Quyền con người, tử huyệt cho giấc mơ bá quyền của Trung Quốc Thư 26A

26A-coverWP

Thiếu tôn trọng Quyền con người – giá trị mà thế giới loài người theo đuổi, sẽ là tử huyệt cho chính quyền Trung Quốc

Xuyên Mộc, 30/8/2014

Các chị và cả nhà thương mến,

Em vừa đọc lại các thư của chị Hai, chị Tư, chị Năm và chị Sáu. Kỷ niệm và hồi ức cứ tràn về. Quả thật có nhiều điều kỳ diệu đến với gia đình mình từ ngày chúng ta còn thơ ấu. Ngày xưa má hay nói nhà mình “ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh”. Nhiều thử thách ngặt nghèo tưởng chừng như không thể vượt qua nhưng cả nhà cứ từng bước thoát khỏi những đoạn đường tăm tối. Hồi nhỏ em cứ quậy phá khiến mọi người không khỏi lo lắng. Không biết thuở ấy có ai trong nhà biết được em đã nung ý chí làm rạng danh gia tộc từ khi bước vào lớp 8. Tính em vốn ít nói, cứ lẳng lặng mà làm, và cũng không hay giải thích, chia sẻ. Cứ làm ra kết quả rồi mọi người sẽ hiểu – em luôn nghĩ vậy và cho rằng cứ đi giải bày là yếu đuối. Lớn lên em cố sửa cái tính đó nhưng cũng khó mà hoàn toàn được nên hay bị hiểu lầm, thị phi, nhưng cũng chẳng màng . Có những tính cách như là một phần của định mệnh, của sứ mệnh gắn vào con người mình dẫn mình tới những chặng đường, những ngã rẽ trên một con đường mà mình phải đi hết. Dù mình có ráng sửa thế nào thì tính cách đó vẫn sẽ đột nhiên trỗi dậy trong một thời khắc để đưa mình tới một nghịch cảnh hoặc một thuận thế mà mình phải trải qua. Hiểu vậy thì cả nhà đừng quá lo lắng về những khó khăn mà em gặp phải. Con đường bằng phẳng không dẫn đến cảnh bình yên.

Quyền con người không phải để thỏa hiệp

Bình ổn phát triển trên nền tảng tôn trọng Quyền con người là giá trị thế giới gìn giữ

Bình ổn phát triển trên nền tảng tôn trọng Quyền con người là giá trị thế giới gìn giữ

Con đường đi đến thái bình cho đất nước mình và cho cả thế giới cũng vậy thôi, không thể tránh được những gập ghềnh bão táp. Các thế lực muốn tranh hùng xưng bá đang vì tham vọng ngông cuồng của mình mà gây ra các cuộc chiến cục bộ để gây bất ổn nhằm nuôi dưỡng các cơ hội bùng nổ chiến tranh. Cứ nghĩ thì thấy, nếu không bùng nổ thì Putin không có cách gì tồn tại được cả: tình trạng bị cấm vận và cô lập của nước Nga như hiện nay chỉ cần kéo dài một hai năm thì nước này sẽ kiệt quệ và người dân Nga sẽ không thể để yên cho ông ta tại vị. Tỷ dụ ông ta có lây lất được hết nhiệm kỳ vào 2018 thì cũng không kiếm đâu ra phép màu để được tái cử. Ông ta thừa hiểu số phận của mình thế nào khi ấy, giờ chẳng khác gì đồng hồ đếm ngược. Với ông ta, chỉ khi cuộc chiến ở miền đông Ucraina lan rộng và bùng nổ thì ông ta mới đánh lạc hướng được dư luận và áp lực trong nước để lợi dụng tinh thần dân tộc cực đoan mà ông ta đã tạo ra phục vụ cho sự tồn tại của mình. Do vậy không có gì ngạc nhiên khi hôm qua Nga lén lút đưa quân vào hỗ trợ lực lượng nổi dậy mở mặt trận mới ở Donets vào lúc mà lực lượng này đang bị đẩy đến đường cùng. Hơn nửa năm gây bất ổn với mục đích đẩy giá dầu khí lên cao để có thể sử dụng được món “vũ khí năng lượng” quen thuộc nhưng đã hoàn toàn thất bại, giờ Putin đang tiếp tục leo thang lên những nấc mới vô cùng nguy hiểm cho nhân loại. Hàng ngàn người đã bỏ mạng mấy tháng qua ở miền đông Ucraina bởi một chiến lược thất bại của ông ta. Nếu cuộc chiến này bùng nổ lan rộng thì cả trăm ngàn người, thậm chí là cả triệu sẽ phải chết oan uổng vì ông ta. Với những người có tham vọng bá quyền là thế, nhân mạng chẳng là gì cả, càng mất nhiều thì càng “vinh quang”. Hóa giải thảm họa này quả không phải dễ. Động binh không khéo thì NATO sẽ tạo cơ cho Putin kích động, bùng nổ cuộc chiến, dù ông ta sẽ thất bại thảm hại nhưng thế giới cũng phải nhận một thảm họa kinh hoàng. Hơn nữa kế hoạch này của Putin còn nhằm mục tiêu phân tán sức lực của Mỹ để TQ rảnh tay nuốt trọn Biển Đông.

