Tận dụng “Chủ nghĩa đại Hán” để chuyển hóa Trung Quốc (Thư 59C)

59C-Wp-cover

Xuyên Mộc, 14/1/2016

Ba kính thương!

Ba đã ngoài 80 rồi mà con vẫn để ba phải lo lắng cho con, nghe con có chuyện gì thì tất bật chạy đi thăm. Con hiểu tấm lòng của người cha khó tránh được muốn nhìn tận mắt con mình bình an. Nhưng con mong rằng ba hãy tin con luôn vững vàng, thực sự vững vàng trước mọi hoàn cảnh nên không có chuyện gì mà con không chủ động được cả. Cả nhà hãy luôn bình tĩnh, đừng để ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tối qua VTV đưa tin một tàu cá tỉnh Bình Định bị đâm chìm ngày 9/1. Ngày 1/12/2015 một ngư dân bị bắn chết khi đang trên tàu đánh cả ở Biển Đông. Tâm trạng con thật khó diễn tả đầy đủ. Nhưng sự hy sinh của họ sẽ không uổng phí. Dù gì thì cũng khó mà không ngậm ngùi. Chắc chẳng có mấy ai không tin rằng những trò nhẫn tâm đó không có bàn tay

Những nguy cơ tiềm ẩn do chủ nghĩa dân tộc cực đoạn từ TQ mang lại

TQ đang bước vào giai đoạn đỉnh điểm của suy thoái và sẽ dẫn đến sụp đổ. Năm mới chào đón nền kinh tế TQ bằng những đợt tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán và những dòng vốn chảy ra nước ngoài kèm theo những tin tức xấu hơn về suy giảm tốc độ tăng trưởng. Bất chấp mọi biện pháp can thiệp của Chính phủ TQ, niềm tin của dân chúng và nhà đầu tư tiếp tục bị xói mòn nhanh chóng. Nhưng có lẽ họ vẫn chưa nhận ra nguyên nhân của vấn đề nằm chính ở chỗ sự can thiệp tùy tiện bằng quyền lực, trái với quy luật phát triển. Về mặt xã hội, con không nghe nhiều thông tin nhưng con biết được theo quy luật là những kết cấu xã hội được hình thành bởi sự đè nén và cưỡng ép đang vỡ ra từ ngay bên trong của nó, tạo nên một sức căng có thể vỡ tung một khi sức bóp nghẹt của quyền lực chuyên chế bị mất cân bằng. Nén 1,4 tỷ dân vào lúc này không chỉ khó mà còn vô cùng rủi ro. Càng nén thì sức bật càng ghê gớm, như chiếc lò xo. Hẳn là các lực lượng cạnh tranh quyền lực với Tập Cận Bình, bằng cách này hoặc cách khác sẽ tận dụng năng lượng phản kháng trong xã hội để kiềm chế hoặc loại trừ ông ta. Cho dù các lực lượng này có mong muốn dân chủ hay không thì việc họ biết dựa vào sức mạnh của nhân dân trong lúc này sẽ là một giải pháp khiến Tập Cận Bình không thể đối phó trong vòng 5 năm tới. Vì vậy mà ông ta phải liều lĩnh chia tách 4 cơ quan về an ninh, quốc phòng thuộc chính phủ thành 15 cơ quan nhỏ trực thuộc Quân ủy trung ương mà ông ta là chủ tịch. Con xem tin này trên VTV tối 12/1 và đã nở một nụ cười :). Liều lĩnh vì lợi bất cập hại ông ta nghĩ phải phân tán quyền lực của các bộ máy này để chúng không đủ sức tập hợp lại đủ sức mạnh để đe dọa đến ông ta. Nhưng điều khiển 15 cơ quan mới bằng cách độc tài quả là điều dại dột. Với số lượng này chúng sẽ mau chóng tuột khỏi tầm kiểm soát của ông ta. Ông ta sẽ rơi vào một mê hồn trận của đủ thứ thông tin tham mưu trái ngược và giả dối nên khó bao giờ có được quyết định đúng. Chúng sẽ cuốn ông ta vào một rừng sự vụ để rồi chẳng còn thời gian và sự tỉnh táo đối với những vấn đề chiến lược và những nguy cơ sát sườn với cá nhân. Nếu có một giải thưởng nhân vật siêu độc tài thì ông ta nắm chắc giải đặc biệt. Cuối năm ngoái ông ta vào VN, con đọc báo Nhân dân giới thiệu tiểu sử, thấy ông ta đã nắm vài chục chức vụ rồi, kể cả những cái tiểu tổ (tức là con của cái tổ). Giờ lại nắm thêm 15 cơ quan của Chính phủ nữa thì vô địch thật. Những nhà lãnh đạo tài ba luôn tìm cách phân quyền cho người tài để giải phóng mình khỏi những áp lực và sự vụ. Có như vậy họ mới có đủ thời gian và sự tỉnh táo để tập trung vào những vấn đề chiến lược. Họ chẳng bị ám ảnh bởi quyền lực và sợ bị lật đổ hay phản bội. Họ thiết kế nên những bộ máy để chúng tự kiểm soát quyền lực lẫn nhau theo quy luật nên buộc chúng phải sử dụng quyền lực được trao một cách hiệu quả. Chỉ những ai bất tài mới nom nóp lo sợ và tìm mọi cách thâu tóm quyền lực.

