Thư 90B

Download và xem thư gốc tại đây 90B

Nghệ An, 20/5/2017

No và các con cháu thương,

Từ những câu hỏi No đặt trong thư NO1 và từ tâm trạng của những người trong nhà mình, cậu viết đề tài này: NIỀM VUI HAY BỔN PHẬN

22/5/2017

Từ nhỏ, cậu cũng như những người thuộc thế hệ của mình được dạy rất nhiều về bổn phận. Xã hội thì đề cao quá mức giá trị sống vì bổn phận. Cậu còn chịu ảnh hưởng rất lớn bởi sự giáo dục “phận làm tôi” phải trung thành tuyệt đối với vua, với chế độ. Khi mới 5~7 tuổi mà cậu đã thuộc lòng những câu như : “quân xử thần tử thần bất tử bất trung” vì nghe riết. Thuộc cả những câu quy định phận làm vợ  “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Rất may là thế hệ tụi con có nhiều đứa chẳng hiểu gì những câu giáo điều như vậy, cả về từ ngữ lẫn ý nghĩa 🙂 . Cũng rất may là ông bà của tụi con – ba má của cậu là những người không phải là “fan” của những câu này. Nhưng cậu lại được nghe rất nhiều từ ông ngoại của mình. Trong nhà của ông ngày xưa ở Đất Đỏ; treo rất nhiều chữ Nho do ông tự viết. Ông dạy con cháu rất nhiều về phận làm con, lấy từ   “Tứ thư”, “Ngũ kinh”: phải hiếu để với cha mẹ. Sau bất trung (trung thành tuyệt đối) thì bất hiếu là tội đáng khinh, đáng lên án nhất đối với một người quân tử ( tụi con có hiểu người quân tử là gì hôn ☺ ?). Mà theo Mạnh Tử, hành động bất hiếu nhất là gì tụi con biết hôn? Là không có con trai để nối dõi tông đường!?. Choáng chưa? Theo tiêu chuẩn này thì cậu thuộc loại đại bất hiếu rồi 😅.Ông bà ngoại của cậu là những người tốt, là điền chủ giàu có nhưng không chèn ép tá điền. Ấy vậy mà những lời dạy bài bản về phận làm con với con cái mình không giúp ông bà trở thành những người cha mẹ hạnh phúc vì sự hiếu thảo của con cái. Trớ trêu hơn nữa, người con được thương yêu nhất, được cho ăn học nhiều nhất, nói rất hay rất nhiều về phận làm con theo “Ngũ kinh”; “Tứ thư” lại là người bất hiếu nhất. Người ấy đánh cả cha mẹ và chị ruột để tranh giành của cải, lừa dối cha mẹ để lấy luôn cả phần tiền ít ỏi của cha mẹ giữ lại để phòng thân sau khi đã chia hết của cho con cái, và nhiều hành động xấu khác không thể chấp nhận được. Thật may mắn, trong 7 người con của ông bà, má của cậu – bà ngoại/bà nội của tụi con là người thực sự hiếu thảo. Bà giành lấy việc nuôi cha mẹ già yếu khi mà các anh chị đùn đẩy cho nhau. Đó là những năm sau 1975, cuộc sống rất cơ cực thiếu thốn. Nhưng lúc đó cậu đã nhận ra một điều mà sau này trở thành giá trị sống theo cậu cho tới bây giờ. Cậu thấy má mình giành lấy bổn phận này giống như giành phần vui, để được vui vẻ. Bà hết sức làm cho cha mẹ vui để mình cũng vui. Bà là người nói rất nhiều nhưng cậu chẳng nghe thấy bà than vãn. Bà tìm thấy niềm vui trong việc làm đó dù không thể nói là nó không cực nhọc. Ông bà ngoại cậu lúc đó không còn đi lại bình thường được, bà ngoại còn bị lẫn không nhận biết được cả con cái. Giá trị sống ảnh hưởng lớn đến trạng thái tinh thần.

Bà ngoại/nội của tụi con là người thực sự hiếu thảo

Giá trị sống mà cậu nói ở trên chính là: Hãy hoàn thành bổn phận vì niềm vui, vì lợi ích của mình chứ đừng vì đơn thuần nó là bổn phận, là trách nhiệm với người khác. Vì niềm vui thì không những ta hoàn thành tốt mà còn làm người được ta hoàn thành bổn phận cũng thấy vui. Chỉ vì trách nhiệm thì khó tránh tâm trạng nặng nề và làm cho người đó không thoải mái.

