thể kiến nghị cho đất nước những biện pháp hiệu quả.

Từ năm 2004 đến 2007, Thức đã gởi thư trực tiếp đến một số vị lãnh đạo thông qua con đường công văn chính thức bưu điện và nhờ một số người có quan hệ gởi trực tiếp nhưng không đến được tận tay các vị lãnh đạo đó. Trong số các bức thư này, có bức thư ngày 7/1/2004 mà Thức đã gởi cho Chủ Tịch, lúc đó là Bí thư Thành ủy Tp.HCM; bức thư ngày 14/4/2007 gởi Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh và bức thư ngày 17/4/2007 gởi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Xin đính kèm bản sao nội dung các bức thư này. Sau đó, do không nhận được sự phản hồi từ các vị lãnh đạo, nên Thức đã chọn cách viết blog trên mạng Internet để đăng tải những bài viết cảnh báo về nguy cơ đất nước. Tuy nhiên, các bài viết trên blog này vẫn không nhận được sự quan tâm của các lãnh đạo trong khi các nguy cơ vẫn tiếp tục phát triển ngày một nguy cấp nên, với mong muốn các vị lãnh đạo có thể biết đến các cảnh báo trên blog của mình, Thức đã chọn cách thức chỉ trích thẳng vào cá nhân các vị lãnh đạo. Điều này cũng giống như hình ảnh, mà Thức đã có ví dụ trong đơn kháng cáo của mình: ông A bắn ra một phát súng làm bà B giật mình hoảng hốt và cho rằng ông A mưu sát hụt bà. Nhưng ông A nói rằng ông bắn ra một phát súng nhưng không có đầu đạn, tiếng súng tuy có làm bà B giật mình hoảng sợ nhưng nhờ vậy mà bà B đã vào nơi ẩn nấp an toàn và nhờ đó tránh được sự mưu sát của một sát thủ đang nhắm vào bà. Ở đây, cùng một hiện tượng nhưng bản chất khác nhau và chính bản chất mới quyết định có phạm tội hay không.

Tôi xin gởi đính kèm đơn kêu cứu này bản sao đơn kháng cáo và một số bài viết của Thức con tôi. Xin Chủ Tịch Nước dành chút thời gian quí báu xem xét để hiểu rõ hơn về Thức và bản chất các sự việc liên quan đến vụ án và kính xin Chủ Tịch Nước rộng lòng cứu xét, giúp đỡ để Thức con tôi được giải oan và sớm được trả tự do về với gia đình và xã hội.

Xin chân thành biết ơn Chủ Tịch Nước và trân trọng kính chào.

TP.HCM, ngày 4 tháng 5 năm 2011

Kính đơn,

 Trần Văn Huỳnh

Đính kèm các bản sao:

  1. Đơn kháng cáo gởi Tòa án nhân dân tối cao (50 trang) ngày 01/02/2010
  2. Thư gởi Bí Thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Minh Triết ngày 07/01/2004
  3. Thư gởi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ngày 14/04/2007
  4. Thư gởi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 17/04/2007
  5. Bài viết: Một năm sau Đại hội X – Cảnh báo những nguy cơ quốc gia (tháng 4/2007)
  6. Bài viết: Việt Nam đồng đang ở đâu và sẽ đi về đâu (tháng 3/2008)
  7. Bài viết: Đô-la ngoại sẽ đi tới đâu (tháng 8/2008)
  8. Bài viết: Khủng hoảng – Cơ hội cuối (tháng 11/2008)
This entry was posted in Trong nước and tagged . Bookmark the permalink.

1 Response to Đơn kêu oan cho Trần Huỳnh Duy Thức (lần 2)

  1. Pingback: TRÒ CHUYỆN CŨNG BÁC TRẦN VĂN HUỲNH – THÂN PHỤ ANH TRẦN HUỲNH DUY THỨC (Dân Làm Báo) « Ngoclinhvugia's Blog

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.