Đời sống chính trị của TQ hiện nay chắc chắn là chứa nhiều nguy cơ, không phẳng lặng như bề mặt mà Tập Cận Bình nhìn thấy. Chưa nói đến các lực lượng cạnh tranh quyền lực với ông ta, đối phó với lực lượng dân tộc cực đoan thuận theo ông ta cũng không phải là chuyện dễ dàng. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan được ĐCSTQ nuôi dưỡng mấy chục năm qua, nay đang vào cơn khát cực độ. Như con đã viết ở thư 21A hồi tháng 6/2014, nếu cơn khát này không được thỏa mãn, nó sẽ nuốt chửng chính giới chóp bu TQ mà đứng đầu là Tập Cận Bình. Với sự bị kích động tinh thần bá quyền lâu nay, các lực lượng hiếu chiến chắc hẳn là đang quyết liệt đòi hỏi chính quyền TQ phải tạo điều kiện cho họ thực hiện “khát vọng dân tộc”, “lấy lại sự công bằng” trước Phương Tây và “trả những mối hận dân tộc” Trung Hoa đã phải gánh chịu trong quá khứ. Nếu Tập Cận Bình không đáp ứng được đòi hỏi này, họ sẽ tìm cách thoát khỏi sự kiểm soát của ông ta để tự giải khát cho bằng được. Tình hình TQ hiện nay tương tự như bối cảnh của Nhật Bản đầu những năm 1930 – thời kỳ tinh thần dân tộc cực đoan lên đến đỉnh điểm và dẫn tới chủ nghĩa quân phiệt tàn hại. Con đang đọc cuốn “Hirohito và công cuộc kiến thiết nước Nhật hiện đại” (“Hirohito and the making of modern Japan”, tác giả Heibert P.Pix. Tác phẩm này đạt Giải Pulitzer 2001 cho thể loại không hư cấu, Alphabook phát hành.), kể về sự kiện Mãn Châu như sau. Trong thập niên 1920, chủ nghĩa dân tộc cực đoan chưa thắng thế ở Nhật và phong trào dân chủ Đại chính vẫn đang phát triển. Đại chính (Taisho) là hiệu của triều đại được trị vì bởi Nhật hoàng Yoshihito. Ông mất năm 1926. Con trai ông là Hirohito nối ngôi và lấy hiệu là Chiêu Hòa (Showa). Đến năm 1931, chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã phát triển rất mạnh nhưng chủ nghĩa quân phiệt vẫn chưa thắng thế trên chính trường nghị viện Nhật. Cả Thủ tướng, bộ trưởng lục quân, bộ trưởng hải quân lẫn Nhật hoàng Hirohito đều không ủng hộ xâm chiếm Mãn Châu của TQ. Nhưng một nhóm các sĩ quan hiếu chiến vẫn quyết định hành động và tính toán rất kỹ để buộc nước Nhật phát triển Chủ nghĩa quân phiệt. Một nhóm sĩ quan Học viện quân sự ra Tuyên bố mật khẳng định: “Thời đại phục hưng Chiêu Hòa có nghĩa là sự lật đổ chính quyền đảng trị”. Thuật ngữ “chính quyền đảng trị” được dùng để chỉ trích hệ thống chính trị nghị viện dân chủ đa đảng lúc đó mà các lực lượng quân phiệt hiếu chiến rất ghét và bài bác. Họ muốn lợi dụng danh nghĩa của Nhật hoàng (mà họ gọi là Thiên hoàng) để tập trung toàn bộ quyền hành pháp, lập pháp về tay họ để họ dễ bề thực hiện mục tiêu bành trướng dưới danh nghĩa lợi ích dân tộc mà thực chất là một loại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc xem thường người phương Tây và những dân tộc Châu Á khác và xem chủng tộc Nhật là thượng đẳng. Sau vài lần vận động nghị trường thất bại nhằm có được sự ủng hộ hợp pháp để đưa quân qua xâm chiếm Mãn Châu, những kẻ quân phiệt đã âm thầm hành động. Tháng 12/1931, quân đoàn Quan Đông Nhật ngụy tạo nên sự kiện nổ mìn tuyến đường sắt ở thành Phụng Thiên (Trung tâm của Mãn Châu, TQ thời đó) và đã đổ lỗi cho binh sĩ Trung Quốc. Lấy cớ đó quân Nhật đưa quân ra khỏi vùng tạm thuê của TQ, đánh bại lực lượng trấn giữ địa phương của TQ. Tuy nhiên quân Quan Đông phải đối diện ngay với nguy cơ bị đè bẹp vì TQ có thể điều động ngay 20 vạn quân đến để phản công trong khi Nhật chỉ có 1 vạn. Nhưng đây không phải là điều bất ngờ của những kẻ chủ mưu hiếu chiến. Họ biết rằng với tinh thần dân tộc cực đoan đang lên cao ở Nhật, dư luận sẽ không cho phép người Nhật “bị TQ bắt nạt và xâm phạm quyền và tính mạng”. Những bài báo giả tạo được gửi về từ chiến trường làm sôi sục dân chúng và nghị trường. Lúc mà Nội các Nhật đang phải họp khẩn để xem xét vấn đề thì Chỉ huy lực lượng Nhật ở Triều Tiên đã cho quân phiệt vượt qua sông Áp Lục tiến vào Mãn Châu mà chưa có lệnh từ trên. Đến lúc này thì không ai dám phải hứng chịu trách nhiệm trước dư luận nếu để cả hai lực lượng Nhật ở Mãn Châu và Triều Tiên bị tiêu diệt. Nội các nhanh chóng điều một tiểu đoàn đến Thiên Tân, 1 sư đoàn đến Mãn Châu và cả sự yểm trợ của không quân. Quân đội Nhật với “khí thế dân tộc” bừng bừng nhanh chóng đè bẹp mọi cuộc phản công của quân TQ, bình định toàn bộ vùng Mãn Châu và một phần Nội Mông, thành lập Mãn Châu quốc.

15/1

Nhật hoàng không thể làm gì khác ngoài làm ngơ, kể cả trừng trị những sĩ quan đã vô kỷ luật vì giờ đây họ đã trở thành những người hùng dân tộc. Chủ nghĩa quân phiệt hoàn toàn thắng thế và thống trị chính trường Nhật từ sau thắng lợi quân sự ở Mãn Châu. Nó đã dẫn tới những cuộc chiến xâm lược quy mô lớn hơn ở Trung Quốc, Đông Nam Á và Đại thế chiến II trên toàn phạm vi Châu Á TBD. Nó đã tạo ra vô số tội ác đối với nhân loại và với chính dân tộc Nhật. Nó đã biến Nhật hoàng Hirohito từ một người không ủng hộ chiến tranh trở thành một kẻ đồng lõa với tội ác. Một khi cơn khát dân tộc cực đoan đã phát triển tới đỉnh điểm rồi thì chẳng ai cho dù có quyền lực tuyệt đối đi nữa tránh được trở thành công cụ của nó. Sự kiện Mãn Châu diễn ra trong bối cảnh thế giới của cuộc Đại suy thoái từ 1929. Anh và Mỹ – hai cường quốc thời đó đang chật vật đối phó với khủng hoảng kinh tế và xã hội trong nước. Lợi dụng tình thế này giới quân phiệt Nhật đã hành động và đạt được mục đích. Trước khi cuộc chiến Mãn Châu xảy ra, Anh và Mỹ cũng đã nhiều lần cảnh báo Nhật nếu xâm chiếm Mãn Châu. Khi nó nổ ra, 2 nước này đã phản đối kịch liệt và đưa vấn đề ra Hội quốc liên (Nations’ League – tiền thân của Liên Hiệp quốc sau Thế chiến II). Nhưng họ cũng không đủ sức để làm gì khác hơn nhằm can thiệp ngăn chặn sự hiếu chiến của Nhật. Sau khi Hội quốc liên từ chối công nhận Mãn Châu quốc, Nhật Bản tuyên bố rút khỏi tổ chức này vào tháng 3/1933. Tuy nhiên, đây là tình hình sau sự kiện Mãn Châu. Trước đó, cả Nhật hoàng Hirohito, thủ tướng, Nội các và giới chỉ huy cấp cao quân đội Nhật đều có thái độ thận trọng trước vấn đề chiến tranh và e chừng trước áp lực quốc tế và cả áp lực dư luận trong nước. Niềm tin về một chiến thắng là không cao nhưng lo ngại về những hậu quả thì lại lớn. Giới quyền lực chóp bu vì vậy mà không dám liều lĩnh. Hiểu rõ tình thế này, các sĩ quan hiếu chiến đã tính toán một ván cờ táo bạo như đã kể trên. Yêu cầu tiên quyết của nước cờ “tiên hạ thủ vi cường” này là phải tấn công chớp nhoáng và phải giành thắng lợi ngay lập tức ở trận đầu để kích động tinh thần hiếu chiến lên cao độ. Sự thất bại đồng nghĩa với sự phá sản toàn bộ, không chỉ của kế hoạch xâm lược mà còn của cả một chủ nghĩa quân phiệt đang còn chưa thắng thế ở Nhật. Thất bại thì không chỉ những kẻ hiếu chiến liều lĩnh bị đem trãm mà dư luận và sức vận động của các đảng phái ôn hòa sẽ có cơ hội nhấn chìm các phe nhóm cực đoan, hiếu chiến. Đáng tiếc cho nước Nhật và cả thế giới là những kẻ quân phiệt đã thành công. Sự thành công này vượt ngoài cả dự kiến của họ, đó chính là sự thảm bại trong Thế chiến II và bị nhân loại nguyền rủa suốt đời.