1/ Xã hội lạc hậu là một xã hội luôn giáo điều về “nghĩa vụ”

 nước lạc hậu thì hầu như nơi nào cũng ca ngợi nghĩa vụ

Khi đi học cậu được dạy rất nhiều về nghĩa vụ, một từ tương đương với bổn phận nhưng được dùng nhiều trong quan hệ xã hội. Lớn lên, cậu quan sát xã hội và thấy rằng người ta dùng nghĩa vụ để ràng buộc nhau, ràng buộc con người với nhà nước. Nhưng trong thực tế cậu lại thấy người ta sống với nhau rất thiếu trách nhiệm. Khi nói thì con người đề cao nghĩa vụ nhưng khi làm thì những hành động vô trách nhiệm lại được khen thưởng. Khi ra nước ngoài, cậu để ý thấy rằng những nước phát triển người ta ít đề cao nghĩa vụ/ bổn phận nhưng họ lại hoàn thành trách nhiệm với nhau rất tốt. Ngược lại, những nước lạc hậu thì hầu như nơi nào cũng ca ngợi nghĩa vụ và những người được cho là vì nghĩa vụ mà sống nhưng thực tế vô số trách nhiệm cơ bản với con người bị bỏ mặc. Ở những nơi đó, sống vì nghĩa vụ được đẩy lên thành một giá trị quá mức để giới cầm quyền lợi dụng nhằm ràng buộc người dân phục vụ lợi ích của giới đó. Hệ  quả là đức hy sinh cũng trở thành giá trị bị lợi dụng quá mức, kèm với đó là thói đạo đức giả lên ngôi để biến những kẻ giỏi lợi dụng người khác thành những người “hết lòng vì người khác”. Thói đạo đức giả này phổ biến đến mức có ngăn cản hầu hết mọi người dám thừa nhận mình làm điều gì đó vì ợi ích của mình dù lợi ích đó mang lại lợi ích thiết thực cho nhiều người. Sự không dám thừa nhận này là nguyên nhân sâu xa khiến người ta khó tìm thấy được niềm vui từ bổn phận mà cậu sẽ phân tích ở phần sau.

2/ Gia đình trong một xã hội như vậy tồn tại vì bổn phận thay gì nhờ niềm vuiMôi trường xã hội như thế tác động mạnh vào gia đình, làm gia đình tồn tại vì bổn phận nhiều hơn là niềm vui – sự hạnh phúc. Sự đề cao quá mức bổn phận trong gia đình thường dẫn tới sự hy sinh quá mức của cha mẹ cho con cái. Điều này lại thình thoảng đi kèm với sự ỷ lại của chúng. Đối với những đứa con biết suy nghĩ thì cha mẹ hy sinh quá mức có thể khiến chúng đau lòng. Ở thái cực ngược lại, sự đề cao bổn phận quá mức có thể dẫn đến sự độc đoán của cha mẹ, buộc con cái phải làm, phải chọn sự nghiệp mà cha mẹ thích. Nhiều bậc cha mẹ muốn như vậy vì nghĩ mình có bổn phận đảm bảo cho tương lai của con những công việc mà mình tin là chúng sẽ thích. Dù hiện tại chúng không thích nhưng họ tin rằng khi kiếm được tiền hoặc thừa kế được sự nghiệp của họ thì chúng sẽ thích. Rồi đến những đứa con, cũng vì bổn phận mà phải làm những mình không thích, từ bỏ những ước mơ, đam mê tốt đẹp. Trong nhà mà thường xuyên bị nhắc nhở về bổn phận thì cảm giác nặng nề và mệt mỏi lắm phải không? Làm sao mà bổn phận vẫn được hoàn thành mà vẫn thấy vui vẻ thì mới hay, phải không?

3/ Sinh ra trong gia đình vì bổn phận, lớn lên trong xã hội vì nghĩa vụ. Con người cũng sẽ chẳng có hạnh phúc

