Thư 136 – Phần 1: Thông điệp bóng tối

Thứ Tư, ngày 31 tháng 3 năm 2021

Thưa ba và cả nhà thương yêu,

Thời sự VTV 19h tối qua đưa tin đậm nét về việc Trung Quốc thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung chip do lệnh cấm vận của Mỹ. Con nghĩ sự hụt hơi, đuối sức của TQ trong cuộc chiến công nghệ sĩ còn tồi tệ hơn nhiều một cách nhanh chóng. Thế giới sẽ mau thấy TQ xây lâu đài trên cát thật ngớ ngẩn và đáng thương như thế nào. Không có một nền tảng tự do vững chắc mà lại mơ mộng làm bá chủ về công nghệ để từ đó thống trị thế giới thì quả là chết vì thiếu hiểu biết về thời đại. Giới cầm quyền độc tài của TQ hiện nay đang xài lối tư duy gần như nguyên xi cả ngàn năm trước.

Các công nghệ cốt lõi mà TQ đang sống chết và không từ bất kỳ thủ đoạn nào để chiếm hữu sẽ không bao giờ có được ở những quốc gia mà quyền tự do tư tưởng không được đảm bảo vững chắc trong thời đại ngày nay. Quyền tự do tư tưởng là cốt lõi của tự do sáng tạo. Không có tự do tư tưởng thì sự sáng tạo sẽ bị đóng khung và người sáng tạo có thể gặp phải những rủi ro chết người cho dù họ chỉ sáng tạo thuần túy về khoa học kỹ thuật. Liên Xô vào những năm 1930-1960s đã đánh mất cơ hội dẫn đầu về di truyền học (đẩy cả ngành sinh học của mình tụt hậu khủng khiếp) vì các nhà khoa học đã phát minh ra những quy luật di truyền học bị sát hại, tù đày bởi những công trình khoa học đó của họ. Họ bị đàn áp dã man vì những phát minh của họ “không phù hợp” với quan điểm của Lysenko – một kẻ nhân danh khoa học để bảo vệ nền tảng tư tưởng của chế độ Xô Viết thời đó. Đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện thực tế đã xảy ra từ thế kỷ 18, 19, 20 ở các quốc gia bị cai trị chuyên chế bởi những kẻ đầy tham vọng bá chủ.

TQ ở thế kỷ 21 chưa thấy xảy ra những câu chuyện tương tự trên. Nhưng đó mới chính là nguy cơ sụp tối rất nguy hại đối với dân tộc Trung Hoa. Người Trung Quốc thông minh, giỏi giang, đầy khát vọng là thế mà đến nay vẫn chưa sở hữu được một nền tảng khoa học công nghệ căn bản – cốt lõi. Không phải là họ chỉ giỏi sao chép, mà chính là họ đã học được bài học từ Liên Xô nói trên. Chẳng dại mà rủi ro sinh mạng của mình trong khi lại có thể dễ dàng kiếm tiền từ những định hướng mà chính quyền khuyến khích bao gồm cả bắt chước, đánh cắp, cưỡng ép để có công nghệ. Hơn nữa, bộ máy tuyên giáo khổng lồ của TQ thì đầy rẫy các “Lysenko phiên bản 4.0” được hỗ trợ bởi bộ máy an ninh kinh hoàng. TQ giờ chỉ có những cái khổng lồ là đứng đầu, nhưng bị ngộ nhân hoặc tự đánh lừa mình là vĩ đại. Người ta không thể vĩ đại được chỉ nhờ tiền. Tiền mà lại kiếm được nhờ gian lận, bất công, cưỡng ép, “lấy thịt đè người” nữa thì sự giàu có khổng lồ chỉ mang lại ô nhục.

TQ làm sao mà sở hữu được công nghệ cốt lõi khi mà vài tháng trước tỷ phú Jack Ma được “mời làm việc” sau khi có những phát biểu có vẻ khác khác lâu nay mà có thể “chệch ra khỏi định hướng”. Báo Tuổi Trẻ bảo một nguồn thạo tin nói rằng đích thân Tập Cận Bình chỉ thị về việc chấn chỉnh này. Tiếp sau đó là ông chủ của Baidu cũng được chiếu cố tương tự. Xem ra giới tri thức và doanh nhân TQ đã biết ngoan ngoãn để đi đúng lề mà kiếm tiền. Lấy đâu ra những con người dũng cảm dám chấp nhận rủi ro để nói ra lẽ phải của sự thật và ánh sáng. Nên không có hy vọng gì cho dân tộc Trung Hoa đang trong thời tranh tối tranh sáng hiện nay. Nguy cơ sụp tối sẽ lấn át cơ hội bừng sáng.