Nguy cơ ở châu Á TBD dù hiện nay chưa nóng bằng Trung đông hay Ucraina nhưng thực ra hiểm họa tại đây lớn hơn rất nhiều. Tham vọng của Putin không có một kế hoạch được chuẩn bị công phu trong nhiều năm, ông ta chủ yếu là chộp thời cơ và đối phó tình huống. Ông ta cũng sẽ vấp phải sự chống đối quyết liệt trong lòng nước Nga nếu mở rộng chiến tranh. Một bước đi nóng vội sai lầm có thể làm ông ta bị hạ bệ. TQ thì khác, tham vọng bá quyền là của một tập đoàn cầm quyền được nuôi dưỡng và truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, chứ không phải của một cá nhân. Nó được chuẩn bị hơn nửa thế kỷ rồi với những chiến lược được tính toán rất công phu, kết hợp giữa xây dựng tiềm lực và chớp lấy thời cơ, giữa chia rẽ và lôi kéo, giữa phá hoại và giúp đỡ, giữa chủ nghĩa dân tộc và thời đại toàn cầu hóa, giữa duy trì ổn định và phá hoại hòa bình, v.v… Em gọi cái học thuyết này của Trung Quốc là “Hòa bình và Chiến tranh”. Họ biết rằng họ cần một môi trường hòa bình để phát triển kinh tế để xây dựng tiềm lực bành trướng. Nhưng họ lại thấy rằng nếu thế giới cứ hòa bình thì họ không có cách nào thay đổi được cái trật tự của nó để họ trở thành bá chủ. Do vậy họ xác định chiến tranh là thiết yếu để hoàn thành tham vọng của họ, nhưng phải rơi vào thời điểm mà họ mong muốn và nghĩ là thuận lợi nhất. Tuy nhiên, như em phân tích trong các thư trước: cơn khát dân tộc cực đoan đã phát triển đến mức mà người tạo ra nó – tập đoàn cầm quyền TQ không còn kiểm soát theo ý mình dễ dàng nữa; và cuộc chiến quyền lực dưới danh nghĩa chống tham nhũng đang quay cuồng làm cả xã hội TQ sống trong bất an, nên buộc giới chóp bu TQ phải nóng vội thúc đẩy chiến tranh hoặc ít ra là những điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành những cuộc chiến. HĐ81 là một hành động như vậy nhưng đã thất bại ê chề. Nhưng chắc chắn TQ đang chuẩn bị tung ra một đòn/trò khác không lâu nữa. Họ không bỏ cuộc và cũng không còn cách nào khác. Hiểu cái học thuyết “Hoà bình và Chiến tranh” của TQ nên em thấy rõ hiểm họa chiến tranh đối với VN mình nói riêng và châu Á TBD nói chung là rất ghê gớm, đe dọa hòa bình thế giới nghiêm trọng hơn Putin nhiều lần. TQ còn hơn Nga ở chỗ là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lại đông dân nhất nên hóa giải cái hiểm họa này khó hơn rất nhiều lần. Có rất nhiều biện pháp phải thực hiện nhưng nếu muốn tháo gỡ tận gốc các hiểm họa đó thì cái biện pháp này phải hướng đến cái đích nhắm cuối cùng là: Làm cho người TQ hiểu và thấy được một con đường khoa học dẫn họ đến sự tôn trọng của thế giới gấp nhiều lần sự tranh hùng xưng bá vốn chỉ là ảo tưởng mà chắc chắn dẫn đến thảm bại và thảm họa cho chính họ mà thôi. Việc này không phải là quá khó trong thế giới internet đang phẳng dần nếu có luận cứ khoa học không thể bác bỏ và một hình mẫu đầy thuyết phục. Một khi người dân TQ nhận ra chân lý khoa học thì tập đoàn cầm quyền TQ cũng không thể tiếp tục các học thuyết phản khoa học được nữa.

31/8/2014

Vì phản khoa học nên ảo tưởng. Họ cho rằng họ có thể kiểm soát chiến tranh ở mức mà sức mạnh của họ đủ khống chế các nước nhỏ nhưng chưa đủ khiến các nước lớn can dự hoặc không đủ cớ để ngăn cản họ. Họ củng cố niềm tin này của mình bằng sức mạnh kinh tế, cho rằng các nền kinh tế trên cả thế giới nhất là Mỹ và EU không dại gì đánh đổi lợi ích kinh tế với TQ để bảo vệ các nước nhỏ bị TQ xâm phạm. Nhưng họ không hiểu rằng các lợi lớn nhất và lâu dài mà thế giới tiến bộ tin tưởng và bảo vệ tới cùng chính là tự do và quyền con người – nền tảng của hòa bình, thịnh vượng và văn minh cho nhân loại. Do vậy nhân loại tiến bộ sẽ không làm ngơ chứ đừng nói là đánh đổi để các thế lực bá quyền xâm phạm tự do, QCN của bất kỳ ai để lấy cái lợi ích kinh tế ngắn hạn. Bài học nước Nga đang bị cấm vận kinh tế hiện nay chứng minh rõ điều đó. Những lợi ích kinh tế trực tiếp từ Ucraina mà Mỹ, EU, Nhật, Úc, Canada có được là cực kỳ nhỏ, chẳng thấm vào đâu so với những thiệt hại mà các nước này không thể tránh khỏi khi trừng phạt kinh tế Nga. Nhưng họ vẫn làm để bảo vệ các giá trị căn bản của họ và của cả nhân loại. Nga thì đã thấm đòn nhưng vẫn chưa tỉnh. TQ vì không muốn chết chìm cùng Nga nên cũng chẳng giúp gì được ngoài việc hà hơi hô hoán rằng Nga và Ucraina là nạn nhân của cuộc chiến ý thức hệ Đông – Tây, một kiểu nhuốm màu sắc chính trị để kéo bè phái. Mà TQ cũng nghĩ như thế thật, họ bị ám ảnh bời những thứ màu sắc như vậy. Vì thế mà họ sai lầm và sẽ thất bại. Chẳng có thứ ý thức hệ nào mà phương Tây phải bằng mọi giá mà bảo vệ cả. Ở thế giới này ý thức hệ tư tưởng, v.v… là thiên hình vạn trạng, là tự do và thậm chí đối nghịch nhau. Tả có, hữu có; cực tả cực hữu cũng có; cộng sản có, tư bản có: XHCN, Dân chủ xã hội đều có,v.v… Tất cả đều có thể cầm quyền hoặc gây ảnh hưởng lên sự vận động của xã hội. Không có một nhà nước quốc gia hoặc liên hiệp nào có thể bảo vệ cho một hoặc tất cả các ý thức hệ như vậy. Ví dụ như cuộc bầu cử Quốc hội Châu Âu mấy tháng trước, dù xu thế phổ biến của xã hội Châu Âu nói chung và EU nói riêng là không ủng hộ các xu hướng cực đoan, nhưng các đảng cực hữu và cực tả vẫn giành được đáng kể số ghế trong quốc hội mới.

Điều duy nhất mà các nhà nước quốc gia và nhà nước liên hiệp (như EU, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) trong thế giới tiến bộ, văn minh bảo vệ là các giá trị cốt lõi để tạo nên nền tảng căn bản cho xã hội vận hành tự do và ổn định. Các giá trị đó chính là tự do và QCN – những giá trị quan trọng và cốt lõi nhất. Vì không hiểu hoặc không chịu hiểu như vậy nên cả Putin và tập đoàn cầm quyền TQ mới phạm sai lầm, đem cái lợi ra mà dụ phương Tây làm ngơ để mình mặc sức cường quyền, cá lớn nuốt cá bé, xem sinh mạng và tự do của các dân tộc nhỏ là những khẩu phần chia đều cho các con cá mập. Vậy nên mới có chuyện nực cười là các quan chức ngoại giao TQ nói với John Kerry rằng tự do hàng hải là đặc quyền của các nước lớn ban phát cho các nước nhỏ và đề nghị Mỹ hợp tác với TQ để chia phần cái “bánh tự do hàng hải”. Cũng may, nếu John Kerry là Sergei Lavrov thì Biển Đông mình tan nát rồi.