Sự đề cao quá mức bổn phận còn gây ra vần đề rất lớn trong quan hệ vợ-chồng. Rất nhiều người dùng bổn phận để ràng buộc giữ chân vợ, chồng. Nhưng họ quên rằng họ đã đến với nhau vì tình yêu, vì niềm vui và sự say mê/đam mê nhau, chứ không phải vì bổn phận. Nhưng rồi thói quen và truyền thống xã hội khiến họ quên những giá trị ấy, chỉ đề cao bổn phận. Giá trị bổn phận này lại thường khiến họ đánh mất đi sự quan tâm tạo ra niềm vui, duy trì sự say mê lẫn nhau mà họ sai lầm cho rằng chúng không thể còn khi đã là vợ chồng. Có nhiều lúc, người chồng/người vợ càng ràng buộc bạn đời bằng bổn phận thì càng khiến người ấy thấy nặng nề, càng mất niềm vui sống. Nhưng có rất nhiều người không hiểu được vấn đề này, nhất là phụ nữ Á đông. Nhiều người chồng/người vợ thường oán trách: Tôi đã hoàn thành bổn phận làm chồng/vợ, rể/dâu, cha/mẹ. Vậy mà…” Nếu có níu kéo được bằng cách đó thì cũng khó mà hạnh phúc. Họ không có được niềm vui từ sự chia sẻ, thấu cảm, tự tin, tin tưởng nhau nên cũng không có được sự say mê, cần nhau. Thiếu sự say mê này thì quan hệ tình dục càng không bền vững. Nhưng quan hệ này lại bị gán là nguyên nhận chính khiến bạn đời không còn say mê mình. Đây là một sai lầm lớn mà thế hệ tụi con cần tránh. Nó là một dạng của vần đề: “không nhìn nhận nguyên nhân từ hạn chế của chính mình mà thường tự trấn an mình bằng cách đổ lỗi cho bên ngoài”. Vấn đề này khá phổ biến đó, nhất là trong các xã hội truyền thống – nơi người ta có truyền thống đề cao quá mức bổn phận/nghĩa vụ. Họ cho rằng khi tôi đã hoàn thành bổn phận thì tôi không có gì sai sót cả. Từ đó hình thành nên thói quen tâm lý trách cứ chứ không chịu sửa mình.

Tân đệ phất phu nhân Pháp lớn hơn chồng 25 tuổi. Cặp vợ chồng xuất sắc này xuất hiện trước công chúng sau lễ nhậm chức và nói rằng họ vẫn say mê nhau sau hơn 15 năm kết hôn. Họ cho biết bí quyết là sự chia sẻ nhờ thông hiểu nhau, cùng nhau hướng đến mục tiêu cao đẹp và những giá trị giống nhau. Chính người vợ này đã truyền cảm hứng và duy trì  ước mơ cho Macron thay đổi nước Pháp. Bà cũng là người viết các diễn văn tranh cử cho chồng. Hẳn là họ phải rất hiểu nhau và cùng chia sẻ nhau nhiều giá trị chung thì người viết người nói mới đồng điệu như vậy được. Một minh chứng rõ ràng cho sự say mê, cần nhau nhờ tự tin, tin tưởng và thông hiểu nhau phải không.

Một minh chứng khác gần gũi hơn là hai bác Hans và Renate của Trâm, Quân. Đây cũng là một cặp vợ chồng đặc biệt. Bác Renate hơn bác Hans đến 4 tuổi và sống với nhau hơn 25 năm rồi mà vẫn chưa có con. Nhưng đến giờ họ vẫn say mê nhau. Bác Renate không phải là một phụ nữ đẹp bên ngoài theo mắt nhìn của nhiều người. Bác Hans thì Roger Federer còn phải thua về độ đẹp trai, cả về vóc dàng lẫn khuôn mặt. Là bạn thân của bác Hans nên cậu biết các cô gái đẹp tơ tưởng bác thế nào 😍. Nhưng chẳng có gì chia tách họ được cả. Năm nào họ cũng cùng nhau đi du lịch khám phá thếgiới cả tháng trời. Hans nói với cậu rằng bác ấy không thể tìm đâu sự chia sẻ thông hiều với mình hơn bác Renate. Họ rất thành công trong sự nghiệp, mỗi người một công việc. Có lần cậu hỏi trước cả hai người: “hai bạn có cãi nhau không” Họ nói “Ít thôi, nhưng có cãi thì cũng phải làm cho vui” Bí quyết của họ đó. Tụi con phải học nha hôn. Về bổn phận, với họ thì khỏi phải bàn rồi. Họ sống rất trách nhiệm, không chỉ với nhau mà với cả người nhà, người ngoài. Tấm lòng quảng đại của họ với Trâm, Quân thì tụi con biết rồi. Họ làm như vậy vì thấy mình có trách nhiệm với một lý tưởng cao đẹp cho một dân tộc không giống như họ. Khi cậu cảm ơn tấm lòng đó, họ nói sao tụi con đoán được không: “Đừng bận lòng. Tụi tui vui khi được giúp để bạn hoàn thành  ước mơ của mình. Không dễ có đực niềm vui như vậy”. Hay quá phải hôn? Niềm vui, luôn tạo ra và tìm thấy niềm vui là bí quyết để họ hạnh phúc và giàu có, cả về tiền bạc lẫn những điều và quan hệ tốt đẹp. Chẳng khi nào cậu nghe họ nói về bổn phận hoặc ràng buộc người khác bằng bổn phận cả. Cậu bỗng nhớ lại hồi trẻ, lúc mới vào đời, nhiều người dạy cậu rằng: giúp ai thì phải làm họ khắc ghi ơn nghĩa để ràng buộc họ khi mình cần. Xã hội cứ đạo đức giả như thế thì sao mà không đủ thứ vấn đề được. Thật tình là cậu cũng đã từng thử theo lời dạy đó nhưng đã nhận ra ngay sự xấu xa của nó. Nó không chỉ khiến mình thấy mình tồi tệ mà còn rất nặng nề😖, mất đi niềm vui của sự chia sẻ giúp đỡ. Hình như đây là chiêu của bố già trong: “The God Father”, chắc là cậu nhớ không lầm.