Dù là cá nhân hay quốc gia, người ta chỉ có thể vĩ đại trước hết nhờ vào nhân cách của mình mà quan trọng nhất là biết tôn trọng lẽ công bằng. Lẽ công bằng là lẽ đứng đầu trong lẽ phải. Khi biết tôn trọng lẽ công bằng thì sự vượt trội mình làm ra mới xứng đáng được công nhận. Khi đó quyền tự do tư tưởng mới không bị cản trở, đàn áp hoặc chơi xấu. Chỉ khi đó những nền tảng vững chắc cho sự vĩ đại mới được hình thành.

Dân tộc Trung Hoa đã từng làm nên những điều vĩ đại, nhưng đó là lịch sử của những thời đại xưa. Trong thời đại ngày nay mà vẫn say sưa với giấc mộng phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại với những tư tưởng xưa cũ về bản chất thì có thể thấy trước được đích đến của họ: Phục trở lại những thời kỳ đáng quên. TQ từ thời kỳ của Tập Cận Bình đến giờ, không những không xây những nền tảng vững chắc cho sự vĩ đại mà còn phá hoại các nền tảng đã được khởi động của các lãnh đạo trước. Ở TQ hiện giờ chắc chẳng có mấy ai dám nói rằng thực ra từ lúc Tập Cận Bình nắm quyền đến giờ TQ không tạo ra được giá trị cốt lõi nào cho TQ, đất nước này chỉ được hưởng thành tích tăng trưởng từ quán tính của nhiệm kỳ trước. Những thứ đột phá chiến lược mà ông ta đưa ra thì giờ đã thấy bộc lộ sự dở hơi, như là “vành đai con đường”; “Made in China 2025”; “Đả hổ, săn cáo, đập ruồi”. Thành tích nổi bật và không thể tranh cãi của ông ta là tập trung quyền lực ghê gớm nhất. Nhưng đó cũng chính là thứ đi ngược lại lẽ công bằng rõ ràng nhất. Vì vậy nó cũng cho thấy nhân cách của ông ta cũng như cơ hội để trở nên vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Giờ ở TQ không biết có ai dám nói lên sự thật nói trên đối với ông ta không. Nếu không thì quả là bất hạnh cho đất nước này. Bộ máy tuyên giáo của ông ta chắc bây giờ suốt ngày là TQ chưa bao giờ có được như hôm nay. Đúng ra phải nói rằng đáng lẽ TQ phải có được những gì hơn nhiều hôm nay.

Đấy không chỉ nói về quá khứ, mà cho cả tương lai. Dân tộc Trung Hoa sẽ đạt được những giá trị to lớn hơn nhiều các mục tiêu “100 năm thành lập đảng”; “100 năm thành lập nước” nếu họ nhìn ra và biết tập trung vào xây dựng những nền tảng vững chắc cho sự vĩ đại ngay từ bây giờ thay vì lao vào các mục tiêu thành tích trên bằng mọi giá mà ở đó chơi xấu là phương pháp cốt lõi, lấn chiếm biển đảo, thương mại gian lận, ngoại giao cưỡng ép, đánh cắp công nghệ, chà đạp nhân quyền, v.v… là những thành tích nổi bật đang ngày càng dầy lên của TQ và được quốc tế nhìn nhận ngày càng rộng rãi và đồng thuận. Còn tệ hơn nữa, sự xâm phạm QCN của TQ ở Tân Cương đã bị cáo buộc là diệt chủng.

Trong thời đại ngày nay, nền tảng vững chắc cho sự vĩ đại phải được xây dựng trên nền tảng thượng tôn QCN. Thời đại QCN là thời đại mà thế giới đang tiến nhanh tới, chắc chắn như vậy, bất chấp những trục trặc do sự quá đà bởi tự do thái quá trong thời gian qua ở các quốc gia dân chủ. Chính nền tảng thượng tôn QCN sẽ loại trừ những thái quá trục trặc đó bởi sự vận động tự do.

