Thỉnh nguyện thư công dân gửi đến 500 đại biểu Quốc hội

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
–*– 

THỈNH NGUYỆN THƯ CÔNG DÂN

Kính gửi: – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

                – Tất cả Đại biểu Quốc hội toàn quốc

Đồng kính gửi: – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

                         – Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

                         – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Tôi tên Trần Văn Huỳnh, 74 tuổi, nguyên là giáo viên Anh văn thuộc Sở Giáo dục Tp.HCM, được chuyển về Sở Văn hóa Thông tin Tp.HCM công tác tại Phòng Văn hóa Đối ngoại từ 1989 đến 2001 nghỉ hưu. Tôi là thân phụ của anh Trần Huỳnh Duy Thức, sinh năm 1966 (dưới đây gọi là con tôi) – người đã bị kết án 16 năm tù và 5 năm quản chế vì tội ”hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 bộ luật hình sự (dưới đây gọi là BLHS) vào năm 2010 bởi Toà án nhân dân Tp.HCM (bản án sơ thẩm số 19/2010/HSST tuyên ngày 20/1/2010, dưới đây gọi tắt là Bản án sơ thẩm) và Tòa Phúc thẩm thuộc Tòa án nhân dân Tối cao tại Tp.HCM (bản án phúc thẩm số 254/2010/HSPT tuyên ngày 11/5/2010, dưới đây gọi tắt là Bản án phúc thẩm).

Thưa các vị Đại biểu Quốc hội, tôi viết thư này đầu tiên xuất phát từ lòng tin và tình yêu thương tôi dành cho con tôi. Nhưng sau đó nó được dẫn dắt bởi động lực của một công dân chủ động sử dụng một cách có ý thức tất cả các quyền làm chủ của người dân được pháp luật bảo vệ. Và cuối cùng nó được kết thúc bằng một niềm tin và mong muốn sự tốt đẹp cho cả đất nước, trong đó có Nhà nước, Đảng cầm quyền và có cả cho con tôi và những người có hoàn cảnh tương tự.

Nó cũng bắt đầu từ sự rụt rè, lo sợ vốn là tâm lý chung của đa số người dân Việt Nam hiện nay khi đề cập đến các vấn đề chính trị của đất nước. Nhưng nhờ động lực nói trên tôi dần hiểu ra rằng nó là một việc làm không có gì sai trái hay vi phạm pháp luật cả, ngược lại nó còn được pháp luật bảo hộ và khuyến khích vì đó chính là tinh thần cốt lõi của Hiến pháp nước ta nhằm bảo vệ quyền làm chủ tối thượng của người dân, nhờ đó mới có thể xây dựng được một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Chính vì vậy tôi đã đặt bút ký lên thỉnh nguyện thư này với một sự tự tin tràn ngập vào tương lai tốt đẹp của đất nước, vào lý tưởng và mục đích của Nhà nước ta và của Đảng Cộng Sản Việt Nam cầm quyền; và vào sự chính đáng và hợp pháp của những việc làm của con tôi, cũng như của những người đồng chí hướng, đều hướng đến những ước nguyện vì sự tốt đẹp cho đất nước không khác gì lý tưởng và mục đích của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng những điều tốt đẹp như vậy sẽ không đến được nếu như tôi – với tư cách là một công dân bình thường như hàng chục triệu công dân khác – không dám mạnh dạn sử dụng đúng quyền làm chủ của mình một cách chủ động và có ý thức để nói lên nguyện vọng của mình đến cơ quan quyền lực tối cao đại diện cho quyền và lợi ích của nhân dân một cách công khai mà pháp luật cho phép. Và những điều tốt đẹp đó cũng sẽ không đến được nếu như tôi – với tư cách là một người cha, một cá nhân trong một xã hội được khẳng định là tôn trọng trên hết những quyền căn bản của con người theo chuẩn mực quốc tế được công ước Liên hiệp quốc về quyền con người mà Việt Nam đã ký vào – không quyết liệt đòi hỏi các cơ quan quyền lực nhà nước phải đảm bảo thực thi đúng trên thực tế những quyền đó của người dân được pháp luật qui định nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và của con mình mà tôi tin rằng đã bị kết án oan sai. 

Tôi không phải là người bàng quan mà là người có nhiều suy nghĩ đến sự nghiệp phát triển  của đất nước. Nhưng đã từ rất lâu rồi những suy nghĩ đó chỉ dừng lại ở chính tôi hoặc cùng lắm là trao đổi với một vài người bạn thân. Cũng không biết tự bao giờ trong tôi hình thành một suy nghĩ thụ động rằng những vấn đề tôi và bạn bè tôi nghĩ đến thì chắc hẳn các vị đứng đầu đất nước cũng đã phải biết rõ rồi, mà không chịu nhìn nhận thực tế rằng những vấn đề đó  ngày một trầm trọng. Nguyên nhân có lẽ một phần vì hiện tượng tăng trưởng kinh tế liên tục của đất nước, và một phần vì chưa thấy những vấn đề đó tác hại đến chính mình và gia đình mình. Nhưng giờ đây tôi đã thấy rất rõ rằng nếu mình không quan tâm đúng mức đến những vấn đề chung của xã hội thì tác hại của nó sẽ không chỉ xảy ra ở đâu đó mà còn đến với chính mình một cách nặng nề như tôi và gia đình đang gặp phải. Và đồng thời, lợi ích chung của xã hội sẽ không thể tốt đẹp nếu quyền lợi của mỗi cá nhân không được xã hội đó đảm bảo một cách công bằng và trên hết. Mọi sự nhân danh lợi ích chung nhưng xâm phạm đến quyền lợi của các cá nhân không những không hợp hiến mà còn làm mất đi động lực lành mạnh của toàn xã hội được hình thành bởi động cơ của mỗi cá nhân vì mưu cầu lợi ích chính đáng của mình mà tạo ra giá trị chung cho toàn xã hội.

Vì vậy tôi đã dằn vặt vì từng la trách con tôi gay gắt do đã bày tỏ sự phê phán về những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Nhưng giờ đây tôi thấy quý trọng và yêu thương con tôi vô hạn, phải chịu cảnh tù tội oan sai chỉ vì đã nặng lòng vì đất nước mà cảnh báo trước những nguy cơ mà bây giờ đã trở thành hiện thực. Không chỉ cảnh báo, con tôi còn dành trọn tâm huyết nghiên cứu, tìm ra và kiến nghị một con đường để Đảng và Nhà nước phát triển đất nước tốt đẹp theo đúng lý tưởng mà xã hội XHCN nước ta hướng đến – mà con tôi gọi là Con đường Việt Nam với những chiến lược vận dụng quy luật khách quan để nhanh chóng đưa thực tế của cuộc sống tiến dần đến danh nghĩa tốt đẹp mà lý tưởng trên mong muốn. Chính thực tế trong việc thực thi pháp luật hiện nay đã và đang làm cho khoảng cách giữa thực tế và danh nghĩa này ngày càng dãn rộng ra và càng gây bất ổn cho đất nước.

Điều này đặt ra một yêu cầu, mà tôi thấy cấp thiết hơn bao giờ hết, là Quốc hội cần tập trung vào việc thực hiện quyền giám sát tối cao của mình nhằm chấn chỉnh để đảm bảo những quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được Hiến pháp bảo vệ và các bộ luật của Quốc hội qui định phải được tôn trọng và thực thi trong thực tế. Tôi đề nghị các vị Đại biểu Quốc hội, với tư cách là người đại diện cho quyền và lợi ích của người dân trong tổ chức của bộ máy Nhà nước, hãy thẳng thắn nhìn nhận một cách thực tế sự nghiêm trọng của vấn đề này đang diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống, và hãy sử dụng đầy đủ quyền lực tối cao của mình để làm sao cho những giá trị tốt đẹp của luật pháp nước ta không chỉ nằm trên danh nghĩa mà phải đi được vào thực tế của cuộc sống. Khi đó thì Việt Nam mới có thể trở thành một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh được.

Tôi tin vào sự cần thiết của đòi hỏi trên, còn con tôi, trong Con đường Việt Nam, đã cho thấy đó là sự đòi hỏi tất yếu theo quy luật khách quan mà nếu được đáp ứng tốt  thì sẽ chắc chắn có sự phát triển ổn định, bền vững cho đất nước. Tôi xin các vị Đại biểu Quốc hội dành chút thời gian đọc phần giới thiệu Con đường Việt Nam (được đính kèm) mà con tôi viết trước khi bị bắt để thấy được tâm huyết và trách nhiệm công dân của con tôi là đáng trân trọng như thế nào. Nó thể hiện không chỉ thái độ khoa học nghiêm túc của con tôi mà còn là ý thức công dân rất quan trọng và cần thiết cho xã hội nhưng lại đang thiếu vắng trầm trọng ở nước ta. Thế nhưng nó đã bị quy kết là ”một kế hoạch tổng thể nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” để kết tội con tôi ”hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 bộ luật hình sự (BLHS).

Tôi kính mong các vị Đại biểu Quốc hội dành thời gian đọc lá đơn yêu cầu giám đốc thẩm đối với Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm (đính kèm) kết án con tôi để thấy sự chủ quan và tùy tiện trong việc áp dụng luật như thế nào trong các hoạt động tư pháp. Nó cho thấy không chỉ sự bất chấp trước những sự thật khách quan và tính logic biện chứng của sự việc, mà còn là sự không tôn trọng những bộ luật được Quốc hội cân nhắc ban hành để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Điều đáng lo lắng là nó không còn là vấn đề cá biệt mà đã trở thành hiện tượng phổ biến đến mức hầu hết người dân tưởng rằng đó là bản chất của hệ thống luật mà Quốc hội xây dựng. Đó là một thực tế mà tôi rất mong các vị Đại biểu Quốc hội dũng cảm thừa nhận để có được những giải pháp đúng đắn trước những vấn đề sống còn của đất nước.

Quốc hội khóa XIII đang nhóm họp kỳ đầu tiên với chương trình nghị sự có xem xét việc thay đổi bổ sung Hiến pháp theo đề xuất của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Những gì được đề cập liên quan đến đề tài này trong thông báo của hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa rồi chưa cho thấy được những mấu chốt thay đổi căn bản. Nhưng tôi hy vọng rằng Đảng sẽ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống của người dân. Đồng thời tôi cũng mong muốn Quốc hội xem xét việc này trên tinh thần làm sao để đảm bảo được quyền và lợi ích của người dân hơn nữa trong thực tế, và phải hết sức lưu ý để tránh được  nguy cơ mà con tôi đã cảnh báo là sẽ có những mong muốn thay đổi Hiến pháp để kéo những giá trị danh nghĩa xuống gần với thực tế tồi tệ của sự quan liêu – tham nhũng – cơ hội vốn đang khá phổ biến hiện nay trong cuộc sống nhằm hợp pháp hóa chúng để bảo vệ cho cái xấu. Và nếu vì phải tập trung cho việc sửa đổi Hiến pháp mà xao lãng trách nhiệm giám sát tối cao của Quốc hội để đảm bảo quyền lợi của người dân trong thực tế vận dụng và thực thi pháp luật của các cơ quan công quyền, thì thật là tai hại.

Thưa các vị Đại biểu Quốc hội, qua sự việc sửa đổi Hiến pháp lần này, tôi yêu cầu quý vị cũng cần làm rõ một vấn đề quan trọng. Đó chính là: liệu một công dân bình thường có quyền mong muốn và đưa ra những kiến nghị thay đổi những lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp hay không? Nếu không thì ai có quyền đó và nó được qui định ở đâu? Và những điều luật nào nói rằng những mong muốn nhằm thay đổi những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp là vi phạm pháp luật và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Tôi đã nghiên cứu và thấy rõ rằng Hiến pháp cho phép và bảo vệ quyền của bất kỳ công dân nào cũng được đưa ra các ý kiến của mình đối với các vấn đề của đất nước, trong đó có những lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp. Hiến pháp không giao cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào được độc quyền trong việc đưa ra ý kiến thay đổi hay điều chỉnh Hiến pháp cả. Và không có một điều luật nào của BLHS qui định rằng những mong muốn nhằm thay đổi các lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp là xâm phạm đến khách thể mà điều luật đó hướng đến bảo vệ cả.

Thế nhưng con tôi và những người bạn trong cùng vụ án đã bị kết án chính vì những mong muốn như vậy. Điều này đang ngày càng phổ biến đối với nhiều vụ án bị cho là xâm phạm an ninh quốc gia đã và đang diễn ra. Và điều này không chỉ xâm phạm đến những quyền lợi chính đáng và hợp pháp của công dân, gây ra oan sai, mà còn đánh mất đi những động lực lành mạnh thúc đẩy sự phát triển tốt đẹp cho xã hội, và còn làm cho những giá trị tốt đẹp trên danh nghĩa của pháp luật ngày càng xa rời so với thực tế của cuộc sống.