4/ Nhìn nhận nghĩa vụ và bổn phận như thế nào mới đúng?

Bổn phận/nghĩa vụ là trách nhiệm đương nhiên, mặc nhiên, vốn có. Nó cần được quan tâm chứ không phải là quá đề cao. Có lẽ chỉ trong những môi trường nào mà bổn phận/nghĩa vụ bị bỏ bê thì người ta mới thấy cần phải đề cao nó. Sự đề cao này không chỉ tạo ra những vấn đề đã nêu trên mà còn làm người ta kể lể. Con cái kể lể bổn phận với cha mẹ đã không thể chấp nhận được, vậy mà vẫn không thiếu cha mẹ kể lể với con cái, giới cầm quyền kể lể với dân chúng. Việc hoàn thành những bổn phận đó là phải như vậy, là lẽ thường nhưng bị đẩy lên thành những thứ được ca tụng quá mức. Nghe rất nặng nề và chẳng ra làm sao cả. Vậy mà vẫn tồn tại nhan nhản trong những xã hội và nhà nước lạc hậu – những nơi đạo đức xuống cấp nghiêm trọng.

Vài đứa trong tụi con sắp bước vào cuộc sống hôn nhân và sẽ có con. Tụi con sẽ thấy nuôi con bằng niềm vui khác hẳn chỉ bằng bổn phận. Tụi con may mắn đó, vì cha mẹ tụi con là những người đề cao niềm vui khi nuôi dạy con. Vì vậy không bắt ép tụi con. Nuôi con bằng bổn phận thì chỉ có động lực thôi. Còn nuôi con bằng niềm vui thì có thêm một nguồn năng lượng gần như vô tận. Rồi tụi con cũng sắp tới lúc chăm sóc cha mẹ, cũng cần thấy đó là niềm vui chứ không chỉ là bổn phận. Ba mẹ tụi con đang chăm sóc cho ông bà đúng như vậy phải không? Người ta đùn đẩy nhau vì thấy việc đó là bổn phận nặng nề, nhưng sẽ giành lấy nó nếu thấy được niềm vui, rồi cùng nhau tạo ra niềm vui và tận hưởng.

Như vậy cốt lõi của bí quyết hoàn thành bổn phận bằng niềm vui là ở chỗ làm sao để mình thấy vui dù có vất vả hoặc mất mát. Câu trả lời của cậu có thể làm không ít người ngay lập tức phản đối. Nhưng nó là một giải pháp thực tế và khoa học được cậu nghiên cứu và rút ra từ chính nhưng trải nghiệm của mình. Như cậu đã viết ở trên: khi ta không dám thừa nhận ta luôn làm gì đó vì lợi ích của mình thì ta khó mà tìm được niềm vui trong bổn phận với người khác.

Tụi con đã biết trong các lý thuyết khoa học của cậu về Quy luật phát triển xã hội, tiền đề cậu chấp nhận là: “Bản chất của con người là hướng lợi”. Bản chất này là như nhau, không thay đổi với mọi người. Giải pháp làm xã hội tốt đẹp là làm sao để quan điểm lợi ích của con người ngày càg văn minh, nhiều giá trị tinh thần hơn giá trị vật chất; nhân văn hơn, cộng đồng hơn.

Thừa nhận bản chất của con người là hướng lợi

Vì bản chất hướng lợi nên người ta chỉ thấy vui khi đạt được điều gì đó cho mình. Do đó khi thực hiện một bổn phận với người khác, ta sẽ thấy vui nếu ta thấy điều ta làm được cho họ cũng chính là làm cho ta. Nhưng vì định kiến nên rất ít người dám thừa nhận công khai mình đang làm gì đó cho chính mình. Những định kiến lạc hậu đó có thể dẫn đến sự lên án gay gắt đối với sự thừa nhận với chính mình luôn; tệ hơn nữa là hình thành nên thói đạo đức giả: vì mình nhưng lúc nào cũng nhân danh vì người khác. Các định kiến lạc hậu đó làm người ta sợ. Nỗi sợ đó làm họ không dám thừa nhận với chính mình rằng mình làm gì đó vì lợi ích của mình, một cách vô thức. Đây là lý do vì sao những người hay sợ hãi, thiếu tự tin có ít niềm vui. Đó là chưa kể cơ chế nhân sợ hãi khiến người ta luôn bất an và thỉnh thoảng khiếp đảm