59C-Manchuku

Một tấm áp phích cổ động thời Nhật bảo hộ Mãn Châu Quốc

Tuy nhiên, lịch sử đang có khả năng lập lại cái vòng xoáy đáng nguyền rủa đó. Lần này thì TQ thay vào chỗ của Nhật. Sau Đại suy thoái 1929, Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ 2008 được xem là tồi tệ nhất và làm suy yếu nghiêm trọng Mỹ, Châu Âu, Nhật. TQ đã lợi dụng cuộc khủng hoảng này để lấn chiếm Biển Đông một cách quy mô nhất trong lịch sử bằng tuyên bố đường lưỡi bò và hàng loạt các hoạt động quân sự gây hấn suốt từ đó đến nay với VN, Philippines và cả với Nhật trên vùng biển Hoa Đông. Tuy nhiên, Tập Cận Bình và giới chóp bu hiếu chiến TQ không hiểu được Dòng chảy của thời đại nên đã chưa đạt được mục đích dù đã sau 8 năm. Nước Mỹ đã kịp thời xoay trục và sử dụng “công nghệ chất dẻo” để kiềm chế “công nghệ chất rắn” của TQ rất hiệu quả trong thời gian Mỹ đang bị suy yếu do khủng hoảng và TQ thì hừng hực tăng trưởng nóng. Con đã phân tích chiến lược này của Mỹ trong thư 41A. VN, Philippines, Nhật Bản đã điều chỉnh chiến lược kịp thời theo hướng phòng vệ tập thể. EU và ASEAN cũng đã và đang sẵn sàng can dự mạnh mẽ vào các vấn đề của khu vực. Tuy vậy, nguy cơ nổ ra chiến tranh từ một sự kiện tương tự như Sự kiện Mãn Châu 1931 vẫn còn rất lớn trong khu vực. Theo lẽ hành xử của những kẻ độc tài hiếu chiến, một khi họ thất bại hoặc gặp phải những vấn đề lớn trong nước thì hướng dư luận ra ngoài nước bằng kích động tinh thần dân tộc cực đoan luôn là một lựa chọn hàng đầu. Đó là cách duy nhất để họ buộc người dân hy sinh tính mạng lẫn của cải và quên đi những sai lầm và trách nhiệm của những kẻ đang cai trị mình. Quyển “Hirohito và công cuộc kiến thiết nước Nhật hiện đại” cho biết Chi phí cho quân đội Nhật hàng năm trước Sự kiện Mãn Châu 1931 là 29% tổng ngân sách hàng năm (tương đương 3.03% GNP) (Trang 192 Sách đã dẫn). Với mức chi tiêu lớn như vậy nhưng giới quân sự vẫn bất đồng gay gắt với Nội các về việc giảm trừ vũ khí. Nhật hoàng Hirohito cũng tìm cách kiềm chế quân đội. Tuy nhiên, sau thành công của Sự kiện Mãn Châu, ngay cả dân chúng cũng ủng hộ cuồng nhiệt việc gia tăng sức mạnh cho quân đội. Và kết quả là ngân sách quân sự cho năm 1937 gần 33 tỷ yên, chiếm 69% tổng ngân sách chính phủ. Con số này tăng gấp 3 lần của năm 1936 (khoảng 10 tỷ yên hay 47,7% ngân sách chính phủ) (Trang 268 Sách đã dẫn). Để có tiền trang trải, tăng thuế và lạm phát. Người dân được kêu gọi thể hiện lòng yêu nước trong khi đồng lương của họ ngày càng teo tóp. Trong lúc đó các Zaibatsu (tập đoàn tài phiệt) giàu sụ nhờ cấu kết với giới quân phiệt cung cấp vũ khí, quân dụng. Những vấn đề này và tình trạng của dân Nhật vào cuối Thế chiến II, những năm 1944 – 1945 còn tồi tệ hơn rất nhiều. Nhưng đó là chuyện hậu xét của giới quân phiệt và tài phiệt. Trước mắt, giải pháp gây chiến giúp họ duy trì được quyền lực và làm giàu.