Quy luật tự nhiên, các nguyên tắc khoa học luôn là chân lý phát triển

Thế kỉ 21 - thế kỉ của cạnh tranh của những quy luật khoa học. Không phải thời bành trướng bằng bạo lực

Thế kỉ 21 – thế kỉ của cạnh tranh của những quy luật khoa học. công nghệ mới. Không phải thời bành trướng bằng bạo lực

Lại cũng chính vì phản khoa học nên TQ cũng không nhìn được xu thế của kinh tế thế giới sẽ thay đổi như thế nào trong 30 năm tới, nên họ ảo tưởng vào sức mạnh kinh tế của mình. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ sắp tới của thế giới sẽ thay đổi căn bản các mô hình kinh tế toàn cầu. Các cỗ máy kinh tế năng suất thấp, tiêu tốn năng lượng quá mức như TQ hiện nay sẽ bị đào thải nhanh chóng. Nếu không tỉnh táo tập trung chuẩn bị ngay từ bây giờ thì không quá hai thập kỷ nữa thì cái cỗ máy ấy sẽ hoen rỉ, cộc cạch. An sinh của cả tỷ người sẽ bị đặt vào thách thức nghiêm trọng. Trong thế giới đang phẳng dần, tác động của khoa học công nghệ rút ngắn đến 1/10 thời gian tương tự cần thiết mà cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hồi đầu thế kỷ 19 đã tạo ra ảnh hưởng. Cứ nhìn vào “vũ khí – khí đốt” của Putin và nước Nga thì rõ. Quả là Putin đã từng làm mưa làm gió với cái “nỏ thần” ấy và ông ta sẵn sàng chi rất nhiều tiền và ngốn bao nhiêu nhân mạng cũng được miễn là gây được bất ổn để tăng giá dầu khí lên càng cao càng tốt. Vào thời của Bush con làm tổng thống Mỹ, Nga đã từng cắt nguồn khí đốt cho Châu Âu khiến Bush phải xuống nước và làm ngơ cho Putin thực hiện nhiều sai trái. Nhưng Putin không thấy và cũng không dám thấy rằng công nghệ tầng đá phiến đã được Mỹ cho ra đời và sẽ đảo chiều dòng chảy dầu khí. Nên ông ta vẫn cứ mơ mộng về cái “nỏ thần” của mình. Nhưng lần này càng bắn nỏ thì giá dầu lại càng xuống. Thế giới chẳng ai thấy bất an vì giá dầu để ông ta kích động cả. Có bất an chăng chính là Putin và những người dân Nga bị chính sách của ông ta làm cho khó khăn. Quả thật ông ta đang mất tinh thần, ấy thế mà hôm qua mới xuất hiện trên truyền hình toàn thế giới đe dọa trả đũa bằng vũ khí hạt nhân. Em dám nói rằng thời gian của Putin chỉ còn tính bằng tháng sau tuyên bố hạt nhân này. Ông ta đã tự tách một mình khỏi nước Nga và đe dọa an nguy của mấy tỷ người yêu hòa bình trên toàn thế giới. Thời Liên Xô có lúc ngông nhất cũng chưa bóng gió đe dọa bằng sức mạnh hạt nhân. Làm như vậy là tự đánh mất mọi chính nghĩa (dù chỉ trên danh nghĩa) của mình trước toàn nhân loại. Hãy xem Bắc Triều Tiên từ khi họ đe dọa tấn công Nhật, Hàn, Mỹ bằng vũ khí hạt nhân thì biết thế giới này nhìn họ như thế nào. Cứ sau mỗi lần đe dọa là đặt điều kiện đòi viện trợ nên thế giới mới gọi chính quyền nước này là kẻ ăn vạ quốc tế, giống như nhân vật Chí Phèo của VN mình vậy.

Nhưng thực ra những đe dọa của Triều Tiên là từ TQ. Vì cùng có bản chất bá quyền như Putin nên tập đoàn cầm quyền TQ cũng có nhu cầu đe dọa tương tự. Tuy nhiên TQ khôn ngoan hơn và cũng chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nên không dại gì mà ra mặt, nên lén lút nuôi dưỡng những chính quyền như Bắc Triều Tiên để làm điều đó. Việc này cũng để phục vụ cho học thuyết “Hòa bình và Chiến tranh” của TQ: vừa giữ bộ mặt “trỗi dậy hòa bình” để phát triển kinh tế, vừa nuôi dưỡng các nền móng; ngòi nổ chiến tranh để sử dụng vào thời điểm thích hợp. Chỉ đáng thương cho người dân Bắc Triều Tiên. Nếu VN mình không có cuộc đổi mới kinh tế hồi 1986 để tự chủ thì dân ta giờ này cũng chẳng khác gì. Dân tộc VN có sứ mạng mà