Nếu cơ chế “sợ hãi-mất niềm vui” sử dụng vô thức để vận hành thì giải pháp để vượt qua nó là sử dụng ý thức, bắt đầu là thừa nhận mạnh dạn bản chất hướng lợi của con người. Phải thấy đó là việc bình thường và chính đáng. Đó là sự thật đang tồn tại thực tế và rất phổ biến, có thể nói là phổ quát. Vì vậy mà chẳng có gì xấu xa hoặc sai trái khi tôi làm điều gì đó cho bạn để tôi có được điều gì đó cho tôi, và tôi vui vì cả tôi và bạn cùng được. Và tôi sẽ vui hơn nữa nếu bạn cũng làm như vậy đối với tôi. Ý thức đó giúp ta xác định rõ mục đích và lợi ích của việc ta làm. Với cậu, ý thức đó còn đưa đến cho cậu những trải nghiệm kỳ diệu: khi có được ý thức đó thì tâm thức phân biệt trong cậu giảm đi đáng kể. Cậu thấy người khác vui thì cậu cũng vui dù họ là đối thủ của mình. Vì vậy mà những người xem cậu là kẻ thù rất khó khiến cậu buồn khổ, lấy mất năng lượng của cậu. Ngược lại, cậu có được rất nhiều năng lượng, vô cùng lớn. Tụi con thử nghĩ đi, khi mình làm cho vài người vui để mình vui thì mình đã rất phấn chấn rồi. Năng lượng ấy lớn đến thế nào khi có rất nhiều người cùng vui. Điều đó tạo ra động lực ghê gớm lắm. Nó giúp ta vượt qua được những khó khăn thử thách khắc nghiệt nhất. Vì sao? Vì ta thấy cái mình đạt được trong niềm vui đó rất to lớn, và ta sẽ còn có được nhiều thứ khác tốt đẹp hơn từ đó. Chứ không phải chỉ vì ta có bổn phận. Cảm thấy mình có bổn phận với người khác là điều rất tốt nhưng nó không đủ để ta hoàn thành tốt bổn phận đó.

24/5

Khi xây dựng được ý thức thừa nhận bản chất hướng lợi của con người tụi con sẽ thấy mình có được những sức mạnh từ quy luật tự nhiên, vì khi có ý thức đó ta sẽ hòa vào bản chất tự nhiên của vũ trụ nên có thể nhận được sự tương tác năng lượng với nhiều sức mạnh thiên nhiên. Đây là trải nghiệm đã được cậu thực chứng nhiều lần và tin nó như một tiêu đề (Premise – thấy hiển nhiên nhưng không chứng minh được) như tiên đề Euclide trong hình học vậy. Chấp nhận tiên đề, từ đó ta sẽ xây dựng được cả một phương pháp khoa học. Thừa nhận bản chất hướng lợi tự nhiên của con người thì ta sẽ tôn trọng sự vận động lợi ích của người khác. Những sức mạnh to lớn nói trên được hình thành từ sự tôn trọng này. Chúng không chỉ giúp ta có được năng lượng, niềm vui từ sự thành công của người khác mà còn hỗ trợ ta vượt qua được những định kiến lạc hậu, những đám đông bầy đàn đang ca ngợi sự “quên mình” và đè nén cái tôi “cá nhân”. Hầu hết những đám đông đó được dẫn dắt bởi những kẻ đạo đức giả đang hưởng lợi lớn nhờ nhiều người không dám vận động cho lợi ích của mình và nhờ nhiều người lầm tưởng những kẻ đó đại diện và vận động cho lợi ích của mình. Nhân danh lợi ích của “muôn người” để đè nén, trừng phạt một số người chính là biểu hiện của những đám đông như vậy. Cậu đang đọc cuốn “Thiện, ác smartphone” và biết rằng sự nguy hại của đám đông bầy đàn (dựa vào bản năng bầy đàn chưa kịp tiến hóa của con người, tức của những người chậm tiến hóa 😏) hiện nay thật ghê gớm. Vì vậy tụi con cần rất chú ý trong quá trính tiến đến sự thừa nhận bản chất hướng lợi tự nhiên của mình, có những sự cuồng nộ của đám đông kiểu đó để mà có cách tránh được hoặc vượt qua hữu hiệu. Các phát ngôn thù ghét (Hate speech) kiểu như: “Thằng/con đó vì lợi của nó…” kéo theo những lời ủng hộ/like nhao lên là sản phẩm không thể thiếu của cái đám đông đó. Có những lúc chúng ta phải khéo né tránh đó, nhưng cũng có lúc – nhất là những lúc quyết định – ta phải đối mặt và đánh bại chúng. Sức mạnh của những đám đông như vậy là nhờ tạo ra được nỗi sợ hãi, khiến người ta bị nhiều người chê trách vì những hành động khác với đám đông. Từ đó buộc người ta phải rập khuôn theo chúng. Nhưng nếu ta không sợ, vượt lên trên sự gào thét thì sức mạnh của chúng tự nhiên mất. Và nếu ta đủ sức cho thấy ta vẫn tồn tại tốt nờ những gì khác chúng thì những đám đông đó sẽ dần tiêu tan.