Tập Cận Bình và giới chóp bu TQ đang thất bại, cả về đối nội lẫn đối ngoại. Niềm tin rằng nền kinh tế TQ sẽ bị “hạ cánh cứng” đang ngự trị, tức là “chiếc máy bay được thiết kế cộc cạch TQ” sẽ rơi tan xác chứ không thể hạ cánh mềm. Điều này đồng nghĩa với một sự sụp đổ cả về kinh tế, xã hội lẫn chính trị, cả cái thể chế chiếm đoạt do ĐCSTQ lãnh đạo. Chiến thuật chống tham nhũng đã không đủ sức đánh lạc hướng dư luận mà còn làm cho kinh tế, xã hội, chính trị càng thêm bất ổn. Nếu không thể kích động tinh thần dân tộc cực đoan lên cao độ để có thể huy động thêm (thực chất là tước đoạt hơn nữa) sức dân thì Tập Cận Bình và giới quyền thế xoay quanh ông ta sẽ lãnh đủ. Cho nên ông ta rất cần một sự kiện tương tự như Sự kiện Mãn Châu trước đây của Nhật. Vì vậy mà vài năm qua ông ta liên tục gây hấn với Philippines, VN và Nhật Bản với mức độ ngày càng tăng để tạo ra một cái cớ nhằm “tiên hạ thủ vi cường”. Nhưng ông ta chưa có được nó vì các nước đã không mắc bẫy ông ta và ông ta đã không thể chắc thắng trong bất kỳ cuộc tấn công nào khả dĩ. Một thất bại dù nhỏ cũng đồng nghĩa với sự kết thúc sự nghiệp chính trị của ông ta. Vì vậy mà ông ta cứ phải lần lừa để tìm kiếm cơ hội. Nhưng thời gian trôi đi, một mặt các nước có thêm thời gian để tăng cường phòng vệ tập thể, mặt khác áp lực từ cơn khát dân tộc cực đoan; hiếu chiến và quân phiệt bên trong sẽ càng căng thẳng để ép ông ta hành động. Không loại trừ khả năng những việc đánh đắm tàu cá VN, cho toán vũ trang lên tàu bắn chết ngư dân Việt được thực hiện bởi một nhóm liều lĩnh nào đó giống như các sĩ quan Nhật đã gây nên Sự kiện Mãn Châu 1931. Việc Mỹ tăng cường và phối hợp tuần tra Thái Bình Dương với Nhật, Úc, VN và Philippines đã giảm thêm một mức khả năng thắng lợi chớp nhoáng cho bất kỳ hành động phiêu lưu nào của Tập Cận Bình. Trong lúc đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội “tiên hạ thủ vi cường”, ông ta buộc phải thực hiện những hành động để giải khát tạm thời cho cơn khát của thuộc hạ. Những sự xâm phạm vào vùng biển Seukaku của Nhật bằng tàu có vũ trang là nhằm mục đích như vậy, chứ chẳng đạt được gì khác ngoài sự lên án và đề phòng hơn của cộng đồng quốc tế. Xây đảo nhân tạo, hải đăng, sân bay trên chủ quyền của VN và mới đây là bay vào không phận của VN cũng giống như vậy thôi. Nguồn lực bỏ ra quá lớn nhưng giá trị đạt được lại quá nhỏ và không bền vững, lại còn bị giảm sút uy tín và ảnh hưởng quốc tế. Việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADiZ) sắp tới trên Biển Đông cũng sẽ như thế. Tập Cận Bình không thể không làm dù TQ không thể không thấy sự thiếu cơ sở pháp lý dựa trên luật pháp quốc tế để có thể sở hữu bền vững những thứ đi chiếm đoạt ấy, không thể giống như những thứ mà họ chiếm đoạt của người dân trong nước được. Nhưng tâm lý của kẻ khát quyền lực và chủ quyền của người khác là luôn tự huyễn hoặc mình để tin rằng mình đủ sức mạnh và khả năng chiếm đoạt để xóa bỏ luật pháp quốc tế bất lợi cho mình. Quân phiệt Nhật, phát xít Đức, bá quyền Liên Xô đều có cùng tâm lý như vậy. Chính nó tạo ra động lực cho những kẻ độc tài phiêu lưu quân sự. Cuốn “Nhật hoàng Hirohito và công cuộc kiến thiết nước Nhật hiện đại” mô tả quan điểm phổ biến của Nhật thời đó không khác gì của TQ hiện nay, đó là cho rằng luật pháp quốc tế chỉ là những sản phẩm của phương Tây phục vụ cho lợi ích của Anh, Mỹ nói riêng hoặc cho đế quốc, thực dân nói chung. Hitler, Stalin cũng đã từng phổ biến những quan điểm như vậy. Tất cả họ đều cho rằng phải lật đổ trật tự cũ và thiết lập nên một trật tự thế giới mới “đạo đức hơn, cao cả hơn”. Nhật hoàng được giới quân phiệt dựng nên như một biểu tượng đạo đức sáng ngời để ban sự nhân từ của mình cho mọi dân tộc trong “Đại đông Á”. Chủ nghĩa đức trị luôn là sản phẩm tất yếu của mọi chế độ chuyên chế, cường quyền và hiếu chiến. Đức quốc xã, Liên Xô hay TQ ngày nay cũng vậy thôi, chỉ có khác nhau về hình thức. Đức trị là cái vỏ bọc hiệu quả cho sự chuyên chế nhân trị, là kẻ thù của pháp trị và pháp quyền. (Việc mà người Mỹ làm ngay sau khi đánh bại Nhật ở Thế chiến II là đánh đổ biểu tượng đạo đức cao cả của Nhật hoàng Hirohito, công bố khối lượng tài sản kết xù của ông cho toàn dân biết.)

59C-HĐ81

Biết đâu được, sự kiện dàn khoan HD981 , vùng nhận diện phòng không hay bắn chìm tàu cá ngư dân liệu có phải là những lần Trung Quốc cố gắng phiêu lưu quân sự như Nhật đã làm năm xưa để lập nên Mãn Châu Quốc?