Thưa Chủ tịch Quốc hội,

Thưa các vị Đại biểu Quốc hội,

Bằng bức thỉnh nguyện thư công dân này, với sự ý thức về trách nhiệm của một công dân đối với đất nước cũng như sự đòi hỏi chính đáng về quyền lợi hợp pháp mà đất nước phải đảm bảo cho công dân, cùng với những lý lẽ được trình bày như trên, tôi xin được chính thức đề nghị Quốc hội và từng Đại biểu Quốc hội 2 vấn đề:

1)      Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội cần quan tâm, tập trung và có giải pháp hữu hiệu trong việc sử dụng quyền giám sát tối cao của mình để đảm bảo những giá trị tốt đẹp được Hiến pháp và Pháp luật qui định phải tạo ra được những giá trị tốt đẹp trong thực tế của cuộc sống của người dân, đặc biệt là phải đảm bảo để làm sao người dân có thể tự tin, chủ động và ý thức sử dụng hết những quyền của mình mà Hiến pháp và Pháp luật bảo vệ. Nhân đây tôi cũng xin biểu lộ sự đồng tình với ”Kiến nghị bảo vệ và phát triển đất nước” (ký ngày 10/7/2011)  của một nhóm nhân sĩ trí thức gửi đến Quốc hội và Bộ chính trị đề nghị: ”Tìm mọi cách thực hiện đầy đủ mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân đã được Hiến pháp qui định, nhằm giải phóng và phát huy ý chí và năng lực của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc…”

2)      Kính đề nghị Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội sử dụng  quyền giám sát tối cao của mình để yêu cầu các cơ quan tư pháp có trách nhiệm xem xét lại các Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm đã kết án con tôi – Trần Huỳnh Duy Thức và anh Lê Thăng Long, anh Lê Công Định và anh Nguyễn Tiến Trung; cũng như cần xem xét những vụ án tương tự đã và đang diễn ra như trường hợp của luật sư Cù Huy Hà Vũ một cách đúng với bản chất của pháp luật và bản chất của sự việc khách quan. Tôi tin rằng điều này không chỉ là những việc cụ thể cần giải quyết theo tinh thần đòi hỏi của kiến nghị số 1 ở trên, mà còn là một việc chiến lược để tạo ra niềm tin và những động lực lành mạnh mới cho xã hội, để tránh sự rạn nứt và chia rẽ.

Kính mong Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội quan tâm đến thỉnh nguyện thư công dân này của tôi với một tinh thần trách nhiệm cao nhất của một cơ quan quyền lực cao nhất. Tôi xin cảm ơn và kính chào trân trọng.

Ngày 27 tháng 7 năm 2011
Kính đơn,

Trần Văn Huỳnh

 Đính kèm:
1. Phần giới thiệu Con đường Việt Nam.
2.
Đơn yêu cầu giám đốc thẩm.
3.
Đơn kêu oan lần 3 gửi Chủ tich nước.
4.
Thư con tôi đang viết để gửi Chủ tịch nước giới thiệu Con đường Việt Nam.

Ghi chú:
Địa chỉ liên lạc của tôi: 439F8 Phan Văn Trị, Phường 5, Quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh; điện thoại: 0903350117.

≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡

Phần giới thiệu Con đường Việt Nam:

Phần I – Giới thiệu

Làm sao để Việt Nam phát triển bền vững, nhanh chóng thành một nước dân chủ thịnh vượng? Làm sao lý tưởng “Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” trở thành thực tế? Làm sao để Việt Nam không bị biến thành một dạng nô lệ kiểu mới trong thời đại toàn cầu hóa? Đây là những trăn trở từ 5 năm trước dẫn đến sự ra đời của quyển sách Con đường Việt Nam này.

Việt Nam sẽ là nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trở thành nước dân chủ và thịnh vượng trên thế giới là mục đích mà Con đường Việt Nam hướng đến.

Tinh thần giải quyết vấn đề của Con đường Việt Nam là nhìn nhận một cách khách quan và khoa học những yếu kém cốt tử cũng như những thế mạnh tiềm năng của đất nước để phân tích và đưa ra những giải pháp dựa trên những qui luật khách quan nhằm đạt được những mục tiêu theo nhân sinh quan xã hội chủ nghĩa. Các giải pháp này sẽ đưa ra những chiến lược cho đất nước nhằm không những tránh được nguy cơ nô lệ kiểu mới mà còn nhanh chóng vượt lên thành một nước xã hội chủ nghĩa dân chủ và thịnh vượng.

Con đường Việt Nam kiến nghị một cách thức quản trị đất nước để xây dựng một nền tảng chính trị cho Việt Nam trên những nguyên lý vận hành thuận theo các qui luật khách quan. Do đó nền tảng chính trị này sẽ hỗ trợ hiệu quả cho việc thực hiện các chiến lược được khuyến nghị nhằm đạt được các mục tiêu về kinh tế, xã hội mà chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hướng tới một cách thực tế, nhanh chóng và ít tốn kém nguồn lực.

Vì sao Việt Nam đã đổi mới và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong hơn 23 năm qua nhưng vẫn còn là nước nghèo? Vì sao rất nhiều nước đã có thể chế chính trị đa đảng hơn nữa thế kỷ rồi mà vẫn dậm chân ở mức thu nhập trung bình trong hơn 20 năm qua, thậm chí nhiều nước vẫn còn nghèo đói và đầy rẫy các vấn nạn tham nhũng cường quyền? Tại sao Trung Quốc chỉ có một đảng cầm quyền lại có thể tạo  ra sự phát triển nhanh chóng liên tục hơn 30 năm qua, nhưng phải đến hơn 40 năm nữa (2050) mới chỉ tới được giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội? Liệu nước này có tránh được cái bẫy thu nhập trung bình nhiều nước đã bị mắc vào để tiếp tục phát triển đạt được sự dân chủ và thịnh vượng, hay sẽ sụp đổ bất ngờ như Liên Xô trong giai đoạn đầu phát triển đã có sự tăng trưởng nhanh chóng và những thành tựu lớn hơn nhiều những gì Trung Quốc làm được 30 năm qua? Làm sao mà đảng Dân chủ tự do (LDP) tại Nhật và Hành động nhân dân (PAP) tại Singapore là đảng duy nhất cầm quyền liên tục trong một thời gian dài ở các nước này lại đưa đất nước họ phát triển bền vững, nhanh chóng trở thành các nước thuộc thế giới thứ nhất trong thời gian cầm quyền của những đảng đó? Vì sao mà nghèo đói, tham nhũng, cường quyền có thể tồn tại phổ biến và hoành hành tại bất kỳ nước nào dù ở đó có một hay nhiều đảng chính trị, bất chấp ý thức hệ chính trị khác nhau dù ý thức hệ nào cũng đều hướng tới những mục đích tốt đẹp vì con người và được khẳng định, bảo vệ bằng hiến pháp?

Một nền dân chủ được hình thành chỉ bởi ý muốn chủ quan của con người hay tồn tại những qui luật khách quan chi phối sự vận hành của xã hội loài người trong quá trình vận động của nó để đạt đến một nền dân chủ? Và liệu một xã hội dân chủ có tất yếu dẫn đến một xã hội thịnh vượng không? Có hay không những qui luật khách quan chi phối sự vận hành của một thế giới toàn cầu hóa tương tự như qui luật kinh tế thị trường đối với các hoạt động kinh tế? Những đặc tính căn bản của toàn cầu hóa là gì, và có những đặc tính nào từ bản sắc và văn hóa của dân tộc Việt Nam phát huy được thế mạnh do phù hợp với đặc tính của toàn cầu hóa này hay không? Liệu sự hình thành và phát triển của các hình thái xã hội loài người từ lúc nguyên thủy đến phong kiến, tư bản,… là tất yếu theo một qui luật khách quan nào đó bất chấp ý muốn chủ quan của con người, hay các hình thái này chỉ là sản phẩm của nhân sinh quan? Mức độ tồn tại và ảnh hưởng của các tính chất đối ngược nhau trong một xã hội (như lạc hậu và văn minh, cường quyền và dân chủ, tham nhũng và công bằng) có tuân theo những qui luật khách quan nào đó mà con người cần hiểu biết nếu muốn thiết lập những cơ chế hiểu quả để giảm thiểu cái xấu và phát huuy cái tốt không? Có những chỉ dấu nào của một xã hội mà có thể đo lường được dễ dàng nhưng lại cho thấy và dự báo tốt mức độ ổn định/bất ổn, phát triển bền vững/khủng hoảng sụp đổ của xã hội đó không?

Vì sao chủ nghĩa Mác bị mất tính hấp dẫn trong khi lý tưởng mà chủ nghĩa này hướng đến là rất cao đẹp, và Mác lại là người đầu tiên dự báo chính xác được hình thái và bản chất của thế giới toàn cầu hóa ngày nay? Diễn biến hòa bình là gì và vì sao Liên xô sụp đổ? Và đây là minh chứng cho sự sai lầm của chủ nghĩa Mác hay đó là bài học quý giá để tránh sự giáo điều, duy ý chí, áp đặt quan điểm chủ quan (của những người vận dụng chủ nghĩa Mác) trở thành qui luật khách quan mà không hề đảm bảo tính logic biện chứng của chính Mác đưa ra? Vì sao khá nhiều nước liên tục thay đổi hiến pháp theo hướng tốt hơn nhưng vẫn bất ổn hoặc càng bất ổn, không phát triển được nữa? Những động lực gì sẽ dẫn đến sự thay đổi và phát triển xã hội một cách tốt đẹp và ngược lại? Làm sao để nghững động lực này thuần túy kinh tế có thể thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển xã hội một cách cân bằng và công bằng?

Những câu hỏi trên là những vấn đề phải được phân tích sâu sắc vào bản chất để giải đáp trong quá trình tìm lời giải của Con đường Việt Nam nhằm rút ra được những nguyên lý, qui luật liên quan của chúng. Một phần của kết quả nghiên cứu này cũng sẽ được trình bày trong Con đường Việt Nam.

Ngoài phần giới thiệu, Con đường Việt Nam còn 4 phần:

Phần II – Những nhận thức tiền đề – sẽ trình bày những nguyên lý vận hành của các qui luật khách quan trong các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội của con người, bao gồm những qui luật đã được thừa nhận rộng rãi, những qui luật được rút ra từ các học thuyết của Mác và cả những qui luật mới được phát hiện trong quá trình nghiên cứu tìm lời giải cho Con đường Việt Nam. Trong số những cái mới này có cái được thực chứng thông qua số liệu thực ở nhiều nơi trên thế giới nhưng có nhiều cái được phát biểu ở dạng tiền đề (không thể chứng minh được) để làm nền tảng lý thuyết cho việc lý giải nhiều sự kiện phổ biến trên thế giới. Cũng giống như Adam Smith đưa ra nguyên lý bàn tay vô hình tự điều tiết nhu cầu và sản xuất trong một nền kinh tế tự do[1] thì ông không chứng minh được nguyên lý này. Nhưng sự chấp nhận nó đã dẫn đến sự ra đời một lý thuyết (kinh tế học còn gọi là mô hình) căn bản chỉ ra các nguyên lý của một nền kinh tế theo nguyên tắc thị trường được vận hành thế nào, tác động hệ quả ra sao dưới những quan điểm chuẩn tắc khác nhau một cách khách quan theo qui luật. Lý thuyết của ông đã được thừa nhận rộng rãi và áp dụng để xây dựng nên kinh tế thị trường ở nhiều nước khác nhau với quan điểm xã hội khác nhau, chẳng hạn như nền kinh tế thị trường theo xu hướng dân chủ xã hội rất thành công ở Bắc Âu, nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và Việt Nam gần đây. Các tiền đề dù không chứng minh được nhưng đó là kết quả của một quá trình quan sát kỹ các hiện tượng phổ biến trên thế giới, phân tích sâu vào bản chất của chúng và suy luận rộng mối quan hệ của các bản chất này thành những nguyên lý mang tính qui luật. Điều quan trọng là những nguyên lý này phải lý giải được các hiện tượng tương tự một cách logic biện chứng. Đây cũng là nguyên tắc nghiên cứu được Con đường Việt Nam áp dụng để phát hiện các qui luật khách quan nhằm giải đáp những câu hỏi nêu trên trong quá khứ và tìm lời giải cho những vấn đề của hiện tại và tương lai.

Từ những nguyên lý nền tảng như trên, phần II của Con Đường Việt Nam sẽ phân tích cho thấy tăng trưởng kinh tế mà không đi kèm với gia tăng năng suất lao động thì chỉ là sự vay mượn của quá khứ (như khai thác tài nguyên) và tương lai (như vay vốn đầu tư, phá hủy môi trường). Đây là nguyên nhân gốc của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay của Việt Nam và được dự đoán sẽ dẫn đến một sự khủng hoảng trầm trọng cả về kinh tế, xã hội lẫn chính trị trong những năm 2010, 2011, đặt đất nước vào rất nhiều nguy cơ. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa của sự sụp đổ ở Liên xô vì đã giáo điều xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách phân phối công bằng tư liệu sản xuất thông qua biện pháp công hữu hóa mà không chịu nhìn nhận đánh giá thực chứng sực tác dụng gia tăng năng suất – một yếu tố then chốt mà Mác đã xác định là tiên quyết để có thể “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” – của nó. Bất kỳ sự phát triển nào không dựa vào gia tăng năng suất lao động đều không bền vững cho dù tài nguyên có lớn đến đâu đi nữa. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc cần tập trung đạt được mục đích then chốt bằng những cách thức thuận theo qui luật khách quan và linh hoạt theo bối cảnh, chứ không phải là tập trung cứng nhắc vào các giải pháp được cho là đặc trưng của ý thức hệ.