Thực ra cách thức để có được ý thức thừa nhận bản chất hướng lợi để có được niềm vui và sức mạnh không phức tạp như cách cậu diễn giải ở trên đâu. Sự diễn giải đó để cậu cho thấy tiến trình diễn ra kết quả theo cách tự nhiên (theo quy luật) thôi. Chỉ cần bắt đầu bằng sự thừa nhận, rồi tôn trọng lợi ích và quyền vận động lợi ích của người khác, đồng thời luôn lưu ý tìm thấy từ bổn phận hay bất cứ công việc gì ta làm thì sức mạnh và niềm vui sẽ đến với ta một cách tự nhiên thôi, không phải quá vất vả đâu. Tìm thấy niềm vui vẫn có từ chính những việc cực nhọc nhất thì ta sẽ tìm thấy nó. Nhiều người thấy cực nhọc thì né tránh, không né được thì miễn cưỡng làm cho xong nên thấy nặng như chì. Khi nào mà tụi con thấy say mê trong hầu hết việc mình làm dù có những việc mình không thích thì lúc đó đã đạt được năng lực đặc biệt này rồi đó.

Trong các quan hệ, hãy làm cho người ta say mê, cần mình, chia sẻ với mình chứ đừng khư khư lấy bổn phận/nghĩa vụ ra mà ràng buộc. Trong hôn nhân hay trong công việc cũng vậy thôi. Khi đem những trách nhiệm này ra để buộc nhau thì vấn đề đã nảy sinh rồi, rất dễ đi đến các hành động pháp lý (legal action). Áp dụng được cách thức này, ta sẽ có được nghệ thuật lãnh đạo rất hiệu quả. Tạo động lực cho nhân viên bằng niềm vui của sự say mê công việc, qua đó họ thỏa mãn đam mê và ước mơ của mình thì hơn hẳn động lực từ việc làm cho họ ý thức bổn phận của mình , phải không? Cậu đang đọc cuốn “Elon Musk” của Trang tặng. Space X có rất nhiều vấn đề, cũng như cá tính của Musk. Nhưng đó là nơi duy nhất những người đam mê chinh phục không gian và muốn thay đổi sự quan liêu và tốn kém của ngành công nghiệp vũ trụ truyền thống có thể thực hiện được ước mơ của mình, nơi những người rất trẻ chỉ ra trường được trao niềm tin và quyền quyết định được dễ dàng chấp nhận chỉ bằng kiến thức và khát vọng của mình. Đọc 2/3 cuốn sách rồi nhưng cậu không nghe Musk chỉ huy theo kiểu bổn phận của anh là thế này thế kia. Thay vào đó là: người ta đã làm cái này tốn 100 ngàn đô, chúng ta chỉ cần nó mất 10 ngàn đô, anh làm được không? Vì vậy mà nhân viên Space X tự nguyện làm 12-16 tiếng/ngày x7 ngày /tuần để tự quyết định và giải quyết vấn đề. Nếu biết rằng hầu hết người lao động MỸ không thích làm quá 8h/ngày x 5 ngày/tuần dù được trả ngoài giờ rất cao thì ta sẽ thấy động lực của những người làm việc cho Space X lớn đến như thế nào. Bổn phận (được nêu trong mô tả công việc) thì phải rõ ràng, nhưng chỉ bổn phận thôi không đủ để tạo nên những đột phá kỳ diệu, những câu chuyện “cổ tích” trong hôn nhân lẫn sự nghiệp.

Kết quả hình ảnh cho tesla empire

Nếu chỉ tạo động lực cho nhân viên bằng ràng buộc nghĩa vụ và trách nhiệm thì Tesla sẽ không thể trở thành một đế chế như bây giờ

Nếu không muốn làm lãnh đạo thì kỹ năng trên cũng rất hiệu quả cho nghệ thuật làm cha mẹ. Bắt ép và dùng bổn phận làm con để ràng buộc là một cách rất kém. Làm sao con say mê, vui thích những việc mình thích mới là “cao thủ” :). Biết đâu có đứa đã là “nạn nhân” của bậc “cao thủ” này rồi 🙂 Nhưng đọc nhiều thư của tụi con kể nhiều bạn bè mình không thể theo đuổi đam mê vì bị ba mẹ bắt ép thì xem ra xã hội đang cần rất nhiều “nạn nhân” và “cao thủ” thế này.