Cuộc chay đua hòa bình

17/1

Trong thư 21A vào tháng 6/2014 con đã viết rằng nếu TQ xây sân bay và thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông thì đó sẽ là cơ hội tuyệt vời cho VN tập hợp sự ủng hộ quốc tế để thiết lập nên một Thế trận quốc phòng toàn cầu. Đồng thời con cũng cảnh báo về việc TQ sẽ “tiên hạ thủ vi cường” nếu họ tìm được một cơ hội bảo đảm chắc thắng ngay lập tức. Và vạch rõ giải pháp chiến lược nhất để hóa giải mưu đồ này của TQ cũng chính là Thế trận quốc phòng toàn cầu – Sự kết hợp giữa chính nghĩa, sự tôn trọng luật pháp quốc tế và liên kết phòng vệ tập thể. Khi chúng ta có Thế trận quốc phòng toàn cầu thì TQ không bao giờ tìm được một cơ hội nào dù nhỏ nhất để giành thắng lợi quân sự để tiên hạ thủ vi cường. Khi đó cơn khát cực đoan hiếu chiến sẽ phun trào ở bên trong TQ, vào chính Tập Cận Bình và giới chóp bu; quyền thế vì không thể xả ra được bên ngoài. Đó cũng chính là thời cơ để nhân dân TQ tháo bỏ sức cưỡng ép để dân chủ hóa đất nước mình. VN sẽ dẫn đường để TQ thay đổi dân chủ. Cơ hội tuyệt vời trên đang đến với dân tộc. Những bước chuẩn bị ráo riết cho phòng vệ tập thể đang được tiến hành. Thời gian qua nếu không có sự hiện diện thăm viếng quân sự của Nhật ở Cam Ranh và những hỗ trợ tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển của Mỹ thì TQ chắc đã tìm được một lỗ hổng nào đó để liều lĩnh. Xu hướng hình thành nên một Hiệp ước phòng thủ chung PATO là không thể đảo ngược như con viết trong thư 55A. Con tin là vài năm nữa PATO sẽ chính thức ra đời và VN sẽ là một trong những thành viên sáng lập như đã sáng lập TPP. Việc còn lại phải tập trung cho Thế trận quốc phòng toàn cầu là chứng minh sự tôn trọng luật pháp quốc tế mà quan trọng nhất là thực hiện những cam kết về QCN và sau đó là chính thức khởi kiện TQ ra tòa án quốc tế. Tất cả những việc này phải thực hiện rất nhanh vì ĐCSTQ cũng đang chạy đua với thời cuộc. Họ phải hoàn tất những lời hứa ngông cuồng vào trước dịp kỷ niệm 100 năm ĐCSTQ, không làm được thì họ sẽ bị sụp đổ và tan rã. Điều này càng trở nên cấp bách với họ khi mà các thất bại kinh tế, xã hội lẫn chính trị trong nước đang ngày càng nghiêm trọng và có thể vượt tầm kiểm soát. Trong khi đó uy tín quốc tế thì sụt giảm, áp lực quốc tế lên những sai trái của họ ngày càng tăng. Nhưng đó không chỉ là nguy cơ của họ, mà cũng là của VN ta. Xét trên cục diện khu vực hiện nay, một khi TQ buộc phải liều lĩnh để tiên hạ thủ vi cường thì VN gần như còn lại là lựa chọn duy nhất. Ở khu vực Đông Bắc Á, TQ không thể làm gì ngoại trừ giật dây Triều Tiên đe dọa hạt nhân với hy vọng cuối Mỹ, Nhật, Hàn Quốc tập trung vào đây để lơi lỏng Đông Nam Á – khu vực TQ tập trung quân lực lớn nhất trên Thái Bình Dương. Tại đây chỉ có VN và Philippines là TQ có cớ tranh chấp. Cơ hội để phiêu lưu tại Philippines gần như là không còn vì nước này là đồng minh của Mỹ và đã ký nhiều hiệp ước quân sự với Mỹ, Nhật, Úc… Vì vậy VN chúng ta đang phải chạy đua vì hòa bình. Hòa bình không chỉ cho đất nước mà cho cả thế giới như con đã viết trong thư 21A. Nếu TQ tiên hạ thủ vi cường thành công thì chiến tranh thế giới sẽ nổ ra. Ngược lại thì 1,4 tỷ dân TQ sẽ được sống trong hòa bình, dân chủ cùng với cả thế giới. Họ sẽ nhanh chóng trở thành một trong những nơi thịnh vượng nhất thế giới và xứng đáng với một nền văn minh vĩ đại. Do đó, VN có sứ mạng đối với hòa bình thế giới. Đó là Con đường VN mà dân tộc đang đi và sẽ về đích – Cái đích của QCN, Dân chủ, Công bằng, Thịnh vượng và Văn minh.

Ta hãy tưởng tượng trong một tương lai rất gần, VN đã thiết lập xong Thế trận quốc phòng toàn cầu. TQ mà lấn chiếm không phận nước ta, sau nhiều lần cảnh báo mà vẫn tiếp tục, VN sẽ bắn hạ – tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ bắn rớt SU – 24 của Nga vài tháng trước (Con cho rằng có 1 nhóm hiếu chiến đã lừa dối Putin để máy bay này bị bắn rơi vì xâm phạm không phận TNK, buộc Putin gây chiến. Nhưng sau khi mở hộp đen thì sự thật bị phơi bày nên Nga không thể công bố cho quốc tế như đã hứa). Nga chẳng thể và chẳng dám làm gì vì TNK là thành viên NATO, ngoài việc buộc phải cắt đứt một số quan hệ thương mại, đầu tư và hợp tác. Nhưng chính hành động này đang gây thêm khó khăn chồng chất cho nền kinh tế Nga. Putin sẽ phải đối mặt với áp lực không chỉ từ người dân mà cả từ lực lượng cực đoan hiếu chiến mà ông ta dựng nên. Không khéo sẽ có những cuộc đảo chính tương tự như rất nhiều cuộc binh biến do những kẻ quân phiệt Nhật thực hiện để hạ bệ các thủ tướng dân sự mà họ nghĩ đang cản đường hiện thực hóa giấc mộng Đại Nhật Bản. Nếu kịch bản này xảy ra thì đó là sự bất hạnh cho dân Nga. Còn giấc mộng một TQ vĩ đại của ĐCSTQ và Tập Cận Bình cũng sẽ chung số phận với giấc mộng hão huyền của quân phiệt Nhật thôi. Nhưng đây không phải là sự lặp lại của những định mệnh nghiệt ngã không thể tránh. Nó chỉ giống nhau ở phần bản chất của những kẻ khát quyền lực và chủ quyền của người khác. Nhưng sự hiểu biết, kinh nghiệm và nhận thức của nhân loại tiến bộ – yếu tố quyết định – thì đã khác rất nhiều. VN ta phải nhanh chóng vươn lên trong thế giới tiến bộ này bằng phất lên ngọn cờ vì hòa bình cho nhân loại. Cốt lõi của ngọn cờ này là sự tôn trọng QCN và luật pháp quốc tế nói chung. Làm được như vậy thì sự tưởng tượng trên không chỉ là tưởng tượng mà là một tầm nhìn thực tế và chiến lược – TẦM NHÌN QUYỀN CON NGƯỜI. Tầm nhìn này sẽ nhanh chóng đưa VN trở thành nền kinh tế lớn nhất trong Cộng đồng ASEAN và thu nhập đầu người chỉ đứng sau Singapore trong vòng 20 năm tới. Không chỉ thịnh vượng, VN sẽ là một trung tâm văn minh mới – VĂN MINH QUYỀN CON NGƯỜI dựa trên văn hóa của ĐIỂM CÂN BẰNG và TINH THẦN DUNG HÓA để phát triển nên những XÃ HỘI DUNG HỢP cho cả khu vực và lan ra thế giới. Trong tiến trình phát triển đó, luật pháp quốc tế và lẽ phải sẽ dần ngự trị thế giới. Đây chính là cơ sở để VN đòi lại những chủ quyền mà TQ đã chiếm đóng trái phép bằng vũ lực bằng những biện pháp hòa bình. Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông nói chung sẽ là nơi chung sống hòa bình của mọi dân tộc. Người VN, người TQ sẽ thực sự hữu nghị.