Phần II cũng sẽ đưa ra nhận định và lý giải vì sao dân chủ vừa là sức mạnh vừa là cơ chế tự điều chỉnh theo qui luật khách quan đối với các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội trong một môi trường toàn cầu khác, tương tự như nguyên lý bàn tay vô hình tự điều chỉnh một nền kinh tế thị trường. Phần này cũng sẽ chứng minh rằng một nền kinh tế thị trường nhưng thiếu một cơ chế dân chủ để quyết định các quan điểm kinh tế chuẩn tắc thì chắc chắn sẽ dẫn đến một xã hội được gọi là chủ nghĩa tư bản thân hữu thường thấy ở các nước bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình và những nước nghèo.

Phần II sẽ giới thiệu một pháp hiện được gọi tên là qui luật danh nghĩa và thực tế, cho thấy sự cách biệt giữa những gì được qui định trên danh nghĩa với những gì tồn tại trên thực tế của tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội của một đất nước sẽ quyết định sự ổn định và phát triển bền vững hay là bất ổn, khủng hoảng và sụp đổ của đất nước đó. Nguyên lý này được phát triển thành lý thuyết cho việc xây dựng các chỉ số để đánh giá nhanh chóng các mức độ ổng định, bất ổn của một đất nước nhằm cung cấp cho một công cụ hiệu quả trong việc hoạch định các chính sách vĩ mô chuẩn tắc phù hợp với những quan điểm xã hội tiến bộ, công bằng, vì số đông.

Phần II có một chương dành riêng để nghiên cứu về vấn đề động lực của con người và những qui luật khách quan liên quan đến nó tác động đến sự vận hành của xã hội như thế nào. Từ đó đưa ra các cơ chế đơn giản nhưng hiệu quả để giảm thiểu các tính xấu của xã hội mà thúc đẩy các cái tốt. Các cơ chế càng phức tạp thì càng cồng kềnh và kém hiệu quả vì đòi hỏi sự can thiệp nhiều của con người, nên càng là môi trường cho cái xấu phái triển. Điều này lý giải vì sao nhiều chế độ chính trị dù thực sự mong muốn những mục đích tốt đẹp cho xã hội nhưng lại gặt hái được kết quả ngược lại. Chương này cũng sẽ chứng minh rằng do động lực con người nên cuộc tấn công kinh tế trong môi trường toàn cầu hóa là tự nhiên như nước đổ về trũng hay vi trùng tấn công bất kỳ cơ thể nào mất khả năng đề kháng. Tương tự như vậy, cường quyền dẫn đến tham nhũng, nghèo đói lạc hậu sẽ hình thành bất cứ nơi nào có môi trường thuận lợi cho nó bất chấp ý thức hệ, không gian và thời gian. Từ đó sẽ cho thấy muốn thực hiện được những lý tưởng tốt đẹp theo một quan điểm xã hội nào đó (tức nhân sinh quan) thì phải tuân thủ các qui luật khách quan (túc vũ trụ quan). Thứ không thể đi đến được lý tưởng bằng cách áp đặt các nhân sinh quan đó thành chân lý tất yếu sẽ tới.

Phần II sẽ dành 2 chương để nghiên cứu về dân chủ. Một chương tìm hiểu các tính chất cơ bản của dân chủ và những qui luật khách quan tác động đến sự vận động của nó. Một chương nghiên cứu tác động của dân chủ đến sự vận động của xã hội và sự hình thành nên các tính chất và hình thái xã hội. Từ đó cho thấy dân chủ chỉ có được một khi người dân ý thức được quyền làm chủ của họ và tự tin sử dụng tối đa các quyền đó một cách có ý thức và chủ động, mà đây chính là động lực lành mạnh và tự nhiên của con người. Mức độ thiếu vắng động lực này sẽ quyết định mức độ tồn tại và ảnh hưởng của cường quyền trong xã hội, vốn đối ngược với dân chủ và tạo ra sự sợ hãi thay vì động lực để kiểm soát và khi tính dân chủ đủ mạnh chi phối trong xã hội thì nó sẽ quyết định hình thức của xã hội theo quan điểm của số đông – tính chất quyết định hình thức chứ không phải ngược lại. Cho nên các hình thức như thể chế đa đảng hay lý tưởng dân chủ của một đảng không đủ để đảm bảo có được nền dân chủ thực sự. Hai chương này cũng sẽ cho thấy những con đường khác nhau để dẫn đến một nền dân chủ bền vững và những con đường khác nhau để dẫn đến một nền dân chủ bền vững và những mối liên hệ giữa dân chủ và thịnh vượng; đồng thời cũng cho thấy hoàn toàn có thể xây dựng những xã hội dân chủ và thịnh vượng theo những quan điểm và xã hội khác nhau như Dân chủ xã hội phổ biến ở Bắc Âu hay xã hội chủ nghĩa, v.v…

Phần II cũng sẽ dành một chương giới thiệu về một mô hình quản trị chiến lược cho Con đường Việt Nam đưa ra dựa trên việc tận dụng các quy luật khác quan làm sức mạnh. Nhờ vậy chỉ cần tập trung vào một số ít các mục tiêu then chốt (hay đích nhắm chiến lược) để đạt được rất nhiều những mục tiêu khác nhờ sự lan tỏa tất yếu theo quy luật. Điều này cho phép tiêu tốn ít nguồn lực nhưng hiệu quả. Chương này cũng sẽ lý giải vì sao những cách thức thuận theo qui luật như vậy sẽ đảm bảo hợp lòng dân.

Phần II còn có một chương bàn về Hiến Pháp và chủ nghĩa Mác. Quan điểm của Con đường Việt Nam là không nên cứng nhắc, giáo điều vào những giải pháp Mác đưa ra vì nó chỉ có thể đúng cho bối cảnh lúc sinh thời của Mác. Việc xem giải pháp này là đặc trưng của một hình thái xã hội XHCN sẽ dẫn đến sai lầm và bế tắc. Thay vào đó, cần nhìn nhận những học thuyết của Mác ở 3 giá trị cốt lõi: (i) phép biện chứng để lý giải thực tế khách quan nhằm tìm ra những giải pháp phù hợp với qui luật khách quan theo từng hoàn cảnh cụ thể khác nhau; (ii) các yếu tố then chốt mà Mác đã nhìn ra được và chỉ ra rằng phải tập trung đạt được chúng nhằm tạo ra sự thay đổi lớn tất yếu theo qui luật về bản chất cũng như hình thái xã hội (chẳng hạn như sự gia tăng năng suất lao động sẽ dẫn đến việc tạo ra lực lượng vật chất đủ mạnh để thay đổi các quan hệ xã hội…); (iii) lý tưởng “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” làm định hướng cho các quyết định chuẩn tắc thúc đẩy sự phát triển xã hội ngày càng cân bằng, công bằng và tiến gần đến lý tưởng đó. Về Hiến pháp, Con đường Việt Nam cho rằng cần nhìn nhận đúng để thực hiện nhiều điều Hiến pháp hiện hành của Việt Nam qui định thì sẽ tạo ra rất nhiều thay đổi lớn có giá trị. Chẳng hạn như điều 15 Hiến pháp nói rằng thành phần kinh tế nhà nước là nền tảng của nền kinh tế quốc gia. Nhưng trên thực tế thành phần kinh tế này không hề làm bệ đỡ hỗ trợ cho các thành phần kinh tế khác mà lại trở thành những đối thủ mạnh chén ép các thành phần này bằng những quan điểm như “giữ vai trò chủ đạo”. Ở chương này cũng sẽ lý giải và chứng minh về sự bất ổn vẫn tiếp diễn ở nhiều nước sau mỗi lần thay đổi hiến pháp theo hướng tốt hơn nhưng lại không có những biện pháp để thay đổi thực tế cuộc sống tốt lên được theo hướng đó. Nguyên nhân là khi đó sự cách biệt giữa danh nghĩa và thực tế càng lớn hơn nên sẽ càng bất ốn hơn theo qui luật danh nghĩa và thực tế. Đồng thời nó cũng cho thấy rằng nếu giữ nguyên cách nhìn và cách thực thi điều 4 Hiến pháp như hiện nay thì không những không thể đưa đất nước đạt được lý tưởng tốt đẹp của đảng Cộng sản Việt Nam như chủ nghĩa Mác mà còn sẽ không thể tránh được một sự sụp đổ như Liên xô trước đây.

Tìm ra sức mạnh và cơ hội từ những gốc nhìn mới là mục tiêu của phần II – những nhận thức tiền đề – này .

Phần III – Giải pháp và chiến lược – sẽ kiến nghị chi tiết một mô hình quản lý nhà nước của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phương thức lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tạo ra một cách thức quản trị đất nước thuận theo các qui luật khách quan nên sẽ hiệu quả và hợp lòng dân. Phần này sẽ lý giải và chứng minh cách thức như vậy sẽ tất yếu tạo ra một nền tảng chính trị dân chủ. Con đường Việt Nam cũng sẽ đề nghị sự thay đổi cho những người không phải đảng viện đảng Cộng sản Việt Nam tham gia điều hành, lãnh đạo đất nước, giống như cách mà Hồ Chủ tịch đã làm để tập hợp sức mạnh và đoàn kết dân tộc mà không phải phân biệt thành phần, đảng phải hay không đảng phải vào Chính phủ non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 để vượt qua được nhiều nguy cơ và thách thức lớn của đất nước đó. Phần này cũng sẽ kiến nghị một chiến lược phát triển được theo mô hình quản trị chiến lược thông qua việc xác định 2 đích nhắm chiến lược đơn giản nhưng hiệu quả:

Phần III sẽ trình bày chi tiết mô hình chiến lược này. Tăng trường năng suất chắc chắn sẽ kéo theo tăng trưởng kinh tế một cách nhanh chóng và bền vững, nhưng tăng trưởng kinh tế thì không chắc dẫn đến tăng trưởng năng suất. Mặt trái lớn nhất của các nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa là các doanh nghiệp khổng lồ đi trước tìm mọi cách để cản trở sự tham gia thị trường của những doanh nghiệp mới. Phần này sẽ đề nghị một cách thức dùng các doanh nghiệp nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi lập. Khoa học quản trị và nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã cho thấy việc hướng các hành động trực tiếp đến các mục tiêu tối thượng đều dẫn đến thất bại. Còn tồi tệ hơn nữa nếu chúng hướng thẳng đến lý tưởng.

Phần IV – Các sách lược tập trung – sẽ đề cập đến 5 lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, cải cách hành chính và tư pháp (gọi tắt là pháp luật), biển Đông và Tây Nguyên. Đây cũng là 5 vấn đề mà chắc chắn Việt Nam sẽ phải đối mặt căng thẳng một khi khủng hoảng nổ ra trầm trọng trong 2010 – 20111. Chúng được lựa chọn tập trung vì vừa mang tính cấp bách để đối phố với khủng hoảng, vừa mang tính lâu dài để phát triển đất nước bền vững. Dựa trên những nhận thức tiền đề ở phần II và giải pháp chiến lược ở phần III, phần IV này cũng sẽ đưa ra các sách lược cụ thể cho 5 lĩnh vực/vấn đề nêu trên nhằm không những để đất nước tránh được thảm họa mà còn nhanh chóng phát triển bền vững sau đó. Sách lược kinh tế sẽ giới thiệu một mô hình phát triển kinh tế dựa trên một chiến lược gọi là điểm cân bằng: tận dụng các lợi thế và sức mạnh từ bản sắc văn hóa, lịch sử của dân tộc và địa chính trị của đất nước để biến Việt Nam thành một trung tâm giao lưu kinh tế, giao thoa văn hóa giữa các xu thế đông và tây. Con đường Việt Nam sẽ lý giải vì sao những sự giao lưu và giao thoa như vậy sẽ tự động hướng tới và hỗ trợ tạo ra sự cân bằng giữa các xu thế đó, nhờ vậy mà Việt Nam hưởng lợi, đồng thời góp phần tạo ra sự ổn định, hòa bình cho thế giới. Bốn sách lược còn lại cũng được xây dựng trên quan điểm chung này.

Phần V – Tóm tắt các kiến nghị – sẽ hệ thống hóa lại tất cả những đề nghị đã nêu trong các phần II, III, IV, đồng thời cũng đưa ra lưu ý một số hành động cần thực hiện ngay để hãm phanh tình trạng trầm trọng đang càng xấu đi cũng như một số việc cần tránh vì có thể sẽ làm trầm trọng hơn tình hình trong lúc xảy ra khủng hoảng.

≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡

Đơn yêu cầu giám đốc thẩm:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*********

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 6 năm 2011

Kính gửi: – Viện Trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao

                  – Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao

Đồng kính gửi: – Chủ tịch Nước kiêm Trưởng ban Cải cách Tư pháp Trung ương

                          – Chủ tịch Quốc hội

Tôi tên Trần Văn Huỳnh, sinh ngày 29/11/1937, nguyên là giáo viên Anh văn thuôc Sở Giáo dục TP. HCM, được chuyển về Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM công tác tại Phòng Văn hóa Đối ngoại từ năm 1989 đến năm 2001 nghỉ hưu, hộ khẩu thường trú tại số 362/532C đường Trường Chinh, Phường 13, Quận Tân Bình, hiện ngụ tại số 439F8 Phan văn Trị, Phường 5, Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.