25/5

No hỏi kinh nghiệm quản lý của cậu với những người “nước đến chân mới nhảy”, làm sao để phát huy hết khả năng của họ.  Trước hết, kinh nghiệm cho cậu thấy rằng nguyên nhân của cách làm việc này là những người này thiếu niềm vui nhưng có bổn phận. Nếu làm vì niềm vui thì người ta sẽ luôn tận dụng mọi thời gian làm việc của mình để tận hưởng niềm vui. Vì thiếu niềm vui nên họ chỉ cố gắng hoàn thành bổn phận khi áp lực về thời hạn của nó trở nên mạnh mẽ. Với những người thiếu ý thức  thì họ bỏ luôn hoặc tìm cách để đổ thừa. Với những người có trách nhiệm thì dù có hoàn thành được chất lượng công việc vào giờ chót thì tổng thể hiệu suất vẫn không cao so với những người duy trì phong độ đều đặn. Hơn nữa, “nước đến chân mới nhảy” thường tạo ra những rủi ro về thời gian, gặp vấn đề lớn thì trở tay không kịp. Do đó người quản lý thường chỉ chấp nhận những người “có tật có tài” đó sẽ bị thay thế khi có được người giỏi chuyên môn gần tương đương nhưng không có “tật”. Thứ hai, các nhà quản lý cao cấp không chấp nhận cấp quản lý  của mình là những người “nước đến chân mới nhảy”. Những người này thường chỉ được chấp nhận làm chuyên môn và được tạo điều kiện để sáng tạo theo ngẫu hứng, tốt hơn là để họ tham gia vào các dự án đòi hỏi thời hạn và sự phối hợp.

Con viết: “con cảm thấy con phù hợp phát triển về mặt con người hơn là chuyên môn”. Đây là dấu hiệu để con nên suy nghĩ thật kỹ và xác định hướng thăng tiến của mình bằng những kỹ năng mềm để dần trở thành thủ lĩnh, người quản lý. Con có một nền tảng chuyên môn rất lớn trong lĩnh vực con mà con đã xác định là mình thích. Dùng nền tảng đó bằng những kỹ năng mềm để truyền cảm hứng cho mọi người phát triển chuyên môn và sáng tạo.

26/5

Về người bạn designer của con – người nói rằng: “không thể để mất cân bằng giữa công việc và gia đình”. Con thấy bạn ấy có lý là đúng đó. Có nhiều sự lựa chọn về cách sống. Chúng phù hợp, tốt hay không phụ thuộc nhiều vào từng giai đoạn của cuộc đời và vào quan điểm lợi ích của từng người. Lựa chọn làm việc như điên bất kể giờ giấc như các kỹ sư ở Space X và Tesla là lựa chọn khó khăn nhưng nó giúp họ thỏa mãn đam mê, ước mơ của mình để có thể tạo ra những cống hiến đột phá, để có được những niếm vui rất to lớn. Lựa chọn đó phù hợp với họ, có thể vì họ rất trẻ chưa lập gia đình, có thể vì gia đình họ thích nghi và hỗ trợ được cách làm việc đó. Nhưng chắc chắn là nó không thể kéo dài mãi, tức là không thể phù hợp cho mọi giai đoạn. Trong quyển “Elon Musk” có nói về một anh chàng đã làm việc liên tục 16 giờ/ngày trong 16 năm rồi. Quả thật đó là con người phi thường nhưng chắc chắn anh ta sẽ phải thay đổi trong những năm tới cho tới khi nào anh ta còn thấy mức độ làm việc đó giúp anh ta vui vẻ và vợ con anh ta (nếu anh ta thích lập gia đình) không đòi hỏi anh ta dành nhiều thời gian cho gia đình – một đòi hỏi chính đáng. Còn một cái quan trọng nữa là tới khi nào sức khỏe anh ta cho phép. Cái này thì không nên phung phí chút nào cả, kể cà cho những niềm vui lớn đi nữa. Nếu đánh đổi nó quá mức thì chẳng còn được mấy vui vẻ nếu rơi vào bệnh tật. Cậu luôn khuyên tụi con lựa chọn cách sống cân bằng giữa các mặt và quan hệ khác nhau trong cuộc sống là vì vậy, không nên quá lệch về một mặt/quan hệ nào cả. Nhưng cần biết xác định ưu tiên trong từng giai đoạn. Khi cần dồn sức cho những chiến dịch quan trọng, đòi hỏi phải làm ngoài giờ, làm đêm thì ta nên sẵn sàng tham gia. Nhưng đó phải là những chiến dịch có ý nghĩa, chứ không phải để giải quyết những bê bối của ai đó lập đi lặp lại. Và một cái nhưng nữa: công sức làm thêm đó phải được tính toán đầy đủ, không được để người khác lợi dụng danh nghĩa “quên mình” , lợi ích chung chung để sử dụng giá trị của người lao động miễn phí. Ta chấp nhận điều này là chấp nhận cho cái xấu. Space X nhận thấy rằng trả cho 1 người làm 16 giờ/ngày nhiều tiền hơn trả cho 2 người làm 8 giờ/ngày nhưng hiệu quả nhận được từ 1 người cao hơn nhiều. Trong những trường hợp Start-up, nếu công ty không đủ khả năng trả hết cho các chi phí làm thêm thì phải cam kết bằng tùy chọn cổ phần (share option) hoặc những cách thức bù đắp lợi ích khác khi công ty thành công. Còn về liệu những người không để mất cân bằng giữa công việc và gia đình như bạn con có thể tiến xa hơn nữa không thì tùy thuộc vào môi trường công ty. Những người kiểu này có lẽ sẽ khó thăng tiến trong Space X trước đây nhưng nếu ở Google thì họ sẽ có nhiều lợi thế. Nhưng trong môi trường nào đi nữa, những người đạt được cân bằng vẫn có thể đi xa và bền vững hơn những người quá thiên lệch.