Nhưng đây là sứ mạng khoa học, chứ không phải cái kiểu thuyết thiên mệnh mà tập đoàn cầm quyền TQ tự huyễn hoặc mình và huyễn hoặc dân mình. Năm 2008 em có nói chuyện với một ông giáo sư TQ, một người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc cực đoan của chính quyền TQ. Ông ấy làm em cực kỳ ngạc nhiên khi bảo rằng vào lúc nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tròn 100 tuổi (tức vào năm 2049) thì TQ đã là một Đế chế (nguyên văn là the empire state). Có 18 chư hầu trên toàn thế giới. Em hỏi ông ấy định nghĩa rõ chư hầu là như thế nào thì được trả lời rằng đó là mô hình thời nhà Chu ở TQ cách đây 3000 năm: thiên tử là vua nước Chu là trung tâm của vũ trụ và được các nước chư hầu thần phục. Ông ta nhấn mạnh thêm là mô hình này về sau được Tần Thủy Hoàng phát triển thành nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở TQ, áp đặt sự kiểm soát quyền lực trên toàn cõi trung Nguyên và ép buộc các nước láng giềng nhỏ ở xa làm chư hầu thần phục thiên tử là hoàng đế TQ. Em hỏi 18 nước chư hầu đấy gồm ai? Ông ta trả lời rằng: “Thì gồm những nước vốn có trong lịch sử (nguyên văn là inhereitly historical) như VN, Triều Tiên, Nhật, Mông Cổ…. và nhiều nước mới nhưng thiên cơ bất khả lộ”. Em hỏi thêm là “quan điểm này là của cá nhân ông ta hay của giới cầm quyền TQ”. Ông ta không trả lời thẳng mà lòng vòng, ngụ ý, ám chỉ để mình hiểu rằng đây là một niềm tin từ một thuyết thiên mệnh. Nó trao chân mạng “thiên tử” cho một tập đoàn ưu tú (nguyên văn là elitism) của TQ để hoàn thành “sứ mạng thiêng liêng” đưa TQ thành bá chủ thế giới. Và nó đã được thấm nhuần bởi các “thế hệ ưu tú” từ thời lập quốc đến giờ, liên tục thay nhau thực hiện. Ông ta cố ngụ ý rằng các thế hệ ưu tú đó chính là thường trực BCT (gồm 9 người) của ĐCSTQ. Em hỏi mô hình “TQ và 18 chư hầu” này có phải là mô hình CNXH đặc sắc TQ không, thì ông ta bảo: “hai cái này khác nhau nhưng tuy hai mà một” . Em biết là ông ta đuối lý. Em không chắc cái tư tưởng bệnh hoạn (hoang tưởng và phản khoa học) này của ông ấy có phải xuất phát từ tập đoàn cầm quyền TQ không. Nhưng bản chất của nó không khác gì các học thuyết ảo tưởng phản khoa học của chính quyền TQ lâu nay cả.

Nhưng điều làm em cực kỳ ngạc nhiên không phải ở chỗ này, em không lạ tham vọng điên cuồng của chính sách bá quyền TQ. Mà ở chỗ em đã nhiều lần nghe về ảo vọng tương tự như vậy ngay tại VN mình. Không biết tự bao giờ mà khá nhiều người diễn giải câu sấm” “Thập bát chư hầu an lạc quốc” nghĩ là VN sau này sẽ thành bá chủ, đổi tên nước là An Lạc và có tới 18 chư hầu. Chẳng chịu thua gì TQ cả?! Có người còn bảo lúc đó TQ sẽ là chư hầu chịu VN sai khiến. Em hỏi làm cách nào thì hầu hết đều trả lời đó là thiên cơ, không thể khác và không thể lộ. Điều kỳ lạ là tất cả họ đều tin và mong có 1 cuộc đại chiến thế giới nữa sẽ nổ ra theo kiểu “mười phần chết bảy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình”. Họ bảo khi ấy chỉ có những người rất đức hạnh mới còn tồn tại và xây dựng lại một thế giới khác. Những người đó chủ yếu là ở VN và là những người được Trời chọn. Em nói với họ rằng nếu chiến tranh như vậy nổ ra thì vũ khí hạt nhân sẽ hủy diệt nhân loại này, đến cả trăm năm sau cũng chưa khôi phục được lại thể chất cũ và thế giới sẽ bị đẩy lùi lại ít nhất 3/4 thế kỷ. Nhưng riêng VN thì phải hơn 1 thế kỷ, lấy đâu ra sức lực và cơ may để tồn tại, nói gì làm bá chủ. Em khuyên họ hãy suy nghĩ khoa học để đừng mong muốn chiến tranh mà hãy nỗ lực vì hòa bình và tìm con đường đi bằng hòa bình để VN vươn lên. Hầu hết thường khó chịu và bảo em thiếu đức tin nên không nhìn được thiên cơ… Có nhiều người còn mê tín đến mức nỗ lực giải sấm để đi tìm kiếm 1 người có chân mạng thiên tử để phò tá. Nghe đâu có người biết thế nên đã xưng mình là thiên tử rồi. Điều ngộ nghĩnh là trong những người mê tín và huyễn hoặc như vậy không ít những thạc sĩ, tiến sĩ. Rõ ràng là khi bị tham vọng điên cuồng thì tâm trí người ta u tối không thể tiếp cận được khoa học, mê tín; cực đoan là điều không thể tránh khỏi dù họ có học vị hay không, quyền lực hay không. Dù họ ở TQ hay VN thì bản chất của tham vọng đó là không thay đổi, vẫn là thích dùng vũ lực áp chế người khác để mình đạp lên và ngoi lên, thích và cần chiến tranh. Dù ở Âu ở Mỹ cũng vậy thôi nêu không có một con đường khoa học.

“Thiên tử” trong thế kỉ 21

1/9/2014

Em nghe những câu chuyện “Thập bát chư hầu an lạc quốc” ở VN từ những năm 2000-2002 và cảm thấy rất nhảm nhí. Nhưng đến khi em gặp cơ duyên để dẫn tới nghiên cứu sấm vào năm 2005 thì em lại nhận được những thông tin rất quý giá từ thông điệp này để xây dựng một con đường khoa học. Vào thời đại này mà còn diễn giải chư hầu là nước phiên thuộc phải thần phục thiên tử là một người hay nhóm người nào đó. Suy nghĩ như thế vừa phản khoa học vừa đi ngược lại lịch sử, vừa là một tư duy lệ thuộc, trông đợi. Như em đã viết trong thư 23A, thiên tử phải được hiểu một cách khoa học là những quy luật của vũ trụ, của Tạo hóa. Hay nói một cách hình tượng: quy luật là những đứa con của Trời, chứ không phải của con người. Con người chỉ có thể phát hiện và hiểu biết về quy luật chứ không có cách nào thay đổi được quy luật cả. Nói cách khác, quy luật là sự tồn tại khách quan trong trời đất và vượt lên trên mọi ý muốn chủ quan của con người. Cũng có thể hiểu một cách dân gian là Trời chi phối mọi sự vận hành của muôn loài trong vũ trụ bằng các quy luật, chứ không phải bằng những con người có “chân mạng thiên tử” nào cả, cũng không phải bằng những phép màu hô biến. Con người hiểu và áp dụng đúng quy luật thì phát triển, không hiểu thì suy thoái. Chỉ có khoa học mới giúp con người hiểu và áp dụng được quy luật mà thôi. Con người mà cho mình là con trời rồi áp đặt những quy tắc chủ quan của mình thì chỉ gây ra thảm họa và sự lùi tàn nhanh chóng. Tóm lại, thiên tử là quy luật của Tạo hóa. Cái gì của Tạo hóa thì con người không thể thay đổi. Quyền con người là cũng của Tạo hóa. Nhân loại đã thừa nhận như vậy: “Tạo hóa ban cho con người các quyền bất khả xâm phạm…” Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 cũng tái khẳng định như thế. Nói cách khác: Quyền con người cũng là quy luật và còn là quy luật quan trọng nhất, căn bản nhất chi phối sự vận hành của xã hội loài người. Hiểu đúng và áp dụng đúng quy luật QCN thì xã hội loài người phát triển tốt đẹp, và ngược lại. Hiểu đúng tức là hiểu một cách khoa học, không khoa học thì sẽ vi phạm quy luật này – tức xâm phạm QCN. Những sự chậm tiến trong thế giới ngày nay có nguyên nhân chủ yếu từ sự thiếu hiểu biết quy luật QCN như vậy.