Tôi gửi đơn này yêu cầu giám đốc thẩm đối với 2 bản án: Số 19/2010/HSST tuyên ngày 20/01/2010 tại phiên tòa sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP.HCM (dưới đây gọi tắt là Bản án Sơ thẩm) và Số 254/2010/HSPT tuyên ngày 11/05/2010 tại phiên tòa phúc thẩm của Tòa án Nhân dân tối cao tại TP.HCM (dưới đây gọi là Bản án Phúc thẩm) kết án con tôi – Trần Huỳnh Duy Thức (dưới đây gọi là con tôi) – phạm tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 70 Bộ luật Hình sự.

Lý do cần giám đốc thẩm 2 bản án này bao gồm:

  1. Áp dụng không đúng Điều 79 Bộ luật Hình sự.
  2. Không tuân thủ các qui định của pháp luật về tố tụng hình sự để chứng minh tội phạm.
  3. Chứng cứ xác định có tội không đảm bảo tính pháp lý, khách quan xác thực.
  4. Không đảm bảo các qui định về tố tụng hình sự tại tòa.

Theo qui định tại Điều 273 và Điều 278 Bộ luật Tố tụng hình sự thì ngay cả khi bản án đã có hiệu lực thì vẫn phải tiến hành giám đốc thẩm bản án nếu xét thấy có một trong những lý do nêu trên.

Tôi xin làm rõ các lý do này như sau:

1.      Về việc áp dụng không đúng Điều 79 Bộ luật Hình sự

Điều luật để kết tội con tôi là Điều 79 Bộ luật Hình sự (viết tắt BLHS): Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Như vậy đối tượng có thể bị xâm hại (khách thể) mà điều luật này hướng đến bảo vệ là chính quyền nhân dân các cấp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo tổ chức của bộ máy nhà nước thì chính quyền nước ta bao gồm các chính quyền nhân dân xã/phường, chính quyền nhân dân quận/huyện, chính quyền nhân dân tỉnh/thành và chính quyền nhân dân trung ương. Cụm từ “chính quyền nhân dân” được dùng trong Điều 79 hoàn toàn không viết hoa, vì nó là danh từ chung để chỉ một nhóm đối tượng chưa được xác định cụ thể, và phải được xác định một cách rõ ràng, đích danh trong từng vụ án. Tương tự như tội giết người trong Điều 93 BLHS: từ người không viết hoa để chỉ đối tượng mà pháp luật bảo vệ là con người, và nếu có hành vi phạm tội thì đối tượng bị hại phải được mô tả một cách cụ thể, đích danh bằng danh từ riêng nên phải viết hoa. Đối với Điều 79 BLHS cũng vậy: hành vi phạm điều luật này phải được xác định cụ thể, rõ ràng đối tượng bị xâm hại là chính quyền nhân dân nào, ở đâu, ví dụ như chính quyền nhân dân xã Phước Thạnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhưng cả hai Bản án Sơ thẩm và Bản án Phúc thẩm đều không chỉ ra được chính quyền nhân dân nào mà con tôi hành vi hướng đến lật đổ. Điều này cũng tương tự như một bản án kết tội ai đó phạm tội giết người nhưng không hề đưa ra tên và mô tả người bị hại, nhưng lý lịch các bị cáo thì không sót chi tiết nào.

Cũng xin lưu ý là có những điều của BLHS xác định rõ đối tượng bị xâm hại bằng danh từ riêng một cách cụ thể. Ví dụ như tội phản bội Tổ quốc (Điều 78 BLHS), từ “Tổ quốc” được viết hoa tức là đất nước Việt Nam.

Việc không xác định được cụ thể đối tượng bị hại như trên còn dẫn đến những mâu thuẫn và lổ hỏng pháp lý nghiêm trọng của 2 bản án mà tôi xin lần luợt trình bày dưới đây.

2.      Không tuân thủ các qui định của pháp luật về tố tụng hình sự để chứng minh tội phạm:

Theo qui định của BLHS, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là tội đặc biệt nghiêm trọng và phải thuộc trường hợp phạm tội cố ý một cách trực tiếp, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xẩy ra. Tội danh này không thể cấu thành trong trường hợp vô ý phạm tội hoặc cố ý phạm tội một cách gián tiếp, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Và theo qui định tại Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự (dưới đây gọi tắt lá BLTTHS) thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án phải chứng minh được diễn biến của hành vi phạm tội và trường hợp phạm tội là cố ý hay vô ý. Quốc hội nước ta xây dựng 2 bộ luật trên, qui định chặt chẽ và yêu cầu nghiêm ngặt đối với việc áp dụng điều luật của BLHS và chứng minh tội phạm của BLTTHS là để tránh những oan sai cho dân. Tuy nhiên cả 2 Bản án Sơ thẩm và Phúc thẩm, cả cáo trạng và kết luận điều tra đều không hề chứng minh được những vấn đề quan trọng này theo đúng pháp luật, dẫn đến việc qui kết tùy tiện, chủ quan, thiếu logic và không đảm bảo tính biện chứng khoa học. Cụ thể như sau:

2.1.      Không chứng minh được diễn biến của hành vi phạm tội: Điều này đòi hỏi chứng minh được người phạm tội đã chuẩn bị như thế nào, công cụ gây án là gì, gây án bằng cách nào và cách đó làm sao tạo ra được hậu quả. Chẳng hạn như tội giết người thì phải chứng minh được rằng hung thủ muốn giết ai, lên kế hoạch như thế nào, sẽ dùng công cụ gì (ví dụ như dao hay súng) và sẽ đâm, chém, đập đầu hay bắn… (nói chung phải là những hành động có khả năng lấy đi sinh mạng của người bị hại) như thế nào. Vậy mà với vụ án của con tôi, một vụ án được xác định là đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, nhưng lại không hề chứng minh các diễn biến của hành vi phạm tội như thế nào để có thể lật đổ được một chính quyền nhân dân nào đó. Và trên thực tế thì không có bất kỳ một chính quyền nhân dân nào đã bị lật đổ do các hành vi của con tôi gây ra. Nên việc phải chứng minh được diễn biến và hành vi phạm tội như thế nào mà có thể dẫn đến hậu quả là một chính quyền nhân dân nào đó sẽ bị lật đổ là hết sức quan trọng và mang tính bắt buộc như luật pháp đã qui định.

Thay vì chứng minh thì các bản án chỉ liệt kê một cách rời rạc các phương thức hoạt động của con tôi được cho là để lật đổ chính quyền nhân dân (??), bao gồm:

          Lập Website “Chanlachong” để tuyên truyền hoạt động của tổ chức “Nhóm nghiên cứu Chấn”, làm ra tài liệu để tuyên truyền tập hợp lực lượng tham gia tổ chức “Nhóm nghiên cứu Chấn” có tên gọi là “Tuyên ngôn lạc hồng” trong đó nêu rõ mục đích hành động: “… Tôi xin tuyên thệ trước trời đất, trước bản Tuyên ngôn này, tôi sẽ lãnh đạo dân tộc Lạc Hồng giành lấy quyền lực chính trị cho toàn dân chúng trong năm Canh Dần 2010…”.

          Tiếp cận, mở rộng mối quan hệ với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và những người có vai trò hoạch định đường lối chính sách kinh tế, chính trị, xã hội nhằm tác động, chuyển hóa tư tưởng, gây nghi ngờ, gây mất đoàn kết nội bộ, tạo điều kiện để từng bước thay đổi thể chế chính trị hiện nay.

          Tuyên truyền, lôi kéo tầng lớp trí thức (tập trung vào nhà báo, luật sư) tranh thủ sự ủng hộ và phát triển lực lượng của “Nhóm nghiên cứu Chấn”;

          Kêu gọi Chính phủ các nước và tổ chức phi Chính phủ có tư tưởng thù địch chống Việt Nam ủng hộ hoạt động của “Nhóm nghiên cứu Chấn”;

          Làm ra tài liệu có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Chính phủ, nói xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước truyền tải lên mạng Internet, gửi cho các tổ chức, cá nhân phản động lưu vong người Việt và các thế lực thù địch bên ngoài sử dụng chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quả thật, không chỉ riêng tôi khi đọc những điều này không thể hiểu được, tin được những cách thức như thế làm sao để có thể lật đổ được một chính quyền nhân dân dù là cấp xã. Đặc biệt là việc tác động chuyển hóa tư tưởng, gây nghi ngờ,… đối với các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước thì không chỉ mơ hồ mà còn hoang tưởng. Trong thực tế tôi nghĩ không người dân nào có thể tin rằng những người lãnh đạo đất nước với bản lĩnh và ý chí kiên cường, tư tưởng vững vàng được trui rèn trong cách mạng lại có thể bị chuyển hóa tư tưởng, gây mất đoàn kết nội bộ để thay đổi thể chế chính trị hiện nay được. Điều này sẽ càng trở nên phi lý hơn nữa khi cả Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản án Sơ thẩm, Bản án Phúc thẩm đều qui kết con tôi gây án bằng cách: “Để thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo đã sử dụng công nghệ thông tin, ứng dụng Internet, liên lạc, trao đổi mật khẩu làm ra và tàng trữ các tài liệu có nội dung chống Nhà nước, phát tán cho nhiều người đọc nhằm xuyên tạc, kích động gây nghi ngờ, làm mất lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”.

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, tôi và nhiều người khác không thể tin được, thấy được những việc thực hiện hành vi như trên làm sao có thể dẫn đến làm lật đổ một chính quyền nhân dân nào đó. Bất kỳ ai tin điều này là có thể thì theo tôi đều bị tâm thần hoang tưởng. Mà nếu vậy thì không thể có năng lực để chịu trách nhiệm hình sự được.

Nghĩ đến đây, tôi không thể không liên tưởng đến ví dụ một người bị kết tội mưu sát hụt vì tại cơ quan điều tra anh ta khai nhận rằng đã lên kế hoạch giết một ai đó (chưa rõ danh tánh) bằng một khẩu súng bắn đạn nhựa của trẻ em có thể mua đầy ngoài chợ.

Tính phi lý tương tự như trên càng rõ hơn khi quyển sách Con đường Việt Nam mà con tôi đang viết trước lúc bị bắt là một kế hoạch tổng thể nhằm lật đổ chính quyền nhân dân mà không hề chỉ ra nội dung của nó là gì, và làm sao nó sẽ lật đổ được một chính quyền nhân dân nào đó. Trong khi đó, lời khai của con tôi tại cơ quan điều tra cũng như tại tòa và cũng phù hợp với những lời khai khác là quyển sách này dùng để trình lên cho Chủ tịch Nước nhằm kiến nghị các biện pháp khắc phục khó khăn cho Đất nước vào cuối năm 2010 – thời điểm mà con tôi dự báo kinh tế đất nước sẽ rơi vào khó khăn, khủng hoảng trầm trọng và sẽ tác động xấu đến xã hội và cả chính trị của đất nước. Nếu đó là một kế hoạch nhằm lật đổ một chính quyền nhân dân nào đó của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì tại sao nó lại được trình lên cho Chủ tịch Nước và những vị lãnh đạo nào khác như Tổng Bí Thư, Thủ tướng…, chẳng lẽ các vị lãnh đạo Đất nước lại là đồng phạm? Làm sao ai có thể tin được điều này vì nó quá phi thực tế, quá vô lý. Và vì sao mà một kế hoạch nhằm lật đổ chính quyền nhân dân lại nghiên cứu về văn hóa, dân tộc Việt Nam, và có 5 chủ đề tập trung là kinh tế, giáo dục, cải cách pháp luật, Biển Đông và Tây Nguyên như được thừa nhận trong các bản án? Những chủ đề này là những vấn đề nổi lên gần đây đòi hỏi sự quan tâm của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước để phát triển đất nước bền vững. Như vậy, Con đường Việt Nam rõ ràng là một kiến nghị nhằm phát triển đất nước, làm sao có thể qui kết nó là một kế hoạch nhằm lật đổ chính quyền nhân dân mà không hề chứng minh và đưa ra bất kỳ bằng chứng nào một cách hợp pháp. Đọc đơn kháng cáo của con tôi, tôi thấy rõ con tôi đã dành trọn tâm huyết của mình để viết Con đường Việt Nam vì sự phát triển tốt đẹp cho đất nước bằng cách kiến nghị cho Đảng và Nhà nước một cách hợp pháp và chính đáng. Thật đáng tiếc là những ý kiến này của con tôi đã không hề được xem xét tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Qua những lần trao đổi với con tôi tại trại giam, tôi biết được rằng con tôi đã không được tạo điều kiện để trình bày đúng suy nghĩ của mình về quyền sách Con đường Việt Nam tại cơ quan điều tra. Còn tại phiên tòa sơ thẩm thì không được trình bày về nó dù có yêu cầu Hội đồng xét xử (viết tắt là HĐXX). Tại phiên tòa Phúc thẩm thì nội dung về Con đường Việt Nam mà con tôi trình bày trong đơn kháng cáo không hề được xem xét trong quá trình xét hỏi cũng như tranh luận tại tòa.