Con nhìn thấy rõ được con đường này và yên tâm là dân tộc mình đang đi đúng vào Dòng chảy đó. Ba và mọi người sẽ thấy được rõ hơn sau Đại hội XII sắp diễn ra vài ngày tới. Nhưng đây là con đường của nhân dân chứ không phải của đảng phái nào. Lần này sẽ có sự tranh cử mạnh mẽ mà những ai tôn trọng chủ quyền của nhân dân sẽ được lựa chọn. Sức dân đang dâng lên mạnh hơn bao giờ hết để hướng công cuộc đổi mới tiến theo Dòng chảy của thời đại và thuận theo tiến trình tất yếu của lịch sử. Đó là tiến trình của sự TRAO QUYỀN mà con đã viết trong bài: “Góp ý cho Bộ chính trị 150 ngày sau Đại hội X” hồi giữa năm 2006. Đã 10 năm rồi, đủ để cho thấy không gì ngăn cản được tiến trình lịch sử tất yếu này của dân tộc. Ngày 6/1 vừa rồi, kỷ niệm 70 năm Tổng tuyển cử đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội phát biểu: “Chính sự trao quyền của nhân dân thông qua bầu cử là nền tảng dân chủ tạo nên chính quyền của nhân dân do nhân dân vì nhân dân”. Mới hôm kia (15/1), phát biểu tại lễ công bố chính thức, ông Nguyễn Sinh Hùng một lần nữa khẳng định cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5 tới sẽ được tổ chức dân chủ và bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân. Trước đó, ngày 17/12/2016, nói trên thời sự 19h VTV, ông ấy bảo rằng “dân sẽ đòi lại quyền dân chủ”. Con tin chắc rằng cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới sẽ có rất nhiều thay đổi so với trước đây và sẽ trở thành một cột mốc dân chủ quan trọng của đất nước, dẫn đến một tiến trình dân chủ hóa bằng đối thoại và hòa hợp như con đã viết trong thư 55A. Còn Đại hội XII cũng sẽ trở thành một sự kiện lịch sử đánh dấu sự TRAO QUYỀN lại cho Nhân dân. Thư 49E con đã dự đoán VN sẽ tránh được dông lũ đen của TQ (nhiệm kỳ trước cơ cấu thế hệ lãnh đạo của nhiệm kỳ sau nên năng lực cứ ngày càng kém dần). Ngày 25/4/2015, VTV kêu gọi sử dụng quyền ứng cử, đề cử trong các đại hội đảng. Con tin chắc rằng không chỉ nhân sự mà cả xu thế TRAO QUYỀN sẽ xác lập không thể đảo ngược tại kỳ Đại hội này. Còn TQ thì chắc chắn sẽ tuột khỏi VN như xu thế con đã viết trong thư 55A (cùng với 2 xu thế khác là phòng vệ tập thể và dân chủ hóa theo Trào lưu mềm thượng tôn QCN).

Không thể đảo ngược là còn vì đó là xu hướng vận động của cộng đồng thế giới đối với VN. Ba quan sát thì sẽ thấy từ năm 2014, ngân hàng thế giới (WB) luôn gắn mục tiêu cải cách và hoàn thiện thể chế trong các chương trình viện trợ phát triển (ODA), đồng bộ với các mục tiêu hợp tác của Mỹ, Nhật, EU với VN. Con cho rằng VN được chọn là quốc gia đầu tiên WB thay đổi cách tiếp cận về ODA. Cách tiếp cận cũ trước đây của WB đã bị khá nhiều chỉ trích (trong đó có con :), con cũng đã từng thông qua những người bạn vận động WB thay đổi cách tiếp cận ODA cho hiệu quả). Thể chế mới là yếu tố quyết định sự thay đổi dân chủ và thịnh vượng của một quốc gia. Cách tiếp cận cũ dựa theo Lý thuyết hiện đại hóa cho rằng sự phát triển kinh tế sẽ dẫn đến dân chủ hóa. Nhưng thực tế của TQ đã cho thấy không đúng như vậy. Kết quả nhiều nơi ở Châu Phi còn ngược lại, ODA được sử dụng chủ yếu để nuôi dưỡng các chế độ độc tài một cách ngoài ý muốn. Thư 53A con đã phân tích rằng: “Cải cách thể chế để bảo đảm QCN đã trở thành đòi hỏi chiến lược cho công cuộc đổi mới của đất nước”. Xu thế từ bên trong đồng thuận với xu thế từ bên ngoài chính là thời cơ vàng của dân tộc, đẩy chúng ta tiến nhanh và xa trên Dòng chảy của thời đại. Nhân dân VN sẻ không thụ động cải cách thể chế theo sức ép từ bên ngoài, mà sẽ chủ động kiến tạo nên những thể chế nhà nước Pháp quyền theo đúng Quy luật phát triển xã hội để tạo ra một cuộc chuyển mình vĩ đại của dân tộc VN.