Từ mô hình “chư hầu – thiên tử” đầu tiên vào thời nhà Chu TQ như nói trên (các nước cùng thần phục một thiên tử), ta có thể hiểu nột cách khoa học câu sấm “Thập bát chư hầu an lạc quốc” có nghĩa là cộng đồng gồm 18 quốc gia có cùng một tôn chỉ tối thượng là “Tôn trọng và bảo vệ trên hết QCN” Tôn chỉ này chính là “thiên tử” mà 18 “chư hầu” này tôn thờ (thần phục) chứ không phải là chịu sự sai khiến của một người, một nhóm người hay một nước nào tự xưng bá chủ cả. Nói một cách hình tượng: chỉ có QCN – quy luật của Tạo hóa – mới được ở ngôi thiên tử, chứ không phải là một người, một tổ chức, một quốc gia nào cả. Một cộng đồng như vậy sẽ là một môi trường lý tưởng cho khoa học phát triển và trao cơ hội công bằng cho mọi cá nhân, dân tộc. Ai nỗ lực chính đáng để tạo nên thành tựu tốt đẹp thỉ sẽ được tôn trọng, ai không may mắn và khó khăn thì sẽ được chia sẻ và tương trợ. Chẳng kẻ nào có thể cường quyền, cá lớn nuốt cá bé, xưng hùng tranh bá, mơ mộng bá chủ được. Vì vậy mà cộng đồng thế giới này mới “an lạc” – một cảnh thái bình thịnh trị. Đặt tên An Lạc cho một quốc gia muốn làm bá chủ sai khiến dân tộc khác thì thật là mỉa mai. Viễn cảnh về một cộng đồng an lạc như vậy cũng được chỉ dẫn trong các thông điệp được giải mã từ Sấm Trạng Trình và huyền sử Lạc Hồng. Dịp khác em sẽ viết kỹ hơn. Nhưng chắc là các chị đã có thể liên tưởng đến con số 18 đời vua Hùng (hay Lạc vương) với 18 quốc gia trong cộng đồng này. Còn nhiều chi tiết khác rất thú vị . Từ những thông tin khác giải mã được, vào cuối năm 2005 em đã đoán rằng đến giữa thế kỷ này sẽ có một Cộng đồng Châu Á Thái Bình Dương, tương tự như Cộng đồng Châu Âu hiện giờ vậy, bao gồm 10 nước thuộc ASEAN và 8 nước nữa gồm Mỹ, Nhật, Hàn Quốc (đã thống nhất với Bắc Triều Tiên), Australia, New Zealand, Ấn Độ, Trung Quốc và Nga. Nghe rất khó phải không? Nhưng cái gì đã thuận theo quy luật rồi thì nó sẽ san phẳng các chướng ngại với một sức mạnh và tốc độ mà bình thường những người chưa vượt qua được những rào cản trong chính con người mình không thể hình dung nổi. Một con đường khoa học sẽ giúp loài người khai ssáng tâm trí mình để vượt qua những rào cản đó rất nhanh chóng. Đây chính là đề tài mà em đang trao đổi với các cháu: Làm sao để khai sáng. Với sự hỗ trợ của internet thì con đường này sẽ rút ngắn đến 1/10 so với cách đây hơn 200 năm lận đó .

Ngày 28/8 vừa rồi nhà mình có xem tin tức về Diễn Đàn Biển ASEAN mở rộng tổ chức ở Đà Nẵng không? Có 18 nước tham dự cũng chính là 18 nước em kể ở trên đó. Còn rất nhiều khác biệt lớn về cách tiếp cận nhưng tất cả phải thừa nhận rằng họ cần một cộng đồng hàng hải tự do, an toàn, ổn định để phát triển và tất cả đều có những lợi ích chung trên vùng biển Châu Á TBD này. Em nhìn thấy từ đây một tiền đề quan trọng để 18 nước này tiến dần đến hình thành một cộng đồng chung. Khi nào mà các quan điểm khoa học được thừa nhận rộng rãi vì không thể bác bỏ thì nó sẽ tiến rất nhanh. Trọng trách đang thuộc về các nhà khoa học. Mỹ xoay trục trở lại Châu Á TBD vì đã nhìn thấy dòng chảy tất yếu theo quy luật. Ấn Độ cũng đã xác định chính sách hướng đông tích cực với sự xác định VN là ưu tiên 1. Năm 2007 em nói chuyện với một tiến sĩ Mỹ gốc Ấn. Ông ấy nhận định rằng Châu Á TBD muốn phát triển hòa bình thịnh vượng, loại trừ vĩnh viễn được chiến tranh thì phải hình thành được một cộng đồng chung bao gồm tất cả các nước lớn như Mỹ, TQ, Nga, Ấn và các nước nhỏ khác như Nhật, Hàn, ASEAN, Australia,… (ông ấy liệt Nhật vào nước nhỏ J). Ông ấy không liệt kê đủ 18 nước khác như trên, nhưng điều rõ ràng là nếu một cộng đồng của Châu Á TBD thì không thể thiếu các nước đó. Ông ấy không biết gì về sấm nhưng những gì ông ấy mô tả về cộng đồng này không khác lắm những gì em mô tả ở trên cả. Những gì được nhìn một cách khoa học thì đều giống nhau dù từ những góc độ khác nhau. Em hỏi ông ấy dự đoán thế nào về vai trò của VN trong cộng đồng này thì ông ấy bảo chưa bao giờ đến VN nên khó mà nói chính xác. Nhưng so sánh những người Việt mà ông ấy quen biết và những người nước khác thì ông ấy tin rằng VN sẽ có vai trò nổi bật. Em hỏi thêm là ông ấy thấy giá trị nổi bật của người VN là gì thì được trả lời là thông minh nhưng không thích tranh chấp , người Ấn thì rất hay tranh chấp. Em rất đồng ý với ông ấy. Không tranh chấp sẽ là 1 giá trị quan trọng để đạt được trạng thái cân bằng để nhận khai sáng mà em sẽ trao đổi với các cháu. Nhờ vậy mà VN sẽ là điểm cân bằng, giữ vai trò quan trọng trong việc giữ cân bằng làm ổ định khu vực.