Khi nói đến một kế hoạch hành động thì nhất thiết nó phải trình bày được một cách đầy đủ và xuyên suốt tất cả những hành động từ khởi đầu đến kết thúc, cho thấy được làm sao mà những hành động này dẫn đến kết quả cuối cùng mà kế hoạch này đặt mục đích. Và điều quan trọng không kém là kế hoạch đó phải chỉ ra được từng hành động do ai phụ trách thực hiện và sự chỉ huy phối hợp các hành động đó như thế nào để đảm bảo tạo ra được kết quả cuối cùng đó. Vậy mà một “kế hoạch tổng thể về hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” như các bản án qui kết cho quyển sách Con đường Việt Nam lại không được các bản án này chỉ ra được bất kỳ các hành động khả dĩ nào, do ai thực hiện và chỉ huy để dẫn đến kết quả là lật đổ được một chính quyền nhân dân nào đó. Hành động duy nhất mà các bản án này nêu ra là: viết về 5 chủ đề nêu trên, mà các chủ đề này hoàn toàn không liên quan gì đến việc lật đổ chính quyền nhân dân gì cả, không nhắm đến bất kỳ một chính quyền nhân dân nào cả. Có thể dễ dàng thấy được tính không thuyết phục của sự qui kết này vì nó quá không thực tế về mặt logic lẫn biện chứng.

Thế nhưng sự qui kết như vậy đã được các bản án dùng làm cơ sở để kết án như sau: “Xét thấy: Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia. Hoạt động phạm tội của các bị cáo có tổ chức chặt chẽ, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, có sự móc nối cấu kết với các tổ chức phản động người Việt Nam lưu vong và các thế lực thù địch để tập hợp lực lượng hình thành tổ chức chính trị phản động, có sự lôi kéo tập hợp lực lượng để hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân bằng phương thức “Bất bạo động”, thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, chống phá Cách mạng Việt Nam”. Đọc tất cả các bản án và tài liệu liên quan đến vụ án, tôi thực sự không thấy được bất kỳ sự tổ chức chặt chẽ, phân công nhiệm vụ cụ thể, cấu kết, móc nối nào như kết luận được trích ở trên.

Tóm lại, diễn biến của hành vi phạm tội mà các cơ quan tiến hành tố tụng qui kết con tôi hoàn toàn không đúng pháp luật, phi thực tế, mang tính chủ quan và áp đặt.

2.2.      Sử dụng các khái niệm không được luật hóa, không được định nghĩa một cách rõ ràng để qui kết tội phạm: Đọc đoạn kết được trích dẫn ở trên, tôi lại càng không hiểu phương thức “Bất bạo động”, âm mưu “Diễn biến hòa bình” được nêu ở đây là gì và làm sao chúng có thể lật đổ được chính quyền nhân dân nào đó. Những từ này được viết hoa và đặt trong dấu ngoặc kép nên chúng phải là những khái niệm riêng đặc thù của tài liệu mà chúng được sử dụng; và phài được các tài liệu này liệu này định nghĩa một cách rõ ràng. Thế vậy mà tôi không tìm thấy bất kỳ sự định nghĩa, giải thích nào dành cho chúng trong các Bản án Sơ thẩm, Bản án Phúc thẩm hoặc bất kỳ tài liệu nào liên quan đến vụ án do các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra. Nhưng chúng lại được dùng để kết tôi con tôi phạm tôi đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia. Tôi cho rằng đây là vấn đề pháp lý rất nghiêm trọng cần phải được xem xét một cách có trách nhiệm.

Những khái niệm bất bạo động, diễn biến hòa bình là những khái niêm rất mới không có tính đại trà, phổ cập và không được nhìn nhận giống nhau tại những nơi khác nhau, bởi những người khác nhau. Chúng thậm chí được hiểu ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau đối với những nơi hoặc những người khác nhau. Chúng không giống như những khái niệm như bạo động hay chiến tranh là những cái được hiểu giống nhau ở khắp mọi nơi, bởi hầu hết mọi người. Nên những khái niệm này đã đã được chuẩn hóa và luật hóa bởi hầu hết các nước để qui định các tội như các tội gây bạo loạn, tội phạm chiến tranh,… Còn bất bạo động, diễn biến hòa bình thì hoàn toàn chưa được luật hóa tại bất kỳ văn bản luật nào của Việt Nam (và theo chỗ tôi được biết thì cũng không có ở bất kỳ nước nào khác). Việc dùng những khái niệm chưa được luật hóa để kết tội một ai đó phạm tội hình sự là một việc làm không những không đảm bảo tính chất pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà còn có thể tạo ra những nhận thức sai lầm trong dân chúng vì cho rằng pháp luật nhà nước chống lại các hành động không bạo động và hòa bình.

Tóm lại, việc sử dụng những khái niệm không được luật hóa và cũng không được định nghĩa rõ ràng để kết tội con tôi là việc làm không đúng pháp luật, không thỏa đáng và mang tính chủ quan, áp đặt của các cơ quan tiến hành tố tụng.

2.3.      Không chứng minh cố ý phạm tội: Các tội được BLHS qui định luôn xác định mặt chủ quan của chủ thể phạm tội – tức là ý thức chủ quan của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội. Có những tôi danh chỉ cấu thành tội phạm trong những trường hợp phạm tội cố ý như các tôi xâm phạm an ninh quốc gia hay tội giết người. Cho nên để tránh oan sai, BLTTHS đã yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được ý thức chủ quan của người phạm tội khi thực hiện các hành vi bị kết tội bằng những bằng chứng đúng pháp luật. Đây là yêu cầu rất nghiêm ngặt của pháp luật về tố tụng hình sự mà các đại biểu của nhân dân xây dựng để bảo vệ người dân và sự nghiêm minh của luật pháp. Thế nhưng trong các bản án kết tội con tôi và cả các tài liệu trong quá trình điều tra và truy tố không hề có sự chứng minh rằng các bị cáo đã cố ý phạm tội lật đổ chính quyền nhân dân như thế nào. Việc chứng minh như vậy đòi hỏi phải xem xét sâu vào bản chất của sự việc một cách khách quan biện chứng, khoa học và phù hợp với logic thực tế. Nhưng các bản án này chỉ khai thác hiện tượng của câu chữ rồi áp đặt quan điểm chủ quan của những người tiến hành tố tụng lên các câu chữ đó mà không đưa ra được những chứng cứ xác đáng và hợp pháp nào, và cũng không tôn trọng tính logic thực tế và biện chứng khoa học một cách khách quan của diễn biến sự việc. Tôi xin đưa ra phân tích một ví dụ dưới đây về tội giết người để thấy rõ tầm quan trọng của việc cần thiết phải xem xét vào bản chất của sự việc để chứng minh một cách khách quan về ý thức chủ quan của hành vi phạm tội.

Giả sử có một ông Chí Phèo vốn đã có vài xích mích nhỏ với một bà Thị Nở vốn bị bệnh tim. Có một lần ông Phèo vô tình hướng một khẩu súng về phía bà Nở làm bà này hoảng sợ té ngã rồi qua đời ngay lúc đó vì vỡ tim. Người nhà bà Nở có thể cho rằng vì xích mích mà ông Phèo dùng súng định giết chết bà, hoặc dọa nạt bà nên đã dẫn đến tử vong cho bà và muốn kết tội ông Phèo giết người. Nhưng nếu chứng minh được rằng khẩu súng ông Phèo cầm lúc đó không có đạn và ông ấy chỉ đưa súng lên để ngắm nhằm kiểm tra ống nhắm của súng, ông Phèo chỉ vô tình hướng súng về phía bà Nở mà không để ý bà đang phía trước tầm ngắm của mình, thì không thể kết tội ông được vì đây là trường hợp vô ý – ông Phèo hoàn toàn không muốn hại bà Nở và cũng không nhận thức được hậu quả của hành động ngắm súng của mình lại dẫn đến tử vong cho bà. Điều 10 BLHS qui định trường hợp này như sau: “Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó”.

Trường hợp thứ 2, ông Phèo bực mình bà Nở và có ý đưa súng lên (không có đạn) và chỉ muốn dọa cho bà sợ, dẫn đến cái chết cho bà, thì cũng không thể kết tội ông Phèo được vì đây là trường hợp vô ý. Ông Phèo có thể nhận thức được hậu quả của hành động dọa nạt của mình có thể gây tổn hại dẫn đến cái chết cho bà Nở, nhưng ông cho rằng hậu quả đó không xảy ra (vì không biết bà bị bệnh tim) hoặc có thể xảy ra nhưng có thể khắc phục được (ông nghĩ rằng cùng lắm là bà bị xỉu, đưa vào bệnh viện cấp cứu thì khỏi). Điều 10 BLHS qui định trường hợp này như sau: “Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả  nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được”.

Trường hợp thứ 3, tương tự như trường hợp thứ 2, ông Phèo cũng dùng súng dọa nạt bà Nở làm bà Nở ngất xỉu tại chỗ nhưng lúc đó chỉ có ông và bà Nở. Ông nhận thức được rằng nếu không đưa bà đi cấp cứu ngay thì bà có thể bị nguy hại đến tính mạng. Dù lúc đó ông không mong muốn hậu quả này xảy ra, tức là không có mục đích giết chết bà, nhưng ông lại bỏ đi, để mặc bà cho bà bị cơn đau tim hoành hành và tử vong sau đó. Nếu chứng minh được như vậy, thì ông Phèo có thể bị kết tội giết người trong trường hợp phạm tội cố ý gián tiếp: ông nhận thức rõ hậu quả của hành động của mình có thể dẫn đến cái chết cho bà, dù ông không mong muốn bà chết (không có mục địch giết bà, chỉ là dọa nạt), nhưng ông lại có ý thức bỏ mặc bà trong tình trạng đau tim không được cấp cứu để dẫn đến cái chết của bà. Điều 9 BLHS qui định trường hợp này như sau: “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.

Rõ ràng là 3 trường hợp nêu trên đều có cùng một hiện tượng là ông Phèo đưa súng lên và khẩu súng hướng về phía bà Nở làm bà chết. Nhưng chỉ có một trường hợp có tội phạm. Sự khác nhau chính là bàn chất của sự việc chứ không phải hiện tượng của chúng. Bản chất này được quyết định bởi ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi. Đó là lý do vì sao luật pháp bắt buộc phải chứng chứng minh mặt chủ quan của hành vi phạm tội là cố ý hay vô ý.

Thế nhưng trong tất cả các tài liệu từ kết luận điều tra, cáo trạng, Bản án Sơ thẩm, Bản án Phúc thầm và cả trong quá trình xét xử vụ án của con tôi đều hoàn toàn không chứng minh đến vấn đề quan trọng này như BLHS qui định: không hề thấy bất kỳ sự chứng minh nào cho thấy các bị cáo đã cố ý nhằm lật đổ một chính quyền nhân dân nào đó khi thực hiện các hành vi bị qui kết là tội phạm. Thay vào đó, những mong muốn chính đáng của con tôi (muốn góp phần thay đổi các thể chế kinh tế, xã hội, chính trị cho đất nước được tốt đẹp hơn) đã bị áp đặt lên những quan điểm chủ quan của những người tiến hành tố tụng, rồi rút ngắn chúng thành những cụm từ như: “nhằm thay đổi từng bước thể chế chính trị hiện nay”. Sau đó, những cụm từ này bị tự động và tùy tiện biến thành mục đích “nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” mà không hề có bất kỳ sự lý giải nào cả. Rõ ràng là mục đích của các hành vi đã bị áp đặt quan điểm chủ quan của những người tiến hành tố tụng, chứ không phải được chứng minh một cách khách quan để cho thấy ý thức chủ quan của người bị kết tội. Tôi hoàn toàn không thấy một sự chứng minh nào, thậm chí là chỉ đưa ra, rằng các bị cáo trong vụ án này nhận thức rõ hậu quả của những hành vi của mình sẽ dẫn đến một sự lật đổ một chính quyền nhân dân nào đó và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra – tức là cố ý phạm tội theo Điều 79 BLHS.

Tóm lại, các cơ quan tiến hành tố tụng đã không hề chứng minh con tôi cố ý phạm tội theo đúng yêu cầu của pháp luật, mà chỉ áp đặt quan điểm chủ quan của những người tiến hành tố tụng thành ý thức chủ quan của bị cáo.

2.4.      Tùy tiện thay đổi đối tượng khách thể của Điều 79 BLHS

Xem xét vấn đề dưới góc độ khoa học, tôi thấy rằng những lập luận mà các bản án đưa ra hoàn toàn không đảm bảo tính biện chứng. Mà những vấn đề biện chứng là cơ sở khoa học căn bản cho việc xây dựng luật pháp của Việt Nam. Vì không đảm bảo tính biện chứng khoa học nên các bản án, cáo trạng và cả kết luận điều tra đã tạo ra những mâu thuẫn, rất vô lý và phi thực tế như sau:

Quan hệ biện chứng của loại tội phạm mang tính cố ý trực tiếp là:

Khi cố ý phạm tội một cách trực tiếp thì mục đích phạm tội sẽ được hình thành đầu tiên. Mục đích này tiếp tục hình thành nên dự tính hành vi (tức là kế hoạch hành động). Những hành vi này nếu được thực hiện thì phải có khả năng trên thực tế gây ra được hậu quả. Và điều quan trọng là hậu quả này phải phù hợp với mục đích phạm tội ban đầu. Ví dụ ông A có mục đích giết bà B, ông A lên kế hoạch và thực hiện mục đích này nhưng vô tình người bị giết là ông C thì ông A không thể bị kết tội cố ý giết ông C vì không đủ yếu tố cố ý trong cấu thành tội phạm. Nếu có đủ chứng cứ thì ông A chỉ có thể bị kết tội cố ý giết bà B chưa thành và tội ngộ sát đối với ông C mà thôi. Đây là tính chất biện chứng rất quan trọng đối với tội phạm cố ý trực tiếp, chính vì vậy mà BLHS luôn luôn đòi hỏi phải xác định một cách cụ thể rõ ràng và đích danh đối tượng bị hại. Trong những điều qui định tội phạm  có tính chất cố ý một cách trực tiếp có Điều 79 – tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Thế nhưng, như tôi đã trình bày, các bản án hoàn toàn không xác định được chính quyền nhân dân nào mà các bị cáo có mục đích nhằm lật đổ. Thay vào đó là những cụm từ: “để từng bước thay đổi chế độ chính trị hiện nay”; “đòi đa nguyên đa đảng”; “có tư tưởng phải thay đổi cơ chế kinh tế và thể chế chính trị hiện nay ở Việt Nam”; “sẽ tham gia lãnh đạo chính phủ mới”. Những đối tượng được nêu ra ở đây không những không phù hợp với Điều 79 BLHS mà còn không có tính xác định, cụ thể, rõ ràng và đích danh.