Con tin rằng những thứ xấu xí biểu hiện ra dồn dập ở Mỹ thời gian qua bởi tự do quá trớn phần nào được thúc đẩy bởi những kế hoạch phá hoại nền dân chủ được thực hiện tinh vi từ TQ và Nga. Con không có ý đổ lỗi để đánh lạc hướng những kém cỏi mà người Mỹ phải nhìn nhận để thay đổi. Cái gốc của vấn đề vẫn là từ người Mỹ, nhưng đó không phải từ nền tảng thượng tôn QCN của họ mà từ vấn đề dân trí của nhiều người Mỹ. Chỉ vì những cái xấu xí nhất thời mà cắt xén đi nền tảng thượng tôn QCN thì sẽ là một sai lầm tai hại. Chính cái nền tảng này mới giúp điều chỉnh và đưa đến xác lập những giá trị đạo đức mới tốt đẹp hơn. Không tin vào nền tảng thượng tôn QCN chính là mục tiêu mà những kế hoạch phá hoại nền dân chủ nói trên mong muốn, là cái bẫy mà TQ đã giăng ra và đã có không ít người mắc phải. Vì vậy, để giải quyết những vấn đề xấu xí đó thì phải bao gồm các giải pháp chống lại những kế hoạch phá hoại nền dân chủ. Do đó Tổng thống Biden đã rất đúng khi phát biểu rằng “Chúng tôi sẽ đẩy lùi cuộc tấn công của TQ vào nhân quyền” chỉ 1 tuần sau khi ông nhậm chức. Đây chắc chắn sẽ là ưu tiên quan trọng trong chính sách đối với TQ của Mỹ vài năm tới. Chống can thiệp bầu cử Mỹ chỉ là “chuyện nhỏ”.

Thư 131A viết hồi tháng 10 năm ngoái con đã nói rằng dù ai là Tổng thống Mỹ năm 2021 thì một cuộc chiến tranh lạnh mới vì QCN cũng sẽ bắt đầu ngay từ đầu năm. Con gọi đó là một cuộc chiến tranh mềm – cuộc chiến vì QCN bằng QCN. Con thấy nó đã chính thức nổ ra rồi. Cuộc gặp Mỹ – Trung tại Alaska hôm 18/3 chính là để Mỹ “tuyên chiến” về cuộc chiến này. Ngoại trưởng A.Blinken nói gặp là để nói rõ cho TQ biết Mỹ muốn gì và sẽ làm gì, nghe chủ yếu là liên quan đến QCN. Chỉ vài ngày sau cuộc gặp thì Mỹ, EU, Canada, Anh, Ý đồng loạt trừng phạt TQ về nhân quyền ở Tân Cương. Sau đó thì TQ trừng phạt trả đũa Anh. Rõ ràng là cuộc chiến đã bắt đầu. Nó sẽ phát triển nhanh chóng. Như con viết ở 130A, chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ và cả sự kiềm chế quân lực TQ ở châu Á Thái Bình Dương đều để phục vụ cho cuộc chiến tranh mềm này. QCN sẽ được đẩy lên cao để bảo vệ. Mỹ và các đồng minh sẽ không chỉ nhắm vào TQ mà còn những nước có địa thế chiến lược ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Họ sẽ chọn 1 nước trong đó làm đích nhắm chiến lược để tập trung dân chủ hóa nước đó nhằm lan tỏa ra khu vực, làm “bàn đạp” “tấn công mềm” vào TQ. Đương nhiên TQ cũng sẽ có những cuộc tấn công ngược lại. Có lẽ họ đang hậu thuẫn cho cuộc đảo chính ở Myanmar hòng lan tỏa sự độc tài, chà đạp QCN ra khu vực; hoặc chí ít là để ngăn chặn xu hướng dân chủ nhân quyền.

Cuộc chiến này sẽ kéo dài nhiều năm nhưng cuối cùng TQ sẽ thất bại giống như Liên Xô sụp đổ sau chiến tranh lạnh. Nguyên nhân thất bại của TQ tương tự và có cùng bản chất như của Liên Xô như con đã phân tích trong 130A và gọi đó là cái bẫy của quy luật tự nhiên.

Điều quan trọng nhất đối với các dân tộc lúc này là quyết định lựa chọn con đường đúng để quốc gia phát triển dân chủ – thịnh vượng – văn minh. Không chờ đến cuộc chiến tranh mềm kết thúc, thế giới sẽ rẽ ngoặc và xác lập xu hướng QCN. Chỉ có hướng này mới đi tới dân chủ, thịnh vượng, văn minh. Đó là hướng của ánh sáng, cần một cuộc cách mạng ánh sáng. Ngược lại là hướng của bóng tối, là hướng gắn chặt với nền tảng tư tưởng của TQ nên nó phá hủy  nền tảng QCN. Chờ đến hạ màn mới ra sân khấu thì đã quá trễ – sự chậm trễ đi lên chuyến tàu vận hội.