Cơ sở nào để tin tưởng? – bài học quốc gia Nhật Bản

21/1

Công cuộc canh tân này của chúng ta sẽ mang đến hòa bình và thịnh vượng không chỉ cho VN mà cho cả thế giới, trước hết là TQ. Nó sẽ hỗ trợ cho người dân TQ vượt qua được nguy cơ của chủ nghĩa cực đoan bá quyền đang kiểm soát chính trường và xã hội. Nếu các lực lượng và xu hướng hòa bình tiến bộ không đảo ngược được tình thế này thì chủ nghĩa quân phiệt hiếu chiến sẽ áp đảo và đưa cả dân tộc Trung Hoa vào chiến tranh là không thể tránh khỏi, bất chấp những tuyên bố vì hòa bình rất “chân thành” của Chính quyền TQ hiện nay. Chính quyền Nhật thời Hirohito trước Thế chiến II chưa bao giờ thiếu những lời lẽ chân thành như vậy, cả lúc chưa gây chiến lẫn lúc đã tàn sát hàng loạt người vô tội. Tim con cứ đập mạnh mỗi khi nghĩ tới tình huốngng nếu không hóa giải được nguy cơ chiến tranh từ TQ. Nhưng sẽ hóa giải được. Con luôn nhìn thấy một viễn cảnh người dân VN và TQ thực sự chung sống hòa bình với nhau và cùng nhau làm cho giá trị phương Đông phát triển rộng rãi trong một thế giới toàn cầu hóa tôn trọng luật chơi chung và bình đẳng giữa mọi dân tộc và từng con người. Người TQ sẽ nổi trội và thân thiện, giống như ta thấy người Nhật, người Mỹ hiện nay vậy thôi. Sự nghiên cứu của con có thể khẳng định rằng: không có dân tộc hoặc chủng tộc nào có bản chất hung hăng hay thân thiện một cách cố hữu cả. Kiểu nhận định này là di chứng của các thuyết chủng tộc ráng gắn “sự thượng đẳng” và “hạ đẳng” cho các sắc tộc khác nhau một cách gượng ép. Chính các thuyết này đã dẫn đến nhiều chủ nghĩa tàn hại gây bao thảm họa cho nhân loại từ thời cổ đại đến hiện đại. Phát xít Đức, quân phiệt Nhật, phân biệt chủng tộc Apartheid, Jim Cron Mỹ đều xuất phát từ những tư tưởng bệnh hoạn đó. Ở đâu, chủng tộc gì thì đều có người hiền kẻ dữ. Chính thể chế chính trị và chỉ có thể chế chính trị mới quyết định một dân tộc/quốc gia sẽ hành xử tốt hay xấu, hiếu chiến hay thân thiện và thịnh vượng – văn minh hay nghèo nàn – lạc hậu. Nhìn người Nhật, người Đức bây giờ yêu hòa bình so với những kẻ khát máu trong Thế chiến II thì thấy rõ vai trò của các thể chế chính trị tạo nên những kết quả khác biệt như thế nào. Trước Thế chiến II, các thể chế chính trị ở những nước này đã không được thiết kế để ngăn chặn được những kẻ xấu hiếu chiến điên cuồng nắm được quyền lực để lừa dối và cưỡng ép cả dân tộc gây ra thảm họa. Yếu tố quan trọng nhất để tránh được điều này là các thể chế chính trị phải triệt tiêu được vĩnh viễn quyền lực tuyệt đối như con đã phân tích trong các đề tài Cơ chế xã hội khoa học và Nhà nước pháp quyền. Sự kính trọng Minh Trị và Hoàng gia Nhật đã dẫn đến Hiến pháp 1889 của nước này bảo vệ và trao quyền lực tuyệt đối cho Nhật hoàng, tạo điều kiện cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan và quân phiệt lợi dụng quyền lực này biến nước Nhật và cả dân tộc thành cỗ máy giết người (Xem thêm thư 33A). Việc đầu tiên người Mỹ thực hiện khi cai quản nước Nhật đầu hàng là xóa bỏ quyền lực tuyệt đối của Nhật hoàng dù không truy cứu trách nhiệm chiến tranh của Hirohito (Con đã phân tích chi tiết chiến lược này của Mỹ trong thư 47A). Tướng Douglas MacArthur chỉ mới hơn 1 tháng sau tuyên bố đầu hàng của Nhật, ban hành chỉ thị “Các quyền tự do công dân” xóa sạch mọi luật lệ kiểm soát tư tưởng, báo chí, giải phóng phụ nữ… Người dân Nhật được tự do chỉ trích chính phủ, Nhật hoàng và cả thể chế chính trị (Xem thêm trong 472 quyển “Nhật hoàng Hirohito và công cuộc kiến thiết nước Nhật hiện đại”). Một năm sau, Hiến pháp 1946 của Nhật được ban hành, trả lại tinh thần thời Duy Tân Minh Trị, các thể chế nhà nước pháp quyền được hình thành. Chỉ hơn 10 năm sau, nước Nhật phục hồi toàn diện sau chiến tranh đổ nát điêu tàn. Thêm 10 năm nữa họ vươn lên thành nền kinh tế số 2 thế giới. Cả dân tộc được sống trong thịnh vượng, văn minh và hòa bình cho đến tận ngày nay. Hơn nữa, họ đã đóng góp tích cực cho hòa bình và thịnh vượng của thế giới hơn 70 năm qua. Cũng chính những người Nhật đã cầm súng hủy diệt hòa bình trở thành những người kiến thiết lại nền hòa bình và thịnh vượng cho mình và nhân loại (Quyển “Hirohito và công cuộc kiến thiết nước Nhật hiện đại” viết rằng sau khi dự thảo Hiến pháp mới được công bố, chỉ sau một đêm, những người ủng hộ chủ nghĩa quân phiệt trước kia trở thành những người dân chủ nhiệt thành ). Người Nhật giờ chẳng mấy ai bận tâm chỉ trích Nhật hoàng và thể chế chính trị vì Nhật hoàng là biểu tượng của quyền lực tối thượng của nhân dân, đại diện của Nhà nước bảo vệ QCN cho họ. Nhật hoàng chẳng có chút quyền lực chính trị nào ngoài quyền buộc các thể chế nhà nước thực hiện đúng ý nguyện của nhân dân. Nhưng nếu muốn thì cứ chỉ trích Nhật hoàng hoặc bất cứ chính trị gia nào và đòi thay đổi thể chế chính trị thì cũng chẳng bị làm sao cả. Vấn đề là có thuyết phục được nhiều người nghe hay không mà thôi.

22/1

12968557_10208717646475778_1557513257_n

Hai năm qua nước Nhật phải điều chỉnh chính sách an ninh vì sự hung hăng của TQ. Quân đội Nhật được can dự ra nước ngoài để hỗ trợ nước khác và cùng phòng vệ tập thể. TQ bày tỏ quan ngại về khả năng phục hồi chủ nghĩa quân phiệt. Nhưng điều này sẽ không bao giờ xảy ra đối với nước Nhật dưới thể chế hiện nay