Cần lưu ý, điều này rất quan trọng rằng đối tượng khách thể mà Điều 79 BLHS qui định là chính quyền nhân dân – tức là một tổ chức. Mà đã là tổ chức thì nó phải gắn với con người cụ thể, nó cũng có tên gọi cụ thể. Và nó hoàn toàn khác với các đối tượng không chứa đựng con người như là thể chế chính trị, cơ chế kinh tế. Do vậy trong mọi trường hợp không thể đánh đồng nó, gán ghép nó bằng những loại đối tượng không chứa đựng con người này được. Trong các đối tượng mà các bản án nêu ra như trên, chỉ có 1 đối tượng là tổ chức nên được viết hoa là “Chính phủ mới” mà nó được cho rằng con tôi sẽ tham gia lãnh đạo, chứ không phải là lật đổ. Thế nhưng tôi hoàn toàn không thấy nó được xác định như thế nào trong các tài liệu vụ án do các cơ quan tiến hành tố tụng lập, cũng như trong lời khai của con tôi – nó rõ ràng là một danh từ riêng bỗng dưng xuất hiện theo quan điểm chủ quan của những người tiến hành tố tụng.

Vì không xác định được rõ ràng, cụ thể đối tượng bị hại nên đã dẫn đến mâu thuẫn và bế tắc trong việc đảm bảo tính biện chứng lịch sử. Do không chứng minh được các bị cáo có mục đích lật đổ một chính quyền nhân dân cụ thể nào đó nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã tùy tiện thay đổi khách thể của Điều 79 BLHS thành những đối tượng như thể chế chính trị, cơ chế kinh tế – những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nếu chấp nhận quan điểm chủ quan, tùy tiện nói trên thì như vậy mọi hành động dẫn đến sự thay đổi các thể chế, cơ chế kinh tế, chính trị do Hiến pháp qui định đều là xâm hại đến đối tượng khách thể mà Điều 79 BLHS bảo vệ? Từ Hiến pháp 1946 đầu tiên đến Hiến pháp 1992 hiện nay, Hiến pháp nước ta đã qua nhiều lần thay đổi từng bước theo nhu cầu của nhân dân. Trong tất cả những lần thay đổi đó đều có những thay đổi quan trọng về thể chế kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và cả những thiết chế nhà nước. Sao những lần thay đổi đó không phải là phạm tội? Hiến pháp chỉ có thể thay đổi khi được đồng ý của đa số người dân hoặc đại biểu dân cử. Nhưng cần thấy rằng đó là kết quả cuối cùng của một quá trình dài từ việc phát sinh ý tưởng thay đổi của một số người nào đó, đến việc đưa những ý tưởng đó thành những ý kiến kiến nghị thay đổi; rồi sự nghiên cứu các kiến nghị của các cơ quan chức năng; và cuối cùng là những kiến nghị đó được đề xuất lên Quốc hội phê chuẩn hay trưng cầu dân ý. Nếu được đa số thông qua thì sẽ có sự thay đổi Hiến pháp. Những việc làm trong một quá trình như vậy đều được Hiến pháp qui định và cho phép thực hiện để có sự thay đổi Hiến pháp khi cần thiết (Chương XII Hiến pháp hiện hành). Và do vậy Hiến pháp cũng bảo vệ các quyền cho công dân thực hiện những việc làm đó. Cho nên sẽ không bao giờ có gì sai trái (chứ đừng nói là phạm tội) khi thực hiện những việc nhằm thay đổi Hiến pháp như trên cả. Thậm chí, nếu ý kiến, kiến nghị, đề xuất đưa ra cuối cùng không được đa số thông qua thì cũng chẳng có gì phải chịu tội cả. Tôi cũng không thấy bất kỳ điều nào thuộc BLHS qui định các hành vi hướng đến việc thay đổi những vấn đề do Hiến pháp qui định là tội phạm cả.

Tóm lại, việc áp đặt một cách chủ quan các việc làm của con tôi mong muốn thay đổi các thể chế, cơ chế kinh tế, chính trị của Hiến pháp là những hành vi vi phạm Điều 79 BLHS không những không đúng pháp luật mà còn không đảm bảo những quyền cơ bản của công dân mà Hiến pháp bảo vệ.

2.5.      Không đảm bảo tính khoa học trong việc chứng minh tội phạm:

Việc thay đổi tùy tiện đối tượng khách thể của Điều 79 BLHS còn tạo ra sự bế tắc khi xem xét vấn đề dưới góc độ khoa học luật về tội phạm. Như tôi trình bày ở trên, quan hệ biện chứng của diễn biến tội phạm phải là: từ mục đích phạm tội hình thành nên hành vi phạm tội; hành vi này được thực hiện sẽ gây ra hậu quả phạm tội. Phải có hậu quả hoặc hậu quả có thể xảy ra nếu hành vi được thực hiện đầy đủ (trong trường hợp phạm tội chưa đạt) thì mới hình thành nên tội phạm. Đây là điều bắt buộc trong quan hệ biện chứng một cách khoa học. Trong vụ án này, các việc làm của những bị cáo nhằm thay đổi các vấn đề do Hiến pháp qui định đã bị qui kết thành những hành vi phạm tội bằng cách thay đổi mục đích phạm tội theo đúng Điều 79 BLHS qui định: từ “nhằm lật đổ một chính quyền nhân dân nào đó” thành “nhằm thay đổi thể chế chính trị, cơ chế kinh tế” – tức là thay đổi các vấn đề do Hiến pháp qui định. Chính điều này đã dẫn đến sự mâu thuẫn và bế tắc như mô tả trong sơ đồ dưới đây:

Rõ ràng là hành vi bị qui kết không dẫn đến được hậu quả mà quay ngược trở lại mục đích bị qui kết là phạm tội. Và cứ như vậy bị lặp vòng mãi, không thoát khỏi được vòng lặp đó để có thể dẫn đến hậu quả phạm tội nào cả. Đây là cơ sở khoa học trong luật học về tội phạm không thể không xét đến khi chứng minh tội phạm và xem xét các mối quan hệ của sự việc liên quan một cách biện chứng, khách quan. Những điều này đã không hề được quan tâm một cách có trách nhiệm trong vụ án này.

Tóm lại, việc chứng minh tội phạm đối với con tôi hoàn toàn không đảm bảo tính khoa học một cách khách quan và biện chứng.

Qua những điều tôi đã trình bày tại phần 1 và phần 2 ở trên, tôi có thể khẳng định rằng các Bản án Sơ thẩm, Phúc thẩm đã áp dụng không đúng Điều 79 BLHS và không chứng minh tội phạm theo đúng những qui định của pháp luật về tố tụng hình sự dẫn đến những điều phi lý, không có logic thực tế, phản khoa học và không đảm bảo tính biện chứng, khách quan.

3.      Chứng cứ xác định có tội không đảm bảo tính pháp lý, khách quan, xác thực

Theo qui định tại Điều 65 BLTTHS thì mỗi chứng cứ phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định các chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, những yêu cầu trên đã không được tuân thủ, thậm chí là bị vi phạm nặng nề nên đã dẫn đến việc xác lập các chứng cứ không đảm bảo tính pháp lý, khách quan và xác thực. Tôi xin trình bày lần lượt như sau:

3.1.       Vi phạm các qui định và nguyên tắc về khám xét và thu giữ tài liệu

Loại chứng cứ được sử dụng nhiều nhất trong bản án này mà cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát đưa ra là các tài liệu (gồm bài viết, thư từ, trao đổi trên mạng – tức là chat) của các bị cáo được lưu trữ trên mạng Internet, bao gồm các blog cá nhân và hộp thư điện tử. Theo qui định đối với việc khám xét và thu giữ tài liệu thì điều tra viên phải tiến hành niêm phong những tài liệu đó và chỉ mở ra khi có sự chứng kiến của người bị thu giữ tài liệu. Thế nhưng ngay lúc tiến hành bắt giữ con tôi thì điều tra viên và những người cùng thực hiện nhiệm vụ đã buộc con tôi cung cấp mật khẩu của các hộp thư điện tử và blog cá nhân mà con tôi sử dụng. Lúc đầu con tôi đã không đồng ý và yêu cầu phải thực hiện việc khám xét đúng pháp luật, đảm bảo tính khách quan của tài liệu thu giữ. Nhưng những người thực thi việc bắt giữ đã dọa nạt con tôi và gây áp lực tâm lý lên gia đình con tôi. Cuối cùng con tôi buộc phải cung cấp các mật khẩu này. Việc cung cấp tên tài khoản và mật khẩu được ghi rõ trong biên bản bắt giữ và thu giữ tài liệu.

Khi có tên tài khoản và mật khẩu thì người nắm giữ nó có thể làm bất cứ việc gì với các blog và hộp thư điện tử để sửa, xóa, hủy, thêm vào. Sau khi con tôi bị bắt giữ thì chỉ có cơ quan điều tra mới có thể truy cập vào các tài khoản này và làm gì trong đó cũng được mà không cần có bất kỳ sự chứng kiến nào của con tôi để làm cái việc tương tự như giám sát việc mở niêm phong tài liệu. Điều này thì cũng giống như việc thu giữ tài liệu mà chẳng cần niêm phong gì cả, rồi cơ quan điều tra sẽ nghiên cứu trước các tài liệu đó, có thể hủy đi các tài liệu có thể làm chứng cứ xác định vô tội của bị can, giữ lại những tài liệu mà cơ quan điều tra nghĩ là có thể làm chứng cứ xác định có tội. Nếu cần có thể sửa, xóa rất nhiều những nội dung trong các tài liệu đó. Thùng tài liệu sau khi đã được xử lý như vậy lại được đưa ra làm chứng cứ để khởi tố, truy tố và xét xử. Không những vậy, việc thu giữ các mật khẩu và tên tài khoản hộp thư điện tử và blog cá nhân còn có thể dùng để giả mạo làm ra dễ dàng những tài liệu khác. Rõ ràng việc làm này không thể đảm bảo được tính pháp lý để xác lập các chứng cứ có giá trị, hợp pháp, khách quan, xác thực theo pháp luật yêu cầu. Nhưng đó là những gì đã diễn ra thực tế trong vụ án của con tôi.

Nhưng còn đáng tiếc hơn nữa là: con tôi đã trình bày vấn đề này tại cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm nhưng đều không được HĐXX cả 2 phiên tòa xem xét. Do vậy, tôi cho rằng những chứng cứ xác lập từ các tài liệu theo cách như trên là không có giá trị pháp lý để kết tội con tôi.

3.2.       Trích dẫn một đoạn viết không phải của con tôi để làm chứng cứ kết tội con tôi:

Từ bản kết luận điều tra đến Bản án Phúc thẩm có trích dẫn một đoạn viết như dưới đây để kết tội con tôi:

“Quá trình cấu kết, tham gia hoạt động của tổ chức phản động có tên gọi “Đảng dân chủ Việt Nam”, Trần Huỳnh Duy Thức đã làm ra 11 tài liệu đăng trên blog “change we need”; 01 tài liệu đăng trên blog “Psonkhanh”; 24 trang tài liệu liên lạc giữa Thức với Nguyễn Sĩ Bình và Lê Công Định trên email chihaichibachitu@gmail.com có nội dung trao đổi về phương thức hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; thể hiện nội dung: “… Lực lượng mới bao gồm những người bên ngoài và bên trong Đảng cộng sản, cần lập sớm hai Đảng như chúng ta đã bàn để thâu tóm lực lượng,… Về cuốn sách CĐVN (con đường Việt Nam), Hoàng Sa – Trường Sa là chủ đề mà chúng ta phải bàn vì liên quan đến đối ngoại và đối nội. Còn Bauxite Tây Nguyên nữa, đó là tử huyệt của bọn chúng nó vì đó là lòng dân, chúng ta phải dứt khoát khoét sâu vào. Tình hình Bauxite có nhiều biến chuyển kinh hoàng, bọn chúng chắc chắn sẽ chết vì chuyện này, trời cho phong trào DC (dân chủ) của VN (Việt Nam) 2 sự kiện chết người…”.

Tại phiên tòa Phúc thẩm con tôi đã lưu ý với HĐXX rằng đây không phải điều con tôi viết hay nói ra trong bất kỳ tài liệu nào. Nhưng thật đáng tiếc là điều này không được quan tâm xem xét để đảm bảo tính chất khách quan, thỏa đáng và hợp pháp của chứng cứ.