Thứ 4 ngày 7/4/2021

Trong cuộc chiến mềm, những cuộc tấn công vào nền dân chủ sẽ còn ghê gớm hơn rất nhiều những gì chúng ta đã thấy xảy ra ở Mỹ vừa rồi. Đó là những cuộc tấn công của bóng tối. Mỹ không phải là đích nhắm chiến lược của các cuộc tấn công đó, mà là ở những nước đang có hướng theo ánh sáng như Myanmar, Việt Nam. Việt Nam lại là điểm có sức lan tỏa lớn.

Khác với những trận chiến của ánh sáng tuyên bố rõ và đánh công khai vào sự phá hoại nền dân chủ; phá hoại trật tự thế giới dựa trên luật lệ; chà đạp QCN, các cuộc tấn công của bóng tối luôn lén lút; mờ ám; dối trá như đúng bản chất u tối của chúng. Thế nhưng chúng rất ghê gớm và tàn hại. Những sự khải huyền nổi tiếng trên thế giới đều nói về những cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối, rất quyết liệt nhưng chiến thắng cuối cùng luôn thuộc về ánh sáng. Cuộc chiến mềm của thời đại ngày nay thuộc về một trong những khải huyền đó.

Phát biểu nhậm chức của Tổng thống J.Biden đã kêu gọi nước Mỹ và thế giới hãy lựa chọn ánh sáng thay vì bóng tối khi nói về những thách thức mà nước Mỹ và thế giới phải vượt qua lúc này. Trong bài phát biểu này ông cũng đã nhắc tới một trong những thách thức đấy chính là sự tấn công vào nền dân chủ. Một tuần sau, ông tuyên bố tại Bộ ngoại giao Mỹ rằng: “Chúng tôi sẽ đẩy lùi cuộc tấn công của TQ vào nhân quyền”. Tuy ông ấy cũng nói Mỹ không muốn một cuộc chiến tranh lạnh mới, nhưng nếu dựa vào đó mà nghĩ sẽ không có một cuộc chiến phân định thắng bại theo kiểu chiến tranh lạnh vào thời kỳ này thì sẽ là một sai lầm lớn. Dòng chảy thời đại đã chảy tới giai đoạn phải phân rõ sáng – tối. Mỹ không chỉ đã sẵn sàng cho cuộc chiến phân định thắng bại này mà còn đã chuẩn bị tốt để chiến thắng. Một sự chuẩn bị quan trọng là thiết lập nên các liên minh đối đầu với TQ. Còn sự chuẩn bị về chính nghĩa thì Mỹ đã chuẩn bị từ thời Obama rồi. Sức mạnh tập hợp từ chính nghĩa chắc chắn sẽ đánh bại TQ trong vòng 10 năm tới. TQ không có cơ hội thắng, không chỉ vì yếu hơn về sức mạnh cứng mà còn đi ngược dòng về sức mạnh mềm mà ở đó sự chống lại QCN đánh mất chính nghĩa nặng nề nhất. Kế đó là sự thể hiện hung hăng của lòng tham chủ quyền biển, đảo, đất của nước khác đến mức bất chấp luật pháp quốc tế, như vụ bác bỏ phán quyết của PCA về đường lưỡi bò trên biển Đông.

Dù cuộc chiến mềm có thể kéo dài nhưng thời cơ để bắt kịp chuyến tàu vận hội chỉ có được trong một vài năm tới. Chiến tranh lạnh đã kéo dài khoảng 40 năm nhưng chỉ có những nước hướng đón bắt sớm ánh sáng như Hàn Quốc, Đài Loan mới lên kịp chuyến tàu Cách mạng công nghiệp 3.0 từ những năm 1950 nên mới chuyển mình vĩ đại dân tộc mình trở thành những quốc gia phát triển hiện đại như bây giờ. Còn những dân tộc bị cưỡng ép hoặc mù quáng theo bóng tối như các nước XHCN Đông Âu cùng thời đã chìm ngập trong đau thương suốt thời chiến tranh lạnh. Khi bóng tối thất bại, LX sụp đổ thì các quốc gia đó lập tức đón ánh sáng về và phát triển tốt đẹp. Nhưng đến giờ, 30 năm sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, trình độ phát triển của họ vẫn chưa thể bắt kịp Hàn Quốc, Đài Loan dù xuất phát điểm của họ trước chiến tranh Thế giới II vượt xa 2 nước này.

(Còn tiếp phần 2…)

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.