Cộng đồng ASEAN đang hình thành, là một bước đi cần thiết nhưng chưa đủ để đảm bảo hòa bình, thịnh vượng cho chính mình và cả khu vực Châu Á TBD. Dù ASEAN ngày càng thể hiện được vai trò tạo nên các diễn đàn và kết nối đa phương trong khu vực khá hiệu quả nhưng bất ổn vẫn cứ xảy ra và nguy cơ bùng nổ xung đột vẫn ngày càng lớn. Vai trò của Mỹ và một liên minh quân sự phòng vệ tập thể PATO (em tạm gọi tên là như vậy, nó giống như NATO cho Châu ÁTBD vậy) là quan trọng và cần thiết để ngăn ngừa sự đe dọa vũ lực và sử dụng vũ lực của TQ. Nhưng nó không giúp giải quyết được tận gốn những nguyên nhân của chiến tranh, tháo hẳn các ngòi nổ. Nó sẽ giống như NATO và Nga hiện nay ở Châu Âu vậy, dù đã ký kết bao nhiêu hiệp định vì hòa bình thì sự bất ổn vẫn cứ dai dẳng, chiến tranh cục bộ vẫn cứ xảy ra. Dù những cuộc chiến đó không thể xảy ra trên đất của NATO nhưng việc Nga đánh Grudia (Georgia), đe dọa các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, rồi mới đây là Ucraina vẫn gây ra những thảm họa cho những nước này đồng thời tác động tiêu cực đến cả Châu Âu và thế giới nói chung. EU và NATO phải tốn rất nhiều nguồn lực vì những xung đột như thế. Bài học này mà không thể ổ định và hòa bình bền vững. VN mình sẽ nắm được tầm nhìn này và biến nó thành cơ hội phất cờ thúc đẩy việc hình thành nên một Cộng đồng Châu Á TBD, đồng thời với tự thúc đẩy mình phát triển một cách khoa học dựa trên nền tảng là “Tôn trọng và bảo vệ trên hết QCN”. Lúc đó VN sẽ phát triển bùng nổ và được Cộng đồng tôn trọng, tự nhiên sẽ trở thành một hình mẫu đầy thuyết phục cho TQ đi theo một con đường khoa học như em viết ở đoạn đầu để tháo tận gốc cái ngòi nổ hiểm họa cho thế giới. Nước Nga sẽ dễ hơn TQ vì các vấn đề chủ yếu xoay quanh cá nhân ông Putin. Con đường khoa học của VN sẽ thuyết phục cả thế giới, thúc đẩy sự tiến bộ và bảo đảm hòa bình cho nhân loại. Những năng lượng hận thù, tham vọng khổng lồ nếu không được chuyển hóa tích cực, khoa học thì chúng sẽ biến thành nguồn năng lượng hủy diệt. Dù là hủy diệt chính mình nhưng chúng vẫn gây ra những thảm họa kinh hoàng cho người khác. Trong lúc mà chúng chưa phun trào thì chúng sẽ được tích chứa ở nhiều dạng thức khác nhau đủ gây mất ổn định, bất an triền miên cho nhân loại. Càng bị kìm nén thì sức phun trào của chúng càng kinh khủng và không thể tránh khỏi, không sớm thì muộn. Thế giới chỉ hòa bình lâu bền để cùng nhau thịnh vượng, an lạc khi chúng được chuyển hóa khoa học thành năng lượng xây dựng. Nếu không làm được thì thế hệ của chúng ta có thể tránh được một thảm họa giết người tàn khốc nhất nhưng lại đẩy nó qua cho thế hệ con cháu chúng ta lãnh đủ. Chỉ một trận động đất 6 độ Richter ở vịnh San Francisco thôi cũng đã khiến mình lo lắng cho Bin và Trâm đang theo học ở bờ Tây nước Mỹ. Một cuộc chiến thảm khốc nổ ra thì hàng triệu người phải chết và hàng tỷ người phải sống trong bất an lo sợ cho mình và những người thân của mình đến mức như thế nào? Những nỗi đau như vậy hàng trăm năm vẫn chưa lành sẹo.