Đây rõ ràng là việc rất không thỏa đáng, không đảm bảo tính khách quan đối với chứng cứ và đối với cả phiên tòa.

3.3.       Không xem xét các chứng cứ xác định vô tội do con tôi yêu cầu

Con tôi cho biết rằng trong quá trình điều tra có yêu cầu cơ quan điều tra in ra các tài liệu là chứng cứ xác định vô tội đối với con tôi trong các hộp thư điện tử bị thu giữ tài khoản và mật khẩu nhưng không được đáp ứng. Tại phiên tòa Phúc thẩm con tôi đã trình bày vấn đề này trước HĐXX, đồng thời yêu cầu được đưa ra những chứng cứ xác định vô tội mà con tôi có được. Nhưng HĐXX phúc thẩm đã hoàn toàn không để ý đến yêu cầu này, và cũng không trả lời yêu cầu chính đáng được pháp luật bảo vệ của con tôi.

Đây rõ ràng không chỉ là việc không đảm bảo các thủ tục tố tụng mà còn dẫn đến chứng cứ của vụ án bị sai lệch, không đầy đủ và thiếu khách quan.

3.4.       Không yêu cầu người giám định và tranh luận tại tòa

Một loại chứng cứ khác mà các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng để kết tội con tôi là kết quả giám định về văn hóa đối với nội dung các tài liệu mà con tôi làm ra. Trong đơn kháng cáo con tôi cho rằng kết quả giám định này không đảm bảo pháp luật và đề nghị HĐXX phúc thẩm yêu cầu người giám định ra tranh luận tại tòa. Nhưng yêu cầu này cũng không được đáp ứng mà cũng không hề giải thích lý do.

Qua những gì tôi đã trình bày ở phần 3 này, có thể khẳng định rằng các chứng cứ đã được sử dụng trong vụ án là không đảm bảo tính pháp lý, tính khách quan, xác thực. Việc xem xét các chứng cứ tại cả 2 phiên toàn hoàn toàn không toàn diện, khách quan, công bằng và dân chủ.

4.      Không đảm bảo các qui định về tố tụng hình sự tại tòa

Cả 2 phiên tòa Sơ thẩm và Phúc thẩm đã không tuân thủ các qui định của pháp luật về tố tụng hình sự, có sự không vô tư của chủ tọa phiên tòa và một số thành viên của HĐXX nên nó đã không đảm bảo được quyền bình đẳng trước tòa án giữa các bị cáo, người bào chữa với các kiểm sát viên như yêu cầu tại Điều 19 của BLTTHS trong việc đưa ra chứng cứ tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước tòa án. Do vậy phiên tòa này đã không thể xem xét tất cả các tình tiết của vụ án để có thể xác định được sự thật của nó một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và những chứng cứ xác định vô tội như yêu cầu tại Điều 10 và Điều 66 của BLTTHS. Tại phiên tòa, con tôi cùng các bị cáo khác và cả những luật sư bào chữa đã liên tục bị ngắt lời khi phát biểu, trả lời xét hỏi và tranh luận dù rằng tất cả các ý kiến đều liên quan đến vụ án; thời gian tranh luận đã bị hạn chế; cả lời nói cuối cùng của bị cáo cũng bị cắt. Những điều này đã làm cho phiên tòa không đảm bảo được tính pháp lý cần có theo luật định.

Tại phiên tòa Sơ thẩm con tôi đã nhiều lần trình bày bị truy bức nhục hình trong quá trình điều tra nên những chứng cứ bằng lời khai tại cơ quan điều tra không đảm bào tính khách quan. Nhưng HĐXX sơ thẩm đã không hề quan tâm xem xét đến ý kiến này của con tôi.

Ngoài ra, 2 phiên tòa này đã không được tổ chức đúng như những phiên tòa công khai mà ai cũng vào tham dự được như qui định tại BLTTHS, dù rằng trong quyết định đưa ra xét xử của nó ghi rõ là xét xử công khai. Ngay cả những thành viên trong gia đình tôi là chị, em, vợ con, cháu,… của con tôi đã không được vào tham dự phiên tòa. Tại phiên tòa Sơ thẩm chỉ có tôi và vợ của con tôi được cấp giấy vào nhưng chỉ ngồi bên ngoài xem qua màn hình. Tại phiên tòa Phúc thẩm thì cũng chỉ được 2 người ngồi xem qua màn hình là vợ và em của con tôi. Tính công khai của phiên tòa là một yêu cầu rất quan trọng để đảm bảo sự dân chủ và công bằng của việc xét xử. Thế nhưng điều này, thật đáng tiếc, lại bị vi phạm bởi chính những người có thẩm quyền đối với phiên tòa. Chính vì vậy mà giá trị pháp lý của 2 bản án Sơ thẩm và Phúc thẩm thực sự không được đảm bảo.

Thưa Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao,

Thưa Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao,

Qua những gì đã trình bày như trên, tôi thấy hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để đưa vụ án này ra xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm để trả lại sự vô tôi cho con tôi. Một năm qua kể từ phiên tòa Phúc thẩm, gia đình tôi đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, với tinh thần trách nhiệm cao không chỉ đối với con tôi mà còn đối với pháp luật và đất nước. Gia đình tôi thấy rõ, một cách đúng pháp luật, những việc làm của con tôi không vi phạm pháp luật. Không những vậy, đó còn là những việc làm đáng trân trọng. Tôi mong ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao hãy xem xét bản chất của sự việc của vụ án này trên tinh thần của ví dụ sau đây để nhận rõ vấn đề một cách khách quan. Nếu ông Chí Phèo bắn ra một phát súng làm bà Thị Nở giật mình hoảng hốt và cho rằng ông mưu sát hụt bà. Nhưng ông chứng minh được rằng ông bắn ra một phát súng không có đầu đạn, tiếng súng tuy có làm bà Nở giật mình hoảng sợ nhưng nhờ vậy mà bà đã vào nơi ẩn nấp an toàn và nhờ đó tránh được sự mưu sát của một sát thủ khác đang nhắm vào bà. Ông Phèo chọn cách này vì ông không được phép đến gần bà để cảnh báo cho bà những nguy cơ của bà. Và đến cùng sự việc đã đến lúc nguy cấp thì ông chỉ còn cách bắn súng tạo tiếng nổ lớn để giúp bà. Với bản chất như vậy thì không thể có sự việc phạm tội hay vi phạm pháp luật nào ở đây cả, nếu như ông Phèo có giấy phép sử dụng súng. Bản chất sự việc của con tôi làm cũng giống như trường hợp của ông Phèo trên đây, và con tôi cũng có giấy phép sử dụng súng tương tự như ông Phèo – đó chính là “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin; có quyển hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật” được Hiến pháp bảo hộ tại Điều 69.

Dầu rằng pháp luật không thể xem xét theo tình cảm nhưng thiết nghĩ các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần quan tâm đến khía cạnh này để có thể xem xét sâu sắc bản chất của vấn đề – giống như bà Nở, nếu bà bình tĩnh nhìn nhận vấn đề cả về lý và tình thì bà có thể thấy rằng ông Phèo thực sự quan tâm lo lắng cho bà, chỉ có điều ông cục mịch và không biết tán dương sắc đẹp của bà như nhiều người khác mà thôi.

Nhìn nhận vấn đề theo đúng bản chất của sự việc thì càng thấy phải trân trọng hơn nữa việc làm của con tôi, nhất là trong tình hình đất nước đứng trước nguy cơ “trí thức ngoảnh mặt” như một quan chức cao cấp của Bộ Công an (ông Vũ Hải Triều, Tổng Cục Phó Tổng Cục An ninh) phát biểu bên lề Đại hội Đảng bộ công an nhân dân cuối tháng 10/2010 vừa qua mà tôi nghe được trên truyền hình. Ngay vào lúc này, sau 2 năm ở tù một cách oan trái, con tôi vẫn tin tưởng vào pháp luật, vào tương lai của đất nước, luôn lạc quan hướng về phía trước mà không hề oán trách. Và con tôi vẫn luôn tin tưởng vào những việc mình làm, tin tưởng chúng sẽ được nhìn nhận một cách đúng đắn. Con tôi chưa bao giờ mất đi lòng tin vào những điều tốt đẹp trong suốt 2 năm qua.

Vì tất cả những lẽ trên, bằng đơn này tôi chính thức yêu cầu ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao xem xét lại vụ án này theo thủ tục giám đốc thẩm. Xin trân trọng cảm ơn.

Kính thưa Chủ tịch Nước kiêm Trưởng ban Cải cách Tư pháp Trung ương,

Tôi xin được gửi đơn này đến ông như một đính kèm đơn kêu oan mà tôi đã gửi 2 lần đến ông xin cứu xét minh oan cho con tôi. Kính mong Chủ tịch Nước quan tâm xem xét. Xin trân trọng cảm ơn.

Kính thưa Chủ tịch Quốc hội,

Tôi xin được gửi đơn này đến ông với tư cách là người đứng đầu Cơ quan quyền lực cao nhất nước – nơi làm ra những bộ luật bảo vệ nhân dân, đất nước. Kính mong ông với quyền hạn và trách nhiệm của mình xem xét và làm những gì cần thiết để giúp con tôi thoát được oan sai. Xin trân trọng cảm ơn.

Thưa Quí Vị,

Dù trong tù nhưng con tôi luôn động viên tôi và gia đình, cho rằng những vấn đề mà con tôi gặp phải trong vụ án này cũng là bình thường trong quá trình phát triển của đất nước. Con tôi luôn tin tưởng rằng vấn đề sẽ được nhanh chóng làm sáng tỏ, không chỉ với con tôi mà còn đối với việc thực thi pháp luật của đất nước, cho dù biết rằng đó không phải là một quá trình dễ dàng, tương tự như quá trình để kinh tế thị trường được chấp nhận trước đây vậy. Nhưng niềm tin bền bĩ của con tôi trong suốt 2 năm qua đã truyền được niềm tin cho cả nhà, giúp tôi và gia đình tiếp tục tin tưởng vào những điều tốt đẹp. Nhờ niềm tin đó mà tôi đã viết đơn này, và cũng chính bằng niềm tin đó, để thể hiện niềm tin đó đến Quí Vị quan tâm giải quyết vấn đề này theo đúng pháp luật, đúng tinh thần pháp chế xã hội chủ nghĩa – tinh thần “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” như tuyên bố tại Điều 2 Hiến pháp.

Tôi xin được kính đơn cũng bằng tinh thần và niềm tin như vậy.

Xin trân trọng kính chào.

Kính đơn,

Trần Văn Huỳnh

Đính kèm bản sao:

1.    Đơn kháng cáo gửi Tòa án nhân dân tối cao (50 trang) ngày 01/02/2010.
2.    Thư gửi Bí Thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Minh Triết ngày 07/01/2004.
3.    Thư gửi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ngày 14/04/2007.
4.    Thư gửi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 17/04/2007.
5.    Bài viết: Một năm sau Đại hội X – Cảnh báo những nguy cơ quốc gia (tháng 4/2007).
6.    Bài viết: Việt Nam đồng đang ở đâu và sẽ đi về đâu (tháng 3/2008)
7.   Bài viết: Đô-la ngoại sẽ đi tới đâu (tháng 8/2008)

8.   Bài viết: Khủng hoảng – Cơ hội cuối (tháng 11/2008)

≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡≡

Đơn kêu oan lần 3 gửi Chủ tich nước:

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
*******

ĐƠN KÊU OAN

(Lần 3)

Kính gửi: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Đồng kính gửi: – Chủ tịch Quốc hội

                           – Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao

                           – Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao

V/v: Kêu oan cho Trần Huỳnh Duy Thức về bản án   sơ thẩm số: 19/2010/HSST ngày 20/01/2010 và bản án phúc thẩm số:   254/2010/HSPT ngày 11/05/2010

Kính thưa Chủ tịch nước,

Tôi là Trần Văn Huỳnh, người đã nhiều lần gửi đơn đến Chủ tịch nước để kêu oan cho con tôi là Trần Huỳnh Duy Thức đã bị kết án oan sai 16 năm tù và 5 năm quản chế vì các  hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.  Ngày 01/06/2011 vừa rồi tôi đã chính thức gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm đối với các bản án kết tội con tôi đến Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Tôi cũng đã đồng kính gửi đơn này đến Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội. Qua các lá đơn trên tôi đã nêu đủ các vấn đề pháp lý để chứng minh cho sự oan sai của con tôi đã gánh chịu hơn 2 năm qua.

Lần này, tôi lại gửi đơn kêu oan đến Chủ tịch nước vì gia đình tôi vừa mới tìm thấy một bức thư mà Thức con tôi đang viết để gửi đến Chủ tịch nước đính kèm giới thiệu của quyển Con đường Việt Nam – một vài tài liệu mà các bản án kết tội con tôi cho là một kế hoạch tống thể nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Bức thư này chưa hoàn tất thì con tôi đã bị bắt (vào 24/05/2009). Con đường Việt Nam cũng vì thế mà đang dang dở. Nhưng chỉ cần đọc phần giới thiệu của nó cùng với những dòng tâm huyết con tôi đang muốn gửi đến Chủ tịch nước cũng đã thấy được Con đường Việt Nam hoàn toàn nhằm phát triển đất nước tốt đẹp thông qua những kiến nghị để chính quyền nhân dân Trung ương trong sạch và vững mạnh hơn.