Hai năm qua nước Nhật phải điều chỉnh chính sách an ninh vì sự hung hăng của TQ. Quân đội Nhật được can dự ra nước ngoài để hỗ trợ nước khác và cùng phòng vệ tập thể. TQ bày tỏ quan ngại về khả năng phục hồi chủ nghĩa quân phiệt. Nhưng điều này sẽ không bao giờ xảy ra đối với nước Nhật dưới thể chế hiện nay. Quyền lực tối thượng luôn thuộc về nhân dân nên họ không đời nào cho phép thế lực nào lừa mị mình để lợi dụng và cưỡng bức mình đi giết hại; chà đạp người khác. Nội các và Quốc hội Nhật mới thông qua Luật an ninh mới cho phép phòng vệ tập thể thôi thì người dân đã biểu tình phản đối. Các đảng đối lập sẽ đại diện cho họ kiềm chế đảng cầm quyền để luôn bảo đảm rằng không có sự lợi dụng danh nghĩa can dự vì hòa bình nào để gây chiến. Chưa cần đến các đảng đối lập, tự do ngôn luận của nhân dân cũng đủ để ngăn chặn mọi tư tưởng hiếu chiến nhen nhóm. Giờ thì chẳng còn quyền lực tuyệt đối nào của Nhật hoàng hoặc của bất kỳ đảng phái, tư tưởng, ý thức hệ nào để mà lợi dụng nhằm bóp nghẹt quyền được nói của người dân như trước đây được nữa. Cho nên sự quan ngại của TQ thực ra là sự quan ngại của thế giới hòa bình đối với họ mà thôi. Ở Đức cũng thế, dù thỉnh thoảng có vài nhóm cực hữu xuất hiện nhưng thế giới chẳng vì thế mà lo sợ. Thể chế chính trị của nước này hiện nay đủ tốt nên quyền lực tối thượng của người dân Đức đủ mạnh để ngăn chặn sự trỗi dậy của các tư tưởng cực đoan hiếu chiến. Nước Mỹ lâu nay đóng góp quan trọng trong vai trò duy trì hòa bình cho thế giới không phải vì người Mỹ không có nhiều kẻ hung hăng hiếu chiến. Ngay hiện nay những kẻ đó vẫn đang tích cực vận động cho tư tưởng của mình. Nhưng chưa bao giờ họ thắng được quyền lực của người dân Mỹ để gây chiến tranh thế giới cả. Cộng đồng quốc tế và nhân loại yêu hòa bình đã trải qua nhiều kinh nghiệm đau thương để hiểu rõ rằng nguy cơ đối với hòa bình thế giới chính là các chủ nghĩa cực đoan phát triển dưới các thể chế chính trị duy trì quyền lực tuyệt đối. Không phải IS hoặc các nhóm Hồi giáo cực đoan có thể gây ra thế chiến vì tiềm lực và quy mô của chúng quá nhỏ chỉ đủ sức hoạt động khủng bố, mà là TQ – quốc gia hội đủ các yếu tố về tư tưởng chủ nghĩa lẫn quyền lực tuyệt đối. Vì vậy thế giới đều hiểu rõ muốn bảo đảm hòa bình thì phải hóa giải được quyền lực tuyệt đối đang tồn tại ở TQ, làm cho quyền lực của nhân dân trở thành tối thượng, không có bất kỳ nhóm, đảng phái hay ý thức hệ nào được độc tôn để có thể tước đoạt, xâm phạm QCN của người dân.

VN ta có sứ mạng và cơ hội để hóa giải nguy cơ này của TQ. Cộng đồng quốc tế sẽ hỗ trợ chúng ta mạnh mẽ. Hoàn thành sứ mạng này dân tộc VN sẽ có vị thế xứng đáng trên thế giới. Trong công cuộc canh tân sắp tới, VN phải nhanh chóng xác lập quyền lực tối thượng của nhân dân và không cho phép bất kỳ thứ quyền lực tuyệt đối nào có thể hình thành. Có vậy quốc tế mới ủng hộ chúng ta mạnh mẽ và dồn năng lượng của mình hỗ trợ và bảo vệ VN. Nếu không thì VN sẽ bị ghép chung với TQ như những nguy cơ đối với hòa bình thế giới do sự tồn tại của quyền lực tuyệt đối mà thôi. Muốn tránh như vậy thì tiến trình trao quyền phải diễn ra nhanh và thực chất.

24/1

Hôm nay giỗ Linh, chắc cả nhà đang bên nhau và nói về con J. Ba giữ sức khỏe và cả nhà ăn Tết vui vẻ nha. Con sẽ viết chúc Tết cả nhà thư tới. Thương ba nhiều.

 

This entry was posted in Uncategorized and tagged , , , . Bookmark the permalink.

11 Responses to Tận dụng “Chủ nghĩa đại Hán” để chuyển hóa Trung Quốc (Thư 59C)

  1. Anonymous says:

    Hay quá

  2. nguyễn hoàng thanh liêm says:

    Anh thức đúng là 1nhân tài của nước việt . Nhìn xa hiểu rộng hơn người mà có long vì dân vì nước thật hiếm có đúng như nhiều người đã nói anh là 1 hiền tài đất việt hiếm có rất tiết là những người việt u mê quyền lực hiện nay đã giam hảm anh . Mong rằng những người u mê quyền lực hiện nay đọc được thư nầy cũa anh họ sẽ thấy anh rất đáng để khâm phục và nể nễ trọng. Là con dân vn tôi thành thật biết ơn anh đã hi sinh bản thân gia đình để đấu tranh cho vn được hùng cường và bác .chúc anh nhiều sức khỏe

  3. Hoa Nở Muộn says:

    Thư viết rất hay. Anh Thức đúng là người có tầm nhìn xa, có tấm lòng dành cho dân, cho nước. Chỉ tiếc hiền tài không gặp được minh quân. Bây giờ người ta chỉ dùng “người được lòng” chứ không ưa “người được việc”.

  4. Anonymous says:

    Một tri thức có tâm và tầm thời đại cần được trân trọng và cổ xúy. Freethuc

  5. Đặng thi thanh My says:

    Đáng khâm phục , khẩu phục tài năng uyên bác và tâm huyết vớt đất nứớc của Huỳnh Duy Thức . Mong anh mạnh khỏe và bình an

  6. My Kim Truong says:

    Mot nhan tai cua dat nuoc . Chuc Thuc som dat duoc y nguyen .M

  7. Anonymous says:

    Người không gặp thời , mong anh giữ gìn sức khỏe để một ngày nào đó ra tù giúp đất nước này đi đúng con đường ! Tôi kính phục tài của anh

  8. Abigail Vu says:

    Sẽ luôn luôn theo dõi và tiếp tục học hỏi chú Thức. Con cầu mong cho chú và gia đình bình an & sức khỏe.

  9. Anonymous says:

    Hồn thiêng sông núi sẽ phù trợ chú.

  10. Anonymous says:

    May GOD bless you and your family!

  11. Anonymous says:

    Tầm nhìn của bài viết này được đúc kết từ quy luật phát triển xh, tâm lý chiến, kiến thức lịch sử,trình độ tư duy , tất cả đặt vào bối cảnh hiện tại để tiên đoán tương lai của Việt Nam! Thần tượng a Thức

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.