Vai trò Việt Nam với con đường khoa học của mình

2/9/2014

Con đường khoa học của VN vì vậy mà cũng là một sứ mạng thiêng liêng. Một sứ mạng đã được thế giới siêu thực gửi gắm cho dân tộc Lạc Hồng từ ngày khởi thủy. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có một huyền sử như vậy đâu. Nhưng đó không phải là thứ thiên mệnh huyễn hoặc, trông chờ thụ động. Chính lối suy nghĩ này đã làm dân tộc mình phản khoa học nên chậm tiến mấy ngàn năm rồi. Nhưng cái gì đã tồn tại thì đều có lý do và nhiệm vụ để tồn tại, nên đều có giá trị. Chỉ cần xoay góc nhìn phù hợp với dòng chảy của thời cuộc một cách khoa học thì có những cái trước đây bị chê thì bây giờ trở nên đắt giá. Có những tính cách của dân tộc Lạc Hồng màncác dân tộc khác trên thế giới không có và chính chúng sẽ trở thành những giá trị quan trọng cho VN thực hiện sứ mạng khoa học thiêng liêng của mình trong giai đoạn lịch sử này. Em sẽ trao đổi chi tiết với các cháu về đề tài tính cách Lạc Hồng. Đây cũng chính là cách để chuyển hóa năng lượng hiệu quả. Người ta có thể thay đổi nhanh kiến thức rồi dẫn đến thay đổi nhận thức trong thời gian một thế hệ. Nhưng thay đổi tính cách thì có khi cả đời không làm được cho một người. Tính cách của một dân tộc thì sẽ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó chỉ có thể thay đổi khi căn bản bản chất của môi trường sống thay đổi – Tức là điều kiện vật chất thay đổi thì điều kiện ý thức mới thay đổi. Nhưng trong lịch sử VN mình mấy ngàn năm, đã có không biết bao nhiêu lần giới cầm quyền đã chủ quan áp đặt quyền lực nhằm thay đổi tính cách của dân tộc này nhưng đều thất bại bất chấp có một vài mục đích tốt đẹp trong những lần đó. TQ đô hộ, cả ngàn năm đồng hóa nhưng người Việt vẫn cứ là người Việt với những tính cách Việt bị cho là lạc hậu, thậm chí là man di. Những lần khác, giới cầm quyền là người Việt có tinh thần dân tộc với những mong muốn thay đổi tốt đẹp nên áp đặt . Kết quả tạo ra những phản ứng tính cách còn xấu hơn trước. Cách làm như vậy không khác gì cố gằng bơi ngược dòng chảy, không đi đâu xa được mà còn bị đẩy lùi và mật hết sức lực. Biết chọn dòng chảy thích hợp với giá trị của mình và hòa mình theo nó thì chúng ta sẽ đi được rất xa nhờ chính năng lượng của nó. Hơn nữa khi thuận dòng chảy thì chúng ta sẽ phát hiện ra được nhiều quy luật của nó vì bản chất của dòng chảy là thuận theo quy luật, không thuận thì không chảy được. Một khi đã hiểu quy luật thì chúng ta sẽ tạo ra được những nguồn năng lượng khổng lồ để bùng nổ phát triển ở mức độ mà những người bơi ngược dòng không thể hình dung nổi. Khi đó môi trường sống sẽ được c ải thiện tốt đẹp, tính cách con người/dân tộc cũng sẽ tự điều chỉnh tốt đẹp phù hợp với dòng chảy tự nhiên, tiền nhanh đến sự văn minh.

Sáng sớm nay em nghe đài Tiềng nói VN (VOV) đưa tin là Ngoại trưởng John Kerry gửi điện mừng quốc khánh VN và nhấn mạnh rằng quan hệ VN – Hoa kỳ sẽ phát triển tới mức độ mà nhiều người không dự đoán được. Đây không phải là ý muốn chủ quan của Mỹ đâu, mà là sự thể hiện của một dòng chảy tự nhiên đó. Hòa mình theo dòng chảy này VN sẽ cộng hưởng được năng lượng không chỉ của Mỹ mà của toàn nhân loại tiến bộ, từ đó tổng hợp một cách khoa học để chuyển thành siêu năng lượng khổng lồ cho mình phát triển. Thời cơ của dòng chảy này đã đến, tức là năng lượng của vũ trụ – của Tạo hóa đã tập trung vào nó. Không có một thế lực nào của con người – của ý chí chủ quan nào đủ sức ngăn cản dòng chảy đó được đâu. Nó sẽ san phẳng mọi chướng ngại trên đường đi của mình. Thế giới sẽ phẳng hơn trong quá trình đó. Rồi Nga, TQ cũng phải theo dòng chảy này thôi, chỉ trong một vài thập kỷ thôi. Lịch sử đang trao vận hội cho VN vượt lên trước và phất ngọn cờ mà cả hai này đều đã không hoàn thành sứ mạng. Ngọn cờ mới phải khoa học và tiến bộ, không tranh chấp ngôi vị, không nhuốm màu chính trị và không bè phái. VN được thế giới tôn trọng, thịnh vượng và văn minh là nhờ những cái này đó.

VN đã bắt đầu xuất hiện nhiều dấu hiệu chuyển mình không thể đảo ngược để xuôi theo dòng chảy tự nhiên. Sáng nay VOV cũng có một bài về ngày 2/9 khá hay, kêu gọi xóa bỏ định kiến thành phần, giáo điều, vượt qua những thế lực đen để tiến tới xu thế của thời đại. Em chắc rằng không có gì cản nổi dân tộc ta nữa. Ai cản trở sẽ phải trả giá đắt bởi bánh xe lịch sử. Trên bình diện quốc tế cũng vậy. Những sai lầm vì tham vọng điên cuồng của Nga và TQ từ đầu năm đến nay đang trao chính nghĩa cho nhân loại tiến bộ và tạo nên một nhu cầu cấp thiết phải thúc đẩy dòng chẩy này lớn mạnh nhanh chóng. PATO chưa hình thành nhưng Nhật – Úc, Nhật – Ấn đã tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh và cả kinh tế, chính trị để đối phó với những nguy cơ chung mà họ chẳng cần phải nói tránh là TQ. ASEAN đã tỏ rõ thái độ độc lập và vai trò trung tâm của mình đối với các vấn đề quốc phòng, an ninh của khu vực. Chỉ trong năm nay thôi sẽ có thêm nhiều hợp tác đa phương, song phương tương tự để đối phó với cùng một nguy cơ. TQ và Nga không còn chút cơ hội nào để làm điều tương tự ở khu vực Châu Á TBD. Giờ chỉ còn tìm cách phá VN thôi. Cái hợp tác của họ trong Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) hiện giờ không có ý nghĩ chiến lược. Ở Đông Âu, NATO đã có đủ chính nghĩa để tăng cường lực lượng áp sát và kiềm chế Nga. VTV lúc nãy đưa tin NATO nói Nga vi phạm hiệp định đã ký với NATO năm 1997 nên Tổ chức này đang tổ chức các lực lượng phản ứng nhanh bảo vệ các nước Đông Âu. Với lời đe dọa hạt nhân của Putin mới đây, NATO hoàn toàn có thể triển khai một kế hoạch ngăn ngừa nguy cơ này để sự liều lĩnh động thủ nếu có thì các vụ bắn hạt nhân sẽ không đi ra khỏi được nước Nga. Nếu NATO làm vậy thì sẽ được sự ủng hộ của cộng đồng thế giới, còn Putin sẽ bị lên án ngay chính trong lòng nước Nga. Người dân Nga sẽ phải lựa chọn sự an toàn. Putin đã xóa sạch mọi thành quả Elsin đạt được với NATO từ 1997.