Về người còn lại No nêu trong thư NO-1 cậu đồng ý là với tính cách không dám tự khẳng định, muốn làm vừa lòng mọi người thì khó tiến xa được trong thời đại ngày nay dù trong môi trường nào đi nữa. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn tồi đâu. Nhiều người có tính cách như vậy và họ thấy vui khi hành xử như thế. trong các tổ chức thì cũng cần có những người như vậy được đặt vào những vị trí dễ gây ra xung đột lớn. Thường thì vị trí như vậy không đòi hỏi ở các cấp quản lý cao nên có thể họ sẽ không tiến cao được. Nhưng chắc gì những người đó muốn tiến cao hơn. Nhiều người yêu thích sự ổn định và ít áp lực nên ở một chỗ lâu năm hoặc tiến rất từ từ là lựa chọn tốt của họ. họ thấy vui vì vậy. Trong xã hội cũng cần nhiều người như vậy, chứ không phải đều chạy ào ào, bay vèo vèo hết được :). Nói chúng là nếu người đó muốn thăng tiến nhanh mà chọn cách như thế thì đó là lựa chọn thất bại. Nhưng nếu anh ấy thích ổn định từ từ thì anh ấy đã quyết định khôn ngoan đó, để thấy vui vẻ và phù hợp với mình.

Cậu cảm ơn góp ý của No về cách viết dứt điểm ý từng đoạn, không lặp lại nha. Để cậu đọc lại thư mẹ con chụp gửi lại cho cậu rồi sẽ trao đổi với con. Cậu vẫn tập dây đàn hồi của con cho mỗi ngày, nhưng chỉ có 15p/ngày, 15p nữa là Yoga. Cậu bị eo hẹp thời gian quá. Phần vì thiếu động lực, niềm vui. Em gái con đặt hàng cậu “dợt”con mà không chuyển tiề ứng trước gì cả. Nhưng có tin này có thể khiên con ớn lạnh xương sốnè: cậu tập làm đứt dây đó 2 lần rồi, phải nối lại đó 🙂 Nhưng yên tâm đi, con sẽ không bị gì tới khi nào con đủ tiền sửa nhà để làm tổ ấm của mình đâu 🙂 Ack ack…

Trang ơi! Đọc mấy cuốn sách con tặng cậu thích ghê. Nhờ vậy mà cậu mới không  “mật báo” cho anh No của con đi điều tra ngay “anh Nu là thằng nào”. Trong cuốn “Elon Musk” lời đề tặng, con giới thiệu với cậu là: “Con Trang – bạn gái của anh Nu”, Còn giấy trắng mực đen ở đây nè. No phải hết sức bình tĩnh mà sống nghe hôn 🙂 CHúc hai đứa luôn vui vẻ, gây cũng phải vui nha hôn.

Thương các con cháu của cậu.

This entry was posted in Thư Trại 6. Bookmark the permalink.

1 Response to Thư 90B

  1. Pingback: Bản tin ngày 12/7/2017 | Tiếng Dân

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.