Muốn suy sụp là cảm giác đầu tiên của tôi sau khi đọc vì quá đau xót cho những nỗi thống khổ mà con tôi đã và đang trải qua chỉ vì lòng nhiệt huyết đầy trách nhiệm với vận mệnh đất nước của mình. Nhưng đọc lại những bức thư Thức viết từ trại giam gửi về cho tôi và gia đình, nhớ lại hình ảnh và ánh mắt của Thức mỗi tháng tôi gặp tại trại giam Xuân Lộc – một ánh mắt không bao giờ mất đi niềm tin và luôn truyền được niềm tin cho ngườc khác – tôi đã vượt qua được cảm giác suy sụp để phải làm được một điều gì đó. Điều đó trước hết là cho con tôi với trách nhiệm của một người cha, kế tiếp cũng là vì trách nhiệm của một công dân đối với đất nước.

Thưa Chủ tịch nước,

Tôi xin gửi đến Ông bản in của bức thư còn chưa hoàn tất và phần giới thiệu Con đường Việt Nam mà con tôi chưa kịp gửi đến Chủ tịch nước vào cuối tháng 5/2009 thì đã bị bắt. Tôi tin rằng Chủ tịch nước sẽ tìm thấy ở đó không chỉ là lí do để khẳng định Con đường Việt Nam không phải là một kế hoạch tổng thể nhằm lật đổ chính quyền nhân dân nào hết, mà còn là cả một kế hoạch toàn diện nhằm kiến nghị cho chính quyền nhân nhân Trung ương để phát triển đất nước một cách tốt đẹp. Đó là kết quả của những chuỗi dài nhiều đêm thức trắng trong hơn 5 năm làm việc với một nhiệt huyết cháy bỏng, một nghị lực phi thường của con tôi. Nói thật là tôi chưa hề thấy qua một tài liệu nào nghiên cứu toàn diện, sâu sắc và đầy tinh thần xây dựng đối với các vấn đề rộng lớn của đất nước như được giới thiệu trong Con đường Việt Nam. Thức con tôi là người rất bận rộn vì trách nhiệm với một đại gia đình, với mấy trăm nhân viên và cổ đông công ty mà mình điều hành. Cho nên để nghiên cứu, kiến nghị các vấn đề của đất nước, con tôi phải sử dụng hầu hết thời gian đáng lẽ cần dùng cho nghỉ ngơi, tái tạo sức lực của mình. Tôi rất hiểu tính cách của Thức không làm việc này vì trông đợi vào những lợi ích cho riêng mình. Nhưng thật xót xa khi “phần thưởng” cho việc đó lại là 16 năm tù và 5 năm quản chế.

Quả thật, tôi đã từng là người rất sợ động chạm đến chính trị nhất là những vấn đề của nó. Đó là một tình trạng phổ biến như con tôi đã cảnh báo trong bức thư định gửi đến Chủ  tịch nước. Do vậy tôi đã không ít lần la rầy Thức, kể cả gay gắt, khi thấy Thức bày tỏ những quan điểm phê phán các vấn đề chính trị của đất nước. Sau khi con tôi bị bắt, qua những gì được các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải tôi đã từng hoang mang nghĩ rằng có lẽ con tôi đã sai và tôi có phần nào đúng. Nhưng rồi với tình yêu thương và trách nhiệm của người cha, tôi đã bình tĩnh suy xét từ tính cách đến những quan điểm của con mình.

Thức là người có tính cách bẩm sinh từ lúc còn chưa biết đọc chữ mà đã biết khó chịu và phản ứng trước những cái xấu, bảo vệ người tốt, và sẵn sàng đương đầu với cái khó. Tính cách đó ngày càng mạnh mẽ theo tuổi đời của Thức. Lớn lên Thức là người luôn quan tâm và có tinh thần trách nhiệm cao không chỉ với gia đình mà cả với những cộng đồng xung quanh mình. Và luôn có đầu óc cầu tiến hướng đến chân thiện mỹ. Bạn bè và đồng nghiệp luôn tìm thấy ở Thức một ý chí và tinh thần lúc nào cũng tìm tòi cái mới, hoàn thiện cái cũ và không bao giờ tự hài lòng.

Do vậy Thức luôn có đầu óc phê phán tích cực. Chính tôi đã nhiều lần nhận được góp ý thẳng thắn và tranh luận gay gắt từ Thức. Về quan điểm, trước đây tôi có phần không đồng ý với con mình vì cho rằng những gì mình đang có là tốt lắm rồi. Nhưng dần dần tôi thấy rõ những gì con tôi đã cảnh báo đang xảy ra, không đâu xa mà chính ngay trong gia đình mình. Lạm phát đang làm cuộc sống gia đình tôi ngày một khó khăn hơn trong khi thu nhập thì dần mất đi vì một số việc sản xuất kinh doanh trong gia đình đã phải đóng cửa do lãi suất ngân hàng quá cao. Viết đến đây tôi thấy thương con mình vô hạn.

Sau phiên tòa sơ thẩm, cả nhà tôi gần như suy sụp vì bản án dành cho con tôi. Rồi tôi đọc được lá đơn kháng cáo dài 50 trang con tôi viết trong điều kiện không có bàn ghế gì như con tôi kể. Thế vậy mà con tôi vẫn không hề mất đi nhiệt huyết, ý chí và niềm tin của mình, vẫn dành phần lớn nội dung đơn để tiếp tục viết những gì cần cảnh báo cho đất nước – những gì mà vì bị bắt nên con tôi đã không hoàn thành được.

Vào những giờ phút như vậy, những giờ phút ngay sau khi bị kết án oan sau 16 năm tù, 5 năm quản chế, mà con tôi vẫn viết: “Ngay vào lúc này tôi vẫn thấy những nguy cơ đó chực chờ và ngày càng nguy hiểm. Ngay cả đất nước ta có rất may mắn thoát được giai đoạn khủng hoảng trầm trọng thì cũng không thể tránh được một tình trạng thảm họa mà các nhà kinh tế học gọi là cái bẫy thu nhập trung bình nếu như không có những sự chấn chỉnh kịp thời và chiến lược” và “Còn nếu sau một phiên toà như vậy mà không chứng minh được tội phạm thì cần trả lại sự trong sáng cho tôi để tôi có thể tiếp tục những công việc mà tôi thấy là cần thiết và cấp bách cho đất nước và Nhà nước hiện nay” trong đơn kháng cáo của mình. Nếu biết rằng mức án đó sẽ chỉ còn một nữa nếu con tôi được cho là “thành khẩn nhận tội” thì sẽ thấy ý chí bền bỉ hướng đến công lý của con tôi là đáng trân trọng đến thế nào.

Ý chí đó, niềm tin đó đã thôi thúc tôi và gia đình tôi phải tìm hiểu sự thật vì con mình, chồng mình và em, anh của mình. Kết quả là những gì tôi đã trình bày trong các lá đơn kêu oan và đơn đề nghị giám đốc thẩm. Thiết nghĩ đã quá đủ cơ sở pháp lý để xem xét lại bản án kết án oan sai con tôi. Con tôi không phạm pháp đối với các hành vi đã bị kết án.

Trong phiên họp 24 Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương mà Truyền hình Việt Nam đã đưa tin thời sự 19h tối ngày 30/5/2011, Chủ tịch nước đã nói rằng dù có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều bản án oan sai gây mất lòng tin của nhân dân. Tôi tin chắc rằng hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết án con tôi nằm trong số oan sai này.

Tôi còn tin hơn rằng trả lại sự trong sáng cho con tôi không những cũng cố được niềm tin của người dân mà còn mang lại những hy vọng mới tốt đẹp.

Tại phiên tòa phúc thẩm khi nói lời cuối cùng con tôi đã nói: “Tôi không lật đổ chính quyền nhân dân nào cả, cũng không chống lại chính quyền gì cả. Tôi chỉ chống sự cường quyền và tôi còn chống nó đến khi nào tôi còn thấy nó. Mà đó cũng là mong muốn của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nên tôi có quyền yêu cầu sự công minh của pháp luật của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thông qua hội đồng xét xử cho con tôi và những bị cáo khác, những người mà tôi tin là người tốt và luôn sống vì mọi người”. Nhưng sự công minh đó đã không có được tại phiên tòa. Nên tôi tiếp tục thay con tôi yêu cầu sự công mình này đến Chủ tịch nước.

Một số người nói với tôi rằng sao Thức không chịu thờ ơ mà lo làm ăn và hưởng thụ một cuộc sống đầy đủ sung túc mà Thức đã có. Bận tâm làm gì để rồi rước họa vào thân. Nếu hầu hết mọi người nghĩ như vậy thì xã hội sẽ đi về đâu? Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này và cuối cùng quyết định phải lên tiếng vì con mình và cũng vì công lý!

Thưa Chủ tịch nước, tôi thiết nghĩ nếu hệ thống tư pháp Việt Nam tiếp tục điều tra, truy tố, xét xử như những gì đã xảy ra đối với vụ án của con tôi thì hậu quả của nó không chỉ dừng lại ở mất mát niềm tin của nhân dân. Kết tội mà không cần đến logic thực tế thì bất kỳ ai cũng dễ dàng thành tội phạm. Đó là chưa kể sự thiếu sót trong việc đánh giá động cơ của những người bị buộc tội.

Thật khó để tôi tin rằng con tôi và anh Lê Thăng Long có thể cấu kết với nhau làm gì đó xấu và phạm pháp. Tôi đã từng có thời gian nhiều năm làm việc với Long nên cũng biết khá rõ tính cách, tư cách của cậu ấy. Long là người tốt và cũng đầy nhiệt huyết muốn cống hiến khả năng của mình cho đất nước. Long cũng có một cuộc sống đầy đủ, gia đình hạnh phúc và tương lai xán lạn. Những gì mà tôi chứng kiến là Thức và Long thường phối hợp với nhau làm những việc tốt cho cộng đồng xung quanh mình. Thật tình là tôi không thể thấy được bất kỳ động cơ gì mà con tôi và Long cấu kết với nhau để làm chuyện phạm pháp như các bản án đã qui kết.

Tuy nhiên, từ lúc vụ án này xảy ra đến giờ tôi đã đọc, nghe nhiều thông tin sai lệch được đăng tại trên nhiều phương tiện truyền thông tin đại chúng về động cơ và việc làm của con tôi. Do vậy tôi mạn phép công bố các đơn kháng cáo, kêu oan, đề nghị giám đốc thẩm và những tài liệu liên quan đến chúng, bao gồm cả phần giới thiệu Con đường Việt Nam và bức thư con tôi đang viết dang dở cho Chủ tịch nước để rộng đường dư luận.

Thưa Chủ tịch nước,

Một lần nữa tôi tha thiết kính mong Ông cứu xét minh oan cho con tôi, Trần Huỳnh Duy Thức, bởi tất cả lý và tình mà tôi đã trình bày. Đồng thời tôi cũng đề nghị Ông với tư cách là người đứng đầu Nhà nước và Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, với quyền hạn và trách nhiệm của mình đảm bảo sự công minh của pháp luật đối với các hoạt động tư pháp trong vụ án này.

Tôi xin chân thành biết ơn và kính chào trân trọng.

Kính thưa Chủ tịch Quốc hội,

Tôi xin được gửi đến Ông lá đơn này như một phần đính kèm với đơn đề nghị giám đốc thẩm đã gửi cho Ông vào ngày 01/06/2011. Cũng với tinh thần tôi đề nghị trong lá đơn này, kính mong Chủ tịch Quốc hội xem xét giúp đỡ. Xin trân trọng cám ơn.

Kính thưa Chánh án Tòa án Nhân Dân tối cao,

Kính thưa Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao,

Tôi cũng xin gửi lá đơn này đến hai Ông như một phần bổ sung thêm tài liệu cho đơn đề nghị giám đốc thẩm mà tôi đã gửi đến hai Ông vào ngày 01/06/2011. Kính mong các Ông sớm xem xét đưa vụ án này ra xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Xin trân trọng cám ơn.

Địa chỉ liên lạc của tôi:
Chỗ ở: 439F8 Phan Văn Trị, Phường 5, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 0903350117

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 6 năm 2011
Kính đơn.

Trần Văn Huỳnh

Đính kèm:
1) Phần I – Giới thiệu (Con đường Việt Nam).
2) Bức thư con tôi đang viết, định gửi cho Chủ tịch   nước nói về Con đường Việt Nam trước lúc bị bắt.
3) Thư của Thức gửi Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Minh   Triết ngày 21/03/2006.

    


[1] “Bàn tay vô hình” khẳng định rằng cá nhân mưu cầu lợi ích riêng của mình trong thị trường tự do có thể phân bổ hiệu quả các nguồn lực theo quan điểm xã hội.

This entry was posted in Trong nước and tagged . Bookmark the permalink.

1 Response to Thỉnh nguyện thư công dân gửi đến 500 đại biểu Quốc hội

  1. Pingback: TRÒ CHUYỆN CŨNG BÁC TRẦN VĂN HUỲNH – THÂN PHỤ ANH TRẦN HUỲNH DUY THỨC (Dân Làm Báo) « Ngoclinhvugia's Blog

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.