Ở Trung Đông, Mỹ và EU đang tập hợp một liên minh quốc tế để tận trừ nhà nước Hồi giáo (IS), Sự dã man của chúng đã tạo ra một chính nghĩa không thể rõ ràng hơn để nhân loại tiến bộ phải diệt trừ chúng. Liên minh này đang tập hợp nhanh chóng, Đức sẽ đóng vai trò tích cực nhất sau Mỹ, cả Úc cũng đã tham gia vào. TQ và Nga chắc không tham dự nhưng cũng không dám phản đối. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải chờ cho Chính phủ mới ở Iraq (sau Maliki) củng cố lại lực lượng và sự đoàn kết với tất cả người Kurd, Shiite, Sunni để có một quân đội đủ mạnh chứ không hèn nhát như thời Maliki. Khi đó em tin rằng Mỹ và NATO, có thể có cả Israel sẽ mở một chiến dịch không kích quy mô không thua gì chiến dịch Bão táp Sa mạc đánh Saddam Hussein năm 1991 để giải phóng Kweit, Mỹ sẽ không đưa bộ binh trở lại, chính quân đội Iraq sẽ phải đảm trách việc đổ quân đánh bại IS và lấy lại lãnh thổ. Iran đã hợp tác vớ Iraq chuẩn bị cho việc diệt trừ IS. Việc không kích sẽ mở rộng tới cả những vùng đất Syria bị IS chiếm đóng. Có lẽ chỉ một vài tháng nữa thôi, chiến dịch này không chỉ tối cần thiết, mà còn là một cơ hội, Mỹ không thể không làm. Các chị có nhớ hồi 1991, đánh xong Saddam thì mấy tháng sau Liên Xô tan rã không? Em có cảm giác lịch sử sẽ lập lại đó. Ai mà nghĩ rằng vì IS mà Mỹ phải quay lại trung Đông và không xoay trục được qua Châu Á TBD thì thật là ngây thơ đó. Nga và TQ hy vọng như thế, họ mong Mỹ sẽ sa lầy trở lại Trung Đông. Nhưng ngay cà Mỹ cũng không dám đi khác dòng chảy tự nhiên đâu. Hy vọng như vậy chỉ là tự trấn an mình thôi. Tự tin thì không cần phải trấn an.

4/9/2014

Em vừa đọc một bài viết rất hay của ông Phạm Bình Minh đăng trên báo Nhân dân 2/9/14: ” Độc lập, tự chủ – Định hướng và nguyên tắc bất biến của đối ngoại VN”. Tư duy của ông ấy thật sắc bén. Lâu lắm rồi em mới đọc được một chiến lược ngoại giao có tầm nhìn như vậy. Những gì được nhìn bằng khoa học thì đều dẫn đến kết quả như nhau dù từ góc độ khác nhau. Tầm nhìn chiến lược đối ngoại này chắc chắn sẽ dẫn VN hội nhập vào dòng chảy tự nhiên mà ông ấy xác định đó là sức mạnh của thời đại. Hay hơn nữa là tầm nhìn này định hướngchính sách chủ động của VN, không chỉ tham gia vào các xu thế của dòng chảy mà còn tích cực thúc đẩy kiến tạo chúng. Các xu thế mà ông Minh đề cập cũng rất chiến lược, như cách mạng khoa học công nghệ; thúc đẩy tiến bộ xã hội, quá trình xây dựng thể chế và kiến trúc điều tiết quan hệ quốc tế. Đây chính là những công việc của lái tàu, của thuyền trưởng trên chuyến tàu vận hội xuôi theo dòng chảy tự nhiên của lịch sử đó. 🙂 VN mình không những bắt kịp chuyến tàu này mà còn đưa nó tiến nhanh về phía trước 🙂 VN đang chuyển nình, một cuộc chuyển mình vĩ đại không thể đảo ngược được nữa. Dù TQ và Nga sẽ không tiếc sức để ngăn cản nó, nhưng không sức mạnh nào có thể ngăn cản được sức mạnh của thời đại khi mà thời cơ của nó đã tới. Nga và TQ vốn đã có quá nhiều vấn đề phải giải quyết vậy mà lại phí sức vào những cuộc chiến nội bộ và nỗ lực vô vọng ngăn cản sức mạnh thời đại của dòng chảy lịch sử tất yếu. Họ đã đánh mất cơ hội trở thành người kiến tạo, sau này sẽ phải rất chật vật để họ lên chuyến tàu đang tiến về phía trước với tốc độ cao.

Giờ thì cả nhà đã có thể hiểu sứ mạng của gia đình mình rồi. Đó là sứ mạng khoa học, sứ mạng của những người có thái độ khoa học để đạt được trạng thái cân bằng như em đã viết cho các cháu trong thư 24. Chúng ta tự nguyện làm chất xúc tác thúc đẩy môi trường khoa học phát triển. Chuyến tàu vận hội đang mở ra một thế giới rộng lớn chưa từng có trong lịch sử loài người. Thật là nhỏ bé nếu cứ lo hướng vào tranh giành trong nước. Dòng chảy tự nhiên này sẽ làm thế giới phẳng chưa từng có, trao cơ hội công bằng đến từng cá nhân một. Những thủ đoạn bám vào đặc quyền để cầu xin đặc lợi sẽ không khác gì “gà què ăn quẩn cối xay”. Thời đại mới không dành cho những người như vậy. Con cháu chúng ta sẽ vươn ra ngoài cạnh tranh sòng phẳng bằng sức mạnh của thái độ khoa học. Dù làm doanh nhân; kỹ sư; luật sư; kế toán; nghệ sĩ hay thậm chí là chính trị gia, hãy dạy các cháu phải luôn giữ thái độ khoa học/ cân bằng để thúc đẩy và bảo vệ lẽ phải dù các cỗ xe bè phái đang hoành hành. Lợi thế cạnh tranh của chúng ta là ở đó. Giá trị chúng ta tạo ra từ đó. Hạnh phúc của chúng ta có được nhờ đó. Khoa học và công nghệ là cái gốc căn bản của hòa bình thịnh vượng bền vững cho nhân loại. Các chị sắm roi mây (giống má vậy), đứa nào không khoa học, lệch cân bằng về cực đoan thì đét cho một phát nha!

Cả nhà khỏe nhá!

This entry was posted in Thư Xuyên Mộc and tagged , , , , , , , , , , , , . Bookmark the permalink.

1 Response to Quyền con người, tử huyệt cho giấc mơ bá quyền của Trung Quốc Thư 26A

  1. Pingback: Thư 47C – Vì sao phải khép lại quá khứ? | Trần Huỳnh Duy Thức

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.